Phạm Viết Đào.
Chúng ta đang sống trong một đất nước, một thể
chế mà ngay cả những con người bình thường nhất, ít phải chịu chức phận xã hội
cũng có rất hiếm cơ hội, điều kiện để bộc bạch, được chia sẻ với những người
xung quanh những suy nghĩ thật lòng trên các phương tiện truyền tin đại chúng.
Từ con người bình thường đến những người có
những chức phận cao, lớn đều quen rèn và tự khép mình trong khuôn khổ tổ chức:
tổ chức đảng, các đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, phường xã…Cứ cuối năm cuối quý;
từ bé cho đến lớn, từ trẻ cho tới già khi bình bầu xếp loại thành viên của tổ
chức bao giờ cũng có một mục, mục tự đánh giá về ý thức tổ chức, ý thức chấp
hành kỷ luật của cái tổ chức mà anh tự nguyện hoặc buộc phải tham gia…. Trong
khi đó thì ý thức chấp hành luật pháp lại không phải là thứ lúc nào cũng được
đề cao, phổ cập…
Đó chính là lý do khi mà internet phát triển,
tạo cửa mở cho mỗi cá nhân có điều kiện giao lưu, giao tiếp và bày tỏ chính
kiến với thế giới bên ngoài thì nó trở nên cuốn hút mãnh liệt. Internet đã thật
sự tạo nên một cuộc cách mạng về quan hệ xã hội không chỉ đối với một xã hội
khép kín, toàn trị như ở Việt Nam mà cả thế giới đã có truyền thống dân chủ cởi
mở hơn… Bởi nhu cầu giao tiếp, nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin, chính kiến,
cảm xúc là một nhu cầu không có điểm dừng đối với thế giới văn minh; xã hội
càng phát triển, nhu cầu này càng phát triển theo cấp lũy thừa…
Bài rút từ: " VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"-
Theo một cuộc khảo sát công bố gần đây của tạp
chí NEON của Đức được AFP đưa tin; bằng hình thức phỏng vấn thanh niên Đức
trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, đã cho kết quả: 18% người Đức trả lời họ thích
thú sử dụng Internet hơn là quan hệ tình dục. Một số người còn cho biết họ
nghiện inernet hơn thuốc lá trong khi người Đức là một trong những quốc gia
tiêu thụ nhiều thuốc lá. Có ý kiến còn đề xuất dùng internet để cai nghiện
thuốc lá, cai tình dục…
Theo khảo sát, 70% thanh thiếu niên Đức nói
rằng họ xem thường xuyên truy cập 10 trang web mỗi ngày, trong khi chỉ có
12% cho rằng theo dõi thường xuyên hơn 25 trang web trực tuyến.
Cuộc khảo sát này được thực hiện do Viện
Forsa, bắt đầu từ một mẫu đại diện của 1016 người, mỗi người có một kết nối
internet.
Qua những dữ liệu trên cho thấy: đang tồn tại
sự cách bức giữa nhu cầu của công chúng với các phương tiện thông tin truyền
thống ngay cả với cả những quốc gia cởi mở như Đức. Sức hấp dẫn vượt trội của
internet, trong đó các trang mạng xã hội là một trong những yếu tố cấu thành
sinh thể internet, xã hội internet hay còn được gọi là cộng đồng mạng.
Trước hết chúng ta hãy phân định về sự khác
biệt giữa báo chí, phương tiện thông tin đại chúng với các trang mạng xã hội;
một cộng đồng tự sản, tự tiêu sản phẩm của mình…
Về nguyên lý: Báo chí là cơ quan đầu mối thu
thập và tán phát thông tin, kinh doanh thông tin. Báo chí vừa có quyền năng,
phương tiện và cơ sở vật chất nhất để thu thập thông tin, sàng lọc thông tin,
tổng hợp thông tin để định hướng dư luận. Báo chí là một loại hình doanh nghiệp
đặc thù thế, mà lại không đáp ứng xuể nhu cầu của người tiêu thụ khiến các
trang mạng xã hội chen chân vào…
Trong khi đó, các trang mạng xã hội phần lớn
do các cá nhân dựng lên nhằm mục đích chủ yếu là để thỏa mãn nhu cầu trình bày,
chia sẻ những suy nghĩ thật, những cảm nghĩ thật và những điều mắt thấy, tai
nghe. Thông tin từ các trang mạng xã hội (blog, trang web cá nhân) chỉ là những
nguồn tin cá lẻ, tùy hứng, ngẫu hứng thế nhưng không ít trang lại cạnh tranh
nghiêng ngửa với các tờ báo điện tử chính thống có cả ban biên tập và cơ sở vật
chất, thiết bị kỹ thuật dồi dào…
Đứng về vấn đề thu thập, sàng lọc thông tin
thì báo chí mới là cơ quan đầu mối, có điều kiện hơn nhiều so với các trang
mạng xã hội. Còn như đặt vấn đề thu thập, sàng lọc thông tin từ các trang mạng
xã hội thì chỉ cần bộ phận biên tập của các tòa soạn báo có kinh nghiệm, tinh
nhạy, mẫn cảm là có thể lôi kéo, tập hợp xung quanh mình một đội ngũ thông tín
viên cung cấp nguồn tin cho bản báo…
Theo tôi, điều quan trọng nhất, điều mà báo
chí cần phải thường xuyên tiếp nhận, bổ sung nguồn dưỡng chất, sinh khí cho tờ
báo của mình từ nguồn các trang mạng xã hội. Nguyên nhân không phải là nguồn
tin, số lượng và sự đa dạng, đa chiều của thông tin mà ở vấn đề mà báo chí cần
phải nghe nghe ngóng, thu thập từ các trang mạng xã hội: Loại vấn đề gì đang
nổi lên được người đọc quan tâm, được các trang mạng xã hội lao vào bàn tán,
giao đãi, đưa tin nhiều…
Đây chính là các thế mạnh, sở trường đích thực
của các trang mạng xã hội. Bởi vì so với các tòa soạn báo, các trang mạng xã
hội thường viết lên những cảm nghĩ, xúc cảm đích thực tươi mới không thể không
viết ra và không thể không đưa lên mạng để chia sẻ với cộng đồng của từng cá
nhân…
Nói cách khác, chúng ta phải tìm cơ chế, giải
pháp để các nhà báo khi viết tin bài được bộc lộ chính kiến của mình, cảm xúc
của mình nhạy bén như các blogger, có như thế báo chí mới gần với độc giả, mới
truyền tải, cập nhật được hơi thở gấp gáp của đời sống xã hội?
Một biên tập viên, một nhà báo có nghề và có
kinh nghiệm là người phải biết dò đoán, “đánh hơi” dư luận xã hội thông qua các
trang mạng xã hội, thông qua các “đặc tình” trong lĩnh vực thông tin. Trên cơ
sở đó mà tham mưu, hoạch định chiến thuật, chiến lược thu thập, khai thác thông
tin và bình luận định hướng dư luận xã hội cho bản báo…
Một trang mạng xã hội dù nhạy bén đến đâu cũng
không thể thu thập được nguồn tin phong phú bằng các ban biên tập. Thế nhưng,
mặc dù nhiều khi họ chỉ ăn theo thông tin của các tờ báo để rồi họ, các trang
mạng xã hội đã vượt lên các tờ báo nhờ vào khả năng đoán định chiều hướng thông
tin, bình luận, phân tích, mổ xẻ thông tin…là những điều mà độc giả cần, mong
đợi…
Hiện nay, các trang mạng xã hội Việt Nam đang
cạnh tranh khốc liệt với các tờ báo, trong đó có báo điện tử về hướng này.
Trong rất nhiều trường hợp, giống như việc phát minh và khai thác chiếc máy
tính điện tử: Liên Xô là quốc gia đầu tiên phát minh ra máy tính, nhưng đưa vào
ứng dụng rộng rãi, cải tiến nó và thu lời, làm giàu từ phát minh này lại là
người Mỹ…Hiện nay một số trang mạng xã hội có chỗ đứng sâu trong lòng cộng đồng
mạng, chiếm được tình cảm là do khả năng cải biến, xử lý, “tái chế”, phóng đại
thông tin chứ không phải ở cái khả năng săn tin?
Ở đây, do báo chí Việt có một số hạn chế do
điều kiện khách quan: Việt Nam không có báo tư nhân, mỗi tờ báo kể cả báo điện
tử đều là tiếng nói của một cơ quan cấp Bộ và Hội đoàn thế có vai vế. Tiếng
nói, tôn chỉ mục đích đã được mặc định kể cả báo Nhân Dân. Mặc dù Nhân Dân có
đề thêm vào Tiếng nói của nhân dân cũng chỉ là đề mang tính xã giao, hình thức,
đãi bôi…
Do nét đặc thù này của đời sống báo chí Việt
Nam như vậy nên dẫn tới tình cảnh người dân Việt phải cam chịu cái sự đói khát,
khô hạn dài dài về về nhu cầu chia sẻ thông tin, chính kiến, xúc cảm cá
nhân…Chưa kể có lúc những ý kiến trái chiều với một cơ quan chưng năng nhà
nước, chức năng nào đó bị xem như là một thứ hành vi vi phạm Luật hình sự và bị
kỵ húy thậm chí còn bị truy cứu…
Do vậy, khi internet ra đời, tạo điều kiện cho
cư dân mạng Việt Nam có một mảnh đất mới, một khu đất phần trăm tùy ý sử dụng
để góp phần tăng gia thêm khẩu phần thông tin và chia sẻ chính kiến. Do đó, đã
xuất hiện rất nhiều cây viết, chủ nhân của các cư dân mạng nổi tiếng hơn cả
nghề tay phải của mình, họ là nhà báo nhưng người đọc biết nhiều về họ hơn nhờ
viết blog chứ không phải viết báo. Có nhà báo bỏ cả nghề báo để viết blog, có
ông chẳng liên quan gì đến nghề báo tự dưng nhảy ra làm trang mạng có sức lôi
cuốn người đọc, thách thức các tổng biên tập báo chính thống. Huy Đức một nhà
báo kiêm một blogger có tiếng đã phải thốt lên: Báo chính thống nói chuyện
Basam còn Basam lại đưa chuyện chính thống…
Rất nhiều các hãng thông tin nước ngoài khi
một tìm hiểu dư luận xã hội về một vấn đề nào đó lạ thường tìm đến các blogger
hơn là tìm đến những nhà báo, nhà quan sát chính trường có nhãn mác, bằng cấp
và giấy phép hành nghề…
Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do các trang
mạng xã hội có điều kiện cho phép chủ nhân được giãi bày những suy ngẫm, những
quan ngại, những xúc cảm cá nhân. Nếu một nhà báo khi đặt bút viết về một vấn
đề nào đó thì điều mà anh quan tâm đó không phải là độc giả đầu tiên chắc phải
là hàng thứ 2, số 1 đó là liệu cái tin bài mình viết ra có được phép đăng
không?
Nhiều phóng viên đã phải làm cái việc trước
khi quyết định bắt tay vào lấy tin, viết bài thì đã phải trao đổi trước với
lãnh đạo báo… Như vậy, độ nóng, độ tươi mới cập nhật và dấu ấn cá nhân của sự
phát hiện của tin bài đã bị gián đoạn, cách bức so với một một blogger hay một
ông chủ một trang web cá nhân. Mỗi khi chủ của các trang mạng xã hội
thấy vấn đề tác động vào họ buộc họ phải đặt bút viết là lập tức họ bắt tay vào
ngay. Trước bàn phím, cá nhân họ được vui sướng giãi bày cảm xúc của mình qua
con chữ và độc gia quen thuộc đang chờ họ…
Do vậy nếu báo chí muốn sàng lọc thông tin,
nhất là loại thông tin về các vấn đề mà xã hội, độc giả quan tâm thì không đâu
bằng cập nhật những trang mạng các nhân có lượng độc giả đông, ổn định…Thực ra,
không chỉ báo chí mà theo người viết bài này được biết: Một số cơ quan chức
năng như công an, tuyên giáo, các cơ quan hành chính cũng đã trở thành độc giả
của nhiều trang mạng cá nhân có tên tuổi. Họ vào các trang mạng này không phải
vì tò mò, cũng không phải vì đói thông tin vì thông tin trên các trang mạng xã
hội thường là những thông tin cần phải kiểm chứng, sàng lọc. Qua các thông tin
trên các trang mạng xã hội, chắc các cơ quan chức năng muốn đo kiểm xem phản
ứng, những diễn biến, xu thế chính kiến xã hội đang quan tâm, đổ xô vào các vấn
đề gì. Thậm chí các trang mạng xã hội còn là nơi do lường, kiểm chứng lòng dân
trước các chính sách, chủ trương mới ban hành của nhà nước, của các đoàn thể xã
hội… Và ở khía cạnh này các trang mạng xã hội có độ tin cậy cũng như độ nóng
của sự tươi mới cao hơn các cơ quan ngôn luận báo chí…
Một tờ báo muốn tạo cho mình chỗ đứng bền vững
trong lòng độc giả, tờ báo đó phải đón đầu cho được những chiều hướng thông tin
mà độc giả quan tâm, những vấn đề xã hội đang gây bức xúc độc giả và khi báo
chí xông vào với sức mạng về tay nghề, phương tiện sẽ lôi kéo, định hướng được
độc giả…
Ở Nhật, tại những xí nghiệp lớn đông công nhân
làm việc, nhiều ông chủ cho xây những phòng giải trí. Ở trong đó có nhiều bức
tượng bằng cao su có dáng hình và kích cỡ giống, đúng như các yếu nhân đang
quản lý nhà máy… Nhà giải stress này nhằm mục đích tạo điều kiện cho công nhân
của nhà máy. Nếu
họ có điều gì đó bất bình với ông chủ hoặc ai đó có liên quan tới công việc
hàng ngày, họ có thể vào đấy đấm đá thỏa thích người mà họ cho là đang ức hiếp
họ… Các phòng xả stress này đều có hệ thống ghi âm, ghi hình để các ông chủ
theo dõi không nhằm mục đích trả thù, đối phó với người phản ứng mình mà để
điều chỉnh các giải pháp, phương cách quản lý…
Quản lý một xã hội cũng giống như một xý
nghiệp, một nhà máy, một gia đình…cho dù thiết kế ra được một guồng máy quản
trị, hoàn hảo đến đâu cũng khó lòng làm thỏa mãn hết thảy, làm cho mọi thành
viên có nhu cầu, sở thích, sở trường khác nhau đều vui vẻ cả. Do vậy, các
phương tiện thông tin đại chúng là cái kênh có nhiệm vụ thông tin giúp các tầng
lớp trong xã hội có điều kiện để hiểu nhau, giao lưu, giao cảm với nhau để trên
cở sở này mà tìm ra những được tiếng nói chung, tránh cho xã hội những sự dồn
toa, giật cục dẫn tới đổ vỡ trong các mối quan hệ…
Nắm bắt các luồng thông tin, dư luận xã hội để
trên cơ sở này mà hoạch định các chính sách xã hội là điều mà bất kể một thể
chế quản trị văn minh, tiến bộ nào. Điều này thực ra kể cả Việt Nam chúng ta
từng đã thiết lập có điều hiệu quả và chất lượng của nó tới đâu thì đó là điều
mà chúng ta cần suy tính cân nhắc… Việc điều chỉnh xã hội bằng sự minh bạch
thông tin, chính kiến sẽ văn minh gấp vạn lần so với sử dụng dùi cui và guồng
máy cảnh sát…
Hiện nay chúng ta có hệ thống hơn 800 tờ báo
và Đài truyền hình Trung ương đã được đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó có ngân
sách nhà nước về trang thiết bị kỹ thuật để làm việc đưa tin, thông tin, bình
luận, phân tích, kiến giải thông tin nhằm định hướng dư luận xã hội. Thế nhưng,
có thể do những nét đặc thù của cơ chế quản lý, quản trị của hoạt động này nên
chất lượng của công tác thông tin giúp cho khâu quản trị xã hội của nhà nước
hiệu quả không cao, tác động vào dự luận xã hội còn hời hợt… Đang có một khoảng
cách, một bức vách ngăn giữa cơ quan thông tin, những người làm nghề thông tin
(các nhà báo) với xã hội…
Xin lấy ví dụ nạn nợ xấu do quá nguồn tiền
ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản phát triển cung vượt cầu quá lớn? Đây
không phải là lần đầu Việt Nam và thế giới đã rơi vào thảm cảnh này. Chúng ta
không thiếu những cơ quan chuyên nghiên cứu, dự báo thị trường trong đó có thị
trường bất động sản… Chúng ta có hàng trăm tờ báo chuyên ngành về kinh tế, hàng
trăm tờ báo không chuyên về thị trường nhưng hàng ngày vẫn dành các chuyên
trang cho vấn đề kinh tế-thị trường. Thế tại sao lại không có được một phản
biện, dự báo nào can ngăn các nhà đầu tư để tình hình bất động sản lao vào thảm
họa như hiện nay? Chỉ qua vụ thị trường bất động sản thôi đã thấy cái cơ chế
thu thập, sàng lọc, tổng hợp và xử lý thông tin của chúng ta có vấn đề. Điều
này không chí đối với báo chí mà cả các cơ quan hoạch định chính sách tầm vĩ mô
lẫn vi mô…
Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ hai con người
với nhau thôi, nếu không có sự giãi bài, bộc bạch với nhau những chỗ uẩn khúc,
những khúc mắc, tức nói nôm na không sống thật lòng với nhau thì họ khó lòng có
được tình bạn lâu bền, họ sẽ không có được những hành động chân thành, thiết
thực, chia sẻ, động viên, an ủi nhau trong những lúc khó khăn… Hiện nay các cơ
quan thông tin đại chúng không làm tròn phận sự vì chưa sống thật lòng, chia sẻ
thành thật với độc gia thông qua việc đưa tin và thông tin, bình luận, định
hướng thông tin với độc giả… Đó chính là lý do khiến cho các mạng xã hội ra
đời… Các trang mạng xã hội đang gánh vác cái nhiệm vụ nặng nề đó là việc bù đắp
những phần thiếu hụt, phần què quặt của cộng đồng thông tin chính thống… Thử
vào các đài truyền hình và các phương tiện chính thống mà xem: thấy xã hội
chúng ta hoàn thiện êm đẹp một cách giả tạo, gượng gạo…
Rất may trong hàng chục năm gần đây do sự bùng
nổ của phương tiện internet đã tạo điều kiện có rất nhiều cá nhân, blogger đã
nghiễm nhiên biến thành những nhà báo có đông người tìm đến giống như những tờ
báo những tờ báo có nhãn mác và có giấy phép hoạt động nghề do Bộ Thông
tin-Truyền thông cấp… Hiện nay một số trang mạng xã hội riêng về các chủ đề
thông tin gần với các tờ báo chuyên ngành về kinh tế-xã hội hàng ngày đã thu
hút tới dăm ba vạn lượt truy cập. Số trang mạng này ở Việt Nam cũng đã lên
tới hàng chục trang mặc dù hoạt động tự phát, chưa chuyên nghiệp về mặt kỹ
thuật…Các blogger đã nơi khỏa lấp phần nào cái thiếu hụt này của các cơ quan
thông tin chính thống đã gây ra cho xã hội thông tin Việt Nam…Thử hình dung nếu
không có các trang mạng xã hội mặc dù bị chèn ép đủ đường thì làm sao người dân
và kể cả các cơ quan chức năng biết được thực chất về cái mặt trái của vũ cưỡng
chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Văn Giang ở Hưng Yên và nhiều vụ khác… Các cơ
quan chức năng vào cuộc giải vụ này theo tôi thực chất là do sức ép của các
trang mạng xã hội chứ khó tin là do các bộ phận tham mưu giúp việc đi xe sang,
hưởng lương cao tham mưu, đề xuất…
Bản thân tôi là người ham viết blog, mới nghỉ
hưu từ 01.06.2012, trang của tôi bị đánh sập 3 lần và không biết ai phá. Rất
nhiều lần tôi trực tiếp được mời lên yêu cầu giải trình các nội dung, quan điểm
cũng như trách nhiệm hành chính (vì tôi là công chức) và trách nhiệm trước luật
pháp về những thông tin tôi nêu về những vấn đề tôi viết ra…Tôi đã giải thích,
tranh luận sòng phẳng, minh bạch rằng: Những điều tôi viết ra không vi phạm 19
điều đảng viên không được làm vì tôi là đảng viên. Tôi không vi phạm luật pháp
thông tin (Luật Báo chí và các văn bản có liên quan)… Tôi là hội viên Hội Nhà
văn VN, hội viên Hội Nhà báo VN, thiên chức của tôi cũng giống như anh nông
dân, phải có cày và ruộng cho chúng tôi cày cấy. Khi nhà nước thừa nhận
cho phép bằng luật pháp hoạt động của những hội này thì nhà nước phải chịu
trách nhiệm bảo hộ công việc của chúng tôi, những cư dân hoạt động có thẻ khi
chúng tôi không làm gì vi phạm luật pháp… Có ý kiến bác lại: Sao không đưa các
ý kiến đó cho các báo mà lại đưa lên mạng. Tôi trả lời: Nếu đưa tới báo thì báo
không đăng, còn gửi cho những người có trách nhiệm, cơ quan có trách nhiệm có
liên quan thì tôi không muốn mang tiếng là người đi khiếu kiện, xin-cho…Tôi đề
xuất: Hay các ông lập ra một trang mạng tạo cơ chế cho một diện hẹp nào đó được
đọc, các ông quản lý để chúng tôi viết trình bày chính kiến của mình: Điều nào
sai các ông phản bác, điều nào đúng để những người có trách nhiệm tiếp thu.
Chúng tôi cũng chỉ mong có thế, vì không có nơi vui vẻ tiếp nhận nên chúng tôi
phải tung lên mạng, lên trời…
Tóm lại, cho rằng hiện nay so với báo chí
chính thống thì các trang mạng xã hội có điều kiện bộc lộ chính kiến của người
viết hơn. Vấn đề mà tôi đề cập, kết lại: Làm sao để các nhà báo được sống hết mình
với tin bài của mình như các trang mạng xã hội, có như thế báo chí mới góp phần
hữu ích vào đời sống xã hội… Vấn đề này nó vượt ra ngoài phạm vi cuộc hội thảo
này vì nó vướng vào cơ chế, chính sách. Cuộc hội thảo này chỉ
bàn tới một vấn đề thuộc phạm vi nghề nghiệp thông tin của báo chí. Tôi muốn
bàn tới cái gốc của vấn đề đó là cơ chế-chính sách quản lý thông tin báo chí
thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin-Truyền thông. Để phát biểu điều này phải là
cuộc hội thảo do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức và chủ trì…
Cách đây không lâu, tôi có đọc văn bản soạn
thảo về Nghị định Internet sửa đổi, tôi thấy vô lý vì trong đó có một dòng ghi
đại ý: Thông tin báo chí mới là chính thống, hợp pháp còn thông tin trên mạng
xã hội là không chính thống… Bộ TT-TT cứ quy định còn người đọc người ta cứ vào
các trang mạng xã hội để đọc, các hãng thông tấn nước ngoài có uy tín vẫn tiếp
cận các blogger để lấy tin vậy thì cái chính thống mà Bộ Thông tin Truyền thông
quy định đó ai nghe, ai theo, ai tin và tin ai?
Nếu không bàn tới cơ chế chính sách giải phóng
sức sản xuất cho các nhà báo được hành nghề, bộc lộ chính kiến của mình như các
blogger thì nếu có tờ báo nào đó mời tôi viết bài tôi cũng lại viết như các nhà
báo, nếu muốn được đăng… Và tham gia cuộc hội thảo này, tôi cũng đã phải đắn
đo, viết tham luận cẩn thận, rà đi soát lại để không bị kiểm duyệt, biên tập
khiến cho ý kiến của mình không được phát. Còn lên trang của tôi thì khi viết
xong chỉ một cú nhấn chuột là bài sẽ lên mạng…
P.V.Đ
VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG
Sách dày 700 trang khổ 240x160
Liên hệ tác giả:
Email: Hoanghtham9@gmail.com
ĐT 0382598746
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét