Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

“HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4” ĐẶNG VĂN VIỆT (Kỳ 1)

Điều tra của Phạm Viết Đào.


          “Hùm xám đường số 4” là danh hiệu mà người Pháp tặng cho Đặng Văn Việt (sinh năm 1920), ông là một cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          “Ông nguyên là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Danh hiệu này do bởi thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage  Pierre Charton.(WikiPedia)
          Cuộc đời, số phận của Đặng Văn Việt đầy gieo neo trắc trở không kém hơn Hàn Tín. Để hiểu thêm về Đặng Văn Việt, Phạm Viết Đào xin giới thiệu một vài câu chuyện, tư liệu về ông do chính ông kể lại và thu thập qua một số nhân chứng để hy vọng: góp phần nhắc các nhà viêt sử cận đại chớ có quên ông.

TÁC GIẢ CỦA KẾ HOẠCH ĐÁNH ĐÔNG KHÊ LÀ: TRẦN CANH, VÕ NGUYÊN GIÁP HAY ĐẶNG VĂN VIỆT?
          Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 còn gọi là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2, là một chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương do quân đội Việt Minh thực hiện từ ngày 16 tháng 9 đến 14 tháng 10 năm 1950, nhằm phá thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ. Một mục tiêu khác nữa là mở rộng căn cứ địa và tiêu diệt một phần sinh lực quân đồn trú của Pháp, thử nghiệm các chiến thuật cho Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đó còn thiếu kinh nghiệm đánh lớn.
          Kết quả:
          Pháp
          Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản chiến lược quân sự chính trị của Pháp. Vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang đông - tây bị chọc thủng, kế hoạch Reve cơ bản bị sụp đổ. Tổn thất hơn 8.000 lính trong 1 chiến dịch là một thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược thuộc địa của đế quốc Pháp. Mất quyền chủ động quân sự, Pháp cũng mất quyền chủ động về ngoại giao, chính trị.
          Tin thất trận làm chính phủ và quốc hội Pháp lo ngại sợ hãi. Ngày 15-10-1950, thủ tướng Pleven cử một phái đoàn gồm Bộ trưởng Liên kết Letourneau, tướng Juin và tướng Valluy sang Đông Dương để điều tra. Quốc hội họp phiên đặc biệt ngày 19-10-50. Ngày 17-10-50, Bộ trưởng Letourneau và hai tướng Juin, Valluy tới Saigon. Phái đoàn được các nhà chức trách quân sự tức tốc trình bày tình hình đặc biệt ở Bắc Việt Nam. Phái đoàn Letourneau tới Hà Nội giữa không khí chủ bại và hoảng sợ bao trùm. Những tin đồn rộ lên là Hồ Chí Minh hứa sẽ mang quân vào Hà Nội ăn Tết Tân mão 1951, làm các công chức Pháp lo sợ, phải tản cư gia đình của họ vào Sài Gòn.
          Tướng Marchand chỉ huy Hà Nội và đại tá Constans chỉ huy Lạng Sơn bị lột chức, tướng Alessandri chỉ huy Bắc Kỳ xin thuyên chuyển về Pháp, tướng Boyer de la Tour được cử thay thế tạm Alessandri. Tướng Carpentier nhờ được sự che chở của tướng Juin nên không bị trừng phạt nhưng cũng bị mất chức. Chính phủ vội tìm người có đủ uy tín và khả năng để giao phó Đông Dương vào tay người đó. Tướng Juin, tướng Koenig được mời nhưng đều từ chối, tướng De Lattre de Tassigny nhận lời.

          Việt Nam

          Việt Nam đã đạt được toàn bộ mục tiêu đề ra, thành công hoàn toàn trong chiến dịch. Họ đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 lính đối phương, gồm 7.000 lính Âu- Phi và hơn 1.000 lính pạc-ti-dăng (bắt sống 3.576, có 3.000 là lính Âu - Phi).Quân đội Nhân dân Việt Nam thu 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh; gồm 2.000 súng đại liên, trung liên, 8.500 súng cá nhân, 450 xe vận tải, 13 trọng pháo, 120 súng cối và 3.500 quả đạn, ba tiểu đội thiết giáp, 12.500 viên đạn đại bác 105mm, 7.000 viên đạn súng không giật, 5 triệu viên đạn súng bộ binh, 600 tấn xăng. Quân trang thu hơn 4000 áo capot, đủ trang bị cho hơn 2 trung đoàn. Quân lương như Gạo, Bột mì, muối, đường, sữa... thu 1.279 tấn, quân y thu 8 tấn thuốc men.
          Ý nghĩa lớn về mặt quân sự của chiến dịch không phải là số đất được chiếm hay số quân bị bắt. Vành đai đồn bốt Pháp thực hiện sau năm 1947 để bao vây Việt Bắc đã được phá hủy hoàn toàn. Khai thông biên giới Việt- Trung (từ Cao Bằngđến Đình Lập), mở rộng địa bàn kiểm soát lên đến 4.000 km² và 35 vạn dân. (Chỉ tính số đất về tay Việt Nam dọc RC4, chưa tính hàng loạt các vùng du kích được mở rộng khi đánh mạnh phối hợp với quân chính quy). Chiến dịch khai thông một đoạn biên giới dài, nối Việt Bắc với các đồng minh lớn thành một dải liên tục đến tận châu Âu. Hàng loạt các đồng minh quan trọng nhất công nhận Việt Nam công khai ngay thời điểm này. Thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài của Việt Minh đã được phá vỡ.
          Nối với các đồng minh lớn cũng mở đường xây dựng một đội quân chính quy, hùng hậu, trang bị hiện đại để kết thúc chiến tranh. Ngay sau chiến dịch, những đợt hàng viện trợ đầu tiên đã vượt biên giới, ban đầu chỉ là vũ khí phương Tây mà Việt Nam quen dùng, chiến lợi phẩm của các đồng minh. Sau này là những vũ khí, khí tài hiện đại dần dần thay thế trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          Chiến dịch Biên Giới nối tiếp hàng loạt các nỗ lực thực hành đánh công kiên xung quanh Việt Bắc, từ Lào Cai, Yên Bái(đồn Phố Lu) cho đến Lạng Sơn, Quảng Ninh (các đồn An Châu, Phố Ràng...). Sau chiến dịch này, quân Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi thế bao vây, thanh lập nhóm cơ động gồm các đại đoàn mạnh, mở nhiều cuộc tiến công lớn xa căn cứ Việt Bắc, giành quyền chủ động từ tay quân Pháp.
Nhà văn Bắc Sơn và Trung tá Đặng Văn Việt
          Đây là chiến dịch đầu tiên mà Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh.
          De Lattre vội vã bay ra Hà Nội và ở luôn tại đó để trấn tĩnh nhân tâm và cải tổ lại quân đội, thay đổi một loạt các sĩ quan cao cấp, tạo lập các Toán quân lưu động, mang quân từ miền Nam ra tiếp viện. De Lattre chặn đứng việc triệt thoái khỏiTiên YênMóng   Cái mà Boyer de Latour, thi hành chương trình của tướng Carpentier để lại, định bỏ ngỏ cửa ngõ vàoHải Phòng cho Việt Minh từ phía Lạng Sơn xuống.” ( WikiPedia)

          Có thể coi trận đánh vào cứ điểm Đông Khê là mũi đột phá của Chiến dịch Biên Giới, nhiệm vụ đột phá này được giao cho 2 trung đoàn 174, Trung đoàn trưởng là Đặng Văn Việt và Trung đoàn 209, Trung đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn…
          Chiến thắng của trận đánh cứ điểm Đông Khê, là trận mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tới nơi để quan sát, đốc chiến. Trong hồi ký (Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (1) - GOCNHIN.NET - Văn ...gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?7003), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:“Bác nói (…) chỉ được thắng không được thua”.
          Trong một cuộc gặp gỡ có rất nhiều nhà văn nhà báo tới dự tại tư gia nhà văn Nguyễn Đình Chính, ông Đặng Văn Việt cho biết, mặc dù nhiệm vụ giao cho 2 trung đoàn nhưng Trung đoàn 174 trực tiếp giải quyết chiến trường là chính, Trung đoàn 209 tham chiến nhưng do bị lạc đường nên chiều mới giáp trận…khi trận đánh đã gần hoàn thành…
          Chiến thắng Đông Khê có thể ví với trận Bồ Tất trong cuộc kháng chiến chống quân Minh được Nguyễn Trãi mô tả trong Bình Ngô đại cáo: “Trận Bồ Tất như sấm vang chớp giật; Miền Trà Lân như trúc chẻ tro bay”… Gây hiệu ứng giống như “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ; Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội; Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng”…Chiến thắng mở màn Đông Khê đã phá tan bức rào thép, xóa thể bị cô lập của cuộc kháng chiến chống quân viễn chinh Pháp.
Khi chứng kiến sự quả cảm kiên cường của lính Trung đoàn 174 đánh Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm tác viết bài thơ:

Kết quả hình ảnh cho Hồ Chí minh ra trận

Đǎng Sơn – Lên núi (1950)


Huề trượng đǎng sơn quan trận địa,
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân.
Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu,
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
1950

Dịch thơ:
LÊN NÚI
Chống gậy lên non xem trận địa,
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,
Thề diệt xâm lǎng lũ sói cầy (1)
Sách Thơ chữ Hán
Hồ Chí Minh, Nxb. Vǎn học,
Hà Nội, 1990, tr.37.
cpv.org.vn

          Còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã ra đời bài hát: Vào Đông Khê…là những án văn thơ ca ngợi chiến thắng oai hùng của nhà cầm quân Đặng Văn Việt…
          Ai là tác giả của kế hoạch chọn cứ điểm Đông Khê làm “mũi đột phá”, trong tay tôi hiện có 3 tư liệu:
          1/ Tư liệu từ phía Trung Quốc
          Vào năm 1990, Nhà xuất bản Giải Phóng Quân Nhân Dân tại Bắc Kinh ấn hành cuốn “Ghi chép thực về việc tham dự của Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc trong cuộc viện trợ VN chiến đấu chống Pháp”. Cuốn sách này đến năm 2002 lại được nhà xuất bản Lịch Sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc giản lược và in lại dưới tên “Hồi ký của những người trong cuộc: Ghi chép thực về việc đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”.
          Bản tiếng Việt là một tài liệu lưu hành nội bộ của đảng CSVN do Dương Danh Dy (cựu Bí thư Thứ Nhất của Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh) và Trần Hữu Nghĩa dịch và hiệu đính, xuất bản năm 2009. Cuốn hồi ký này viết về chiến dịch Biên giới như sau:
          “ Sau gần 3 tháng Trung Ương của hai đảng CS Trung Quốc và VN nghiên cứu và suy nghĩ trao đổi về sự chọn lựa mục tiêu tấn công giữa hai tỉnh Lào Cai và Cao Bằng, đích thân Mao Trạch Đông đã gửi điện văn cho Trung Ương đảng CSVN ra lệnh đánh Cao Bằng trước (theo La Quý Ba trong Hồi Ký).
          Mới đầu, các cấp chỉ huy QĐND trong Chiến Dịch Biên Giới (CDBG) kể cả Võ Nguyên Giáp đều muốn tập trung tấn công thị xã Cao Bằng, nhưng Trần Canh bác bỏ và quyết định phải đánh Đông Khê trước. Cuộc tấn công Đông Khê diễn ra vào trung tuần tháng 9 năm 1950, sau 3 ngày thì bộ đội CS chiếm được Đông Khê, nhưng thiệt hại nặng. Trương Quảng Hoa thuật lại trong Hồi Ký rằng sau trận đánh, Trần Canh nói với Hồ Chí Minh: “Trận đánh Đông Khê… không phải là cuộc chiến đấu thành công. Quân ta thương vong hơn 500 người mà tiêu diệt không đầy 300 tên địch, cái giá quá lớn!”.
          Tài liệu này cho rằng: Tác giả của kế hoạch đánh Đông Khê là của Trần Canh?
          2/ Hồi kỳ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn viết: “Tôi nghĩ cách mở đầu chiến dịch tốt nhất vẫn là đánh Đông Khê. Đông Khê là cứ điểm quan trọng nối liền Thất Khê với Cao Bằng. Cứ điểm Đông Khê mặc dù đã được củng cố, vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, địch hoặc sẽ phải chiếm lại, hoặc sẽ phải rút khỏi Cao Bằng. Ta sẽ có điều kiện đánh địch ngoài công sự. Nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh tiếp Thất Khê…”
          “Chiến dịch Biên Giới” (1)-GOCNHIN.NET-Văn...gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?7003
          3/ Bằng những tư liệu và suy luận của mình, tôi Phạm Viết Đào sẽ chứng minh trong bài sau: “Tác giả của kế hoạch đánh Đông Khê là của Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt; Không phải của Trần Canh hay Võ Nguyên Giáp”
          Đây là góc khuất của lịch sử đòi hỏi các nhà viết sử phải có trách nhiệm tham gia bạch hỏa để  “Của Cezar phải trả về cho Cezar”…
P.V.Đ

                                                            ( Còn nữa…)

Không có nhận xét nào: