Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Thế kỷ nữa biết xong hay không?

Bởi
 AdminTD
 -

 BTV Tiếng Dân
13-7-2019
TuanVietNam có bài của GS Lã Ngọc Khuê: Cả thế kỷ nữa chắc gì xây xong đường sắt cao tốc. Căn cứ vào các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, tốc độ thực hiện “như sên”, trong khi độ phức tạp và trình độ kỹ thuật của các dự án này chẳng là gì so với dự án đường sắt cao tốc, nên GS Khuê lo ngại, “cả thế kỷ nữa chắc gì đã xây xong, và ai biết điều gì sẽ xảy ra khi ấy?
GS Khuê phân tích, “tuyến đường sắt cao tốc mà chúng ta chủ chương tạo nên một năng lực thông qua 160 đôi tàu/ngày đêm, nhưng theo báo cáo tiền khả thi, thì tới năm 2055 chỉ có thể lấy đầy trên dưới 40% công suất vận tải hết sức to lớn đó. 60% năng lực còn lại đành bỏ phí và hoàn toàn vô dụng đối với nhu cầu vận tải hàng hóa Bắc Nam”.
Một độc giả bình luận dưới bài này: “Cũng may Pháp họ làm đường sắt rồi VN thụ hưởng chứ nếu không thì đến giờ này VN chắc gì đã có đường sắt đừng nói đến cao tốc với chả cao tốc”.
***
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ KHĐT làm Phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương liên quan.

Hội đồng này có trách nhiệm thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. “Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ KH-ĐT”, trong tình hình Bộ KHĐT đang mâu thuẫn với  bộ GTVT về vấn đề phí đầu tư dự án. Bộ KHĐT cho rằng, có thể xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 26 tỉ USD, tiết kiệm tới hơn 32 tỉ USD so với phương án của Bộ GTVT.
Biz Live dẫn lời Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích phương án làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam hơn 58 tỉ USD: “Nếu làm đường sắt 200 km/h thì sau lại phải đập đi nâng lên 350 km/h”. Ông Đông lập luận: “Làm đường sắt tốc độ 200 km/h thì sau này phải đập đi xây lại nếu muốn nâng lên 350 km/h. Điều này cũng giống như đường sắt từ thời Pháp chỉ chạy tối đa được 100 km/h, còn những đoạn khác chỉ chạy được 50-60 km/h”.
Vấn đề cơ sở hạ tầng đường sắt VN chính là lý do khiến một số người hoài nghi tính khả thi của cả hai kịch bản làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Ngay cả phương án 26 tỉ Mỹ kim cũng không rẻ và không dễ hoàn vốn, khi thu nhập bình quân trên đầu người ở VN quá thấp, không biết có bao nhiêu người VN có tiền để sử dụng loại đường này.
Báo Dân Trí có bài: Dù tiền nhiều hay ít, cũng xin nghĩ đến dân. Bài viết dẫn lời TS Nguyễn Xuân Thủy, giải thích tại sao ông ủng hộ phương án của Bộ KHĐT: “Nếu chúng ta xây đường sắt cao tốc nhưng chi phí cao, tất nhiên ngân sách không thể bù giá vé được, như vậy mặc nhiên chỉ có nhiều tiền mới đi được, người ít tiền thì không bao giờ được đi. Như thế là không hợp lý”.
VnExpress đặt câu hỏi: Tại sao không làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hình thức BOT và BT? Tại vì sẽ chẳng có bao nhiêu người dân sử dụng đường này do phí quá cao, nên không ai dám bỏ tiền ra đầu tư, vì sẽ chẳng bao giờ thu hồi vốn, hoặc tới lúc thu hồi được vốn thì chủ đầu tư đã ngủm củ tỏi lâu rồi.
Dân VN đa số là lao động nghèo, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thu nhập quá thấp so với mặt bằng thế giới, lấy tiền đâu ra mà đi cao tốc? Ngay cả máy bay giá rẻ, có được bao nhiêu phần trăm người dân sử dụng? Cho nên người nào bỏ tiền ra đầu tư, rủi ro không thu hồi được vốn là rất lớn.
______

Không có nhận xét nào: