Gregory Poling (Minh Ngọc ghi) |
Dù việc đứng lên phản đối Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, vì nước này giờ có quá nhiều tàu ở Biển Đông so với vài năm trước, nhưng “mềm nắn rắn buông” vẫn đúng trong cách hành xử của Trung Quốc.
LTS: Nếu các quốc gia trong cuộc kiên quyết lên tiếng phản đối các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ rút lui. Còn không, Trung Quốc sẽ vẫn lấn tới. Đó là nhận định mà ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đưa ra trong cuộc trao đổi với Trí Thức Trẻ, trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong những ngày qua có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua cho chúng ta thấy hai điều.
Một là Trung Quốc quyết tâm không để cho bất cứ nước láng giềng nào đơn phương tiếp cận với các nguồn tài nguyên dầu và khí mới (ở Biển Đông). Trung Quốc sẵn sàng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực qua các lực lượng phòng vệ bờ biển và dân quân biển để ép buộc các bên hòng thực thi mục tiêu đó của mình.
Nhưng điều thứ hai, có thể thấy, là việc đứng lên phản đối Trung Quốc vẫn có tác dụng. Hồi tháng 5, Malaysia đã đứng lên phản đối khi Trung Quốc có hành động quấy rối. Và Trung Quốc đã rút lui. Việt Nam cũng đã phản đối sự ép buộc của Trung Quốc, tiếp tục hoạt động thăm dò tại lô 06-01 khu vực Bãi Tư Chính. Dù lực lượng Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở đó, nhưng sớm muộn gì thì họ cũng sẽ tuyên bố là hoạt động thăm dò đã kết thúc và đưa tàu trở về. Nên vấn đề mấu chốt ở đây, là liệu các nước có luôn sẵn sàng đứng dậy phản đối các hành động ép buộc của Trung Quốc trong tương lai hay không.
Chiến lược của Trung Quốc về dài hạn là khá thống nhất. Họ sử dụng lực lượng phòng vệ bờ biển, dân quân biển và các biện pháp phi quân sự khác để doạ dẫm, ép buộc các nước láng giềng phải bỏ cuộc. Nhưng qua nhiều lần, khi các nước láng giềng của Trung Quốc từ chối bỏ cuộc, và đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, Trung Quốc chỉ có lựa chọn hoặc sử dụng vũ lực, hoặc dừng lại và rút về, thì Trung Quốc đều rút lui. Trung Quốc không sẵn sàng trở thành bên nổ súng trước. Nên, dù việc đứng lên phản đối Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, vì Trung Quốc giờ có quá nhiều tàu ở Biển Đông so với vài năm trước, nhưng “mềm nắn rắn buông” vẫn đúng trong cách hành xử của Trung Quốc.
Mỹ và các nước lớn bên ngoài đều nhìn nhận vấn đề ở Biển Đông theo một góc nhìn chung. Đó là vấn đề tự do hàng hải. Tàu hải quân Mỹ biết cách đi lại trên vùng Biển Đông như thế nào. Mỹ có thể bảo vệ khả năng hoạt động, đi lại của mình trên biển, trên vùng trời tại khu vực Biển Đông. Nhưng câu hỏi là Mỹ có thể làm gì giúp các nước như Việt Nam, Maylaysia, Phillippines đảm bảo các quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và tất cả nhưng hoạt động khác được luật pháp quốc tế công nhận.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã hành động hợp lý, ra thông cáo phản đối Trung Quốc vào cuối tuần rồi. Ý tưởng tự do hàng hải ở đây phù hợp với chiến lược rộng hơn của Mỹ. Đó là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ chưa có một chiến lược rõ ràng về việc làm thế nào để giúp các nước trong khu vực Biển Đông (chống lại các hành động bất hợp pháp từ phía Trung Quốc), vì Mỹ không thể gửi tàu hải quân hộ tống tất cả các tàu cá ở vùng biển này.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế như thế nào cũng phụ thuộc nhiều vào hành động của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Khi Mỹ lên tiếng phản đối thì rất dễ khiến Trung Quốc kêu ca là Mỹ can thiệp làm tình hình phức tạp thêm. Nhưng nếu Việt Nam, Maylaysia, Philippines chủ động thu hút hiệu quả dư luận quốc tế đối với vấn đề, thì sẽ có khả năng thành công.
Dư luận quốc tế rất quan tâm tới hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2015, 2016. Lý do cộng đồng quốc tế sau đó dừng quan tâm, phần lớn vì Philippines không còn nói tới vấn đề Biển Đông nữa. Các nước khác trong khu vực đều dừng lại, không đề cập tới câu chuyện. Điều này cần phải thay đổi. Vì đây không phải chỉ là việc của Mỹ, của Nhật Bản, của Australia. Còn phải là EU, và cả cộng đồng quốc tế cùng đứng lên nói về vấn đề này. Nếu không, Trung Quốc sẽ cảm thấy dường như họ không trả giá bất cứ gì về ngoại giao cho những hành động của mình.
Trong vụ việc lần này, Việt Nam đã xử lý khá thận trọng. Tôi hiểu Hà Nội có thể đã muốn tìm giải pháp nhằm tránh lặp lại tình hình hồi năm 2014, khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào Biển Đông. Vấn đề là Trung Quốc biết ranh giới họ có thể hành động, và sẽ tiếp tục các hành vi gây rối nếu không phải trả giá gì. Nhưng Việt Nam có thể đã nhận ra rằng, không thể để Trung Quốc lấn tới mãi. Vì nếu tiếp tục như vậy, trong tương lai, Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc thu hút các công ty nước ngoài hợp tác khai thác ở Biển Đông.
Vấn đề biển Đông cần được đưa trở lại lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự ngoại giao. Trong năm 2015 và 2016, chủ đề này được đề cập tại mọi cuộc họp quốc tế. Điều này cần được lặp lại. Vì khi vấn đề này liên tục được đề cập, nó sẽ khiến Trung Quốc được nhìn nhận như một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế, và các nước sẽ không muốn hợp tác với Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng vào mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là trở thành nước có vai trò lãnh đạo toàn cầu. Vì muốn trở thành lãnh đạo thì cần phải hành xử tương xứng.
Một biện pháp nữa, đó là có thể cân nhắc việc trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc (vi phạm luật pháp quốc tế). Ví dụ, nếu một công ty Trung Quốc tham gia khảo sát trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay nước khác, thì công ty này đáng bị trừng phạt. Hay nếu một công ty của Trung Quốc có tàu cá thực hiện hành vi bạo lực trên Biển Đông thì công ty đó cũng nên bị trừng phạt.
theo Trí Thức Trẻ
Học giả Ấn Độ: Việt Nam không muốn đối đầu nhưng sẵn sàng đáp trả nếu Trung Quốc vượt "ranh giới đỏ"
Hải Võ |
Theo học giả Ấn Độ, trong màn thể hiện trơ trẽn và hung hăng, Trung Quốc áp đặt chiến thuật bắt nạt đối với Việt Nam để tranh giành không gian biển cùng nguồn tài nguyên biển Đông.
Tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Hành động gây hấn nói trên chỉ là một trong chuỗi hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông.
Tiến sĩ Rajaram Panda, Nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ, phân tích trên tạp chí Eurasia Review ngày 29/7 cho biết, đối với trường hợp bãi Tư Chính, Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền phi lý tại đây thông qua yêu sách "Đường 9 đoạn" - vốn đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague phán quyết bác bỏ vào tháng 7/2016.
Bãi Tư Chính nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 770km, không phải là một phần của quần đảo này và hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo ông Panda, Trung Quốc đã cố ý làm sai lệch thông tin khi cho rằng bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp.
Biển Đông là vùng biển có mật độ lưu thông hàng hải dày đặc hàng đầu thế giới, với giá trị hàng hóa lưu chuyển qua đây vào khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc đã ngang ngược áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp đối với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở biển Đông.
Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam
Tiến sĩ Panda cho hay, trong thời gian xâm nhập và hoạt động trái phép trong EEZ Việt Nam, tàu khảo sát địa chất (Hải dương địa chất 8) của Trung Quốc đã di chuyển theo quỹ đạo "zíc zắc", cho thấy nó đang tiến hành khảo sát dầu khí.
Theo các báo cáo độc lập của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cùng Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ (C4ADS), tàu Hải dương địa chất 8 - do Cục điều tra địa chất Trung Quốc vận hành - đã di chuyển ở vùng nước gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây không phải là sự vụ duy nhất có dính líu đến Trung Quốc. Trước đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 đã có "thái độ đe dọa" và khiêu khích ở khu vực gần giàn khoan Hakuryu-5 thuộc lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn do Việt Nam và Nga liên doanh.
Ông Panda nhận định, những hành vi khiêu khích mới nhất cho thấy Trung Quốc đã không rút ra bài học nào từ quá khứ - như vụ Bắc Kinh điều giàn khoan Hải dương 981 gây hấn sâu trong vùng Đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam năm 2014 - và quyết thực hiện dã tâm bành trướng của mình bằng cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn.
"Trung Quốc cần phải hiểu rằng chiến lược như vậy sẽ chỉ đi ngược lại lợi ích của chính họ và có thể dẫn dắt liên minh các lực lượng tôn trọng các chuẩn mực toàn cầu sát cánh với nhau và chung tiếng nói chống lại Trung Quốc," tiến sĩ người Ấn Độ viết.
Sự trơ trẽn của Bắc Kinh
Trung Quốc quyết tâm theo đuổi ý đồ viết lại các quy định toàn cầu theo ý chí riêng. Dường như không chùn bước sau khi bị đẩy lùi khỏi cách tiếp cận mang tính hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn tuyên bố bảo vệ lập trường "rõ ràng và nhất quán" trong vấn đề biển Đông, mà không quan tâm rằng việc theo đuổi chính sách hiện nay sẽ mang lại những hậu quả.
Phản ứng trước báo cáo về hành vi chèn ép, cản trở các nước láng giềng tiến hành hoạt động dầu khí bình thường trên biển Đông, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 12/7 ngụy biện rằng "Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi trên biển và chủ quyền" ở biển Đông và lặp lại luận điệu "kiểm soát tranh chấp với các bên liên quan thông qua đối thoại và tham vấn".
Trong một cuộc họp báo khác, Cảnh Sảng tiếp tục ngang ngược tuyên bố Trung Quốc "hy vọng Việt Nam tôn trọng một cách thiết thực chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển liên quan, không có hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình".
Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Việt Nam sẵn sàng buộc Trung Quốc phải lui bước nếu cần thiết - tiến sĩ Panda bình luận. Trong chuyến thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ngày 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Cảnh sát biển "Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển để kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời mọi hoạt động xâm phạm, vi phạm vùng biển, đảo của ta".
Ông Panda nhận định, nếu Bắc Kinh thực sự sẵn sàng cho hòa bình thì Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng nguyện vọng này, như thông điệp đã nêu trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư tại Bắc Kinh hồi tháng 7, "hai bên cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực".
Việt Nam không nhân nhượng trước những vi phạm
Ông Rajaram Panda bình luận, Việt Nam không muốn có đối đầu với Trung Quốc, nhưng đồng thời sẽ không nhân nhượng trước những hành vi khiêu khích và sẽ sẵn sàng đáp trả nếu Bắc Kinh vượt qua "ranh giới đỏ". Theo ông, những cử chỉ hòa bình của Việt Nam đã mang lại hy vọng rằng sự vụ trong tháng 7 sẽ không leo thang thành đối đầu hay làm suy yếu quan hệ hai nước.
"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam," Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu ngày 19/7.
Theo bà Hằng, "Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".
Yêu cầu tôn trọng các quy định quốc tế
Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng của luật pháp quốc tế cũng như việc các nước tuân thủ luật pháp.
Phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Phong trào Không liên kết diễn ra trong hai ngày 20-21/7/2019 tại Caracas, Venezuela, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải hàng không trong khu vực, giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp trên nền tảng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, chấp hành đầy đủ DOC, và thúc đẩy đối thoại để sớm hoàn tất COC ở biển Đông hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng kêu gọi các nước kiềm chế, tránh những hành động làm phức tạp tình hình, bao gồm hành động đơn phương và quân sự hóa ở biển Đông.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét