Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Hà Nội đu dây khó khăn hơn sau vụ Bãi Tư Chính

Bởi
 AdminTD
 -

Jackhammer Nguyễn
25-7-2019
Trung Quốc nhất định không chịu rút khỏi bãi Tư Chính.
Những vấn đề pháp lý có vẻ như đã hai năm rõ 10: Đây là hải phận quốc tế, nhưng mà là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người Tàu đâu thể vô tìm kiếm tài nguyên được.
Có hai câu hỏi mà những nhà quan sát đặt ra:
1/ Bắc Kinh đang làm gì vậy?
2/ Việt Nam phải làm sao?
Về câu hỏi thứ nhất, ý kiến đáng chú ý nhất là của Giáo sư Ngô Vĩnh Long khi ông trả lời BBC: Người Tàu đang đẩy những nước cờ của họ trong cuộc tranh chấp Biển Đông lên mức tinh vi hơn.
Tôi đồng ý với ý kiến này, và xin bàn thêm là người Tàu đang dấn thêm một bước nữa để thỏa mãn tham vọng Vành đai Con đường của họ, đồng thời tránh được điều mà các nhà nghiên cứu lịch sử gọi là Bẫy Thucydides.
Bẫy Thucydides là gì? Lấy từ lịch sử Hy Lạp cổ đại, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, khi một nước đang vươn lên thành bá chủ tại một nơi nào đó, thì chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra với một bá chủ khác đã ngự trị lâu năm ở đó.

Lý thuyết này giải thích những xung đột như là thế chiến thứ nhất, nước Đức đang vươn lên phải tìm cách lật đổ đế quốc Anh, cuộc chiến thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương, đế quốc Nhật đang vươn lên, cho nên đánh nhau với đế quốc Mỹ ở vùng biển này là không tránh khỏi, cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha cũng nằm trong bối cảnh đó.
Hiện nay, tại Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đóng vai kẻ vươn lên, Mỹ là bá chủ lâu năm.
Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, vào ngày 6/4/2017, ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida. Cùng ngày đó, báo New York Times cho chạy bài của nhà nghiên cứu chính trị người Mỹ là Graham T. Allison, nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm về đạo đức để tránh cái bẫy Thcydides, tức nói nôm na là tránh một cuộc chiến tranh.
Có vẻ như hai bên đã và đang thực hiện “trách nhiệm đạo đức” đó.
Về phía Trung Quốc, đưa tàu bè có vũ trang, hoạt động kinh tế, chấn ngay cửa ra của eo Malacca về phía Bắc, là một mong muốn từ lâu, kiểm soát hải lộ Biển Đông, tiến lên lên làm chủ Đông Bán Cầu. Tư Chính (Vanguard) chính là một bước cờ trong ván cờ lớn đó.
Có phải là họ làm điều đó trong lúc người Mỹ đang bị lo ra vì những xào xáo nội bộ, vì việc bố trí hải quân vô tình không có mặt tại Biển Đông? Chiến dịch tự do hàng hải ra sao rồi? Những tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Mỹ đang ở đâu?
Nước Mỹ không muốn sập bẫy Thucydides!
Có thể Tổng thống Trump không biết Thucydides là ai, Hy Lạp nằm ở đâu, nhưng chắc chắn ông biết rằng ông không đánh nhau với người Tàu ngay từ đầu. Ông thấy rằng Mỹ chẳng hơi đâu mà đi bảo vệ cho thiên hạ, ông công khai nói điều này và đòi các đồng minh phải chia sẻ chi phí, thậm chí ông còn bảo người Tàu bỏ tiền ra để tuần tra vùng biển Trung Đông với ông nữa chứ.
Ông Trump chỉ hô hào chiến tranh thương mại thôi, mà liệu cái bẫy Thucydides này có xảy ra hay không? E rằng khó, vì cho tới nay hy vọng của những người chống Trung Quốc cuồng nhiệt cứ lên xuống theo những cái tweet thương chiến của ông Trump, nhưng chưa tới đâu cả. Đơn giản là hai nền kinh tế đó nó gắn vào nhau nhiều lắm rồi, tôi sứt tai thì anh cũng mẻ trán.
Thế bây giờ Việt Nam tính sau đây?
Điểm lại những chạm trán tương tự, từ vụ Crestone năm 1994, vụ Hải Dương 981 năm 2014, và nay là Tư Chính, thì lần này có vẻ như Việt Nam chuẩn bị đầy đủ nhất, người ta thấy tàu võ trang của Việt Nam chạm trán với người Tàu ngay từ đầu. Và tất cả những chạm trán này chỉ diễn ra khi Hà Nội bị đẩy tới bước đường cùng.
Và vì thế chuyện bãi Tư Chính đẩy Hà Nội tới một sự chòng chành khó khăn mới trong những bước đi đu dây của mình bấy lâu nay giữa Mỹ và Bắc Kinh. Không những đu dây giữa hai cường quốc, mà Hà Nội còn đu dây giữa 90 triệu người Việt và Bắc Kinh nữa.
Dù tương đồng ý thức hệ tới đâu, Hà Nội cũng không thể bỏ qua được tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc, vốn là mã di truyền của người Việt hàng ngàn năm nay.
Theo quan sát của nhiều người thì từ vụ giàn khoan 981 đến nay, qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Tòa Bạch Ốc, và nay là Bãi Tư Chính, Việt Nam đang trôi về phía Mỹ. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, từ Singapore có ý kiến trên tờ Bưu điện Hoa Nam vào hôm nay 25/7/2019, rằng nước cờ mới của người Tàu có thể đẩy mạnh Việt Nam vào vòng tay Mỹ.
Có thể điều đó đúng, nhưng chậm rãi từ từ, và hiện đang chỉ là giấc mơ của hàng triệu người Việt, kể cả nhiều đảng viên cộng sản, ở chỗ riêng tư họ vẫn bày tỏ sự bực tức người Tàu và ủng hộ người Mỹ.
Nhưng người Mỹ đâu rồi? Sau một tuyên bố long trọng của Bộ Ngoại giao, Washington quay về với eo biển Hortmutz và đồng minh anh em Do Thái, với buổi điều trần Muller,… Và trong ký ức của Hà Nội, việc thất thủ Hoàng Sa 1974, ngay sát mũi neo của hạm đội 7, vẫn còn mới tinh. Hà Nội hiểu Washington hơn là Sài Gòn (trước 1975) hiểu Washington.
Người Mỹ đâu có cam kết gì đâu.
Theo ý Giáo sư Long trong bài trả lời BBC, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Nay với sự mất tín nhiệm của các quốc gia châu Á vào người Mỹ, vấn đề quốc tế hóa càng trở nên khó khăn hơn.
Để kêu gọi quốc tế hóa, bản thân Việt Nam phải là một quốc gia mạnh mẽ, thách thức được bá quyền của người Tàu, tạo một cái bẫy Thucydides khác. Điều này có vẻ như chỉ là mong ước của tác giả mà thôi.
Đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc thì cũng tốt thôi, như một chức sắc tôn giáo có nói với người viết bài này, rằng cả hai kẻ đó đều không đáng tin.
Nhưng đừng đu dây giữa 90 triệu dân và Bắc Kinh.
Hà Nội hãy nhìn thấy một điều: Với 90 triệu dân, hơn 300 ngàn cây số vuông, Việt Nam không phải là một đối thủ yếu, ngay cả đối với Bắc Kinh. Nhưng 90 triệu dân đó có đang đoàn kết hay không?
Sự chia rẽ của người Việt Nam hơn 40 năm sau nội chiến vẫn còn dai dẳng vì những chuyện ý thức hệ trên trời dưới đất. Sự áp đặt xã hội toàn trị chỉ làm cho quốc gia yếu đi, vì nó không huy động được hết sức mạnh tổng hợp của cả xã hội như một nền dân chủ.
Jackhammer Nguyễn, gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco

Không có nhận xét nào: