Hai cao điểm xảy ra ác chiến trong trận 12/7/1985: Góc bên phải là Cao điểm 685 ( Lò vôi thế kỷ); Góc trái là Cao điểm 772 ( Đồi thịt băm) liền kề với cao điểm 1509
Trương Nhân Tuấn
24-6-2019
Nếu các nước cận biển Baltique (Lituanie, Lettonie, Estotine) có “vấn đề” Nga. Các nước Cuba, Venezuela, Mexico… có “vấn đề” Mỹ. Thì Việt Nam có “vấn đề” Trung quốc. Đây là một sự thật: Tất cả những nước số phận địa lý sắp đặt ở kế bên một đại cường, những nước này không thể phát triển một cách bình thường được.
VN cũng có “vấn đề Mỹ”. Định mạng địa lý đã sắp đặt khiến VN (cũng như Nam, Bắc Hàn) là “thí điểm nóng” trong cuộc “chiến tranh lạnh”, tức “chiến tranh ý thức hệ mà Mỹ và VNCH đại diện khối tự do một bên. Bên kia là VNDCCH, Liên Xô và TQ đại diện khối cộng sản. Mỹ thua ở chiến trường VN năm 1975, VN trở thành quốc gia cộng sản, nhưng Mỹ lại thắng Chiến tranh lạnh 1991. Thế giới cộng sản đơn thuần sụp đổ.
Vấn đề là “lịch sử không cáo chung” mà chỉ sang trang. Chiến tranh “ý thức hệ” không mất đi mà chỉ thay đổi hình tướng. TQ sau 4 thập niên “dò đá qua sông” nay đã “phục hưng”. Nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật và nước nước Tây phương về tư bản và khoa học kỹ thuật, TQ học hỏi và thay đổi, cuối cùng xây dựng thành công mô hình “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc”. TQ trở thành “đại cường tư bản nhà nước”, thách thức vị trí số 1 “đại cường tư bản tự do” là Mỹ.
Chiến tranh ý thức hệ kiểu mới: “tư bản nhà nước” với “tư bản tự do”?
Trên thực tế TQ đã “thách thức” Mỹ ở mọi nơi. TQ lần hồi chinh phục Châu Phi và đặt chân qua Châu Mỹ (làm chủ kinh đào Panama và ủng hộ chế độ XHCN ở Venezuela). TQ yêu sách chia hai Thái bình dương với Mỹ mà bước đầu là đơn phương tuyên bố chủ quyền (lịch sử) ở Biển Đông. TQ đặt ra sách lược “vành đai, con đường” để “gồm thâu thiên hạ”. TQ đưa ra kế hoạch “Made in China 2025”, mục đích cạnh tranh với Mỹ, Nhật và các nước Tây phương về “sản phẩm có chất lượng cao”, từ những mặt hàng lớn lao như vệ tinh, hàng không, xe lửa cao tốc, kỹ nghệ đóng tàu, lò nguyên tử điện, xây dựng hạ tầng… cho tới những ký thuật tinh vi như robotique, máy điện toán siêu tốc, tuyền thông 5G, điện toán nguyên lượng… cho đến những thứ nhỏ nhặt như tất cả các loại hàng điện tử gia dụng, xe cộ, quần áo, giày dép…
Dĩ nhiên Mỹ và các đại cường kinh tế như Nhật, Châu Âu… không thể ngồi yên để TQ độc quyền ở các thị trường. Vấn đề là đến nay các đại cường kinh tế không có kế hoạch nào để ngăn cản sự “bành trướng” của TQ.
Nước Mỹ với tổng thống Trump qua “Stategie du chaos – chiến lược hỗn mang” (tựa đề tập sách mới xuất bản ở Pháp), cho thấy chiến lược chống TQ của ông Trump là “hỗn mang”, không theo thứ tự lớp lang của một “sách lược” mà với các việc hô hào dân tộc chủ nghĩa và đề cao tính “đơn phương”. TQ là mục tiêu của Mỹ, nhưng các nước đồng minh (hay không đồng minh) của Mỹ cũng trở thành đối tượng tấn công.
Yếu tố Mỹ trở thành “bất định”
Điều tương tự có thể xảy ra: do “lời nguyền địa lý” VN có thể trở thành “thí điểm nóng” của chiến tranh lạnh lần hai mà lần này VN “đứng một mình”, vừa tự bảo vệ mình vừa thực hiện cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” từ một bên.
Chiến tranh ủy nhiệm vì VN sẽ dùng máu xương dân Việt để phục vụ cho một chủ nghĩa, hay cho quyền lợi của một quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra: Cho quốc gia nào? TQ hay Mỹ?
Cách nào thì VN cũng “chết”.
“Vấn đề Trung quốc” hay “vấn đề Mỹ” của VN đều cực kỳ nguy hiểm.
Vấn đề TQ
VN ảnh hưởng TQ trên mọi phương diện, từ sự tương đồng về mô hình phát triển, chính trị và kinh tế, cho tới chia sẻ “nền văn minh” Nho giáo. Dân tộc TQ lại là một dân tộc có truyền thống “bành trướng”. “Vấn đề TQ” của VN vì vậy là “vấn đề chiến đấu để sống còn”. Không đủ sức đề kháng VN sẽ “hòa tan” vào TQ.
Liệu VN có đủ sức “đề kháng” trước sự bành trướng của TQ hay không? Điều ta cần tìm hiểu là chiến lược “bành trướng” của TQ thể hiện như thế nào?
Để chuẩn bị cho “Trung quốc hòa bình quang phục”, một tiêu chí của Đặng Tiểu Bình. Theo đó TQ phải khôi phục lại “vùng ảnh hưởng cũ của đế quốc Trung hoa”. Vùng ảnh hưởng cũ này rộng lớn ra sao?
Từ tháng 8 năm 1992 nội bộ trong giới lãnh đạo Trung Quốc đã luân chuyển tài liệu nội dung “sinh tồn không gian – shengcun kongjian” đề cập đến chủ quyền của TQ tại vùng Trường Sa. Tập tài liệu xuất bản năm 1995 mang tựa đề dịch ra tiếng Pháp “La lutte pour des frontières souples” (Tranh đấu cho đường biên giới mềm) lấy lại nội dung của tài liệu trên, trình bày việc TQ phải chiếm hữu những nguồn nguyên liệu dầu khí cần thiết trong vùng Trường Sa cho việc hiện đại hóa đất nước.
Nguồn gốc chiến lược về một “không gian sinh tồn” của TQ không chỉ mới xuất hiện từ 1992 mà đã đề cập từ rất sớm, do Tưởng Giới Thạch khởi xướng.
Có thể nói Tưởng Giới Thạch là cha đẻ của chủ thuyết “không gian sinh tồn” của TQ qua nội dung câu tuyên bố: “le territoire de l’Etat chinois est délimité par les besoins de son existence et par les bornes de sa culture” (lãnh thổ của Trung Quốc được xác định bằng những nhu cầu để quốc gia này hiện hữu và bằng các cột mốc của nền văn minh Trung Hoa).
Nếu vậy thì lãnh thổ của TQ là vô hạn. Có thể là Châu Phi, có thể là Nam Mỹ và dĩ nhiên là toàn vùng Đông Nam Á. Văn minh TQ ở đâu thì lãnh thổ TQ mở ra tới đó (hèn chi TQ lập các viện Khổng tử để loan truyền văn minh TQ). Vùng đất, vùng biển nào cần thiết để phục vụ cho sự “sinh tồn” của TQ thì vùng đất đó, vùng biển đó thuộc về TQ.
Trong cuốn “Đặng Tiểu Bình – từ lý luận đến thực tiễn” của tác giả Trần Tiên Khuê, (NXB Khoa-Học Xã Hội, quí II năm 2004), Đặng Tiểu Bình hoạch định tiến trình đi lên “nước lớn” của Trung quốc gồm qua nhiều giai đoạn “hòa bình”, gọi chung là “Trung Quốc Hòa Bình Quật Khởi” hay “Trung Quốc Hòa Bình Quang Phục”. Ta thấy có nhiều thuật ngữ được họ Đặng sử dụng (và vẫn còn được hậu duệ sử dụng hôm nay) như: Toàn cầu hóa, hợp tác, phát triển, đa cực hóa v.v… Hai chữ “Hòa Bình” được sử dụng nhiều nhất và trong rất nhiều trường hợp. Hai thuật ngữ “quật khởi” và “quang phục” cũng cần hiểu rõ. Quật khởi 崛起 là một mình trổi dậy để vượt lên cao hơn cả. Quang phục 光復, là khi bị thất bại mất hết cả, sau khôi phục lại giang sơn một cách rực rỡ thì gọi là quang phục. Thua mất nước, lấy lại được nước cũng gọi là quang phục. Hiểu như thế để thấy “quang phục” hay “quật khởi” bằng các phương tiện “hòa bình” không phải là việc đơn giản.
Mục tiêu tối thuợng của nước TQ mà họ Đặng chỉ ra, là khôi phục lại những gì Trung Quốc đã mất trong quá khứ. TQ trở thành đại quốc, vượt lên trên các đại quốc khác. Quan niệm về “đại quốc” của Đặng Tiểu Bình:
1/ kinh tế phát triển hàng đầu.
2/ chiến lược quân sự ở địa vị tiên phong.
3/ tư tưởng, văn hóa có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.
4/ có ảnh hưởng chính trị ở cùng khắp thế giới.
Con đường đi lên “đại quốc” của Trung Quốc:
“TQ không theo đường bá quyền thực dân của Bồ Đào Nha hay Hòa Lan ở thế kỷ thứ 16 và 17. Con đường của Trung Quốc cũng không theo bá quyền lãnh đạo tự do kiểu Mỹ hay bá quyền xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, đặc biệt là sự thống nhất bá quyền quân sự với bá quyền hình thái ý thức”.
“Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một nước nêu gương phát triển toàn diện, một nước sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa:
“Thứ nhất, làm một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh.
“Thứ hai, sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa, sáng tạo văn hóa, sáng tạo văn minh nước lớn xã hội chủ nghĩa kiểu mới.
“Thứ ba, không yêu cầu người khác tuân theo y nguyên mô hình phát triển của mình…
“Thứ tư, Trung Quốc cần có cống hiến đáng kể đối với nhân loại, nhất là cần chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.”
Đến hôm nay nhìn lại, các tiêu chuẩn về nước lớn của họ Đặng, ta thấy phần nào viễn kiến của ông này:
1/ Về kinh tế, Đặng nhận định TQ có nhiều tiềm năng. Hôm nay TQ đã đạt vị trí thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ.
2/ Về quân sự, dĩ nhiên không thể so sánh với Hoa Kỳ nhưng TQ đã khẳng định là cường quốc không đối thủ ở khu vực. Nhưng họ Đặng nhận định: Xã hội Trung Quốc là một xã hội ổn định, Trung Quốc là một nước Xã Hội Chủ Nghĩa lớn nhất, có thể huy động và tập trung sức mạnh toàn dân để vượt qua mọi thử thách.
3/ Về văn hóa, họ Đặng có cái nhìn lạc quan là TQ có một nền văn minh lâu đời: “Nho học của Trung Quốc là một nền văn hóa ưu tú của loài người, có ảnh hưởng ngang với ba tôn giáo lớn là Cơ Đốc giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo, còn là cơ sở văn hóa của quan niệm giá trị Đông Á có ảnh hưởng trên thế giới”. Hiện nay nhiều cơ sở văn hóa như các viện Khổng Tử được mở ra ở nhiều nước trên thế giới, nhưng kết quả thì chưa kiểm nghiệm được.
4/ Về chính trị, họ Đặng cho rằng “Trung Quốc đang là nước đang phát triển lớn nhất, là nước thành công nhất chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường”. Đó cũng là tiền đề cho việc xây dựng “sức mạnh mềm của TQ”. Ta thấy hiện nay đông đảo các nước Châu Phi, một số nước Trung Đông, một số nước trong vùng Đông Nam Á… đều nằm trong vòng ảnh hưởng của TQ.
Tuy nhiên, tiêu chí trên lý thuyết của Đặng Tiểu Bình về một “nước lớn” với hành động trên thực tế hôm nay khác xa một trời một vực, nhứt là ở hai điều 1 và 4:
Thứ nhất, làm một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh. Thứ tư, Trung Quốc cần có cống hiến đáng kể đối với nhân loại, nhất là cần chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Các tiêu chí ở hai điểm này, lời nói với việc làm tương phản rõ rệt.
“Lý luận” và “thực tiễn”, lời nói và việc làm, cách biệt rất xa.
Quan niệm về “hòa bình” của TQ thực ra là chiến lược “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. “Chiến tranh” mà TQ đang chuẩn bị là để “quang phục” lại những gì mà đế quốc Trung Hoa đã mất. Tức lấy lại những lãnh thổ, những vùng ảnh hưởng của TQ đã mất về tay ngoại bang từ thế kỷ 19. Cuối cùng là việc “hùng phong đại quốc”.
Bạn đọc có nhu cầu chia sẻ:
VỊ XUYÊN THẾ SỰ VIỆT-TRUNG
Chuyên khảo của tác giả Pham Viết Đào, dày 700 trang về cuộc chiến chống 60 vạn
quân Trung Quốc xâm lược Hà Giang 1979-1990;
Liên hệ:
Email Hoanghtham9@gmail.com
ĐT 0282598746
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét