08:14, 22/07/2018
(CLO) Chỉ bằng 2 quyết định "tạm giao đất" rồi "giao đất" vào các năm 2004 và 2015, UBND TP.HCM đã "sang tên" gọn ghẽ 324.000m2 đất từng thuộc trường bắn (trên đất có hàng chục hộ dân sinh sống, sản xuất) cho doanh nghiệp "vỏ nội, ruột ngoại". Nhiều tình tiết "động trời" tới nay mới được Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, nguyên Giám đốc Công ty TNHH A Sung hé lộ.
Đất vào tay người nước ngoài bằng đường nào?
Như báo NB&CL đã thông tin: Từ 30/6/2004, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã ký Quyết định 3243 về "tạm giao đất" cho Công ty 7/5 thực hiện dự án khu dân cư tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 (không thấy đính kèm bất cứ thống kê nào về số lô thửa, tờ bản đồ, bản vẽ hiện trạng,… hay số hộ dân đang cư ngụ, sản xuất, canh tác trên đất).
Sau 14 năm, dự án vẫn còn là bãi đất trống, bên cạnh khu dân cư (bên phải).
Chỉ từ quyết định "tạm giao" thiếu cơ sở pháp lý vững chắc này, UBND Quận 9 đã phê duyệt phương án, áp giá bồi thường, hỗ trợ… cho người dân với mức giá chỉ tương đương bát phở/m2.
Cũng với mảnh đất này, tới 25/6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định 3066 về "Chấm dứt tạm giao 324.000m2 đất cho Công ty 7/5"; "Giao 321.301m2 đất cho Công ty TNHH A Sung thực hiện dự án khu dân cư". Công ty 7/5 đã giải thể từ 2014.
Vậy 32,4ha đất trên có phải là đất quốc phòng? Công ty A Sung là loại hình doanh nghiệp nào và có phải là chủ thể (theo quy định của pháp luật) để có được mảnh đất mà nhà nước từng "tạm giao" cho doanh nghiệp quân đội?
Về nguồn gốc đất, ngày 31/7/2008, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín ký văn bản 4843/UBND, có nội dung: "Ngày 18/12/2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1359/QĐ-TTg về việc thu hồi 823.554m2 đất quốc phòng do Quân khu 7 quản lý tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 giao cho UBND TP.HCM quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội… Ngày 30/6/2004, UBND TP.HCM có quyết định tạm giao đất cho Công ty 7/5 để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu dân cư trên phần đất có diện tích 324.000m2/823.554m2."
Điều khó hiểu ở đây, UBND TP.HCM được giao đất quốc phòng để phát triển kinh tế xã hội, nhưng lại "giao ngược" cho doanh nghiệp quân đội ở tận Lâm Đồng, rồi hôm nay lại giao tiếp cho tư nhân không qua đấu giá?
Nhiều nhà kho, xưởng sản xuất khu vực ấp Giãn dân bị cưỡng chế tháo dỡ.
Về Công ty TNHH A Sung. Doanh nghiệp này đăng ký lần đầu vào 23/9/2013, vốn điều lệ 1.000.000.000 đồng; thành viên góp vốn gồm ông Trần Ngọc Thổ (100.000.000 đồng) và bà Trần Thị Oanh Oanh (900.000.000 đồng). Ông Thổ là Giám đốc.
Công ty TNHH A Sung sau nhiều lần thay đổi, vốn điều lệ được nâng lên 250.000.000.000 đồng. Tới 6/7/2016, thành viên mới là Công ty Tae Kwang Vina Industrial (đóng tại Đồng Nai) xuất hiện, thay bà Oanh nắm giữ 225.000.000.000 đồng (90%) vốn điều lệ. Giám đốc vẫn là ông Thổ.
Tới 22/2/2017, Công ty TNHH A Sung đăng ký thay đổi lần thứ 5, đại diện pháp luật thay ông Trần Ngọc Thổ là ông Lee Hyung Jin (quốc tịch Hàn Quốc).
Trước câu hỏi tại sao từ đất của doanh nghiệp quân đội lại về tay người nước ngoài, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết: Khi Công ty 7/5 rao bán dự án, ông và bà Oanh đã cùng một người bạn Hàn Quốc hợp tác lập doanh nghiệp để mua. Tuy nhiên, người bạn kia đã không công khai việc dùng tiền của Công ty CP Tae Kwang Vina để góp vốn. Công ty CP Tae Kwang Vina sau đó đã yêu cầu ông giao quyền điều hành Công ty TNHH A Sung.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng QK7 - Ảnh: Baolongan
Vào thế khó, ông Trần Ngọc Thổ đã chấp thuận để người Hàn Quốc đứng đại diện pháp luật, nhận lại số vốn góp ban đầu và rút khỏi Công ty TNHH A Sung. Hơn 32 ha đất gốc quốc phòng, với hàng chục hộ dân sinh sống, sản xuất trên đó đã về tay người nước ngoài một cách lắt léo như vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất tại khu vực dự án hiện khoảng 35.000.000 đồng/m2. Với 324.000m2, giá trị khu đất sẽ là hàng ngàn tỉ đồng nhưng chưa rõ nhà nước, người dân hay cá nhân nào hưởng lợi nhiều nhất?
Nghi vấn xà xẻo, tham nhũng đất công cần được làm rõ
Làm việc với Báo NB&CL, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã bất ngờ chia sẻ: Có tin khoảng 3.000m2 đất dự án phải "chia" cho lãnh đạo địa phương.
Một nhà thờ của người dân trong khu vực dự án khu dân cư 7/5 đang tranh chấp.
Lời của vị tướng lẫy lừng này chưa được chứng minh bằng giấy tờ cụ thể, dù ông từng là Giám đốc Công ty TNHH A Sung (chủ dự án). Tuy vậy, đối chiếu với các quyết định "tạm giao" và "giao đất" của UBND TP.HCM thì thấy diện tích đất có sự "hao hụt" bất ngờ.
Cụ thể, ngày 30/6/2004, trong quyết định "tạm giao" do ông Nguyễn Văn Đua ký, diện tích đất là 324.000m2. Tới 25/6/2015, khi ông Nguyễn Hữu Tín ký giao đất cho Công ty TNHH A Sung, diện tích chỉ còn 321.301m2, giảm 2.699m2 so với quyết định trước đó (?).
Trong tài liệu, bản đồ của quân đội và các cơ quan liên quan chúng tôi thu thập được, có xuất hiện ghi chú "khu gia đình cán bộ". Thế nhưng, có hay không việc cán bộ xà xẻo, tham nhũng đất, công luận và người dân đang mong chờ Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thành ủy TP.HCM vào cuộc làm rõ, để quyền và lợi ích của các hộ dân sinh sống, sản xuất, canh tác trên đất từ những năm 1979 tới trước 2003 được bảo vệ theo luật định.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Kiên Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét