Nguyễn Quốc Tấn Trung
Vịnh Bắc Bộ (Beibu – 北部湾 hay Gulf of Tonkin) là khu vực biển chung được bao bọc bởi đường bờ biển các tỉnh phía Bắc Việt Nam và đường bờ biển các tỉnh phía Nam Trung Quốc, cùng với Đảo Hải Nam (Hainan Island). Đây là một vùng biển tương đối kín với diện tích 126.250 km vuông, chiều sâu trung bình tầm 60m và nơi sâu nhất khoảng 90m, khá cạn cho một vùng biển thông thường.
Nguồn tài nguyên tại Vịnh Bắc Bộ rất dồi dào, ít nhất là tính đến cách đây một thập niên. Đây là một trong những ngư trường chính cung cấp thủy hải sản cho toàn bộ Trung Quốc, và cũng là ngư trường truyền thống của người Việt Nam từ nhiều đời. Nhưng đáng kể hơn là nguồn lợi khoáng sản hóa thạch, mà không thể không kể đến dầu khí. Lớp trầm tích của thềm bán đảo Lôi Châu (Leizhou peninsula) dày và chắc chắn, khiến cho Vịnh Bắc Bộ trở thành một đối tượng quá lý tưởng để thực hiện hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Dầu khí Hải ngoại Quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Petroleum Company), Vịnh Bắc Bộ là một trong những khu vực tập trung dầu khí lớn nhất thế giới với trữ lượng dầu lên đến 2,29 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt lên đến 1.444 tỷ mét khối. Riêng hoạt động của Công ty Dầu khí Hải ngoại Trung Nam Hải vào năm 1997, tức cách đây hơn 20 năm, con số dầu thô khai thác được đã lên đến 14,2 triệu tấn dầu thô.
Bất chấp sự trù phú này, Vịnh Bắc Bộ cũng là vùng biển duy nhất mà Trung Quốc chấp thuận tham gia vào một thỏa thuận phân định ranh giới biển (delimitation of maritime boundary agreement). Điều này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp giáp lãnh hải với đến chín quốc gia khác (kể cả Đài Loan), và không có quốc gia nào là Trung Quốc chịu ngồi vào bàn đàm phán về ranh giới biển. Vậy điều gì khiến Trung Quốc lại chịu xuống nước tham gia vào một hiệp định phân định ranh giới biển như vậy? Liệu đó có phải nghệ thuật ngoại giao tài ba của nước lân cận? Hay là vì mục đích phát triển và thịnh vượng chung cho khu vực? Và điều này có ý nghĩa gì cho tương lai của Biển Đông?
***
Nỗi ám ảnh của Thế kỷ Ô nhục (The Century of Humiliation)
Đã có nhiều tác giả nước ngoài cố gắng lý giải Hiệp định Vịnh Bắc Bộ.
Người thì cho rằng các yếu tố như giá trị hàng hải và lợi ích kinh tế là lý do lớn nhất khiến cho Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam.
Số khác thì lập luận bằng cách làm này, ngay trong thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa (giai đoạn 1993 – 2000), sẽ khiến các quốc gia Asean có thiện cảm và hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Cũng có người tin rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa Ngoại giao Ngoại vi (Peripheral Diplomacy) trong nội bộ lãnh đạo Trung Hoa, vốn phân loại quốc gia láng giềng ra thành kẻ đối địch và bạn bè, và bạn bè thì sẽ được Bắc Kinh cân nhắc hợp tác, hỗ trợ. Việt Nam, trong thời điểm này, được xem là đồng minh ít ỏi còn sót lại của Trung Quốc về mặt tư tưởng chính trị.
Những lập luận này đưa ra ngầm ý là Trung Quốc vẫn có thể đối thoại, và Trung Nam Hải vẫn có thể ngồi vào bàn đàm phán những vấn đề chủ quyền biển và đưa ra các thỏa ước ngoại giao trung dung, mỗi bên chịu một phần thiệt để đạt được mục tiêu thịnh vượng chung. Song có một thứ ai cũng biết, nhưng lại không ai công nhận vai trò của nó trong con đường dẫn đến thỏa thuận phân định ranh giới biển duy nhất của Trung Quốc cho đến ngày nay – chính quyền bảo hộ của Thực dân Pháp tại An Nam.
Trước năm 2000, thời điểm mà Hiệp định Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, cơ chế pháp lý quản trị Vịnh Bắc Bộ phải được dựa trên Thỏa Ước Pháp Trung 1887 (Franco – Chinese Convention). Là một trong chuỗi các thỏa thuận ngoại giao ký kết ngay sau chiến tranh Pháp Thanh (Sino – French war) bắt đầu từ năm 1883, thỏa ước năm 1887 phân định đường biên giới trên đất liền cũng như phân định cơ bản ranh giới hàng hải bên trong Vịnh Bắc Bộ.
Theo đó, các đảo nằm về phía Đông của đường kinh tuyến Ba Lê (Paris meridian) ở 105°43′ (hoặc 108°3′ Đông nếu tính từ đường kinh tuyến Greenwich), trong giới hạn của đường phân giới Bắc – Nam xuyên qua mũi phía Đông của Đảo Trà Cổ (Tcha’s Kou hoặc Quan-Chan), thì thuộc về Trung Quốc. Các đảo còn lại về phía Tây của đường kinh tuyến nói trên thuộc về An nam.
Thỏa Ước này mang lại những lợi thế lịch sử nhất định cho Việt Nam. Nó không chỉ trao cho chính quyền bảo hộ của người Pháp tại An Nam và Đông Dương quyền kiểm soát đến 62% vùng mặt biển của vịnh, một số đảo trước đó do nhà Thanh quản lý – như Bạch Long Vĩ – cũng trở thành một phần lãnh thổ của An Nam. Đây là hiện trạng mà nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc kế thừa.
Có thể nói người Trung Quốc chưa bao giờ hài lòng với một văn bản pháp lý quốc tế giấy trắng mực đen rõ ràng như thế. Nhiều học giả người Hoa lập luận rằng ngôn ngữ của Thỏa Ước chỉ xác lập đến các “đảo” phía đông hay phía tây của đường kinh tuyến 105 là thuộc về ai, chứ không hề thật sự nói về phân định ranh giới của toàn bộ “vùng biển”. Vậy nên chẳng có lý do gì lấy nó làm cơ sở cả.
Một lý luận khá võ biền, nhưng đây cũng là nền tảng cho các đòi hỏi của Bắc Kinh ngay khi Hà Nội đề nghị thống nhất đường phân định ranh giới biển để họ có thể thực hiện hoạt động khai thác dầu khí vào năm 1973. Khách quan mà nói, cần thừa nhận rằng các nhà ngoại giao của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã cố gắng hết sức để bảo vệ ảnh hưởng lịch sử của Thỏa Ước 1887, song cách tiếp cận này nhanh chóng bị Trung Quốc quát nạt bác bỏ. Một mặt họ chấp nhận rằng sẽ tiếp tục đàm phán với Việt Nam. Nhưng điều này chỉ được đảm bảo nếu phía Việt Nam không thực hiện bất kỳ hoạt động thăm dò hay khai thác dầu nào cho đến khi thỏa thuận cuối cùng giữa hai nước đạt được. Sự chờ đợi này kéo dài gần 30 năm.
Vậy nên, có thể nói khá chắc chắn rằng, người Trung chỉ chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán vì cái gai Thỏa Ước 1887. Thỏa ước là cơ sở pháp lý quốc tế phân định ranh giới biển rõ ràng nhất, và cũng là duy nhất kèm kẹp tham vọng của Bắc Kinh tại biển Đông, song lại rất được nhiều người biết đến. Nó cũng là minh chứng pháp lý còn sót lại của Thế kỷ Ô nhục, sau khi nhiều thỏa thuận quốc tế khác nhượng quyền kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc như Hongkong hay Macau cho nước ngoài đã được giải quyết thỏa đáng theo mong muốn của Bắc Kinh.
Vậy nên dù một số học giả nước ngoài, như Isaac B. Kardon vào năm 2015, cho rằng sự nhượng bộ của Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ là minh chứng cho thấy họ có tầm nhìn và khả năng nhượng bộ trong các thỏa thuận hàng hải tương lai, điều này không thật sự đúng nếu so sánh lợi thế và quyền lợi lịch sử của Việt Nam trước đó. Con số 53.23% diện tích Vịnh Bắc Bộ do chính quyền Việt Nam kiểm soát vì thế cũng không có ý nghĩa gì nhiều.
Hoặc quyết tâm – hoặc mất hết?
Nắm bắt được yếu tố quyết định đến sự hình thành của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ nói trên, khó ai có thể cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để “phân định” với bất kỳ quốc gia nào khác. Điều này cũng lý giải vì sao chỉ có Việt Nam là “ngồi chung mâm” được với Trung Quốc, trong khi cả tám quốc gia biển liền kề đều không thể tác động gì đến quốc gia này.
Vậy nên đối với biển Đông, nơi mà không hề có văn bản pháp lý quốc tế nào còn sót lại từ thời của Thế kỷ Ô nhục, có thể dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến thuật “Tiên hạ thủ vi cường” – chiếm đảo, quần thảo các vùng biển dựa vào lợi thế nhân lực tài lực – và cuối cùng là áp dụng fait accompli để xác lập chủ quyền toàn bộ, hoặc chí ít là phần lớn biển Đông.
Con đường duy nhất để kéo Trung Quốc đàm phán là phải càng nhượng bộ, và thậm chí cũng chưa biết họ sẽ ứng xử ra sao dù một thỏa thuận quốc tế đã thành hình. Những nhượng bộ này thật ra khiến cho “quan hệ quốc tế” hay “luật quốc tế” trong tương quan với Trung Quốc không khác mấy với tàn dư của tư duy “chư hầu – thiêu triền” mà Bắc Kinh thiết lập cách đây vài thế kỷ.
Lấy chính Hiệp định Vịnh Bắc Bộ ra làm ví dụ.
Dù đảo Cồn Cỏ và đảo Bạch Long Vĩ đều là những đảo lớn và đạt đủ tiêu chuẩn của luật biển quốc tế để làm cơ sở tính các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của riêng đảo đó (gồm lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), phía Việt Nam phải chấp nhận hiệu lực tính của các đảo này chỉ ở mức lần lượt 50% và 25% theo luật biển để không làm phật lòng người bạn lớn phương Bắc.
Bắc Kinh cũng vận dụng một lập luận pháp lý quốc tế khá thú vị hình thành từ Hội nghị Montego Bay 1982, theo đó cho rằng, hợp tác khai thác kinh tế đáy biển giữa các quốc gia không đồng nghĩa với việc các quốc gia này từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng biển đang hợp tác.
Nhiều học giả quốc tế như Nathalie Fau rất hứng thú với khái niệm Vùng phát triển chung (Common Development Zones) để giải quyết các tranh chấp hàng hải và ranh giới biển. Trong tác phẩm Common development zones: A solution to maritime conflict in South China Sea? (gốc tiếng Pháp Les zones communes de développement : une solution au conflit en mer de Chine méridionale?), ông cho rằng các quốc gia hoàn toàn có thể hợp tác khai thác khoáng sản để cùng được lợi trong vùng biển tranh chấp, thay vì phải kèn cựa nhau suốt về vấn đề chủ quyền.
Điểm mà Fau chưa xem xét, là thế nào là vùng biển tranh chấp? Với đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố, 90% diện tích biển Đông đương nhiên trở thành vùng “tranh chấp”? Và các quốc gia khác có nghĩa vụ khai thác chung với Trung Quốc khoáng sản, thủy hải sản tại những vùng biển này?
Hồi năm 2013, dù quyết liệt phản đối những hành vi gây hấn của Trung Quốc tại nhiều vùng nằm trong quyền kiểm soát của Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam vẫn quyết định tái ký kết và thậm chí mở rộng vùng khai thác chung giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ từ 1,541 km vuông lên 4,076 km vuông, một cái giá phải trả để có thể yên thân khai thác dù đã tìm được “đồng thuận chung” với Bắc Kinh về vùng chủ quyền.
***
Nhìn từ nguyên nhân Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ ra đời cho đến cách mà nó được xây dựng, thành hình, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng Trung Quốc là một quốc gia chấp nhận đối thoại. Và khi mà mọi vùng biển đều trở thành vùng biển có tranh chấp theo các tuyên bố chủ quyền từ Bắc Kinh, cũng như việc họ tìm mọi cách né tránh những kênh đối thoại tuân thủ pháp luật biển quốc tế, Việt Nam rõ ràng cần chuẩn bị cho những phương án ít mong muốn nhất. Trong thời gian đó, đối xử công bằng với công chúng và bảo đảm quyền được thông tin của người dân sẽ là cách tốt nhất để phòng tránh những căng thẳng không mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét