Để vay hàng trăm tỉ đồng, Công ty cổ phần Nước AquaOne của Shark Liên đã đem thế chấp cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái, đặc biệt là Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Giữa lúc còn "nhùng nhằng" về quyết toán đầu tư nhà máy nước Sông Đuống và giá bán nước, liệu AquaOne có xoay được nguồn tiền đảm bảo trả nợ vay nghìn tỉ không?
AquaOne thế chấp cổ phần vay nợ nghìn tỉ
Dư luận thời gian qua xôn xao về giá nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được tạm tính để bán cho TP Hà Nội là 10.246 đồng/m3, cao gấp đôi giá của nhà máy nước khác. Trong khi đó, giá mua nước này lại cao hơn giá bán lẻ cho người tiêu dùng, khiến Hà Nội có thể phải bù lỗ lớn. Một trong những nguyên nhân khiến giá thành nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống quá cao là do chi phí đầu tư xây dựng lớn lên tới 5.000 tỉ đồng, công nghệ hiện đại, đặc biệt là do chi phí tài chính quá lớn do Công ty cổ phần nước AquaOne đã vay hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã vay tới gần 4.000 tỉ đồng để đầu tư nhà máy. Số tiền vay này chiếm tới 80% tổng mức vốn đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Do vốn vay quá lớn đã đẩy chi phí lãi vay lên cao, chiếm khoảng 20% giá thành nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống, tức khoảng 2.100 đồng/m3.
Đáng nói hơn, để có được các khoản vay nghìn tỉ, AquaOne của Shark Liên đã đem thế chấp hàng chục triệu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái, đặc biệt là cổ phần của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống làm tài sản đảm bảo cho nợ vay. 
Hàng chục triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được AquaOne được thế chấp tại nhiều nơi để vay vốn.
Hàng chục triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được AquaOne được thế chấp tại nhiều nơi để vay vốn.
Trong quá trình huy động vốn nghìn tỉ, AquaOne của Shark Liên đã gõ cửa vay vốn của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và sử dụng chính cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.