Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Trung Quốc dừng ‘ăn cơm’ Việt Nam xuất khẩu gạo tuột dốc

Năm nay tròn 30 năm Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới với tư cách là một nước xuất khẩu gạo (1989 - 2019). Tuy nhiên những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang xấu đi.

Trung Quốc dừng ‘ăn cơm’ Việt Nam xuất khẩu gạo tuột dốc
Mất bạn hàng lớn nhất

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,32 triệu tấn gạo, chiếm 23% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 42,36% so với năm 2017. Từ đầu năm đến nay hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký bán gạo vào thị trường Trung Quốc, và họ vẫn đang tìm kiếm các hợp đồng từ thị trường đông dân ‘ăn cơm’ nhất thế giới này.

Thông tin trong giới kinh doanh lúa gạo khu vực cầu Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, hôm 21-1-2019, trong buổi gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ quốc gia này lên 400.000 tấn cho năm 2019. Năm ngoái 2018, Trung Quốc là bạn hàng mua gạo lớn nhất của Campuchia, nhập khẩu 170.154 tấn.

Thoạt nhìn sẽ thấy con số này chỉ là con số lẻ so với Việt Nam, nhưng đây lại là loại gạo có phẩm chất ngon hơn gạo Việt Nam. Và một số thương gia ở Sài Gòn cũng dự báo Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu gạo Việt Nam trong năm nay, xuống chỉ khoảng từ 500.000 – 600.000 tấn, sau những chính sách thắt chặt nhập khẩu.

Trong lá thư đề ngày 15-2-2019 gửi các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Ngọc Nam hối thúc các hội viên thực hiện thu mua dự trữ để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả cho nông dân.

Ông Nam đưa ra 4 giải pháp: (1) Thực hiện thu mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP. (2) Đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. (3) Chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các doanh nghiệp hội viên. (4) Đề nghị hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng.

Thực tế, từ cuối năm 2018, thị trường lúa gạo đã trầm lắng. Đến sau Tết âm lịch, vào vụ thu hoạch rộ nên giá lúa liên tục giảm.

Đừng sợ những ông chủ điền

Ghi nhận ý kiến của những chủ chành lúa gạo khu vực cầu Bà Đắc - chợ bán sỉ gạo duy nhất ở vựa lúa miền Tây, thì thu mua tạm trữ là giải pháp mà nhà nước đã áp dụng rất nhiều lần, nhưng người nông dân vẫn không được hưởng lợi đáng kể, còn ngành lúa gạo vẫn không giải quyết được những vấn đề cốt lõi, chất lượng thương hiệu lúa gạo không được cải thiện, và một vài năm lại chờ ‘giải cứu’.

“Bài toán của ngành lúa gạo là phải xây dựng được cánh đồng liên kết giữa nhà nông với nhau, và giữa nhà nông với doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là vốn. Tình thế hiện nay một lần nữa cho thấy dung lượng của thị trường lúa gạo nhỏ và rất dễ rơi vào cảnh chờ giải cứu nếu chúng ta vẫn cứ tăng số lượng, thay vì đầu tư vào chất lượng.

Ngoài ra vấn đề tư hữu đất đai nông nghiệp cần phải được xác lập, thay vì cứ tiếp tục tư duy quản lý kiểu ‘đất đai là sở hữu toàn dân’. Đừng sợ người dân sẽ là những ông chủ điền như miền Nam thuở trước!”. Ông Hai Tường, chủ một nhà máy xay xát lúa ở chợ gạo Bà Đắc, nói.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 19-2, làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.

Trong một diễn biến khác, theo lời kể của ông Trương Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International LTd. H.K, thì tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có nhiều ý kiến đề nghị tạm trữ nhưng dưới hình thức không như trước, và có thể sẽ phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu gạo.

“Chính phủ nên cho mua tạm trữ với số lượng 500.000 tấn gạo, với hình thức phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Họ được vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi từ 6% - 6,5%”.Ông Trương Thanh Phong cho biết. Tuy nhiên kết quả cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từ chối giải pháp đó.

Tại ai mà nông dân vẫn nghèo ngay trên vựa lúa số một quốc gia?

Theo ghi nhận, tại một số xã của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, giá thu mua sáng ngày 20-2 đối với lúa Nàng Hoa khoảng 4.950 đồng/kg, lúa IR50404 là 4.350 đồng/kg. Mức giá này tuy có tăng 50 đồng so với mấy hôm trước đó, song lại giảm từ 300-400 đồng/kg so với trước Tết nguyên đán, và giảm gần 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm 2018. Như vậy, chỉ tính riêng giá lúa giảm, mỗi hecta lúa, nông dân mất khoảng 8 triệu đồng.

Lâu nay người ta vẫn nói là miền Tây có vựa lúa lớn nhất nước, song nông dân nơi đây vẫn không thể nào giàu có lên đến. Thử tính, giả định một gia đình 4 người có 1 ha lúa thuộc quyền sở hữu của mình (mặc dù là trong thời hạn 49 năm). Mỗi năm làm 2 vụ, được 12 tấn lúa. Với giá làm tròn là 5 ngàn đồng/kg (hiện nay thấp hơn nhiều lắm rồi), tổng thu 60 triệu đồng, trừ chi phí còn 30 triệu đồng. Số tiền này chia đều cho 4 người, vị chi mỗi người chỉ được 7,5 triệu đồng/năm, 625 ngàn đồng/tháng, chưa đầy 21 ngàn đồng/ngày.

Nếu ăn 3 bữa thì mỗi bữa ăn chưa đầy 7 ngàn. Tuy nhiên, với 7,5 triệu đồng mỗi năm ấy họ không chỉ ăn 3 bữa mà còn phải chi tiêu cho nhiều việc khác như cưới hỏi, ma chay, thôi nôi, tân gia; nghĩa vụ với cha mẹ già, bệnh tật; rồi tiền trường, tiền lớp cho con cái...

Nghèo ngay trên vựa lúa số một Đông Nam Á là điều không gì bàn cãi.
 
Nguyễn Hồng Phúc

(VNTB)

Không có nhận xét nào: