Phía góc trái của dày núi là Cao điểm 772 ( Đồi thịt băm); Góc phải là Cao điểm 685 ( Lò vôi thế kỷ) nơi xảy ra ác chiến trong Chiến dịch MB 84
Lời dẫn:
-Ngày 2/4/1984,
Trung Quốc bắt đầu sử dụng pháo binh bắn dồn dập sang biên giới Việt Nam nhưng
tập trung nhất là khu vực Vị Xuyên-Hà Tuyên;
-Ngày 28/4/1984,
Trung Quốc ồ ạt đưa bộ binh đánh chiếm một số cao điểm nằm sâu trong lãnh thổ
Việt Nam tại khu vực Thanh thủy, Vị Xuyên; Cuối ngày 28/4, Trung Quốc đã đẩy
lùi bộ đội ta khỏi cao điểm 1509; Những ngày tiếp theo vào đầu tháng 5/1984,
Trung Quốc đã chiếm đóng các điểm cao 685, 772, các cao điểm tại khu vực ngã ba
Thanh Thủy, chỗ sâu nhất Trung Quốc lấn vào đất ta 2 km…
Đó là lý do mà
Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng phải huy động 6 trung đoàn của 4 sư đoàn, mở “Chiến
dịch MB 84” mở trận vào ngày 12/7/1984; mục tiêu chiến dịch: Đánh đuổi quân
Trung Quốc ra khỏi biên cương tổ quốc…
Bộ chỉ huy chiến
dịch đã đưa những đơn vị sừng sỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc
chiến tranh: Sư đoàn 312, Sư đoàn 316 từng tham gia đánh Điện Biên Phủ; Sư đoàn
356, được thành lập từ trên cơ sở của Sư đoàn 316 B, Sư đoàn 316 từng tham gia
trận mở màn Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975; Sư đoàn 313, từng nhiều năm chiến đấu
bảo vệ Vị Xuyên…
Thế nhưng chiến
dịch đã không đạt mục tiêu, không đẩy lùi được quân Trung Quốc mà còn chịu tổn
thất nặng nề. 1200 bộ đội đã hy sinh trong ngày mở trận 12/7/1984, sau đó chiến
dịch MB 84 buộc phải dừng…
Xin giới thiệu một
và ký ức của 1 số CCB từng tham gia Chiến dịch MB 84 viết về ngày 12/7/1984 đẫm
máu, ngày mà các CCB Vị Xuyên gọi là “Ngày GIỖ TRẬN”…
Mở đầu xin đưa Ký
sự của Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền, CCB E 876, F 356; Phạm Ngọc Quyền hiện đang là
công nhân Nhà máy Bia Hà Nội…
Theo tôi, những trang viết
của Phạm Ngọc Quyền cuốn hút, độ nóng của bom đạn không kém hơn những trang viết
của Văn hào Nga Solokhop trong tác phẩm: “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”, tác phẩm viết
về những người lính vệ quốc Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Mặc dù Phạm Ngọc
Quyền không phải nhà văn, trong ký sự của Quyền tôi đã giúp sửa rất nhiều lỗi chính
tả, sửa lại nhiều lỗi chấm câu…
TRẬN 12/7/1984, CHÚNG TÔI ĐÃ ĐỔ NHIỀU MÁU
ĐỂ GIỮ ĐẤT VỊ XUYÊN ( Phần 1)
Ký
sự của Phạm Ngọc Quyền.
Bữa cơm chiều ngày 11/7/84 của
anh em chúng tôi, lính bộ binh thuộc C6- D2- E876- F356 tại lèn đá 468 có gì đó
khác thường. Có chăng sự khác thường đó chỉ là khay thức ăn mâm 6 người, có
thêm một hộp thịt gà mà nó cũng chỉ xuất hiện khi nắp hộp thịt được mở ra và cả
con gà (không có đầu không có chân) lăn lông lốc trong khay.
Nhìn nét mặt anh em cảm tưởng sẽ
vui mừng phấn khởi vì có bữa ăn tươi. Đúng như vậy, nhưng nó chỉ thoảng qua
trong vài phút. Đâu đó, ở mâm nào đó cất lên tiếng nói quái gở của ai đó, một
âm thanh nghe rờn rợn: "Gà cúng!"…
Thế là không ai bảo ai mọi người
nhìn nhau, tay bưng bát cơm, tay cầm đũa. Chẳng ai buồn gắp, chẳng ai buồn ăn.
Chỉ có những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhìn nhau, chốc lát lại đưa ánh mắt
nhìn ra xa xăm lên núi đồi Vị Xuyên..nhằm dấu đi nỗi buồn riêng tư...
CCB Phạm Ngọc Quyền thăm lại Cao điểm 685