Lê Tư
A. TIỂU SỬ TÓM TẮT:
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, năm 1400 đậu Thái học sinh. Tương truyền, ông giữ chức Ngự sử đài chính chưởng dưới đời Hồ (1400 – 1407). Tuy nhiên, không hoạt động nào của Nguyễn được sử ký ghi nhận trong giai đoạn này.
Năm 1407, Vĩnh Lạc xâm phạm Đại Việt, Giản Định đế nổi lên kháng cự sau khi quân Hồ tan rã. Nguyễn Trãi bị nhóm Hậu Trần truy sát do gia tộc bên ngoại trước đó hợp tác với họ Hồ, về sau cha và cậu ruột lại đầu hàng giặc Minh. Ông ẩn tránh đến năm 1410 mới ra trình diện chính quyền mới.
Từ 1410 đến 1417, Nguyễn Trãi lưu lạc Trung Hoa. Có lẽ do ông phục vụ Minh triều với chức vụ thấp nên sử Trung Hoa không chép lại hành trạng.
Theo Tổng binh Lý Bân về Giao Chỉ năm 1417, Nguyễn làm việc trong bộ máy thuộc địa đến khi họ Lý qua đời năm 1422.
Năm 1423, Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, được giao vai trò thư ký riêng cho thủ lĩnh khởi nghĩa. Thừa lệnh chủ, Nguyễn viết nhiều thư giao thiệp với người Minh; hoặc mệnh lệnh dạy bảo, úy lạo quân nhân. Các văn bản này về sau được Trần Khắc Kiệm gom thành Quân trung từ mệnh tập (1480).
Năm 1427, khi quân Lam Sơn tiến ra châu thổ sông Hồng, “Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ” Nguyễn Trãi được thăng chức “Triều liệt Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự.” Ông từng đích thân cùng hàng tướng họ Tăng đi chiêu dụ thành Tam Giang.
Tức vị hoàng đế năm 1428, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết Đại Cáo công bố quá trình chiến đấu dẫn đến thành công mỹ mãn của lực lượng kháng chiến. Nguyễn Trãi được phong “Tuyên phụng Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ hữu Gián nghị Đại phu, đồng Trung thư lệnh sự, tứ kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi.”
Cuối năm 1429, Nguyễn Trãi bị tống giam nhưng sau đó được thả ngay. Tuy nhiên, ông mất hết chức tước và bị thẩm vấn kéo dài. Ngoài lý do bị tình nghi liên can mưu phản của Trần Nguyên Hãn, có thể ông gặp rắc rối do các mối quan hệ phức tạp thời cộng tác với người Minh.
Năm 1432, ông chỉ được phục chức “Vinh Lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự.” Năm 1433, Lê Thái tổ băng, Nguyễn Trãi viết Văn bia Vĩnh lăng.
Từ năm 1433 đến năm 1437, theo ghi chép của Toàn Thư, bên cạnh nhiệm vụ Thừa chỉ, Nguyễn Trãi phụ trách mảng văn hóa-giáo dục của triều đình.
Do tranh chấp về “lễ nhạc” với Lương Đăng năm 1437, Nguyễn Trãi bị bãi truất nhưng vẫn còn giữ chức quan nhàn. Năm 1439, Lê Thái tông phục hồi cho ông. Trong biểu tạ ơn, ông xưng là “Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ sảnh tả ty hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ tri Tam Quán sự, Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, Á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi.”
Năm 1442, vua đi tuần miền đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, nhân tiện ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Khi nghỉ lại Lệ Chi viên trên đường về kinh, hoàng đế thức suốt đêm với vợ lẽ Ức Trai là Nguyễn thị Lộ rồi mất. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Năm 1464, Lê Thánh tông cho người con còn sống sót của Nguyễn Trãi tên Anh Vũ làm quan huyện. Năm 1467 lại ra lệnh sưu tập thơ văn của ông.
B. TỰ TRUYỆN QUA NHẬT KÝ THƠ:
1. Thời học sinh trước năm 1400
Nguyễn Trãi xuất hiện lần đầu trong văn học qua bài thơ “Gia viên lạc 家園樂,” Thú vườn quê của Nguyễn Ứng Long. Cha ông tả đứa bé con mình mới lên sáu đã mê đọc sách: “Lục tuế nhi đồng phả ái thư 六歲兒童頗愛書.” Phan Huy Chú tin rằng cháu nhỏ chính là Ức Trai sau này.[1]
Qua tác phẩm dưới đây, Nguyễn Trãi cho biết ông được gửi vào trường lớp chính quy để học tập. Do Ứng Long là quan Đại phu triều Trần, có thể hiểu “trường văn” mà tác giả nhắc đến chính là Quốc tử giám tại kinh đô. Nguyễn đang đối diện rắc rối ảnh hưởng đến việc học và thi.
Mạn thuật XII
Trường văn nằm ngả mấy thu dư,
Uổng tốn công hèn biện lỗ ngư.(1)
Còn miệng tựa bình(2) đà(3) chỉn(4) giữ,
Có lòng bằng trúc(5) mỗ(6) nên hư.
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,(7)
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.(8)
Chỉn sá(9) lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác mặc(10) thi thư.