Chuyện làng văn nghệ
Phùng Cung người tù không án 11 năm 9
tháng
Phùng Cung và Phùng Quán...
Việc tôi và Phùng Quán
đến nhà Phùng Cung sau khi anh bị bắt mười lăm phút là chuyện tình cờ.
Dọc đường về, Phùng Quán tỏ ra hốt hoảng thật sự làm tôi buồn! Quán bảo với
tôi, tớ vái về ngay Nghi Tàm sắp xếp sách vở đưa đi gửi rồi sắp xếp quần áo đồ
đạc chuẩn bị đi tù, người ta bắt Phùng Cung rồi là bắt tớ thôi! Tôi bảo các báo
xưa nay xếp thứ tự “Bọn nhân văn giai phẩm” bao giờ cũng là Trần Dần, Hoàng
Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Cậu không vô lối chen ngang được, ba ông kia phải được
bắt trước rồi mới đến lượt cậu.
Quán bảo lúc này còn đùa được, cậu cũng về tòa soạn lấy công lệnh đi viết bài,
đi thật xa Cao Bằng Hà Giang Lạng Sơn gì đó, lớ ngớ ở Hà Nội người ta bắt cả
lũ. Tôi chỉ cười nhạt
Phùng Quán trở về Nghi Tàm, ngoại ô thành phố, nơi anh cư ngụ với bà mẹ nuôi để
sắp xếp đồ đạc như anh nói. Còn tôi rẽ vào nhà Hoàng Cầm, báo cho anh biết
Phùng Cung vừa bị bắt và hỏi anh có biết lý do Phùng Cung bị bắt không? Hoàng
Cầm điềm tĩnh, chắc bắt là do cái chuyện ngắn “Con ngựa già Chúa Trịnh” đăng ở
báo Nhân Văn số 5! Tôi hỏi, liệu người ta có đưa ra xét xử như đã từng xét xử Nguyễn
Hữu Đang không? Người bạn ngồi cạnh Hoàng Cầm như lúc nãy anh giới thiệu là vừa
học ở Liên Xô về, liền “phán” : chuyên chính vô sản không có việc đưa ra xét xử
đâu, ở Liên Xô Staline bắt hàng trăm trí thức văn nghệ sĩ tống đi đày chứ không
có đưa ra tòa án, Việt Nam học trò của Liên Xô thì cũng vậy thôi.
Sau 11 năm 9 tháng đi tù về, tôi đến thăm Phùng Cung, hỏi anh, anh có biết mình
đi tù về tội gì không, anh cười như mếu, chính câu này mình đã hỏi anh công an
lúc vừa bị bắt vào hỏa lò, anh ta bảo: tội của anh là phản động chống Đảng nhà
nước, rồi anh ấy tiếp, anh đã vào đây là chỉ được quyền trả lời chứ không được
phép hỏi lại tôi
Suốt gần 12 năm Phùng Cung bị giam hỏa lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang,… anh
cũng không được ai giải thích cho tội phản động của mình, đành tin rằng tội của
anh là viết cái chuyện ngắn đăng trên báo Nhân Văn.
Hôm nay, cuối tuần tôi đưa chuyện ngắn Con ngựa già Chúa Trịnh của anh lên
face, các bạn đọc truyện ngắn rất nhân bản, đầy tính ẩn dụ, có thấy nó phản
động không?
Con ngựa già chúa Trịnh
Truyện ngắn Phùng Cung
Phương Lộ là một làng nhỏ hẻo lánh, nằm lọt trong một thung lũng phía Nam chân
núi Tản, cách chợ Đan Lâm chừng bảy dặm. Từ Đan Lâm vào Phương Lộ, trên con
đường đất mòn, ngoằn ngoèo men theo dọc bờ suối; phải qua một chiếc cầu bằng đá
vắt ngang suối bên cạnh một ngôi đền nhỏ. Trong làng có lão già họ, hai đời
chuyên nghề buôn ngựa. Ông cụ sinh ra lão ngày trước là mã phu của triều Trần;
khi mãn lính, trở về làm nghề buôn ngựa. Năm mười bốn tuổi, lão đã theo cha ra
chợ Đan Lâm học nghề. Lớn lên, lão đã nổi tiếng khắp vùng về môn xem tướng
ngựa.