Điều tra của Phạm Viết Đào.
Những điểm cao ghi ký hiệu màu
đen là vị trí quân Việt Nam; Ký hiệu màu đỏ là quân Trung Quốc; Cao điểm 1509
ghi ký hiệu F
Nhân chứng 2: Thiếu tá Hoàng Cường, nguyên Trợ lý tác chiến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Hà Tuyên nói về trận thảm bại 31/5/1985 của quân Trung Quốc: “Trận 31/5/1985, ta đã lừa
được Trung Quốc.[1]”
Sáng thứ 7 ngày
15/4/2011, đúng 8 giờ, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Tấn Trọng, (người mà tôi
quen tình cờ trên chuyến xe khách Hà Nội - Hà Giang), xem đêm qua ông đã liên hệ
giúp tôi để sáng nay tôi gặp và hỏi chuyện ông Hoàng Cường không? Đầu giây kia,
ông Trọng cho biết, ông đang chuẩn bị đến nhà ông Hoàng Cường, nếu ông Hoàng Cường
nhận lời, ông sẽ gọi điện lại cho tôi…
P.V.Đ hỏi chuyện Thiếu tá Hoàng Cường tại nhà riêng tại T.P Hà Giang
Đợi đến 9 giờ, vẫn
không thấy động tĩnh gì, tôi lại gọi điện cho ông Nguyễn Tấn Trọng, ông Trọng
cho biết: “Tôi đang ngồi ở nhà ông Hoàng Cường đây. Ông Hoàng Cường đang mệt,
ông cũng không còn nhớ nhiều về cuộc chiến đã xảy cách đây hơn 20 năm…”
Tôi hơi thất vọng.
Nhưng ông Trọng lại cho biết, nếu anh đến chơi ông Hoàng Cường sẽ tiếp. Tôi hỏi
địa chỉ. Ông Trọng dặn bắt taxi đến Nhà Văn hóa phường tại Cầu Phát, ông Trọng
sẽ ra đón tôi…
Tôi liền bắt xe
đi mất 10 phút. Đến nơi ông Trọng đã đợi sẵn vì nhà thiếu tá Hoàng Cường cách đấy
mấy bước chân.
Vào nhà, thấy
thiếu tá Hoàng Cường không lộ cái vẻ gì là mệt mỏi cả, trông ông đã gần 80 mươi
nhưng vẫn còn còn quắc thước, đĩnh đạc. Sau một hồi giao đãi đủ chuyện để làn
tan băng cái không khí ngại ngần.
Cao điểm 772 ( góc phải-Đồi thịt băm), Caoi điểm 685( góc phải-Lò vôi thế kỷ)
nơi xảy ra ác chiến ngày 12/7/1984
Cao điểm 772 ( góc phải-Đồi thịt băm), Caoi điểm 685( góc phải-Lò vôi thế kỷ)
nơi xảy ra ác chiến ngày 12/7/1984
Ông Hoàng Cường
năm nay 78 tuổi, ông tham gia quân đội từ năm 1950, lúc ông 17 tuổi. Trong thời
kỳ chiến tranh chống bành trướng Bắc Kinh, ông là Trợ lý tác chiến của Bộ chỉ
huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, lúc đó ông mang hàm Trung úy. Ông về hưu năm 1994 với
quân hàm thiếu tá..
Sau đây là những
điều mà ông Hoàng Cường trao đổi:
Phạm Viết Đào: Là một sĩ quan
trợ lý tác chiến của Mặt trận Hà Giang, theo bác vì sao Trung Quốc mở những trận
đánh lớn tại mặt trận này để nhằm đạt mục đích gì ?
Thiếu tá Hoàng
Cường:
Theo tôi, Trung Quốc chính thức mở mặt trận Hà Giang đầu năm 1984, tập trung
quân và phương tiện chiến tranh để đánh những trận đánh lớn chắc không nhằm mục
đích chính là để chiếm đất. Có lẽ họ muốn sử dụng địa bàn Hà Giang để thể nghiệm
và áp dụng binh pháp mới của họ. Họ muốn biến Hà Giang thành một “cái bẫy”,
một loại “cối xay thịt” để hút lực lượng ta vào đây để tiêu hao, để
trả thù cho những thất bại trong cuộc chiến 1979 của họ…Về phương diện này họ rất
giỏi…
Thời gian 1979,
Trung Quốc chưa vào Hà Giang mà chỉ vào mạn Lạng Sơn, Cao Bằng…Đến đầu năm 1984
mới mở mặt trận tại Hà Giang khởi đầu bằng việc đánh chiếm một số cao điểm như
1509 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn ), như Núi Bạc ( Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn )
và một số cao điểm xung quanh cửa khẩu Thanh Thủy như Bình độ 400, Bình độ 200…
Với lợi thế bất ngờ và hỏa lực áp đảo, họ đã đẩy lùi quân ta tại một số cao điểm
trong giai đoạn đầu…
Tuy bị bất ngờ tấn
công nhưng về phía Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên lúc đó cũng đã vạch ra các
phương án tác chiến đối với các tình huống xấu nhất:
Phương án 1: Nếu Trung Quốc chiếm Thanh Thủy thì lập
tức cho đánh sập dãy lèn đá ở cây số 18: ta đã cho gài sẵn hàng tấn thuốc nổ ở
đây. Nếu Trung Quốc vào được Thanh Thủy thì cho nổ mìn, đánh sập núi để đá đổ
xuống đường, cản xe cơ giới. Vì đây là con đường độc đạo, một bên là lèn đá, một
bên là Sông Lô…
Phương án 2: nếu mất Thị xã Hà Giang thì sẽ lập
phòng tuyến ở Bắc Quang…
Do quan điểm của
ta lúc đó là một tấc đất cũng không để mất…Vì thế nên khi bị Trung Quốc đánh bất
ngờ, chiếm đất của ta thì chúng ta buộc lòng phải phản công lấy lại…Đó chính là
lý do của những trận đánh ác liệt, giằng co trong năm 1984 và 1985, cả hai bên
đều chịu nhiều tổn thất…
Trận 12/7/1984
là trận đánh lớn nhất thể hiện quyết tâm dành lại những cao điểm bị mất ở khu vực
Thanh Thủy; chính khi chúng ta ra quyết tâm, chúng ta đã trúng kế của Trung Quốc,
rơi vào bẫy của Trung Quốc. Về khoản này người Trung Quốc rất giỏi, họ lừa
chúng ta lao vào cái “cối xay” của họ…
Sau trận này,
chúng ta đã rút ra bài học, thay đổi cách đánh; từ sau trận 12/7/1984, chúng ta
ít tập trung phát động những chiến dịch lớn lớn bộ binh để giành lại chốt; sau
1985 thì chủ yếu dùng pháo binh để nói chuyện phải trái với Trung Quốc…
Khi dùng pháo
binh thì hiệu quả hơn, đỡ thương vong cho bộ đội ta hơn…
Phạm Viết Đào: Trong năm 1985,
theo bác có trận nào chúng ta đã đánh trả Trung Quốc đáng chú ý không?
Thiếu tá Hoàng
Cường: Trong
năm 1985, chúng tôi được cấp trên hoan hỷ báo tin: đã lừa được Trung Quốc một
trận. Ta đã dùng mẹo dụ địch, kết hợp hỏa lực pháo binh, bắn phá trong một ngày
đêm liền; kết quả theo thông tin chúng tôi được phổ biến, pháo binh của ta đã
tiêu diệt, xóa sổ được cả một sư đoàn quân chủ lực của Bắc Kinh?
Sau trận này, quân dân Vị Xuyên được phong tặng
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang…Đánh trận đó theo thông tin mà tôi nắm được
là do Sư 313 đánh; Sư 313 sau khi để mất 1509 và chịu nhiều thiệt hại, được củng
cố trở lại và tăng cường lực lượng pháo binh và đây là trận ta đã lừa được
Trung Quốc…
(Còn lừa như thế
nào, tôi có gặng hỏi nhưng ông Hoàng Cường không kể… Đây là thông tin mà tình cờ
thiếu tá Hoàng Cường buột mồm kể ra, không biết có trùng với trận thảm bại của
Trung Quốc trong ngày 31/5/1985 tại Cao điểm mà Trung Quốc gọi là 211? Đó là trận
do tướng Túc Nhung Sinh con trai của đại tướng Túc Dụ cầm quân?[2]
)
Phạm Viết Đào: Trở lại trận
12/7/1984, xin hỏi bác, vừa rồi tôi có đưa lên mạng ý kiến của một viên sĩ quan
pháo binh Trung Quốc cho biết, trong trận 12/7/1984 thương vong của phía Việt
Nam là 3700 người? Trong khi đó trên mạng Quân sử Việt Nam có thảo luận về ý kiến
này và theo một số cựu chiến binh thì có khả năng phía ta thiệt hại khoảng 500
bộ đội?! Bác bình luận gì về con số này?
Suy nghĩ một
lát, ông Hoàng Cường cho biết:” Con
số 3700 thì hơi nhiều nhưng nếu nói ta thiệt hại khoảng 500 - 600 thì cũng
không chính xác. Hơi ít!”
Trở lại những
năm tháng đó, tôi gợi thêm một số vấn đề nhưng thiếu tá Hoàng Cường có vẻ ngần
ngại, thoái thác với lý do lâu ngày quên, ngay sổ tay hồi đó nhiều phiên họp cá
nhân cũng không được giữ, không được ghi chép. Ông hứa sẽ liên hệ giới thiệu
tôi với cấp trên của ông hiện đang ở Hà Giang, để có thê cung cấp những thông
tín chính xác hơn về những điều mà tôi muốn tìm hiểu…
Ông Nguyễn Tấn
Trọng cho biết: sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, sau 4 ngày cửa khẩu
thông thương, ông đã sang bên Trung Quốc để xem các trận địa của phía Trung Quốc.
Theo ông Trọng: nhiều trận địa pháo của Trung Quốc được đặt trong hầm núi, có
đường ray để lúc bắn thì kéo ra, lúc dừng thì đẩy vào trong. Đường ôtô vào tận
các trận địa pháo và theo như cựu chiến binh Trung Quốc kể lại thì: mỗi khẩu
pháo có 3 chiếc xe tiếp đạn…Phía Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ càng trước đó cho những
trận đánh từ 1984 về sau…
Còn phía ta,
theo một số cựu chiến binh của Sư 313, chúng ta đã mang cả kachiusa và 6 quả
bom bay lên sẵn sàng ăn thua với quân Trung Quốc nếu chúng vào sâu. Theo các cựu
chiến bình thì bom bay là của Mỹ ta thu được của Mỹ trong năm 1975. Để sử dụng
được bom bay, viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã cải tiến nó để sử dụng được không cần
máy bay. Mỹ sử dụng bom bay bằng máy bay. Mỗi quả khi nổ có khả năng sát thương
trong vòng 2 cây số vuông, hiệu quả hơn B.52 của Mỹ.
Nhân chúng 3: Đại tá Đỗ Văn Trì, Sư trưởng 313: “Trận
31/5/1985 ta tiêu diệt 3500 quân Trung Quốc …”
Sau
khi gặp thiếu tá Hoàng Cường tháng 3/2011, đại tá Bùi Như Lạc 4/2012, Ngày
10/3/2013 tại Nhà hàng Trúc Bạch 1, Hà Nội, các CCB F313 tổ chức gặp mặt, tôi
trực tiếp nghe đại tá Đỗ Văn Trì, nguyên Sư trưởng F313 có kể về trận các trận
đánh tại khu vực ngã ba Thanh Thủy.
Con số 3500 lính Trung Quốc bị tiêu diệt trong trận
tháng 31/5/1985 là con số mà tôi được nghe đại tá Đỗ Văn Trì kể trong cuộc gặp
này;
Theo đại tá Đỗ Văn Trì: Có những ngày, đêm quân Trung Quốc bắn sang trận
địa của ta 16 vạn phát đại bác; quân F313 bắn trả 11 vạn phát...; Nhiều mỏm đồi
đá ở khu vực Thanh Thủy bị đạn pháo nung thành vôi, san thấp xuống tới 3 m!
Đại tá Đỗ Văn Trì, Sư trưởng F 313:
Tôi và nhiều
anh em ở đây trước khi lên chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên từng chiến đấu ở
chiến trường miền Nam. Tôi trưởng thành từ là người lính của E 174, F316, được
phong Anh hùng quân đội, sau đó đảm nhận Trung đoàn 48; anh Đào Trọng Lịch,
(nguyên Tư lệnh Quân khu 2, một thời gian Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ
Quốc phòng) đảm nhận Trung đoàn trưởng trung đoàn 74 - F316...
Trong trận
đánh vào Buôn Mê Thuột tháng 3/1975, trung đoàn 48 được tuyên dương danh hiệu
Anh hùng tại trận...Sau 1975, sau khi đi học về tôi được điều về Quân khu 2,
làm Sư trưởng sư 313, một sư đoàn độc lập của Quân khu 2...
Chiến tranh chống
Mỹ đã ác liệt nhưng đánh nhau với Trung Quốc ở Vị Xuyên - Hà Giang ác liệt hơn
nhiều…
Các đồng chí
còn nhớ có những trận, trong một ngày đêm phía Trung Quốc bắn sang trận địa ta
16 vạn quả pháo; Phía 313 cũng đã bắn lại phía Trung Quốc 11 vạn quả pháo...
Trong chiến tranh
chống Mỹ, chưa có cao điểm trận địa nào bị pháo bắn làm cho sạt thấp xuống như ở
Vị Xuyên - Hà Giang; mà đó lại là những núi đá vôi (Cao điểm 685 - Lò vôi thế kỷ).
Thấp so với trước chiến tranh tới 3 m...
Tôi trở thành
Anh hùng quân đội từ lính, nhưng trong chiến tranh chống Mỹ, tôi chưa đánh giáp
lá cà trận nào; ở Vị Xuyên - Hà Giang, nhiều trận lính 313 đã đánh giáp lá cà với
quân Trung Quốc...
F313 là một sư
đoàn chủ lực, quân số đông, ngoài 4 trung đoàn còn được trên điều bổ sung thêm
4 trung đoàn. Tổng cộng 8 trung đoàn làm nhiệm vụ phòng thủ Hà Giang...
F313 đã đánh
trận nổi tiếng tiêu diệt 3000 quân Trung Quốc lấn chiếm Đồi Đài (trận đánh xảy
ra 1985 tại Cao điểm 400) ở khu vực Thanh Thủy - Vị Xuyên. Về trận này khi qua
Thái Lan, báo chí Thái Lan hỏi, Triệu Tử Dương (Thủ tướng Trung Quốc) thừa nhận
thất bại nhưng chỉ dám nói là chết 500 quân. Theo tài liệu của quân báo ta,
Trung Quốc thiệt hại trên 3000 quân...[3]
Để tạo bước
ngoặt về tinh thần cho bộ đội, trên giao nhiệm vụ cho F313 tìm phương án tác
chiến...Lãnh đạo 313 đã quyết định chọn Đồi Đài làm trận đánh quyết chiến với
quân Trung Quốc...
Về trận đánh Đồi
Đài (Cao điểm 400 tại khu vực cử khẩu Thanh Thủy), trên đã điều về cho F313
Trung đoàn 567 của Quân khu 1 sang Vị Xuyên, chiến đấu để lập thêm thành
tích...Đây là một Trung đoàn Anh hùng đã lập thành tích đánh Trung Quốc...
Khi E 567 sang
Hà Giang, đơn vị đã bố trí 1 tiểu đoàn chọn một ngọn đồi đá có địa hình giống Đồi
Đài để luyện tập trong 1 tháng; Khi luyện tập xong, chuẩn bị xuất quân thì tiểu
đoàn này đào ngũ sạch; Sau đó Sư 313 lại chọn tiểu đoàn khác của E 567, tập lại...
F 313 chọn Đồi
Đài là chọn phương thức đánh bóc vỏ, ngay trong tối hôm đầu xuất quân, trinh
sát đã gỡ 85 quả mìn...Tôi đã xác định với anh em, đánh xong Đồi Đài, chúng ta
còn phải đánh thêm 20 trận nữa...Nhắc lại chuyện này để nói lên sự ác liệt của
chiến trường Vị Xuyên mà tôi và các đồng chí ngồi ở đây từng phải trải qua...
Hiện nay tôi
có suy nghĩ: Riêng Sư 313 hiện còn trên 1000 bộ đội ta hy sinh ở chiến trường Vị
Xuyên - Hà Giang chưa biết tên, tuổi, phần thi thể nằm rải ra khắp nơi chưa được
tìm thấy?! Ai phải chịu trách nhiệm việc này đây?
Tôi nghĩ Phòng
Chính sách của Quân khu 2 nên quan tâm tới vấn đề này; làm sao đưa được anh em
về với gia đình hoặc nghĩa trang của đơn vị...
Ca sĩ Bành Lệ Viên vợ của Tập Cận Bình tới hát và động viêc quân TQ tại Lão Sơn
Lời kết: TRẬN 31/5/1985 TẠI VỊ XUYÊN – “MỘT “UNG CHÂU” THỨ 2 CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC...
Lời kết: TRẬN 31/5/1985 TẠI VỊ XUYÊN – “MỘT “UNG CHÂU” THỨ 2 CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC...
Sau khi nghiên cứu các tài liệu của Trung Quốc, được nghe thông tin từ 3
nhân chứng: hai vị đại tá nguyên là Sư trưởng F 313, đại tá Bùi Như Lạc không
đưa con số thương vong cụ thế của phía Trung Quốc; Còn đại tá Đỗ Văn Trì thì
đưa ra thông tin: ta diệt 3500 quân Trung Quốc trong trận 31/5/1985 tại cuộc gặp
các CCB F313 tại Hà Nội…Thiếu tá Hoàng Cường cho biết: 1985 ta lừa được Trung
Quốc một trận, đánh tan 1 sư đoàn của Đại quân khu Bắc Kinh…Sau trận này, Vị
Xuyên được phong tặng Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang…
Mặc dù thông tin có 3 nguồn từ phía Việt Nam, một nguồn từ phía Trung Quốc,
nhưng tôi vẫn bán tín, bán nghi về con số thương vong của Trung Quốc trong trận
này là 3500 lính. Liệu đây có phải là con số được phóng đại lên vì mục đích
tuyên truyền. Một trận thắng lớn như vậy mà báo chí của ta năm 1985 cũng không
viết gì? Còn phía báo mạng Trung Quốc thì có viết loáng thoáng, họ thừa nhận trận
31/5/1985 là một trận thảm bại của phía họ…Thủ tướng Trung Quốc nói với báo chí
Thái Lan: mất 500 quân.
Tôi đã nhiều lấn trực tiếp lên khu vực ngã ba Thanh Thủy, cách cửa khẩu
bây giờ quãng 1000 m, để quan sát, ngắm nghĩa. Tôi đã hỏi nhiều CCB, họ cho biết:
Tại các điểm cao tại khu vực Đồi Đài, Đồi cô X., phía ta chốt giữ mỗi điểm cao
là một đại đội. Do đó nếu phía Trung Quốc có tấn công thì chỉ có thể dùng tới
quân số trung đoàn là cao nhất…Nếu Trung Quốc bị tổn thất 3500 quân thì ít ra họ
phải xua vào đây cỡ 1 vạn quân, tức 1 sư đoàn? Địa bàn này khó có chỗ đứng chân
cho 1 vạn quân?
Tôi có đem nghi vấn này hỏi Trần Nam Thái, một CCB F313 thời điểm 1985 là
lính vận tải, chuyên lo thu dọn chiến trường, vận chuyển đạn được khí tài lên
chốt và cáng chở thương binh tử sĩ về Nà Cáy, nơi có trạm phẫu tiền phương,
cách khu vực Thanh Thủy quãng 3 km.
Mỗi khi có các trận đánh lớn, xảy ra thương vong nhiều thì Thái nắm được.
Theo Thái thì trong năm 1985, khu vực Thanh Thủy không có các trận đánh lớn, trận
đánh lớn nhất là trận 12/7/1984…Do đó, nói con số thương vong của Trung Quốc là
3000 quân trong năm 1985 thì Thái không tin. Năm 1985, nếu phía Trung Quốc
thương vong lớn vậy thì phía ta cũng sẽ bị sứt mẻ không ít.
WikiPedia mô tả về CBU-54-55:[4]
“CBU-54 là
một loại bom
cháy dạng chùm (cluster bomb incendiary device) được quân đội Mỹ phát triển
trong Chiến
tranh Việt Nam,
với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, dọn bãi cho trực
thăng đổ
bộ, cũng gọi là bom chân không, bom nổ khối, bom nhiên liệu - không khí, bom
phát quang.[1][5]
Trong khi hầu hết các loại bom
cháy khác chứa na-pan hoặc phốt-pho, quả bom CBU-54 nặng 750 [[cân Anh] đơn vị
Pound] (khoảng 340 kg) chứa nhiên liệu chủ yếu là prô-pan. Được mô tả là "vũ khí phi hạt nhân
khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ"[2] [6], loại bom này đã là một trong những vũ khí truyền thống mạnh nhất được thiết kế cho chiến tranh. Quả
bom có 3 ngăn chứa prô-pan, một hỗn hợp gồm các khí khác, và một ngòi nổ.
Theo Từ
điển Bách khoa quân sự Việt Nam,[3][7] CBU-54 là loại "bom chùm hàng không
dạng cát-xét, kiểu nổ xon khí đầu tiên của Mỹ. Dài 2,3m, đường kính 0,36m, sải
cánh đuôi 0,72m, khối lượng 235 kg, chứa 3 bom con BLU-73, dọc thân từ lỗ lắp ngòi hẹn giờ tới nắp đáy,
có đặt một dây nổ, đảm bảo mở cát xét ở trên không. Mỗi bom con có khối lượng
45kg, nạp 32,6kg ôxít
êtylen lỏng,
có dù hãm để giảm tốc độ rơi xuống còn 33m/s. Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động
gây nổ ống thuốc đặt giữa trục bom, phá vỡ vỏ bom, làm văng ôxít êtylen thành
các giọt, tạo thành đám mây xon khí (nhiên liệu - không khí) có đường kính 25 -
17m; cao 2,5 - 3m. Đám mây này được một trạm nổ kích thích ở độ cao 1m sau khi
hình thành 0,125s. Bán kính sát thương của mỗi bom con là 50m. Bom CBU - 54
được thiết kế cho loại máy bay tốc độ dưới âm (như A-37, OV-10 và máy bay trực
thăng UH=1 ở độ cao bay 600m, tốc độ bay 120km/giờ)."
Một trong các sự kiện nổi bật nhất
là vụ ném bom CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận
Xuân Lộc, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Từ đầu tháng 4 năm 1975, một quả
bom CBU-55 đã được chở bằng máy bay từ Thái Lan tới căn
cứ không quân Biên Hòa.
Được sự chuẩn y của tướng Homer
Smith cho
phép chính phủ Việt
Nam Cộng hòa sử dụng loại vũ khí này, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao
6.000 m, rồi thả quả bom. Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 4 mẫu Anh (khoảng 1,6 hécta). Các
chuyên gia ước lượng rằng khoảng 250 người lính và dân quân du kích đã bị thiệt
mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng[2][ [8]]. CBU-55 đã không được sử dụng thêm lần nào nữa trong chiến tranh.
Về trận đánh này chúng ta đã ném sang
Trung Quốc có nguồn tin cho biết là 6 CBU 54-55 vào các điểm tập kết của các
quân đoàn Trung Quốc. Do vậy số lính 3500 chỉ có thể bị sát thương bởi loại vũ
khí hủy diệt này. Chính nhờ cú hủy diệt này mà phía Trung Quốc dừng không dám
làm càn, tấn công ồ ạt sang Vị Xuyên…
Có điều, khi sử dụng CBU 54 - 55, Mỹ thường
dùng trực thăng hoặc C130, Việt Nam không dùng không quân mà đã cải tiến để
phóng đi…
Ngày xưa, Lý
Thường Kiệt đưa quân qua ngả Lũng Cú để tập kích Ung Châu, bóp chết ý đồ xâm lược
của quân Tống. Những ngày tháng Năm 1985, quân ta dùng vũ khí hiện đại, thu được
của Mỹ, đã đập nát ý đồ xâm lược của Trung Quốc. Sau trận này, phía Trung Quốc
chùng lại không dám lấn tới.
Phía Trung Quốc
đã ngậm đắng nuốt cay về trận 31/5/1985, không dám hé răng, còn phía ta thì
không dám khuếch trương chiến quả vì sợ Trung Quốc tự ái do việc ta phóng bom
bay sang hủy diệt quân Trung Quốc trên đất Trung Quốc…
Vụ này coi như
trả thù được trận 12/7/1984, trận mà ta mất hơn 1000 bộ đội…
Vậy thì CBU
54-55 đã cải tiến như thế nào để có thể phóng xa hàng chục kilômet, tấn công
vào nơi tập trung của quân Trung Quốc sâu bên trong đất Trung Quốc? Đây là một
bí mật quốc phòng, một cải tiến của Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Theo một vài
CCB cho biết: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã thiết kế ra một đường ray, đặt CBU
54-55 vào trên đường ray; Sau đó lắp vào sau mỗi quả bom một tên lửa nhỏ để đẩy
bom đi…
Đó chính là lý
do mà báo chí hồi đó và cả sau này không dám đưa tin, tuyên truyền. Các nhân chứng
biết chuyện này cũng chỉ dám nói lấp lửng…
Lịch sử chống
ngoại xâm vẫn hiên ngang ghi trận Lý Thường Kiệt chủ động đưa quân đánh vào sào
huyệt quân Tống. Thế lực nào đã vùi lấp, không dám công khai trận “Ung Châu thứ
2” và vì sao lại vùi lấp nó?
Quân Trung Quốc
đã bạt vía, kinh hồn sau trận đánh này. Thế nhưng những người làm nên các chiến
công không dám hiên ngang như Thái úy Lý Thường Kiệt mà chỉ dám thì thầm với
các trang mạng xã hội: “Hãy đưa chiến
công này lên!”
Bao ngườì lính
không sợ chết khi giáp mặt với súng đạn quân thù, thế mà giờ đây không dám nói,
kể lại, bàn luận về những sự thật của cuộc chiến chống Trung Quốc vừa qua mà họ
chứng kiến, mà họ tham gia. Ai nhắc lại chuyện này có hành vi bị quy chụp giống
như những kẻ buôn bán thuốc phiện lậu. Liệu có đang còn một thế lực ác hơn quân
Trung Quốc, nguy hiểm hơn quân Trung Quốc nào đó chăng?
Đối với kẻ thù
phương Bắc, bao đời nay luôn lăm le dòm ngó lãnh thổ nước ta, cha ông ta từng
khảng khái tuốt gươm tuyên bố: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá
kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ
tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!" ( Bà Triệu); ”Như hà nghịch lỗ lai xâm
phạm; Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư” ( Lý Thường Kiệt); “ Bệ hạ muốn hàng xin
hãy chém đầu tôi đi đã” (Trần Quốc Tuấn); “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm
làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng); “Ngẫm thù lớn há đội trời chung; Căm giặc
nước thề không cùng sống” (Nguyễn Trãi); “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích
luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh
hùng chi hữu chủ” (Quang Trung)…”
Thế hệ người Việt Nam
hôm nay ai đã ép họ khiếp nhược trước bọn bá quyền phương Bắc? Ai đã cố tình
vùi lấp những trận thắng oai hùng như trận 31/5/1985?!
Ai đã không dám cho
phép vinh danh những người anh hùng Vị Xuyên như Nguyễn Viết Ninh, bốn lần bị
thương không chịu rời trận địa...
Người anh hùng Nguyễn
Viết Ninh (E876, F356, quê Phú Thọ) đã hy sinh tại trận khi tham gia bảo vệ cao
điểm 685 trong các trận đánh cảm tử giáp tết 1985. Khẩu súng AK mà Liệt sĩ -
Anh hùng Nguyễn Viết Ninh sử dụng, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu
2, còn lưu trên báng súng lời thề do Nguyễn Viết Ninh tự khắc:
“SỐNG BÁM ĐÁ, CHẾT HÓA ĐÁ”… BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC!
P.V.Đ.
[1]Đăng 08:20 19-04-2011.
[2]Thông tin đã đăng trên blog trong kỳ
22…(PVĐ)
[3]Sau khi dò hỏi từ nhiều nguồn, cuối
cũng tôi đã được một nguồn tin dấu tên cho biết: Sự thật, trận 31/5/1985, trận
mà thiếu tá Hoàng Cường kể ta
dùng pháo bắn ròng rã 1 ngày đêm, đại tá Đỗ Văn Trì kể là đã bắn 11 vạn quả
pháo sang trận địa Trung Quốc, tiêu diệt 3500 quân địch; còn đại tá Bùi Như Lạc thì tiết lộ đã sử dụng
tới con Át chủ bài, loại pháo nổ trên không, bom bay CBU-54 mà ta thu được của
Mỹ…Thực chất là ta ngoài việc sử dụng pháo binh, ta đã sử dụng cả bom bay CBU
54-55 tấn công vào căn cứ hậu cần trên đất Trung Quốc…
Có nguồn tin cho biết: Ta phóng tới 6
quả CBU-54 vào các địa điểm tập kết quân của Trung Quốc trên đất Trung Quốc khi
chúng chuẩn bị đánh tràn sang ta…Vậy CBU 54-55 là loại vũ khí gì?(PVĐ)
[4]
https://vi.wikipedia.org/wiki/CBU-55#cite_note-1
[5]
https://kienthuc.net.vn/vu-khi/vu-khi-phi-hat-nhan-tan-bao-my-dung-o-viet-nam-219042.html
[7] Từ điển
Bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H., 1996, tr. 81
[8]
Frank Snepp. "Decent Interval"
Rút từ:
"VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Dày 700 trang khổ 240x160
Liên hệ chia sẻ qua:
Hoanghtham9@gmail.com
ĐT: 0382598746
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét