RFA
Việt Nam đột ngột bị quật ngã khi đang là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thành kẻ chiến bại tiềm năng kế tiếp bị Mỹ đánh thuế.
Nhận định vừa nói được tác giả David Hutt đưa ra trong bài phân tích đăng tải trên Asia Times hôm 16/7/2019.
Theo đó, hiện nhiều ý kiến đồng ý cho rằng Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất giữa chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc, vì các chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì bị áp thuế và hướng tới Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp.
Vào tháng 6 năm 2019, Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản ước tính rằng Việt Nam đã đạt được mức tương đương 7,9% GDP từ chuyển hướng thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng do vụ lách luật Mỹ-Trung gây ra. Nước hưởng lợi lớn thứ hai là Đài Loan, đã tăng khoảng 2,1% GDP.
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Khi căng thẳng thương mại Mỹ- Trung diễn ra thì Việt Nam cũng biết có những thách thức rất lớn, trong đó cụ thể nhất là đầu tư ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để tránh thuế khi xuất khẩu đi Mỹ. Điều này một mặt giúp Việt Nam tăng trưởng thêm nhờ đầu tư tăng, nhưng mặt khác làm cho nguy cơ xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng. Như vậy Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ.”
Cũng theo bài viết của tác giả David Hutt trên Asia Times, tiếp theo, Mỹ có thể áp thuế trừng phạt đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam dựa trên cáo buộc Hà Nội đang cho phép các sản phẩm do Trung Quốc đổi tên thành hàng hóa Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ để lách thuế đối với Trung Quốc.
Asia Times dẫn dự đoán từ một số nhà kinh tế, nếu Mỹ chuyển sang áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như đã làm với Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, thì động thái này sẽ khiến xuất khẩu của Hà Nội giảm một phần tư và giảm GDP nhiều hơn 1%.
Các cấp có nhận thức chứ không phải không, nhưng nhận thức đó đến đâu, đã đến mức đầy đủ và toàn diện hay chưa, có khách quan hoàn toàn hay chưa? Hay cũng còn chấp nhận điều này điều kia, mà theo tôi là không bình thường. Nhưng dù sao cũng nhìn nhận là có một số giải pháp, mặc dù theo tôi là chưa đủ liều lượng.
-Lê Văn Triết
Ông David Hutt dẫn thông tin từ các nhà phân tích cho rằng, điều vừa nói có thể xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Trump hồi tháng trước đưa ra bình luận gay gắt rằng Hà Nội gần như là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất đối với Mỹ và Việt Nam lợi dụng Mỹ thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc.
Lời phê bình đó nhằm vào Việt Nam, khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng cao, đạt mức kỷ lục 40 tỷ USD vào năm ngoái, tăng nhẹ so với năm 2017 và bất chấp nỗ lực phối hợp của Việt Nam để mua thêm hàng hóa từ Mỹ.
Trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng:
“Thật ra những năm gần đây, Việt Nam đã và đang nhập khẩu ngày càng nhiều từ Hoa Kỳ, hiện nay cũng đang có một số dự án lớn về năng lượng như năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… Ngành này tôi cho là có triển vọng rất lớn cho quan hệ hợp tác giữa hai bên. Còn nhiều hoạt động khác nữa, ngay cả than, hiện nay Việt Nam cũng đã chấp nhận nhập khẩu từ Hoa Kỳ, mặc dù đường vận chuyển rất xa, và đây cũng là mặt hàng Việt Nam cần nhập lâu dài.”
Hôm 28/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách 9 nước cần phải theo dõi về thao túng tiền tệ vì chưa đáp ứng được một số tiêu chí của Mỹ. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt nếu được chứng minh. Mối đe dọa đó đã được đặt ra trong tháng 7 về việc Mỹ có thể sẽ áp đặt mức thuế 400% đối với hàng nhập khẩu thép của Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Thao túng tiền tệ (currency manipulation), là một hình thức phá giá, là làm mất giá đồng nội tệ để coi đó là một hình thức trợ cấp cho xuất khẩu.
Trước cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, hôm 6/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại.
Trả lời RFA hôm 17/7 từ Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc học viện Tài Chính Việt Nam, nhận định:
“Chính phủ Việt Nam có một động thái là giữ ổn định đồng Việt Nam mà không phá giá. Mặc dù trong quan hệ quốc tế, ví dụ như đồng Nhân dân tệ trong thời gian vừa qua có biến động rất lớn, thậm chí từng có lúc trong 2, 3 tháng xuống giá từ 8 đến 10%. Nhưng đồng Việt Nam vẫn tương đối ổn định và chính phủ Việt Nam không vì việc đó mà phá giá đồng Việt Nam. Để từ đó cộng đồng quốc tế thấy rằng, Việt Nam không có ý đồ thao túng tiền tệ, cũng như không phá giá để tạo lợi ích trong xuất khẩu ra nước ngoài.”
Theo Asia Times, vượt lên trên những lời hoa mỹ, thuế quan mới của Mỹ đối với Việt Nam thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ, một điều khiến các quan chức Việt Nam hết sức ngạc nhiên trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng nồng ấm, dưới thời chính quyền Trump.
Vào tháng 2 năm 2019, khi Hà Nội tổ chức vòng đàm phán hòa bình Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, Tổng thống Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho chủ nhà Việt Nam.
Nhưng trước đó, ngay sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1 năm 2016, Việt Nam là một trong những mục tiêu đầu tiên trong các than phiền của ông cho rằng, một số quốc gia đang duy trì thặng dư thương mại lớn, bất bình đẳng với Mỹ.
Những lời phàn nàn đó đã được xoa dịu phần nào sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đến thăm Hoa Mỳ sau đó với đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la một số máy bay thương mại do Boeing sản xuất.
Asia Times trích những nguồn tin ẩn danh trong đảng cộng sản Việt Nam không muốn nêu tên rằng họ cảm thấy khó hiểu trước sự trở mặt của ông Trump. Một nguồn nói với Asia Times rằng trong hai năm qua, Trump đã hành động như thể Việt Nam và Hoa Kỳ là những người bạn thân thiết nhất.
Một quan chức nói rằng không rõ liệu chính quyền Trump có ý thực về đe dọa trừng phạt trong tương lai đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam hay không, hay liệu đây có phải là một chiến thuật đàm phán kịch tính để đòi thêm nhượng bộ.
Các nguồn tin nói rằng Việt Nam đã thực hiện các cam kết liên quan đến thương mại mà họ nghĩ rằng Washington ủng hộ, và những bình luận mới nhất của Trump, chỉ có thể nhằm mục đích đẩy nhanh việc thực hiện.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/7, đưa ra nhận định:
“Trong thời gian 1 tháng, 2 tháng trở lại đây, tôi thấy chính phủ Việt Nam cũng có thay đổi một số chính sách, biện pháp. Họ cũng thấy tình hình là nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng không tốt về nhiều mặt cho Việt Nam. Tôi thấy các cấp có nhận thức chứ không phải không, nhưng nhận thức đó đến đâu, đã đến mức đầy đủ và toàn diện hay chưa, có khách quan hoàn toàn hay chưa? Hay cũng còn chấp nhận điều này điều kia, mà theo tôi là không bình thường. Nhưng dù sao cũng nhìn nhận là có một số giải pháp, mặc dù theo tôi là chưa đủ liều lượng.”
Theo ông David Hutt, chính quyền Việt Nam cũng đã củng cố bằng cách tăng cường bắt giữ đối với các sản phẩm của Trung Quốc đang được chuyển qua Việt Nam trên đường đến Mỹ, một sự lách luật về thuế quan đã khiến chính quyền Trump vô cùng phẫn nộ.
Cục Điều tra Chống buôn lậu Việt Nam hôm 16/7 cũng cho biết đang theo dõi 6 doanh nghiệp lớn có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất đi Mỹ và một số nước tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, nhận định:
Chính phủ Việt Nam cũng đang có đề án chống lẫn tránh phòng vệ thương mại và giả mạo xuất xứ hàng hóa, để từ đó làm cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nói riêng và ra thế giới nói chung, phải là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
-PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh
“Chính phủ Việt Nam cũng đang có đề án chống lẫn tránh phòng vệ thương mại và giả mạo xuất xứ hàng hóa, để từ đó làm cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nói riêng và ra thế giới nói chung, phải là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Chứ không cho bất kỳ hàng hóa của một quốc gia nào, đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam, để mà tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Thì đây là điều mà chính phủ Việt Nam đang làm một cách rốt ráo trong thời gian khoảng một tháng trở lại đây.”
Ngoài ra theo ông Hutt, ở một mức độ nào đó, Việt Nam đã giảm thiểu thiệt hại cho các lệnh trừng phạt có thể có của Mỹ bằng cách ký các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác, như Thỏa thuận Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ- CPTPP. Vào ngày 30 tháng 6 vừa qua, Việt Nam cuối cùng đã ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu EU sau nhiều năm đàm phán kéo dài.
Theo thỏa thuận ước tính, thỏa thuận này sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu từ 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 7 năm, tăng từ 71% khi thỏa thuận được ký kết, có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 20% vào năm 2020.
Tuy nhiên theo ông David Hutt, Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam mà không thể thay thế một sớm một chiều. Năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu 49 tỷ đô la hàng hóa Việt Nam, trong khi chỉ xuất khẩu 9,6 tỷ đô la sang Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ đã tăng vọt lên 25,8 tỷ USD, so với 18,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, bằng chứng cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến thương mại.
Địa chính trị, tuy nhiên, là vấn đề khó hiểu. Hà Nội đã được hưởng ưu đãi của Hoa Kỳ trong nhiều năm vì tầm quan trọng chiến lược của mình đối với lợi ích của Mỹ, bao gồm cả vấn đề Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam đã tận dụng vị thế này để có được những nhượng bộ từ phương Tây trong khi thường đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tối đa hóa lợi ích ngoại giao từ cả hai phía.
Những bước đi gần đây của ông Trump đã chắc chắn và bất ngờ đưa Hà Nội vào thế bất lợi. Các nguồn tin của Asia Times cho biết bộ máy quan liêu của Việt Nam đang cố cải tổ hệ thống giấy phép xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu các cách thức mới để giảm thặng dư thương mại.
Asia Times cho rằng rõ ràng Hoa Kỳ muốn Việt Nam mua thêm trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, chuyển khỏi nhà cung cấp vũ khí truyền thống của mình là Nga. Điều này được cho sẽ giúp giảm thâm thủng mậu dịch và củng cố mối quan hệ song phương Mỹ- Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét