Quốc Phương
Bãi Tư Chính là vấn đề "rất rắc rối" và Trung Quốc muốn thử nghiệm một cách chơi mới khi "thử phản ứng" của Việt Nam và các nước, nhưng dù phản ứng thế nào, Việt Nam đều 'thua' Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu chính trị và Trung Quốc học thuộc Đại học Maine Hoa Kỳ.
"Vấn đề Bãi Tư Chính cũng rất rắc rối, nhưng tôi muốn chú trọng vào vấn đề này là Trung Quốc thăm dò coi Việt Nam phản ứng như thế nào. Mà phản ứng như thế nào thì Việt Nam cũng thua Trung Quốc," Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận với BBC Tiếng Việt hôm 19/7/2019, bên lề một Hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha.
Và ông giải thích quan điểm của mình và phân tích các kịch bản tình huống:
"Tại sao tôi nói như vậy? Trước hết, thực ra chúng ta không biết nhiều thông tin chính xác là Trung Quốc đang làm gì. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải đưa ra những thông tin đó thì những người như chúng tôi mới có thể đánh giá được.
"Nhưng tôi giả dụ là những tàu của Trung Quốc đi sang, họ làm việc đó để xem Việt Nam phản ứng như thế nào. Nếu Việt Nam phản ứng mạnh mà những nước khác nhìn vào, thì Trung Quốc nói đây là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề song phương.
"Nhưng nếu Việt Nam không phản ứng hay phản ứng nhẹ nhàng, mà các nước khác không phản ứng, thì Trung Quốc cũng nói đây là vấn đề song phương. Mà nhất là mỗi năm, Việt Nam đều đưa nhiều người sang Trung Quốc.
"Kỳ này như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, sang và bà nói bất cứ chuyện gì giữa Việt Nam và Trung Quốc chúng ta đã đồng ý chúng ta sẽ giải quyết vấn đề một cách yên lành thế này, thế kia.
"Khi Việt Nam nói như vậy, thì Việt Nam đã nói là vấn đề này là vấn đề song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thành ra vấn đề Biển Đông hay vấn đề Trường Sa, hay Hoàng Sa, là Việt Nam thua Trung Quốc ở chỗ đó."
'Họ đẩy từ từ'
Theo nhà nghiên cứu này, Trung Quốc tất nhiên không muốn đây là vấn đề đa phương, Giáo sư Long nói tiếp:
"Họ muốn đây là vấn đề song phương, mà vấn đề song phương thì các nước khác không được dính líu vào. Chỉ là giữa Trung Quốc với Việt Nam thôi. Thì vấn đề này Việt Nam phải suy nghĩ, vì trong mười mấy năm qua chúng tôi nói là Việt Nam phải cố gắng đa phương hóa vấn đề Biển Đông.
"Là bởi vì nhiều nước trên thế giới đi ngang Biển Đông, nhưng Việt Nam lại rụt rè. Thành ra, Trung Quốc bây giờ càng ngày càng đẩy. Trung Quốc đẩy rất là 'hay', không những ở Biển Đông mà cả ở Đài Loan nữa. Họ đẩy từ từ.
"Ví dụ như Đài Loan, ngày xưa, thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nói rằng là người Trung Quốc ở Đài Loan và người gốc Trung Quốc ở Đài Loan và người Trung Quốc ở lục địa đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc, không có nói gì vấn đề là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
"Nhưng Trung Quốc đẩy từ từ, bây giờ nói là Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, mà những nước khác không nói gì, thì nghĩa là cái gì Trung Quốc nói thì cũng giống như là giữa Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý, nhưng mà không phải như vậy.
"Công bố Thượng Hải là những người Trung Quốc ở Đài Loan và những người Trung Quốc ở Trung Quốc đồng ý là chỉ có một Trung Quốc," nhà nghiên cứu từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nói.
'Duterte hoàn toàn đúng'
Khi được hỏi nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng cách thức của nước lớn, nước mạnh để 'đe dọa', hay là 'thử' nước nhỏ như vậy, thì có nghĩ tới việc chính họ gặp phải rủi ro nào không, trong bối cảnh một cường quốc thường xuyên hiện diện ở khu vực, Hoa Kỳ, nay đặt dưới lãnh đạo của ông Donald Trump, Giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời:
"Trump thì sẽ không làm gì, Trump thì hôm nay nói thế này, ngày mai đổi ý thế kia. Mà Trump là một người chuyên nghĩ đến cái lợi trước mắt, cho nên cái lợi trước mắt đối với Trung Quốc như vậy là bao nhiêu công ty, hãng ở bên Mỹ buôn bán với Trung Quốc.
"Trump nói phía ngoài như thế thôi, nhưng chúng ta thấy vấn đề Huawei thế này, thế kia như thế thôi, nhưng Trump sẽ cho các công ty đó bán hàng, nên không thể dựa vào Trump được.
"Mà kể cả với các đồng minh cũ, lâu nay ở bên châu Âu, kể cả những tổ chức đa phương như là Nato thế này, thế kia, Trump cũng chẳng cần, thì một nước Việt Nam nhỏ bé xa, không có lợi ích kinh tế lớn bằng Trung Quốc, thì Việt Nam không thể dựa vào Mỹ trong lúc này được."
Gần đây, đối lại với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực, một số quốc gia trong vùng đã bày tỏ thái độ, như Malaysia và Philippines, riêng với trường hợp của Philippines - quốc gia đã thách thức Mỹ thực hiện thỏa thuận đồng minh Mỹ - Philippines, để có hành động cụ thể như đưa hạm đội Bảy và lực lượng Mỹ thách thức trực tiếp Trung Quốc.
Về động thái này của lãnh đạo Philippines, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận:
"Với Philippines, tôi thấy Rodrigo Duterte hoàn toàn đúng, là bởi vì Mỹ trong quá khứ đã không để ý đến vấn đề Philippines bị khó khăn với Trung Quốc. Thì bây giờ đối với Trump mà như vậy, Duterte thách thức là Mỹ muốn làm gì, thử thách thức (Trung Quốc) coi, hãy cho tôi biết, nhưng Mỹ có làm gì đâu?
"Rồi hải quân của Mỹ đi vòng vòng các đảo, gọi là các đảo nhân tạo, thì đi ngoài khu vực 12 dặm, không phải là đi vào phía trong 12 dặm. Nhưng những đảo gọi là đảo nhân tạo đó do là những chỗ bị ngập nước khi thủy triều lên cao, thì chỉ được 15 mét, để cho không bị sự cố.
"Chỉ 15 mét thôi, nhưng Mỹ lại không dám thách thức chuyện đó, thì Duterte thấy rằng mấy anh (Mỹ) đùa thôi. Anh đùa thì làm sao tôi tin anh được?" Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC News Tiếng Việt từ Porto, Bồ Đào Nha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét