· Bởi Admin
05/08/2010
0 phản hồi
Phạm Viết Đào
Muốn nâng cao chất lượng sáng tác văn học thì nếu chỉ bằng việc tạo cơ sở vật chất cho nhà văn thôi thì chưa đủ. Để văn học, nhà văn thực hiện được thiên chức: Hiểu biết, khám phá, sáng tạo…như ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổ chức Hội Nhà văn, các cơ quan quản lý chuyên trách cần xuất phát từ những nét đặc thù của chính trị trong văn học, tạo môi trường cho hoạt động sáng tạo của nhà văn. Chỉ khi tạo điều kiện cho nhà văn thật sự dấn thân được vào các vấn đề mà đời sống xã hội đang diễn ra; chỉ khi nhà văn được pháp luật bảo hộ sự tự do và công khai bày tỏ cảm quan và thái độ chính trị, chính kiến của mình thông qua sản phẩm văn học, thì lúc đó chúng ta mới có nền văn học đúng nghĩa và nhà văn làm đúng thiên chức nhà văn.
Chỉ khi nhà văn nhận thức ra được “hàng lang” mà ngòi bút của mình được phép tung hoành; vẫn xảy ra hiện tượng, nhiều nhà văn với tài năng của ngọn bút, có khả năng lách, với qua được cái hàng lang mà các định chế chính trị nào đó đặt ra để bày tỏ, truyền tải được thái độ chính trị của cá nhân mình.
Giống như một cầu thủ bóng đá: khi quả bóng đang trong thế,tầm tranh chấp giữa 2 cầu thủ đối kháng (giữa nhà văn và định chế chính trị đang tồn tại; khi trái bóng đang ở trạng thái lơ lửng về quyền sở hữu, chưa xác định được ai sẽ là chủ nhân ông của trái bóng), lúc đó người nào nhanh chân chạm trúng bóng trước, trái bóng sẽ thuộc quyền sở hữu của phía chạm bóng trước, luật pháp đứng về phía anh ta…
Trước một vấn đề nào đó do cuộc sống đặt ra mà dư luận đang phân vân, nếu nhà văn đụng bút vào được và chứng minh được “cú vào bóng”, chính kiến mà mình bày tỏ là hợp lệ, trong khuôn khổ luật chơi của định chế chính trị đương quyền cho phép, thì đương nhiên đường chuyền tiếp theo của “trái bóng“ sẽ thuộc thẩm quyền và sở hữu của nhà văn, mang dấu ấn nhà văn…
Thuật ngữ nhà nghề bóng đá quan niệm rằng: ai vào, đá trúng bóng trước mà không cản, chạm vào đối phương thì quyền sở hữu trái bóng thuộc về anh. Bất cứ một thể chế chính trị nào khi xây dựng hệ thống luật pháp, tức hệ thống luật chơi trước hết để mang lại lợi ích cho bộ máy cầm quyền, cho bản thân những kẻ trong guồng máy đó. Chỉ khi nhà văn hiểu và nắm vững luật chơi thì anh vẫn có khả năng giành được bóng để có thế sút vào cầu môn đối thủ.
Một tiền đạo muốn đá được bóng vào cầu môn đối phương phải vượt được sự cản tranh của 11 cầu thủ đối phương; Điều này khác gì các nhà văn, nếu muốn bằng tác phẩm của mình nêu được một vấn đề nào là của mình và bạn đọc quan tâm thì tất nhiên cũng phải vượt qua các rào cản.
Cái “cầu môn” mà nhà văn sút “trái bóng-tác phẩm văn học” vào đó là: sự tác động vào trái tim của xã hội, thế giới bạn đọc, là định chế xã hội đương quyền. Nếu như nhà văn đòi hỏi một thứ tự do tuyệt đối thì khác gì một tiền đạo tài danh lại đi nhờ trọng tài phạt thẻ đỏ, đuổi tất cầu thủ đối phương ra ngoài sân để một mình một bóng nghều nghện dắt bóng đá vào cầu môn đối phương. Nếu thế sao gọi là tài năng được!
Đã có lần tôi trò chuyện với nữ nhà thơ Romania Ana Blandiana, bà là người bị cấm in thơ dưới thời ông Nicolae Ceausescu; thế nhưng đó chính là thời kỳ bà viết được nhiều thơ và thơ hay; thơ bà được thế giới biết đến là thơ viết trong giai đoạn cộng sản. Còn hiện nay, đất nước Romania không còn cộng sản, không còn chế độ kiểm duyệt, nhà văn muốn viết, muốn in đâu thì in, thế nhưng khi tôi hỏi Ana Blandiana bà đã viết và in được gì? Bà cho biết khi được trả lại tự do thì gần như bà lại không sáng tác và xuất bản được gì đáng giá mà quay ra viết văn xuôi…
Cũng giống như trong đại dương và trong rừng, thử hình dung nếu không còn hổ dữ, nếu không còn cá mập; nếu chúng bị săn bắt hết thì đại dương và rừng sẽ còn lại nhan nhan những động vật ốm yếu, kém thể chất làm bá chủ đại dương và rừng rậm?
Trong hoạt động sáng tạo văn học hiện nay, văn học cần phải tránh các thái độ cực đoan: Coi chính trị là chính trị văn học là văn học, anh đi đường anh và tôi đi đường tôi; từ nhận thức này dẫn tới tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt đối hóa văn học. Thái độ cực đoan thứ 2 đó là đồng nhất một tác phẩm văn học như một công trình, một sản phẩm chính trị; do sự đồng nhất này nên đã có sự nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm văn học như một tác phẩm chính trị. Trong kinh tế đã có khái niệm: Hình sự hóa các quan hệ kinh tế; còn trong văn học thì cách nhìn nhận này dẫn đến hành vi hành chính cực đoan: hình sự hóa quan hệ văn chương…
Xin lấy ví dụ: Trong một tác phẩm văn học A,B,C… nào đó, nhà văn có thể xây dựng nhân vật điển hình của mình là một vị thủ tướng chẳng hạn. Bởi vì, một tác phẩm văn học bao giờ cũng có nhân vật chính diện, phản diện. Do tài năng của nhà văn, đã xây dựng nên được hình tượng một thủ tướng rất tiêu cực, rất xấu xa mà hết thảy người đọc đều căm ghét ông ta. Mặc dù, nhân vật thủ tướng này không được mô tả xác định rõ thuộc thế chế nào, giai đoạn cụ thể nào. Do vì tác phẩm bị xem xét, đánh giá như là một sản phẩm chính trị, nên nó bị xếp chụp cho cái mũ tuyên truyền chống và lật đổ nhà nước… Điều này đã từng xảy ra. Vừa qua một hãng phim đã phải dừng một đề án làm phim vì bộ phim xây dựng một nhân vật trung tâm là thủ tướng; Bộ Văn hóa-Thông tin đã chính thức yêu cầu đơn vị đầu tư không triển khai bộ phim này, mặc dù kịch bản ghi rõ đây là nhân vật Thủ tướng của thế kỷ sau?
Hiện đang có sự nhẫm lẫn giữa khái niệm chính trị và khái niệm chính trường. Bản thân nhà lý luận Lê Ngọc Trà trong môt công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa văn học và chính trị cũng có cách hiểu rất thô sơ về mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Xin trích một đoạn trong công trình nghiên cứu trên của ông.
“Chất văn khác chất chính trị. Nhà văn không phải là chính khách. Nghệ sĩ mà đi hoạch định đường lối kinh tế - xã hội thì phải coi chừng. Không phải ngẫu nhiên mà các cương lĩnh chính trị của Balzac, Dostoevski, Turgheniev, L. Tolstoi đều thường hoang tưởng hoặc sai lầm. Lênin đã từng cho rằng Gorki không nên can dự vào công việc chính trị cũng vì vậy, Lênin viết: "Gorki là tài năng nghệ thuật có tầm cỡ lớn, đã và sẽ đóng góp cho phong trào vô sản toàn thế giới rất nhiều. Nhưng tại sao Gorki lại phải đi làm chính trị để làm gì kia chứ?" (Toàn tập, T.31, t. Nga, tr.49). Gorki nhớ lại có lần trong khi trò chuyện, Lênin nói: "Dù sao thì công việc của anh cũng khác tôi. Tôi không có quyền hình dung mình là thằng ngốc, còn anh thì lại phải như vậy, nếu không anh làm sao tả được thằng ngốc là thế nào. Khác nhau ở chỗ đó" (Lênin - Về văn học và nghệ thuật, Moskva, 1967, tr.647).”
Tại sao lại đánh giá tư chất chính trị của Balzac, Dostoevski, Turgheniev, L. Tolstoi qua các cương lĩnh manh tính nghiệp dư của họ mà không căn cứ vào công việc chuyên môn, chuyên nghiệp của họ đó là những hệ tư tưởng-chính trị được thể hiện trong những cuốn tiểu thuyết bàn về chiến tranh và hòa bình (Chiến tranh và hòa bình - Tolstoi), bàn về chế độ tư bản dã thú (Vỡ mộng-Balzac)… Những tác phẩm đó mới chính là nơi bộc lộ những gì tinh túy nhất về thái độ chính trị của họ.
Điều này cũng giống như ai đó đánh giá, phân tích thái độ chính trị của nhà thơ Tố Hữu đối với đất nước, nhân dân nhưng lại không căn cứ vào Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng… mà lại căn cứ vào chính sách giá lương tiền mà Tố Hữu đặt bút ký với tư cách Phó Thủ tướng? Nếu căn cứ vào giá lương tiền mà đánh giá thì Tố Hữu là một công chức, một quan chức hạng bét vì ông là một trong những người góp phần làm cho nền kinh tế rối bét cả lên. Lê Ngọc Trà đã có sự lẫn lộn giữa thái độ chính trị trong sáng tạo văn học với công việc chính trường mà một cá nhân nhà văn nào đó tham dự...
Thiên chức chính trị của nhà văn là bằng hình tượng nghệ thuật, bằng kết cấu nội tại của số phận, của hệ thống hình tượng do anh sáng tạo ra mà người ta hiểu được thái độ, quan điểm chính trị của nhà văn trước một hiện thực nào đó của cuộc sống đang gây tranh cãi, đang nằm ở ngã ba đường, người đọc rất muốn nghe nhà văn bày tỏ thái độ. Bằng cảm nhận, bằng dự cảm vốn có của mình, nhà văn sẽ sử dụng hệ thống hình tượng văn học để lên án, hay phủ định hiện thực nào đó; đó mới chính là thái độ chính trị đích thực và tích cực của nhà văn…
Một hiện tượng đang xảy ra trong đời sống văn nghệ: Hiện đang có rất nhiều vấn đề đang được tranh cãi chưa ngã ngũ, các cơ quan tuyên giáo xếp vào vấn đề nhạy cảm; vì thế nên rất nhiều nhà văn, nhiều cơ quan chuyên môn văn học (báo, nhà xuất bản) đã từ bỏ thiên chức chính trị văn học của mình, sợ giây vào nó như giây vào việc buôn hàng quốc cấm; còn các cơ quan xuất bản, các nhà biên tập báo chí, xuất bản thì ngại đụng vào vấn đề này thì giống như đỉa ngại đụng vào vôi?
Do hiểu và nhận thức xơ cứng về thái độ chính trị của văn học và của nhà văn nên những nhà văn có lập trường chính trị thường được coi là vững, đúng đường lối, những nhà văn “lề phải” là loại nhà văn thường tránh xa những vấn đề mà dân tuyến giáo, giới chức hành chính mệnh danh là vấn đề nhạy cảm. Thực tiễn này đã và đang là nguy cơ làm cho các nhà văn bị thui chột, tê liệt những cảm quan chính trị đối với thời cuộc và thời đại mà anh đang sống.
(Đã và đang hình thành một quan niệm bệnh hoạn trong thế giới thông tin, trong đồi sống văn học, đó là quan niệm về “lề trái, lề phải”… trong thế giới này. Điều nực cười là cái quan niệm bệnh hoạn này thậm chí cũng đã lan truyền ra thế giới, gần đây Đài BBC cũng đã bắt đấu chia lề ra khi phản ảnh tình hình thông tin, văn học Việt Nam?)
Trên các trang viết của nhiều nhà văn, trên các ấn phẩm xuất bản kể cả của của Hội Nhà văn, hình như đang tạo nên một thứ "phản xạ có điều kiện", phản xạ nghề nghiệp của một số nhà văn, nhà biên tập: tìm cách né tránh những vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng của đất nước, trong khi đó thì kể cả những người dân bình thường nhất cũng cảm thấy nhức nhối. Nhiều người lại ngộ nhận coi đó là cách ứng xử thời thượng của giới cầm bút: không giây vào chính trị…
Thực tế đã xảy ra, một nhà văn cho dù được xếp vào diện duy lý, từng trải nhất nhưng tất yếu không khỏi không có lúc có những cảm nhận ngây thơ về các vấn đề thời thế, về chính trị, về một hiện tượng cụ thể nào đó của đời sống. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Nin khuyên các nhà văn nên kết bạn với các nhà chính trị để hai bên có thể bổ sung và giúp nhau làm giàu thêm vốn kiến thức, nghề nghiệp…Nhà chính trị học thêm ở các tác phẩm văn học những điều do nhà văn cảm nhận và ngược lại nhà văn cũng cần được chất duy lý của nhà chính trị bổ sung.
Hay như Chế Lan Viên: nhà thơ duy lý được nhiều người coi là số 1 của Việt Nam nếu suy xét về thái độ chính trị của ông, khi căn cứ vào một số câu thơ thì đúng có những câu, những bài ngô nghê:
Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này không
Không đâu và cả trong những ngày đẹp nhất:
Khi Nguyễn Trãi lamg thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn…
Chỉ có Chế Lan Viên nhìn nhận đất nước đẹp ở cái giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Minh, khi ông thất sủng về ở ấn ở Côn Sơn; còn đối với các nhà chính trị và các nhà sử học thì đó là giai đoạn cực kỳ rối ren về chính trị. Còn khi Nguyễn Du viết Kiều thì đất nước, xã hội như thế nào đọc Truyền Kiều một học sinh phổ thông cũng cảm nhận được…
Còn như nói giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn đẹp nhất của Tổ quốc, của đất nước Việt Nam thì đó là một kiểu đặt vấn đề theo kiểu định lý đảo. Nói dân tộc, đất nước trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ là anh hùng thì được; như nếu nói Tổ quốc chưa bao giờ đẹp như những năm chiến tranh chống Mỹ thì quả Chế Lan Viên có óc thẩm mỹ khôi hài? Trong mỹ học khái niệm về các phạm trù mỹ học như cái anh hùng và cái đẹp là khác nhau!
Để đảm bảo an toàn, nhiều nhà văn chấp nhận sử dụng lại những “bã thải” của chính trị, những nguyên liệu tái chế; tức là chuyện đã đâu ra đấy cả rồi, đã có kết luận, các cơ quan tuyên giáo đã bật đèn xanh và thậm chí khuyền khích đầu tư tiền để nhà văn viết giống như loại sách người tốt việc tốt. Như vậy văn học, nhà văn đã từ bỏ thiên chức khám phá thì sự sáng tạo của anh phỏng còn ý nghĩa gì vì nó không chứa đựng những nhân tố cách mạng, đi đầu của đời sống.
Một thực tế, hiện các nhà văn cảm nhận, thậm thía về mặt trái của cái cơ chế thị trường còn kém hơn cả anh nông dân là những người ít chữ nghĩa. Bởi vì, người nông dân do họ trực tiếp làm ra hạt gạo, con cá, con tôm cho dù sản phẩm của họ đạt chuẩn thị trường nhưng kết cục họ vẫn trắng tay vần nghèo khổ nên họ hiểu hơn nhà văn suốt ngày loanh quanh chung quanh các bàn trà trong các nhiệm sở ?
Tình cảnh xa rời, cách bức với vấn đề của đời sống của nhà văn giống như cảnh một anh thầy đồ, đứng trên bờ chọc batoong xuống ruộng để cảm nhận, chia sẻ cái rét buốt của người nông dân trong mùa gieo cấy cuối đông...
Trong khi phần đông các nhà văn đang từ bỏ đánh mất dần thiên chức chính trị của văn học thì Hội Nhà văn lại tìm cách giương cao ngọn cờ chính trị nghề nghiệp lên, liệu việc làm này có giống với hiện tượng quảng cáo đối với các mặt hàng kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường?
Thái độ chính trị nhân văn nhất của nhà văn hiện nay là nói lên đươc tiếng nói của nhân dân. Nói tiếng lòng của nhân dân không có nghĩa là đối lập với Chính quyền. Bởi trong các cương lĩnh chính trị vẫn xác định chính quyền, chính thể đương nhiệm là nhà nước của dân, do dân và vì dân; như vậy thái độ chính trị của nhà văn và mục tiêu hướng tới của nhà nước và chính thể đương nhiệm đều có chung mẫu số.
Nói như vậy không nghĩa tác phẩm văn học phải rập khuôn các cương lĩnh chính trị. Nếu vậy thì còn gì là văn học. Nếu lúc này lúc kia, tác phẩm này tác phẩm kia có sự vênh lệch pha nào đó về thái độ của nhà văn đối với một vấn đề nào đó đang diễn ra trong đời sống thì đó cũng là tiếng nói mang hình thức xây dựng theo kiểu văn học. Khổng Tử hay nhà chính trị cổ đại Trung Hoa nào đó đã từng đúc kết: Người chê ta mới là thầy ta…
Muốn nâng cao chất lượng sáng tác văn học thì nếu chỉ bằng việc tạo cơ sở vật chất cho nhà văn thôi thì chưa đủ. Để văn học, nhà văn thực hiện được thiên chức: Hiểu biết, khám phá, sáng tạo…như ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổ chức Hội Nhà văn, các cơ quan quản lý chuyên trách cần xuất phát từ những nét đặc thù của chính trị trong văn học, tạo môi trường cho hoạt động sáng tạo của nhà văn. Chỉ khi tạo điều kiện cho nhà văn thật sự dấn thân được vào các vấn đề mà đời sống xã hội đang diễn ra; chỉ khi nhà văn được pháp luật bảo hộ sự tự do và công khai bày tỏ cảm quan và thái độ chính trị, chính kiến của mình thông qua sản phẩm văn học, thì lúc đó chúng ta mới có nền văn học đúng nghĩa và nhà văn làm đúng thiên chức nhà văn.
Để đạt được môi trường lý tưởng đó đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng cả từ hai phía: phía các nhà văn và cả phía các cơ quan chức năng, công quyền… Bởi vì, nhà văn và thể chế đương quyền là 2 bánh xe của một cỗ xe đang chuyển động. Chỉ khi quan niệm được như vậy chúng ta mới yên tâm rằng: đất nước đang có một thể chế chính trị phát triển lành mạnh và một nền văn học phát triển đúng thiên chức của nó; “Con phượng thì múa, con nghê thì chầu…”
Xin kết thúc bài viết bằng ý kiến của TBT Phan Đăng Lưu do bạn Ruồi Trâu comment:
Xin mở ngoặc: Ý kiến của ông Phan Đăng Lưu là ý kiến góp ý với chính quyền thực dân, chính quyền lấy việc bóc lột xứ An Nam thuộc địa làm mục đích tồn tại; chính quyền này hoàn toàn khác xa với chính thể của dân, do dân và vì dân hiện nay …
Nhà văn Phạm Viết Đào trước toà án CS
(nguoivietdiendan.com) Hãy đọc lá thư này của nhà văn Phạm Viết Đào, bạn sẽ thấy sự nguy hiểm cho VN sẽ lớn thế nào nếu ngài đương Kim TT VN lại là người nói một đằng làm một nẻo. Nếu ông chống TQ thực, và ủng hộ tự do báo chí, tự do mạng thực, thì tình hình đã hoàn toàn khác cho các Bloger còn đang bị giam giữ rồi Hãy đọc bà "Vòng kim cô" của nhà văn bị bịt miệng này sẽ biết thêm nhiều điều đáng quí.
THƯ NGỎ CỦA NHÀ VĂN/BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO GỬI THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2015
Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!
Tôi rất mừng vì thấy trong những ngày gần đây, tôi được nghe Thủ tướng phát biểu rất nhiều ý kiến khá thực tế về thực trạng thông tin trên các trang mạng xã hội cùng với những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về cách ứng xử với đời sống thông tin mạng.
Tôi nhận thấy: những ý kiến của Thủ tướng là khách quan, khoa học và có cả sự tinh tế của người am hiểu xã hội thông tin. Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng khi phát biểu với cán bộ giúp việc của Chính phủ về cách ứng xử với thông tin trên mạng xã hội: Không thể ngăn cấm nó!
Trước một hiện tượng tự nhiên – xã hội khi người ta không thể ngăn, cấm thì phải tìm cách ứng xử văn minh – khoa học – nhân văn với chúng. Người Việt Nam có câu: sống chung với lũ… Thủ tướng là người quê gốc Nam Bộ chắc chắn hiểu sâu sắc về triết lý sống này, bởi khi con người ta muốn tồn tại thì buộc phải thích nghi với hoàn cảnh của tự nhiên – xã hội như lũ, lụt là một ví dụ điển hình… Mọi ý chí, tham vọng đi ngược, cưỡng chế lại những xu hướng, trào lưu, quy luật của tự nhiên-xã hội xưa đến này đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực…
Tự do ngôn luận là quyền hiến định của tất cả các quốc gia trên thế giới và là một trong các chuẩn mực của một xã hội văn minh. Cha ông ta từng có câu: quyền ăn, quyền nói…đó là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người từ thời thượng cổ. Đó là những thứ quyền không một thế chế chuyên chế, toàn trị nào có thể cấm đoán, triệt tiêu nó kể cả chế độ phát xít Hitler hay Tần Thuỷ Hoàng. Thiệu Công đời nhà Chu chẳng đã từng khuyên Chu Lệ Vương đừng nghĩ cách bịt mồm dân:
“... Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc. Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra. Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu..." (Sử ký Tư Mã Thiên)
Đối với người dân Nam Bộ, trước cơn lũ hàng năm, người dân thường có 2 cách: Sống chung với nó bằng hệ thống thuyền bè hoặc tự nâng chỗ ở của mình lên bằng hệ thống đê điều…
Theo tôi, “hệ thống đê điều” trong lĩnh vực thông tin xã hội mà các quốc gia văn minh, phát triển vẫn sử dụng đó là: phải tăng cường chất lượng của việc cung cấp thông tin, chính thống… Điều này Thủ tướng cũng đã nhận thấy và đã giao trách nhiệm cho bộ máy giúp việc của Thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo cán bộ Văn phòng Chính phủ phải hoà nhập với Facebook và nhiều trang mạng xã hội khác để sống chung với chúng, tranh thủ nó... Tôi cho đó là một chủ trương đúng, sáng suốt, thực tế của Thủ tướng…
Thưa Thủ tướng!
Sở dĩ tôi mạo muội viết thư này cho Thủ tướng là vì tôi vừa bị Cơ quan An ninh Điều tra Hà Nội bắt giữ, khởi tố hình sự và đưa ra tòa xét xử với hình phạt 15 tháng tù với tội danh: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân…” (Điều 258 Bộ luật Hình sự) do việc đưa thông tin lên mạng dưới hình thức blog.
Qua 15 tháng tù (từ 13/6/2013 tới 13/9/2014), nhất là qua những lần “đi cung” với một số cán bộ điều tra của cơ quan An ninh Điều tra Hà Nội, mặc dù họ không nói ra, nhưng tôi cảm nhận nhận được chính Tổng Cục An Ninh (Bộ Công An) là cơ quan quyết liệt xử lý hình sự đối với những bài tôi viết trên blog cá nhân và đã xử phạt tội 15 tháng tù.
Tôi còn nhớ ngày 19/6/2014, sau 7 ngày bị bắt, ông Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội đã lệnh cho Tổ chuyên án áp giải tôi lên gặp ông tại trụ sở Sở Công an TP Hà Nội (87 Trần Hưng Đạo). Trong cuộc gặp này, sau khi nghe tôi trực tiếp trình bày, tất nhiên trước đó Tổ chuyên án cũng đã báo cáo với ông về những hành vi viết blog của tôi, Giám đốc Nguyễn Đức Chung đã nói với tôi trước cả Tổ chuyên án: Việc của anh (tức blogger P.V.Đ) tôi đã báo cáo và xin ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang và đã được đồng ý chuyển sang xử lý hành chính… Thế nhưng, cuối cùng thì tôi đã phải chấp hành mức án 15 tháng tù…
Theo cảm nhận của tôi, Tổng cục An Ninh (Bộ Công an) là cơ quan đã nhận lệnh trực tiếp từ Thủ tướng để xử lý hình sự bằng được việc viết blog của tôi và nhiều blogger khác…
Tôi khẳng định điều này vì trong suốt 3 tháng trời làm việc với một số điều tra viên của An ninh Điều tra Hà Nội, tôi cũng đã chứng minh, thuyết phục để họ thấy những bài viết trên blog của tôi nếu nghiêm khắc cũng chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, phạt tiền… Mặc dù việc viết blog của tôi không hề mang lại một chút lợi ích vật chất nào cho bản thân.
Bằng cảm quan của mình, tôi thấy các cán bộ điều tra của Công an Hà Nội, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chừng mực nào đó họ đã có những đồng cảm nhất định khi nghe tôi trực tiếp trình bày về mức độ đụng chạm trong các bài đưa lên blog cá nhân của tôi; điều này phần nào cũng đã được thể hiện trong Kết luận Điều tra và trong Cáo trạng của Viện Kiếm sát.
Thưa Thủ tướng!
Mọi chuyện đối với tôi đã qua đi; như người phương Đông có câu: trong cái rủi có cái may; việc tôi phải ở tù 15 tháng, tôi đã chấp hành xong và ra khỏi tù an toàn cũng là một loại trải nghiệm quý đối với một con người chọn nghề cấm bút như tôi. Tôi viết lên điều này không hề có ý oán trách gì Thủ tướng cả… Nếu sau này mà tôi viết được một cái gì đó, biết đâu tôi là quay lại cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho tôi vào tù… Vì nếu không có 15 tháng sống chung, gần gũi với gần 100 bạn tù thì làm sao tôi có được những vốn sống đó?!
Hôm nay, tôi mạo muội viết thư ngỏ gửi tới Thủ tướng nhân dịp Thủ tướng đang chú ý, quan tâm tới đời sống thông tin mạng, nhất là đối với ý kiến của Thủ tướng: “Không thể cấm thông tin trên mạng Internet”. Cái gì đã không thể cấm thì không nên xử lý hình sự. Do vậy mà, tôi với trải nghiệm của một blogger đã từng bị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt 15 tháng tù, kính mong Thủ tướng thôi không truy cứu trách nhiệm hình sự, thả tự do cho các blogger: Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ và các blogger khác vì tôi thấy những bài viết của họ cũng giống với các bài viết của tôi, mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng những hành vi đó vẫn nằm trong cái hàng lang của “tự do ngôn luận” mà luật pháp quy định và như lời Thủ tướng vừa phát biểu…
Tôi nghĩ, việc trả tự do cho các blogger, không truy cứu trách nhiệm hình sự họ là một minh chứng cho ý kiến gần đây của Thủ tướng về việc tôn trọng và tạo điều kiện cho xã hội thông tin được tự do phát triển. Việc này thuộc quyền hạn của Tổng Cục An Ninh (Bộ Công an) do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
Tôi mong việc trả lại tự do, không truy cứu trách nhiệm sẽ là một trong những bằng chứng hùng hồn chứng tỏ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người thật sự am hiểu xã hội thông tin, thật sự cầu thị, nói đi đôi với làm không sai một ly, một cắc; bởi như trong nhiều phim Trung Quốc, người Trung Quốc hay có câu gần như cử miệng của những đấng "quân vương phim" Tàu: Vua không thể nói chơi?!
Tôi biết Thủ tướng đang có nhiều hoạt động, việc làm để củng cố uý tín để được tín nhiệm trụ thêm một nhiệm kỳ nữa ở vị trí cao hơn hiện tại.
Tôi mong Thủ tướng hãy tiếp nhận ý kiến này của tôi và xem đây như một ý kiến góp ý chân thành.
Trân trọng!
Nhà văn/Blogger Phạm Viết Đào
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào