Bảo Thạch, Hoàng Nguyễn
Bài đăng ngày 27/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày 28/11/2009 10:29 TU
Nicolae Ceausescu, được mệnh danh là "Người chỉ đường"
20 năm về trước, khi những cuộc cách mạng dân chủ đã chiến thắng tại Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc thì ở Rumani, chưa thể thấy những dấu hiệu của chuyển đổi. Chế độ Ceauşescu đã hoàn toàn chối bỏ thực tế. Trong khi dân Rumani đói khát, vị lãnh tụ vẫn tin rằng đất nước có được "đời sống cao" nhờ sự lãnh đạo của ông.
Cách đây 20 năm tại Berlin, bức tường đã sụp đổ ngày mồng 9 tháng 11, nhưng tại Rumani, chế độ vẫn tỏ ra tự tin qua việc tổ chức Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XIV. Ngày 24 tháng 11 năm 1989, Nicolae Ceausescu được Đại hội duy trì ở chức vị lãnh đạo số 1.
Được mệnh danh là Conducator (Người chỉ đường), Nicolae Ceausescu và vợ, bà Elena sẽ bất ngờ chứng kiến cảnh tượng, hàng trăm ngàn người dân Bucarest la ó, phản đối họ vào ngày 21 tháng 12 năm 1989. Bốn ngày sau đó, cặp vợ chồng bị hành quyết. Chế độ cộng sản Rumani kết thúc, nhưng ngày nay, nhiều người vẫn còn lưu luyến với gương mặt Ceausescu. Rumani vẫn tiếp tục đưa lên bàn cân công và tội của Ceausescu.
Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường thuật.
"Tháng 11-1989, tại Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Rumani (PCR), thủ lĩnh Nicolae Ceauşescu, khi ấy đã 71 tuổi, lại đắc cử một nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm nữa. Khi ấy, đã từ vài thập kỷ, sự ngự trị của tệ sùng bái cá nhân ở mức độ thô thiển, cũng như, những hành vi kiểm soát của Ceauşescu trên mọi mặt của đời sống tôn giáo, giáo dục, kinh tế, xã hội và đời sống dân sự đã khiến Rumani trở thành một quốc gia tụt hậu ở mức độ ghê gớm tại vùng Đông Trung Âu.
Ceausescu không ý thức được khả năng mình sẽ bị triệt hạ.