Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Tổ chức chặt chẽ, vì sao Kiểm toán nhà nước sờ đâu sai phạm đó?

“Chúng ta vui với kết quả kiểm toán đấy, nhưng ngược lại cũng thấy buồn. Tại sao chúng ta tổ chức bộ máy chặt chẽ như vậy, hệ thống chính trị, luật pháp như vậy mà kiểm toán sờ vào đâu, điều tra ở đâu là sai phạm ở đó? Điều này khiến chúng ta phải rất suy nghĩ”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho hay.
Ngày 6/6, tại hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động.

Trong suốt tiến trình phát triển, KTNN giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia; phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước.
Về địa vị pháp lý, đến nay, KTNN là một thể chế được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại điều 118 khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Mặc dù vậy, Phó tổng KTNN cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, như khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự hoàn thiện; quy mô kiểm toán dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công; chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu…
Tổ chức chặt chẽ, vì sao Kiểm toán nhà nước sờ đâu sai phạm đó? - Ảnh 1.
Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”
Tại cuộc hội thảo, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đánh giá, KTNN có vai trò quan trọng trong kế hoạch giám sát của Quốc hội, đặc biệt là giám sát về tài chính, ngân sách nhà nước. KTNN đóng vai trò quan trọng, giúp Quốc hội giám sát tối cao, đảm bảo minh bạch trong quản trị quốc gia, góp phần đảm bảo tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. “Khi ĐBQH nêu dẫn chứng về KTNN, không ai ý kiến gì, đều tâm phục khẩu phục cả”, ông Dũng nói.
Đặc biệt, khi kiểm toán BOT giao thông, nhiều bộ, ngành còn không ủng hộ, thậm chí có cả những ý kiến băn khoăn phản đối. Tuy nhiên, theo ông Dũng, lúc đó KTNN đã rất “dũng cảm, không ngại va chạm”. Kết quả cho thấy, kiểm toán 61 dự án BOT giao thông đã giảm thu phí 222 năm. “Đó là những dấu ấn tốt trong sự nghiệp hoạt động kiểm toán. Chỉ một ví dụ như vậy đã nói lên ý nghĩa quan trong của KTNN với công tác giám sát của Quốc hội”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá.
“Nhưng ở khía cạnh khác chúng ta cũng thấy buồn. Chúng ta vui với kết quả kiểm toán đấy, nhưng ngược lại cũng thấy buồn. Tại sao chúng ta tổ chức bộ máy chặt chẽ như vậy, hệ thống chính trị, luật pháp như vậy mà kiểm toán sờ vào đâu, điều tra ở đâu là sai phạm ở đó? Điều này khiến chúng ta phải rất suy nghĩ”, ông Dũng cho hay.
Từ thực tế tham gia 3 khóa Quốc hội, làm ở lĩnh vực tài chính ngân sách từ lâu, ông Bùi Đặng Dũng khuyến nghị, trước tiên KTNN cần hoàn thiện hàng lang pháp lý, đặc biệt là Luật KTNN sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp cuối năm này; khắc phục sự chồng chéo giữa hai cơ quan thanh tra và kiểm toán, lấy kế hoạch KTNN làm hướng để điều chỉnh kế hoạch thanh, kiểm tra; mở rộng quy mô kiểm toán, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm toán. “Những nơi nào sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước đều phải được kiểm toán”, ông Dũng nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào: