“Tôi sinh ra trong một
gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng
trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là
tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành
chung, tôi cũng học tại Thanh Hoá, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến
năm 1938, lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng
con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân
vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người
đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng
thời còn nhớ tên những người đậu khoá ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng
Gin, Trịnh văn Xuấn, Đỗ Thiện và … Tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây
trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hoá để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học
giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên
thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng
thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khoá đầu tiên.
Ở Thanh Hoá, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại
xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.