Lời dẫn:
-Ngày 2/4/1984,
Trung Quốc bắt đầu sử dụng pháo binh bắn dồn dập sang biên giới Việt Nam nhưng
tập trung nhất là khu vực Vị Xuyên-Hà Tuyên;
-Ngày 28/4/1984,
Trung Quốc ồ ạt đưa bộ binh đánh chiếm một số cao điểm nằm sâu trong lãnh thổ
Việt Nam tại khu vực Thanh thủy, Vị Xuyên; Cuối ngày 28/4, Trung Quốc đã đẩy
lùi bộ đội ta khỏi cao điểm 1509; Những ngày tiếp theo vào đầu tháng 5/1984,
Trung Quốc đã chiếm đóng các điểm cao 685, 772, các cao điểm tại khu vực ngã ba
Thanh Thủy, chỗ sâu nhất Trung Quốc lấn vào đất ta 2 km…
Đó là lý do mà
Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng phải huy động 6 trung đoàn của 4 sư đoàn, mở “Chiến
dịch MB 84” mở trận vào ngày 12/7/1984; mục tiêu chiến dịch: Đánh đuổi quân
Trung Quốc ra khỏi biên cương tổ quốc…
Bộ chỉ huy chiến
dịch đã đưa những đơn vị sừng sỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc
chiến tranh: Sư đoàn 312, Sư đoàn 316 từng tham gia đánh Điện Biên Phủ; Sư đoàn
356, được thành lập từ trên cơ sở của Sư đoàn 316 B, Sư đoàn 316 từng tham gia
trận mở màn Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975; Sư đoàn 313, từng nhiều năm chiến đấu
bảo vệ Vị Xuyên…
Thế nhưng chiến
dịch đã không đạt mục tiêu, không đẩy lùi được quân Trung Quốc mà còn chịu tổn
thất nặng nề. 1200 bộ đội đã hy sinh trong ngày mở trận 12/7/1984, sau đó chiến
dịch MB 84 buộc phải dừng…
Xin giới thiệu một
và ký ức của 1 số CCB từng tham gia Chiến dịch MB 84 viết về ngày 12/7/1984 đẫm
máu, ngày mà các CCB Vị Xuyên gọi là “Ngày GIỖ TRẬN”…
Mở đầu xin đưa Ký
sự của Thượng sĩ Phạm Ngọc Quyền, CCB E 876, F 356; Phạm Ngọc Quyền hiện đang là
công nhân Nhà máy Bia Hà Nội…
Theo tôi, những trang viết
của Phạm Ngọc Quyền cuốn hút, độ nóng của bom đạn không kém hơn những trang viết
của Văn hào Nga Solokhop trong tác phẩm: “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”, tác phẩm viết
về những người lính vệ quốc Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Mặc dù Phạm Ngọc
Quyền không phải nhà văn, trong ký sự của Quyền tôi đã giúp sửa rất nhiều lỗi chính
tả, sửa lại nhiều lỗi chấm câu…
TRẬN 12/7/1984, CHÚNG TÔI ĐÃ ĐỔ NHIỀU MÁU
ĐỂ GIỮ ĐẤT VỊ XUYÊN ( Phần 1)
ĐỂ GIỮ ĐẤT VỊ XUYÊN ( Phần 1)
Ký sự của Phạm Ngọc Quyền.
C6, D2, E876,
F356[1]
Bữa cơm chiều ngày 11/7/84 của
anh em chúng tôi, lính bộ binh thuộc C6- D2- E876- F356 tại lèn đá 468 có gì đó
khác thường. Có chăng sự khác thường đó chỉ là khay thức ăn mâm 6 người, có
thêm một hộp thịt gà mà nó cũng chỉ xuất hiện khi nắp hộp thịt được mở ra và cả
con gà (không có đầu không có chân) lăn lông lốc trong khay.
Nhìn nét mặt anh em cảm tưởng sẽ
vui mừng phấn khởi vì có bữa ăn tươi. Đúng như vậy, nhưng nó chỉ thoảng qua
trong vài phút. Đâu đó, ở mâm nào đó cất lên tiếng nói quái gở của ai đó, một
âm thanh nghe rờn rợn: "Gà cúng!"…
Thế là không ai bảo ai mọi người
nhìn nhau, tay bưng bát cơm, tay cầm đũa. Chẳng ai buồn gắp, chẳng ai buồn ăn.
Chỉ có những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhìn nhau, chốc lát lại đưa ánh mắt
nhìn ra xa xăm lên núi đồi Vị Xuyên..nhằm dấu đi nỗi buồn riêng tư...
CCB Phạm Ngọc Quyền thăm lại Cao điểm 685
Trong khi đó một số chúng tôi được
liên lạc báo: xuống cuối lèn đá để họp nhận nhiệm vụ. Đồng chí Bùi Minh Đệ tiểu
đoàn trưởng chủ trì cuộc họp. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là đêm nay hành quân chiếm
lĩnh trận địa, đánh chiếm lại cao điểm Đ1 của cao điểm 772 mà bấy lâu nay địch
lấn chiếm mất của ta. Cùng tham gia đánh với D2 có 6 đồng chí của D17 công
binh, do đồng chí trung úy chính trị viên C3 - D17 phụ trách. Đơn vị này có nhiệm
vụ đánh phá bãi bom mìn trước cửa tiền duyên của địch để mở cửa cho bộ đội xung
phong tấn công. Chỉ huy chung toàn hướng và trực tiếp chỉ huy phân đội mở cửa
là đại úy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ.
Đại đội 5 cử ra 2 trung đội:
trung đội thứ nhất do đồng chí Ngọc làm trung đội trưởng; trung đội thứ hai do
đồng chí Cảnh làm trung đội trưởng. Cả hai trung đội này đặt dưới sự chỉ huy trực
tiếp của trung úy đại đội trưởng đại đội 5 tên là Thành; trung đội này nằm kề
sau 6 đồng chí công binh D17, khi mìn được phá, cửa được mở hai trung đội này
nhảy vào đánh chiếm lô cốt đầu cầu.
Tất cả hỏa lực của cả hai đại đội
gồm: 4 khẩu cối 60, 4 khẩu đại liên, 8 khẩu B41, 4 khẩu B40. Đơn vị tập trung
tham gia đánh cửa mở và phía 600 có 1 C cối 82, 1 C 12 ly 7 và 1 C DKZ của tiểu
đoàn bắn chi viện. Số bộ binh còn lại của C5 + C6 do đồng chí Phạm Minh Ký tiểu
đoàn phó chỉ huy cùng cán bộ đại đội các C, nằm ém ngay phía sau chờ lệnh xung
phong tiêu diệt địch… Cùng đánh với tiểu đoàn chúng tôi có: D3 đánh Đ3, D1 đánh
Đ2, D7 Trung đoàn 149 đánh 685. Một bộ phận của D3 được cắt ra đánh luồn sâu
ngăn không cho địch phản kích từ hướng 1509 xuống Đ1. Riêng C7 của tiểu đoàn 2
nằm tại 800 bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn đồng thời sẵn sàng chi viện cho các hướng
khi cần thiết.Trước khi có lệnh nổ súng, được pháo của cấp trên bắn phá hoại trận
địa địch là 120 phút chia làm 4 lần. Riêng giờ nổ súng chưa được phát ra để đảm
bảo bí mật.
18h lệnh chuẩn bị chiến đấu được
phát ra, mọi người nhanh nhẹn ai việc nấy chuẩn bị súng đạn, bông băng, tư
trang cá nhân ra vị trí chuẩn bị xuất phát, bỏ lại phía sau các khay cơm đang
ăn dở và "gà cúng" còn nguyên. Trên nét mặt mọi người cũng thay đổi
chóng vánh, từ ưu tư thoáng vẻ đượm buồn, lo lắng chuyển sáng phấn khích, nhanh
nhẹn và tất bật hẳn lên tạo thành khí thế hào hùng, sôi sục của đoàn quân trước
giờ xung trận.
18h30 cả đoàn quân di chuyển khỏi
468 hướng sang 600 rồi tụt xuống khe cụt chân của 772. Chúng tôi lọp bọp lội
qua suối, sang bờ phía bên chân cao điểm 772. Lệnh mọi người tháo bỏ bớt tư
trang cá nhân để bên bờ suối, chỉ còn lại súng đạn, bông băng cứu thương và một
ít lương thực mang theo trên người.
Lúc này trời đổ mưa nặng hạt hơn,
khiến màn trời tối đen như mực, chỉ có tiếng rì rầm của nước suối chảy tiếng lộp
bộp của nước mưa rơi vào lá rừng. Chính những âm thanh này đã tạo cơ hội ngụy
trang cho đoàn quân lên đạn súng tiểu liên AK. Bằng những động tác mau lẹ thuần
thục, tiếng loạch xoạch lên đạn đã chìm vào tiếng nước chảy và tiếng mưa rơi, vậy
là yếu tố bí mật vẫn được đảm bảo. 20h30 lệnh xuất phát hành quân chiếm lĩnh trận
địa bắt đầu. Từ dưới suối, từng đoàn người lầm lũi tay lăm lăm súng, vai khoác
ba lô tải đạn, đội mưa nối đuôi nhau bò, leo trèo lên cao điểm 772. Sườn núi dốc
cao có chỗ dốc đứng thành vại, cộng thêm trời đang mưa đường trơn như đổ mỡ,
trên vai lại mang vác nặng nên thỉnh thoảng lại có đồng đội tụt ngã đạp theo một
vài người ngã theo...
Nhưng thật bất ngờ, chính lúc này
tình đồng chí, tình đồng đội trong chiến đấu xuất hiện: “anh ngã thì em nâng”,
ai khỏe vác đỡ người thấm mệt… Cứ như vậy, trong đêm cả đoàn quân cũng đã vượt
qua bóng đen của đêm tối, núi rừng, tiến vào vị trí chiến đấu, bỏ lại phía sau
nhưng vách núi thẳng đứng soi rọi xuống dòng suối cụt... Lúc này đã là 2 h 30 rạng
sáng ngày 12/7/1984…
Trời về khuya, đêm núi rừng hơi lạnh,
cộng thêm việc ngâm mình trong mưa suốt đêm, khiến anh em thấm mệt. Khi đội
hình đã vào đúng các vị trí được sắp xếp, chỉ huy phân công tranh thủ chốc lát
anh em lấy lại sức xả hơi, sau đó công việc lại tiếp tục như một cái máy. Trên
tay mỗi người là cuốc là xẻng, hì hục đào bới cho mình một cái hố để tránh mảnh
pháo. Tôi đào một hố cũng được vừa nửa người thì loáng thoáng phía bên trái tôi
có một đồng chí lom khom, loanh quanh, tôi nhỏm lên nhìn thì chẳng thấy anh ta
đào hầm hố gì cả. Tôi nhìn kỹ một tí hóa ra anh ta không mang xẻng cuốc. Tôi liền
đưa cho anh ta mượn cái xẻng của tôi nhưng vẫn không quên buông lời: “Lính với tráng, đi đánh nhau mà có cái cuốc,
cái xẻng cũng không chịu mang đi”…
Lúc này, C6 và phần còn lại của
C5 do đồng chí Phạm Minh Ký chỉ huy đã vào vị trí ém mình chờ lệnh. Phía trên
phân đội mở cửa do đồng chí Bùi Minh Đệ tiểu đoàn trưởng D2, chỉ huy đang áp
sát khu vực tiền duyên của địch để chuẩn bị làm nhiệm vụ. Đội hình được triển
khai theo hình chóp, trên cùng là 4 đồng chí của D17 do trung úy chính trị viên
C3- D17 chỉ huy. Lùi lại phía sau chếch về bên trái theo hương tấn công là tiểu
đoàn trưởng Bùi Minh Đệ, anh Thành đại đội trưởng C5 cùng một nhóm thông tín
viên và máy điện đàm.
Tiếp
ngay sau là hai trung đội bộ binh của C5. Bên trái là trung đội do anh Cảnh chỉ
huy, bên tay phải giáp với lèn đá 685 là trung đội do anh Ngọc chỉ huy. Tiếp
ngay sau phía dưới một chút là hỏa lực của 2 đại đội gồm cối 60 do tôi chỉ huy,
đại liên do anh Thái (người Phú Thọ) chỉ huy; bên cạnh là các xạ thủ B40,
B41...tất cả đã áp sát tiền duyên, chờ lệnh nổ súng.
Một thoáng tĩnh lặng đến rợn người.
Xung quanh là một màu đen của màn đêm phủ kín. Đâu đó chỉ nghe tiếng xì xào của
lá rừng pha thêm một vài tiếng côn trùng. Bầu không khí căng thẳng nhưng không
kém hồi hộp... Chốc lát cũng tan biến bởi tiếng nổ của pháo bắn căn chỉnh tọa độ…
Đúng 4 h 10 phút, mặt đất rung
chuyển, chớp lửa chói lòa, cỏ cây đất đá rơi rầm rầm. Khắp các hướng, pháo địch
trút đạn như mưa lên mặt trận. Mặt mũi chúng tôi tối sầm, tai ù đặc vì tiếng đạn
pháo nổ, mắt chỉ nhìn thấy những cột lửa đỏ rực…
Lúc này, chưa có lệnh nổ súng.
Anh em chúng tôi chỉ biết chúi đầu xuống cái hố vừa đào xong cách đây ít phút để
giữ được cái đầu khỏi bị mảnh pháo, còn phần thân người phó mặc cho trời...
Nhưng càng ngày pháo địch bắn càng nhiều hơn. Có vẻ chúng đã phát hiện ra quân
ta và đạn pháo chúng đã căn chỉnh trúng đội hình xuất phát của chúng ta. Đã bắt
đầu có thương vong và hy sinh. Đâu đó có tiếng gọi cứu thương. Tình hình bắt đầu
xấu, các hố đào khoét lúc nãy đã bị đạn pháo cày tung. Chúng tôi trườn nhanh
lên phía trước. Rất may gặp được đoạn giao thông hào cũ đã bỏ không sử dụng,
chúng tôi nhanh nhẹn lao vào giao thông hào nằm ép mình xuống tránh pháo.
Tình hình càng lúc càng thậm tệ
hơn, trong khi pháo địch không hề suy giảm. Trước tình hình này, tôi xách súng
băng qua anh em lao về phía trước xem sao. Tôi nhận ra tiếng nói của tiểu đoàn
trưởng Bùi Minh Đệ ngay phía trên tôi khoảng ba mét. Ép mình xuống đất, tôi
nghe rõ tiếng anh nói như gào thét trong chiếc máy điện đàm: “Báo cáo trung đoàn, cho mở cửa Đ1 để lên phối
hợp cùng các hướng!”. Được trung đoàn đồng ý cho phép mở cửa Đ1 thì một
tình huống xảy ra: bộc phá mở cửa không có kíp???
Tiểu đoàn trưởng văng tục vài câu
với cánh công binh D17 rồi lại cầm điện đàm: “Báo cáo bộc phá dự bị cũng hết!”.
Ngay lúc đó tôi thấy trung úy tiểu đoàn 17 nhảy qua người tôi, trườn xuống phía
dưới nhưng không thấy quay lên. Tôi ngóc đầu lên nhìn rõ tiểu đoàn trưởng Bùi
Minh Đệ bỏ máy nghe, rướn người về phía trước, đầu hơi ngỏng lên hô to:
- B40, B41 mở cửa…
Ngay lập tức tiếng nổ của B40,
B41 ầm vang, đất đá cày tung lên, chớp lửa sáng lòe… Lúc này trời đã sáng nhưng
sương mù còn dày đặc, tầm nhìn chỉ trong khoảng 3-4m phía xa là một màu trắng
nhờ nhờ. Tôi nhảy phắt lại vị trí phía sau khoảng 2-3m chỗ anh em hỏa lực
của chúng tôi đang nằm ép mình chờ lệnh phát hỏa và tránh pháo địch, định
bụng để cùng hai khẩu cối 60 của chúng tôi cùng khai hỏa theo hợp đồng ban đầu.
Nhưng liếc nhanh quanh đoạn hào vỡ nát, tôi thấy anh em đồng đội tôi bê bết
máu, thương vong khá nhiều. Tôi gọi: “Anh Thái, anh Thái” (Thái là tiểu đội trưởng
đại liên quê Phú Thọ) nhưng không thấy Thái trả lời. Tôi xô người tới sờ vào
anh lấy tay lay lay, mồm vẫn gọi anh Thái. Anh khẽ ngửa người đánh mặt về phía
tôi, mặt nhăn nhó méo xệch, tay phải vắt qua ngực ôm cánh tay trái, máu đầm
đìa..
Biết là Thái bị thương rồi. Tôi
nhận trách nhiệm của Thái, đảo mắt quan sát xem còn anh em xạ thủ đại liên đâu
nhưng không thấy ai là xạ thủ đại liên cả. Tôi nhận thấy Thọ, lính 2/84 (nhập
ngũ tháng 2/1984) quê Văn Chấn, Yên Bái đang nằm ôm khẩu trung liên RPD; tôi bảo:
“Bắn đi Thọ”. Mặt nó tái mét, Thọ nằm bẹp dưới đáy giao thông hào, nó nói thều
thào: “Em sợ”.
Tôi bảo nó: “Không được sợ! Cứ bắn
lên phía trước!” Nhưng nó cứ nằm im. Mồm tôi quát, tay tôi giơ khẩu AK chĩa vào
người nó: “Mày có bắn không?” Thằng Thọ nằm ngửa người dưới đáy giao thông hào
giơ khẩu RPD lên tay siết cò, đạn đi cả băng. Tôi thấy nguy hiểm quá liền bỏ nó
lao lên trên phía bên phải. Tôi vừa lao sang thì va phải Minh (là pháo thủ số 2
cối 60 của tôi), Minh người công giáo quê Hoài Đức. Nó bị thương vào bụng bên
trái, tôi xòe bàn tay bịt bụng Minh nhưng không cản nổi máu và ruột trong bụng
lòi ra ngoài, mồm nó còn thều thào: “Maria, Maria” và lịm hẳn.
Tôi giật khẩu cối 60 trong tay
nó, nằm tựa lưng vào mé hào, chân duỗi thẳng kẹp lấy chân khẩu cối, một tay giữ
thân cối một tay với đạn, (đạn vương vãi đầy xung quanh, đầu nổ đã lắp sẵn và
liều chính không có liều phụ) cứ thế tôi thả vào nòng. Tôi thả được 4-5 quả thì
hỏa lực của chúng phản lại hất tung người tôi văng cả khẩu cối 60 ra xa. Tôi lồm
cồm bò dậy nhặt khẩu AK, tiếp tục bắn lên phía trước. Tôi tiến lên được hơn 1 m
thì nhìn thấy Hùng xạ thủ đại liên, lính 3/83 (nhập ngũ tháng 3/1983), quê xóm
17, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm đang nằm ngửa dưới rãnh hào, hai tay nó ôm vết
thương ở ngực, máu ướt đẫm áo. Tôi nhảy vào đè cả người tôi lên ngực nó, máu của
nó cứ trào ra ướt hết cả người tôi; trong lúc gấp gáp, nó còn kịp nói với tôi:
“Về nhà tao nhớ…”, tôi cũng chỉ kịp gật nhẹ cái đầu.
Còn đang bần thần trong giây lát
thì “ầm…oành” (tôi nghi là ĐKZ) nổ ngay dưới chân, đất đà tung tóe mù mịt.Tôi
nhỏm dậy thì nhìn thấy ngay dưới chân phải tôi là Nghiêm (một giây lát tôi mới
nhận ra nó) xạ thủ đại liên A11, nhập ngũ 2/84, quê Điện Bàn huyện Văn Chấn,
Yên Bái. Bình thường hay gọi là Nghiêm lùn, kém mọi người đến một cái đầu.Vậy mà
quân khốn kiếp lại nỡ phạt đi của nó đúng một cái đầu, nửa óc trắng như đậu phụ
bắn tung tóe lên mông lên đùi tôi. Tôi định thần định nhảy xuống ôm lấy nó,
nhưng chẳng thấy đầu, mặt nó đâu, mà chỉ nhìn thấy cái vành mé tai của nó
giật giật, rung rung, máu phun thành tia, cổ sủi sủi bong bóng máu…
Trong lúc tôi đang chưa định thần
lại được, tai tôi nghe tiếng tiểu đoàn trưởng Bùi Minh Đệ thét “Quyền!”, rồi
“Xung phong!” … Theo phản xạ, tôi nhoài người lao lên phía trước, nhưng cũng chỉ
được đúng một thân người là không lên được, vì đạn thẳng đan chéo cánh sẻ bên mạng
sườn. Tôi cố gắng quan sát và nhận ra ngay bên sườn phải của mình là lèn đá
685. Những tia lửa, những ánh chớp cứ hắt ra từ nơi đó và dội thẳng xuống chỗ
chúng tôi, nhìn xung quanh, tôi thấy anh em thương vong, hy sinh nằm la liệt chồng
đống lên nhau...
Đầu tôi nghĩ chả nhẽ mình cũng nằm
đây chờ chết hay sao? Không chần chừ, tay trái cầm súng tỳ xuống đất, tay phải
cầm quả lựu đạn đưa nhanh lên miêng cắn giật chốt tôi rướn nhanh người tung về phía
lèn đá rồi bật dậy bắn mấy loạt AK về phía ấy. Nhanh như cắt, tôi lao người về
phía anh Đệ, ngay lúc đó anh Đệ cũng nhảy qua ngay chỗ khác. Lúc này tôi đã vào
ví trí tuyến hào 1 của địch, nhìn lên đỉnh Đ1 cao điểm 772 còn cách độ hơn chục
mét. Pháo địch lúc này có vẻ như đã lắng xuống, bù lại là ĐKZ, 14ly5 và các loại
đạn bắn thắng của địch thi nhau trút xuống chiến hào…
Tôi thoáng nhìn sang phải, phía
lèn đá 685, một nhóm của trung đội anh Ngọc đang chống trả địch quyết liệt. Bọn
địch cũng bắn xối xả vào đội hình chúng ta. Tôi nhổm người lao về hướng đó, định
để chi viện cho trung đội của anh, nhưng chưa kịp lao người thì “ầm” một tiếng
nổ đanh, cùng quầng lửa đỏ rực làm tôi tối xầm mặt mũi người đổ gục.. Tôi không
còn nhận biết gì từ đấy...
...Rồi tôi thấy mẹ tôi (mẹ tôi mất 27/6/1981 âm lịch) trên mình
mặc chiếc áo cánh nâu, người hơi khom, tay thò ra với nắm tay tôi, miệng mẹ
nói: “Con bình tĩnh xuống tới ngã ba thì con nhảy xuống” rồi mẹ từ từ đứng thẳng
người, lùi xa dần... Tôi khóc, miệng gọi “Mẹ..mẹ...ơi”, tay giơ lên để túm mẹ lại.
Nhưng tôi thấy nặng quá, tay thì quờ quạng được mà mắt không nhìn thấy gì.. Tôi
cố gượng dậy nhưng nặng quá, người thấy nhói đau…Tôi thấy cảm giác ở trong đầu
tôi đã tỉnh dần lại, tôi mới biết là mình đang bị đất vùi.
Việc nhìn thấy mẹ là trong cơn mơ
mà thôi. Tôi dùng hết sức lực còn lại kết hợp với tay bới đất, chân đạp đạp…Tôi
vùng lên được, ngồi nhỏm dậy, tay tôi dụi mắt nhìn thấy ánh nắng chói lòa, theo
phản xạ hai tay ôm mặt, mắt nhắm nghiền. Tai tôi nghe loáng thoáng tiếng súng lẹt
đẹt, rồi có tiếng người, một thoáng định thần tôi mở mắt ra, nhìn lên phía trên
đỉnh đồi, thấy có nhiều người, rồi tiếng súng bộ binh nổ và có tiếng nói xì xồ
gì đó. Rất nhanh, tôi xoay người, ép mình vào mép hào vỡ lở bung bét quan sát
và nhận ra bọn lính Tàu. Chúng đi lại trên công sự, trên thành giao thông hào
tay cầm súng, nhả đạn xuống đất ngay dưới chân chúng…Tôi đoán ngay là bọn chúng
đang găm nốt số anh em của mình bị thương đang nằm dưới hào...Vừa căm thù quân
khốn kiếp, vừa nghĩ nằm đây thì chỉ một lát nữa thôi mình cũng chung số phận
như anh em...
Không...không đằng nào cũng chết,
trước khi chết thì cũng phải vài đứa đi theo mình…Một thoáng suy nghĩ và tay
tôi với lấy khẩu AK gần đấy, rồi nhặt vội hai quả lựu đạn chày, một quả lựu đạn
cầu duỗi thẳng chốt rồi cài vào lỗ khuy áo ngực, quần áo rách tả tơi bởi tôi
nghĩ chưa chắc đã thoát được nhưng nếu bị bắt tôi sẽ dùng miệng khẽ cúi xuống cổ
áo, cắn, rút chốt quả lựu đạn cầu là xong... Tiếp tục tôi ép mình vào thành hào
lở loét, nhằm vào tốp có 4-5 thằng nhả đạn. Bọn chúng bị bất ngờ, bổ nhào xuống
hào, tôi chồm lên lia tiếp mấy loạt rồi tung một quả lựu đạn chày về phía
chúng. Tiếng lựu đạn nổ kèm theo đất đá bụi mù, tôi nghe thấy tiếng ố ố…Thừa cơ
hội tôi nhảy phát lên thành hào tiếp tục nhả đạn về phía chúng đồng thời nhảy tụt
xuống phía dưới. Tôi nằm sấp xuống đất, quay ngược súng lên trên bắn trả, bọn
chúng hò nhau bắn tới tấp về phía tôi. Nhận thấy bất lợi không có vị trí che lấp,
nhanh như cắt, tôi bật ngửa người lặn xuống phía dưới khoảng 2-3m thì bị chặn lại
bởi xác anh em mình. Lợi dụng làm điểm tỳ và vật che chắn, tôi tiếp tục quay
súng bắn trả lại chúng, đồng thời giật nốt quả lựu đạn chày tung về phía chúng
rồi lại tụt nhanh xuống dưới. Chúng xì xồ tay chỉ về phía tôi rồi tiếng đạn cày
rít quanh tôi loạt xoạt.
Tôi vừa bắn trả chúng vừa tụt lùi
sâu xuống dưới. Người tôi bỗng thụt xuống, tôi nhận ra đoạn hào cũ lúc gần
sáng, quan sát nhanh tôi thấy xác anh em hy sinh chồng đống, la liệt, bùn đất
nhầy nhụa máu, súng đạn ngổn ngang...
( Còn nữa...)
Rút từ trong tập: "VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Biên khảo về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại Mặt trận Vị Xuyên
Sách dày 700 trang;
Liên hệ chia sẻ với tác giả, Email: Hoanghtham9@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét