Hòa Ái, RFA
Bộ Công Thương, vào những ngày đầu tháng 4 cho biết hai nhà máy sản xuất alumin Tân Rai, ở Lâm Đồng và Nhân Cơ, ở Đắk Nông bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế nên sẽ đề nghị với Chính phủ và Quốc hội tăng công suất của hai nhà máy này và mở rộng đầu tư khai thác bauxite, ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên.
Giới chuyên gia nói gì liên quan thông tin vừa nêu?
Dự án bị phản đối
Dự án Bauxite Tây Nguyên từ năm 2001 được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ IX và vào tháng 11/2007 được người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt.
Ngay từ đầu, dự án Bauxite Tây Nguyên đã gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên gia khoa học lẫn kinh tế cùng nhiều nhân sĩ trí thức cũng như các quan chức cấp cao, Đại biểu Quốc hội và cả người dân bản địa vì cho rằng không có lợi cho quốc gia về nhiều mặt, nhất là sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho môi trường của Việt Nam. Chúng tôi trích dẫn lại ý kiến phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một trong rất nhiều ý kiến mà Đài RFA ghi nhận 10 năm về trước:
“Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của Việt Nam là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên do thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi và có nguy cơ làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.”