Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Nhà nghiên cứu: Khả năng đụng độ VN-TQ ‘ngày càng cao’ ở bãi Tư Chính

23/07/2019
Các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc và Việt Nam từng va chạm ở Biển Đông hồi tháng 5/2014
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA hôm 22/7 rằng khả năng đụng độ trực tiếp giữa hai lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc mỗi lúc một cao hơn khi mà các tàu Trung Quốc vẫn có mặt tại bãi Tư Chính trên Biển Đông tính đến thời điểm này, theo thông tin mà VOA có được.

Theo cập nhật hôm 21/7 của ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc và là giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc “vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Tham khảo qua trang maritimetraffic.com, VOA nhận thấy đến tối 22/7 (giờ Việt Nam), có ít nhất 3 tàu không rõ số hiệu còn hiện diện ở đúng địa điểm mà ông Ryan Martinson đã cập nhật.
Tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, so sánh rằng hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 hiện nay có một điểm giống như sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào phía tây bắc của Hoàng Sa cách đây 5 năm.
Hai năm sau sự kiện hồi hè năm 2014, Việt Nam có đại hội của đảng cộng sản cầm quyền vào năm 2016. Vào năm 2021, hai năm nữa tính từ thời điểm này, Việt Nam cũng sẽ có đại hội đảng. Từ đó, tiến sĩ Hợp nhận định rằng hai lần đưa dàn khoan của Trung Quốc vào các địa điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “phép thử về sự kiên định trong chính sách của Việt Nam, về đối ngoại là chính cũng như về chính sách cụ thể của Việt Nam về Biển Đông”.
Dẫn thông tin do ông thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam ở bãi Tư Chính không chỉ xảy ra từ 2/7 mà thậm chí còn từ trước đó gần 1 tháng.
Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút. Nó sẽ đi đến chỗ đó.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Ông Hợp cho biết Trung Quốc từ khoảng hôm 4/6 bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga và một công ty Nhật thực hiện hợp đồng khoan mở rộng để thăm dò dầu khí ở vùng biển, và mọi việc kéo dài từ đó đến nay.
Thông tin chính thức trên báo chí Việt Nam và Trung Quốc không cho biết các tàu hai nước đã có va chạm, đụng độ gì chưa, nhưng tiến sĩ Hợp cho rằng cứ mỗi ngày qua đi, khả năng đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, tức là các tàu cảnh sát biển của Việt Nam, với các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đang ở đó “ngày càng cao”.
Nói về nguy cơ dẫn đến nổ súng, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak bày tỏ lo ngại:
“Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút. Nó sẽ đi đến chỗ đó. Một khi phải đi đến chỗ bắn nhau rồi, không có cách gì để dừng lại được nữa. Nếu Trung Quốc tuyên bố kéo dàn khoan vào không phải khoan thăm dò nữa mà là khoan khai thác thì lúc đấy sẽ có đụng độ”.
Trên bình diện quan hệ quốc tế đa phương, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng các động thái “quấy rối”của Trung Quốc quanh bãi Tư Chính cũng có ý “dằn mặt” hãng Rosneft của Nga.
Theo tiến sĩ Hợp, Trung Quốc hiện tỏ ra “quá tự tin” trong quan hệ của họ với thế giới, không chỉ trong quan hệ với nước Nga. Việc Trung Quốc “quấy rối” phía Việt Nam ở vùng biển hiện nay có thể hiểu rằng điều đó về thực chất cũng đồng nghĩa với “quấy rối người Nga”, ông Hợp nói.
Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
VOA gửi đề nghị bình luận đến nhà chức trách Nga và hãng Rosneft nhưng chưa nhận được hồi đáp ở thời điểm bài này được đăng.
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm của mình, tiến sĩ Hợp phân tích rằng người Nga không nhất thiết sẽ phải phát biểu điều gì, mà họ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình. Ông Hợp nói với VOA:
“Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật. Họ có tuyên bố, có nói gì hay không, cũng không thay đổi hiện trạng là công ty Rosneft và công ty khác của Nga không bao giờ người ta rút cả”.
Mỹ, nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở đây, hôm 20/7 lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam.

“Hoa Kỳ lo ngại về những bản tin về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất từ lâu nay của Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố sáng 20/7.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, một đoạn trích của tuyên bố cho hay.

    Di

    Không có nhận xét nào: