Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Có phải tài nguyên năng lượng ở Biển Đông thúc đẩy Trung Quốc hiếu chiến?

Jackhammer Nguyễn, gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco
24-7-2019
Sau những tin tức về căng thẳng tại bãi Tư Chính, giữa tàu võ trang Việt Nam và Trung Quốc, báo Tiếng Dân có đăng bài nhan đề: Băng cháy và sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông, của tác giả Mạnh Quân.
Nội dung chính của bài này trích dẫn một số thông tin từ Việt Nam, cho rằng Biển Đông của Việt Nam chứa một lượng rất lớn nhiên liệu dưới dạng “băng cháy”, và đây là một nguồn năng lượng rất lớn cho tương lai. Vì thế Bắc Kinh đang điên cuồng muốn chiếm bằng được Biển Đông để sở hữu nguồn tài nguyên này.
Trước đó, vào năm 2017, hai đài tiếng Việt tại Mỹ là VOA và RFA cũng đưa tin trích lại từ nguồn truyền thông Trung Quốc, cho biết, nước này đang khai thác một lượng lớn băng cháy tại Biển Đông.
Vào năm 2014, nhà địa chất Việt Nam là ông Nguyễn Thanh Giang cũng có nói với tôi về tiềm năng băng cháy tại Việt Nam.
Thực sự Bắc Kinh thèm khát tài nguyên Biển Đông cho tương lai nên hung hăng như vừa qua?
Bắc Kinh thèm tài nguyên thiên nhiên là điều không phải bàn cãi, nhưng liệu có phải là băng cháy ở Biển Đông, hay gần hơn là dầu mỏ của Biển Đông, làm cho họ bất chấp tất cả để thống trj vùng biển này?
Băng cháy là gì?
Nói nôm na nó là một loại khí bùn ao được hình thành dưới biển sâu, thay vì trong ao hồ làng quê mà nhiều người Việt chúng ta đều biết. Trong sách vở mà chúng ta học thời trung học, nó có tên là khí methane, với công thức hóa học là CH4. Ở chỗ sâu và nhiệt độ thấp, nó bị đóng băng lại, tạo thành những cục nước đá, có thể cháy được, gọi là băng cháy.

Thực ra, khí bùn ao, hay băng cháy không phải 100% là khí methane, nhưng methane chiếm phần lớn. Và đây chính là vấn đề khó khăn khi sử dụng nó.
Trong tất cả các khí đốt trong thiên nhiên thì methane là loại nhẹ nhất, khó trị nhất, hay gây nổ nhất. Nó được tạo nên do các chất hữu cơ phân hủy mà thành. Nếu bạn đọc đến những quốc gia kém phát triển sẽ thấy khí này trong những đống rác khổng lồ phơi ngoài trời, và nó rất dễ nổ.
Hiện nay, các loại khí đốt được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (như lò barbecue chẳng hạn) đều là những loại khí nặng hơn nhiều. Đó là mới nói đến sử dụng bằng cách đốt thôi, còn sử dụng để chế biến thành các sản phẩm gia dụng như chế biến dầu mỏ hiện nay thì còn xa lắm. Nếu các bạn để ý cảnh các giàn khoan ngoài biển, thường có một cột lửa cháy, đó là các loại khí bị đốt bỏ, trong đó là các khí nhẹ, có nhiều methane.
Ngoài ra, việc thu lượm băng cháy từ sâu thẳm đại dương cũng không dễ, vì trồi lên một chút là nó bay hơi hết vì hết áp suất, hết lạnh.
Nhưng Bắc Kinh nói là họ đã khai thác thành công.
Chúng ta hãy nhớ lại sự kiện công ty Crestone của Mỹ ký hợp đồng thăm dò dầu mỏ với Bắc Kinh hồi năm 1992, tại một vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, người Tàu gọi là Vạn An.
Trước đó trong mấy năm, các cơ quan dầu mỏ, nghiên cứu biển của Trung Quốc liên tục đưa tin về một tiềm năng vĩ đại về dầu khí trong lòng Biển Đông.
Kết quả là các lô nhượng quyền của Bắc Kinh cho Crestone, cho tới nay không có một giọt dầu nào.
Theo phân tích của nhà báo Bill Hayton của BBC, việc các cơ quan dầu mỏ, nghiên cứu biển của Trung Quốc làm ầm ĩ tiềm năng dầu mỏ của Biển Đông là để… xin ngân sách chính phủ. Nếu bạn đọc sống lâu dưới chế độ cộng sản, nơi các công ty nhà nước nắm giữ mọi thứ, thì dễ dàng hiểu suy luận của Bill Hayton.
Nhưng trong vụ hợp đồng đó, Crestone cũng không vừa, họ sang nhượng lại lô nhượng quyền, và kẻ đến sau phải ôm một mối sầu. Crestone là một công ty chẳng mấy người biết đến.
Hồi năm 2014, ông Nguyễn Thanh Giang cũng nói với tôi rằng, có thể các cơ quan Trung Quốc thổi phồng tiềm năng dầu khí của Biển Đông, kích thích chủ nghĩa dân tộc đại Hán, có lợi cho nhà cầm quyền.
Nếu bây giờ các bạn vào trang web của Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) sẽ thấy một bản đồ băng cháy trên thế giới, trong đó không thấy Việt Nam có băng cháy là mấy. Các bài viết mới ấn hành của cơ quan này cũng cho biết, việc khai thác thương mại băng cháy là không dễ dàng.
Kỹ sư Hiệp Trần, làm việc cho hãng khoan dầu Schlumberger trong vịnh Mexico nói với tôi rằng, ngoài chuyện kỹ thuật, thì giá trị thương mại của việc khoan biển cũng là vấn đề hàng đầu, rất nhiều dự án khoan nước sâu phải hủy bỏ vì lỗ với giá dầu hiện nay.
Ông Hiệp cũng nói với tôi rằng, trình độ khai thác ngoài biển của người Tàu hiện nay còn yếu. Nếu họ muốn khai thác ở đâu đó thì họ phải thuê các công ty dịch vụ, chẳng hạn như Schumberger. Một giếng dầu ngoài biển, theo ông Hiệp có khi cần cả chục công ty, mà những công ty nắm kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay là của Mỹ và châu Âu.
Trong quyển sách nghiên cứu về Biển Đông, ấn hành năm 2014 của nhà báo Bill Hayton, nhan đề: “Biển Đông, cuộc đấu quyền lực tại châu Á”, ông dẫn lời các nhà địa chất, tư vấn khoa học có uy tín quốc tế cho các công ty dầu mỏ tại Singapore, thì tài nguyên dầu khí Biển Đông là không nhiều và hơn nữa thực sự không nằm trong đường lưỡi bò của Bắc Kinh.
Còn nguyên nhân nào khác làm Trung Quốc ầm ĩ chuyện Biển Đông? Theo tôi còn hai nguyên nhân nữa rất gần nhau.
Đầu tiên là thể diện của người Tàu, vốn bị phương Tây sỉ nhục trong một thời gian dài cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ coi Biển Đông là sân sau của mình, các nước Đông Nam Á là đàn em của mình.
Điều thứ hai vô cùng quan trọng, đó là hải lộ Biển Đông, là yết hầu của tham vọng Vành đai Con đường của họ, tham vọng thống trị cả phần Đông bán cầu. Chính tại cái yết hầu này mà phần lớn dầu nhập cảng cho nền kinh tế Trung Quốc đi qua, lượng dầu dưới Biển Đông, nếu có, chẳng đáng là bao. Đây cũng là điều Bill Hayton đề cập trong quyển sách về Biển Đông của ông.
Nếu dầu mỏ ít như vậy thì có phải nó chẳng còn quan trọng đối với Việt Nam?
Không. Dầu biển Đông rất quan trọng với Việt Nam. Thứ nhất Việt Nam đang khai thác dầu gần bờ, mà nếu người Tàu khống chế ngoài xa kia thì còn làm ăn gì nữa.
Trong vụ bãi Tư Chính, một số nguồn tin cho biết, nguồn khí đốt mà Việt Nam khai thác ở đó chiếm đến 10% năng lượng của Việt Nam hiện tại.
Trong quyển sách của Bill Hayton ông cũng nói rằng dù ít dầu nhưng nguồn tài nguyên Biển Đông vẫn rất quan trọng cho những nước nghèo như Việt Nam, hay Philippines.
Chính vì thế, trong vụ Tư Chính vừa qua các nguồn tin cho thấy, Việt Nam rất cứng rắn. Mà ngay khi xảy ra vụ Crestone hồi năm 1992, Việt Nam cũng đã rất cứng rắn.
Xin trích nguyên văn một đoạn ghi chép của Bill Hayton, thuật lại lời Randall Thompson, chủ công ty Creston (trang 127):
Thompson kể lại rằng, sau bốn ngày thu thập dữ liệu, có ba tàu chiến Việt Nam xuất hiện và họ bắn ngang qua mũi tàu của chúng tôi. Tôi đang ở trên một chiếc tàu của người Tàu, chẳng có ma nào nói tiếng Anh, còn đám lính thủy Việt Nam kia cũng chẳng nói chút tiếng Anh. Sau hai ngày vờn nhau, Thompson và viên thuyền trưởng quyết định quay mũi tàu về Quảng Châu”.
Sự kiện này xảy ra vào tháng 4/1994, vài năm sau vụ Garma, nơi hơn 70 lính hải quân Việt Nam bị người Tàu thảm sát.
Có vẻ như hành động cứng rắn đó là do Hà Nội vừa mới hoàn hồn sau cơn sốc Đông Âu, và Thành Đô, thấy rằng Bắc Kinh là kẻ thù chứ không ai khác.
Bình Luận từ Facebook

Không có nhận xét nào: