Tuần qua nổi lên sự kiện máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng trời trên hòn đảo đang tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều báo cáo nhận định đây là một âm mưu được Bắc Kinh và Moscow lên kế hoạch nhằm khơi sâu và thổi bùng mâu thuẫn giữa các đồng minh của Mỹ, khiến liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu suy yếu.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, vào thứ Ba (23/7), Nga đã cho 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95, và Trung Quốc điều 2 máy bay chiến đấu H-6 cùng lúc bay qua Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của nước này vào 6:44 sáng (giờ địa phương). Tất cả các máy bay của Nga-Trung sau đó quay lại ADIZ của Hàn Quốc vào lúc 8:40, và di chuyển liên tục trong đó suốt 24 phút.

Không dừng ở đó, một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm A-50 của Nga tiếp theo đó đã hai lần bay vào vùng trời của hòn đảo mà phía Hàn Quốc gọi là Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Takeshima, lần thứ nhất vào lúc 9:09 và lần thứ hai vào lúc 9:33. Đáp trả, Hàn Quốc đã cho các máy bay F-15F và FK-16, bắn 360 phát đạn 20mm cùng nhiều pháo sáng để xua đuổi máy bay của Nga.
Điều “trớ trêu” ở đây là, Nhật cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima, nên bên cạnh việc điều máy bay can thiệp, lên tiếng phản đối Trung-Nga và thống nhất với Seoul về việc máy bay của hai nước này xâm phạm vùng trời Dokdo/Takeshima, Tokyo lại cũng phải lên án các hành động của phía Hàn Quốc do Nam Hàn có hành động quân sự ở nơi mà họ khẳng định là không phận của mình.

Đảo Dokdo/Takeshima, tâm điểm tranh chấp Hàn-Nhật

Theo Asia Times, hòn đảo mà hai nước láng giềng Nhật – Hàn tranh chấp có tên quốc tế là Liancourt, tên một con thuyền săn cá voi của Pháp suýt bị đắm vào năm 1849 ở khu vực biển gần quần đảo này.
Dokdo/Takeshima bao gồm 90 đảo nhỏ, trong đó có 37 đảo không bị ngập, trong khi số còn lại là đá ngầm. Trong số 37 đảo nổi thì chỉ có 2 đảo, đảo Đông và đảo Tây, có thể cho phép con người sinh sống, 35 đảo còn lại là những mỏm đá. Theo BBC, tổng diện tích của Dokdo/Takeshima vào khoảng 230.000 mét vuông.
Tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Triều Tiên đã diễn ra hàng trăm năm. Hàn Quốc đang là quốc gia quản lý trên thực tế quần đảo này, họ đặt địa danh hành chính cho nó là xã Dokdo-ri, thuộc huyện Ulleung, tỉnh Gyeongsang Bắc. Trong khi đó, Nhật gọi quần đảo này là thôn Okinoshima, thuộc huyện Oki, tỉnh Shimane.
Hai đảo Đông và Tây thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima. (Ảnh: AP)
Hiện có một cặp vợ chồng ngư phủ người Hàn Quốc thường xuyên sinh sống trên đảo Dokdo/Takeshima, bên cạnh 43 người khác, gồm 37 cảnh sát biển cùng với 3 viên chức chính quyền và 3 nhân viên trực hải đăng.
Bắt đầu từ năm 1986 Hàn Quốc cho tổ chức các cuộc tập trận thường niên bảo vệ Dokdo, gần đây họ đã thực hiện nhiều hoạt động khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo này, bao gồm việc tổ chức các tour du lịch lên đảo.
Tokyo không ngừng lên tiếng phản đối việc “chiếm đóng bất hợp pháp” của Hàn Quốc đối với đảo Dokdo/Takeshima. Vào năm 2005, Nhật đã tổ chức một ngày kỷ niệm có tên “Ngày Takeshima”, sự kiện này đã bị phía Hàn Quốc phản ứng dữ dội.

Khơi sâu thêm mâu thuẫn

Bên cạnh mối quan hệ nhiều “ân oán” trong lịch sử, tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima như một chướng ngại khó lòng dỡ bỏ để hai nước Đông Á cùng là đồng minh của Hoa Kỳ trở thành những láng giềng thân thiện và tin cậy.
Sự phối hợp giữa không quân Nga-Trung trong hành động hôm thứ Ba tại không phận của hòn đảo tranh chấp giữa Nhật và Hàn xảy ra trong bối cảnh Tokyo và Seoul đang trong một rắc rối khác.
Theo Reuters, Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi luật để đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách “các quốc gia hữu hảo” nhận được sự ưu đãi về chính sách thương mại sau khi hai nước có những bất đồng sâu sắc về việc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến, và sau khi Tokyo thắt chặt việc xuất khẩu sang Nam Hàn các sản phẩm công nghệ cao dùng cho sản xuất bộ nhớ và màn hình.
Động thái của Nhật khiến Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại: “Động thái đó sẽ làm xói mòn nền tảng cho quan hệ đối tác kinh tế Nhật-Hàn cũng như việc hợp tác an ninh Đông Bắc Á đã được duy trì và phát triển trong hơn 60 năm qua”, ông Sung Yoon-mo, bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc, nói.
Một chiếc máy bay A-50 của Nga, cùng chủng loại với chiếc máy bay đã xâm phạm vùng trời thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima hôm thứ Ba. (Ảnh: Russia Beyond)
Tờ Japan Times bình luận, mặc dù cuộc chạm trán giữa không quân Nga-Trung và Hàn-Nhật trên vùng trời Dokdo/Takeshima hôm thứ Ba không xảy ra đổ máu nhưng hậu quả mà nó để lại là hết sức nghiêm trọng, vì theo tờ báo Nhật, mục tiêu của hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất mà Mỹ thường xuyên phải để mắt là nhằm chia rẽ hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở Đông Á. Nikkei, một tờ báo khác của Nhật, cũng có chung cách nhìn với Japan Times.
Japan Times đánh giá, Nga-Trung không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ, thay vào đó họ muốn các đồng minh của cường quốc số một thế giới luôn trong tình trạng đối nghịch, hòng làm suy yếu liên minh do Washington lãnh đạo. Vì như lý giải của tờ báo này, việc gây phiền hà cho đồng minh của Mỹ rõ ràng ít rủi ro hơn khi phải đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, lựa chọn này cũng giống như việc Iran bắt giữ tàu Anh Quốc ở eo biển Hormuz, thay vì bắt giữ một tàu Hoa Kỳ nào đó.

Không chỉ chia rẽ Nhật-Hàn

Rõ ràng Nga là một trong những nhân tố chính khiến mối quan hệ trong thời gian qua giữa Mỹ cùng Nato với Thổ Nhĩ Kỳ không còn thân thiện như trước. Điều đáng lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò khá đáng kể trong khối Nato khi sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ hai trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Vào ngày 15/07/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước ông bắt đầu tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga cung cấp, trị giá 2,5 tỷ đô la Mỹ, đồng thời khẳng định việc triển khai này sẽ được hoàn tất vào tháng 04/2020.
RFI bình luận, hành động của Ankara không khác gì cõng “rắn Nga” về “cắn” các đồng minh trong khối Nato. Còn một chuyên gia khách mời của Đài truyền hình France 24 thì mô tả quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ giống như dẫn đường cho “sói Nga” về chỗ “bầy cừu Nato”.
Tên lửa trong hệ thống phòng thủ S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga. (Ảnh: Dailysabah)
Ông Gustav Gressel, chuyên gia về quốc phòng và Nga tại trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Châu về Quan Hệ Quốc Tế ECFR, được RFI dẫn lời cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập hệ thống phòng thủ mua của Nga nguy hiểm ở chỗ, hệ thống này sẽ được tích hợp với hệ thống vũ khí và thông tin mà Ankara được Nato trang bị, nhưng toàn bộ bí mật của S-400 lại do Moscow nắm và kỹ sư Nga sẽ liên tục hiện diện ở Thổ để “tập huấn” cho khách hàng của mình vận hành hệ thống, như thế thì các bí mật về vũ khí và quân sự của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương chắc chắn sẽ không thể giữ vững.
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, can ngăn thậm chí nặng lời với đồng minh Nato của mình, nhưng Ankara bỏ ngoài tai tất cả, thậm chí ông Erdogan còn tuyên bố quyết định mua vũ khí Nga “đã xong” vì Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “nô lệ” của Hoa Kỳ. Việc lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ của Nga được thể hiện rõ hơn khi Mỹ tuyên bố ngừng bán máy bay tàng hình F-35 cho Ankara thì ngay lập tức Moscow “gạ gẫm” bán chiến đấu cơ Su-37 cho quốc gia nằm giữa hai châu lục Á- Âu.
Jonathan Marcus, một cây viết của BBC nhận định, mặc dù bất đồng trong một số vấn đề nhưng Nga và Trung Quốc lại thống nhất ở một điểm: luôn chống lại các nền dân chủ. Vì thế Bắc Kinh và Moscow “song kiếp hợp bích” trong sự kiện xâm phạm vùng trời của quần đảo Dokdo/Takeshima chính là hành động thể hiện sự “tương thông” trong “lý tưởng” của Nga-Trung.