04:34, 11 Jun 2019
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Nga trong ba ngày và được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang muốn “liên minh với Nga để chống Mỹ”.
Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ “ngồi xem hổ đấu”. Trả lời phóng viên hôm 7/6 về việc liệu Nga có “chọn phe” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Putin trích dẫn một câu ngạn ngữ Trung Quốc, nói rằng “khi hai con hổ đánh nhau, thì những con khỉ thông minh sẽ ngồi bên cạnh và chờ xem con nào thắng”, The New York Times đưa tin.
Ông Tập Cận Bình thăm Nga từ ngày 5-7 tháng 6, trong đó Trung Quốc và Nga đã ký khoảng 30 văn kiện hợp tác chính phủ và thương mại. Theo Mạng Trung tâm Tin tức Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận trị giá 60 tỷ USD với Nga, bao gồm việc mua dầu, vũ khí và viện trợ không hoàn lại cho Nga.
Trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình nói với truyền thông Nga rằng năm nay là kỷ niệm 70 năm hữu nghị Trung-Nga. Hai bên là quan hệ đối tác chiến lược và ông Putin là “người bạn thân thiết nhất của tôi”.
Đây là lần đầu tiên ông Tập đi thăm nước ngoài kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Mỹ-Trung leo thang căng thẳng vào tháng 5. Giới quan sát cho rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là nhằm lôi kéo Nga chống lại Hoa Kỳ. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina, quan hệ giữa Nga với châu Âu và Hoa Kỳ đã tiếp tục suy giảm và tiếp tục bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Ngày 7/6, ông Tập Cận Bình, ông Putin và nhiều nguyên thủ quốc gia khác cùng xuất hiện ở Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 23. Một phóng viên hỏi ông Putin về lập trường của Nga đang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Putin nói rằng Nga hiện đang giống như một con khỉ ngồi trên núi, nhìn hai con hổ Hoa Kỳ và Trung Quốc tương đấu.
Về mối quan hệ giữa ba nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, Hồ Bình, tổng biên tập viên danh dự tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh” và là nhà bình luận chính trị cho rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Nga là vung tiền lớn, dùng 60 tỷ đô la mua hàng. Ông Tập muốn lôi kéo Nga để đối phó với Hoa Kỳ, nhưng điều này là không thể.
Nga và Trung Quốc luôn có nhiều mâu thuẫn. Nga đã xâm lược Trung Quốc nhiều lần. Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sau thất bại của các cuộc đàm phán biên giới Trung-Xô năm 1964, mâu thuẫn giữa hai bên tiếp tục gia tăng.
Đến năm 1969, có nhiều cuộc xung đột vũ trang ở biên giới Trung-Xô và hàng chục người chết ở mỗi bên. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã huy động 810.000 quân và Liên Xô huy động 1.18 triệu quân.
Ông Hồ Bình nói rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nga, và giữa người dân 2 bên là tương đối lớn. Nhưng ĐCSTQ xuất phát từ nhu cầu của mình đã ngăn chặn tình cảm chống Nga, không giống như xu hướng chung kích động người dân chống Nhật, chống Mỹ và chống Triều Tiên. Bởi vì họ biết rằng đối thủ của mình thực sự là Hoa Kỳ. Vì vậy, họ luôn luôn dự tính kế hoạch như vậy, nghĩa là đừng gây mâu thuẫn với Nga, nếu có mâu thuẫn cũng không phơi bày ra.
“Nga bây giờ kém Trung Quốc về kinh tế, nhưng vẫn là một cường quốc quân sự. Do đó, thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với Nga vẫn còn nhiều mâu thuẫn”, ông Hồ Bình nói, nhưng Trung Quốc và Nga “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Ông Hồ Bình nói rằng trên thực tế, người dân Trung Quốc không bất mãn với Hoa Kỳ, vì vậy họ đều thích sang Hoa Kỳ, nhưng họ không hài lòng với Nga. Những người nhập cư Trung Quốc đến Nga hoặc làm kinh doanh, họ vẫn bị dân Nga bài xích, điều này rất khác với tình hình ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, để đối phó với Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã không để tình cảm dân tộc đó phát tác, không muốn thêm chuyện về vấn đề đối với Nga. Nga biết rằng chính phủ Trung Quốc e ngại không dám trở mặt với họ, nên đã tạo ra cục diện như vậy.
Ngoài ra, ông Hồ Bình cho rằng Trung Quốc và Nga rất gần gũi, theo chính sách ngoại giao truyền thống của Trung Quốc cổ đại là “Kết giao xa, tấn công gần”. Thế nên “tấn công xa, kết giao gần” thường rất khó, vì những xung đột với các quốc gia lân cận rất khó khắc phục. Do đó, ông Tập Cận Bình muốn đạt được liên kết với Nga để chống Mỹ thì sẽ không thể làm được.
Được biết, cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump liên kết với Nga để cùng nhau đối phó với ĐCSTQ, giống như Tổng thống Mỹ Nixon đã từng liên kết với Trung Quốc để chống Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, ông Hồ Bình nói rằng ý tưởng “khuyến nghị Trump lật ngược lại, liên kết Nga chống Trung Quốc” là rất tốt, nhưng nó cũng khó khăn. Trước hết, khi Hoa Kỳ liên kết với ĐCSTQ chống Liên Xô là khi ĐCSTQ và Liên Xô đã trở mặt với nhau, và đã bắt đầu đánh nhau. Do đó, Hoa Kỳ dễ dàng liên kết với ĐCSTQ để đối phó với Liên Xô.
Thứ hai, quan hệ Trung-Nga nói chung là bình thường, và vẫn còn nhiều xích mích giữa Hoa Kỳ và Nga, như Trung Đông, Đông Âu, v.v. Do đó, mặc dù ý tưởng “Liên kết Nga chống Trung Quốc” là tốt, nhưng vẫn khó thực hiện.
Ông Hồ Bình cho rằng Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga trên thực tế là thế chân vạc, chủ yếu là vì Hoa Kỳ và Trung Quốc đối lập với nhau, về cơ bản, Nga có xu hướng đứng giữa và có thể đứng về phía Hoa Kỳ trong một số vấn đề nhất định, nhưng nói chung, họ sẽ không đứng về phía nào.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Mnuchin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 9/6 rằng, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Trump, sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại hội nghị G20 vào cuối tháng này. Nếu Trung Quốc sẵn sàng theo các điều kiện mà hai nước đã thảo luận, thì sẽ đạt được thỏa thuận, nếu không Hoa Kỳ sẽ tăng thuế.
Đối với thương mại Mỹ-Trung, nếu ông Trump và ông Tập Cận Bình không đạt được tiến bộ nào tại hội nghị thượng đỉnh G20, họ sẽ gặp vấn đề lớn hơn. Khi đó thì Nga sẽ đứng về phía nào? Ông Hồ Bình nói rằng Nga sẽ không ủng hộ bên nào. Họ sẽ “ngồi trên núi xem hổ đấu”.
Về kết quả cuối cùng của cuộc chiến thương mại, ông Hồ Bình cho rằng là do những người có xu hướng tự do hóa hơn trong nền kinh tế trong nội bộ ĐCSTQ không đủ sức mạnh. Nếu họ có đủ sức mạnh thì sẽ sớm dẫn đến việc ký kết song phương. Nếu không có sức ép lớn buộc lãnh đạo cao nhất của chính quyền Bắc Kinh phải nhượng bộ thì cuối cùng, ĐCSTQ sẽ không nhượng bộ và sẽ đối đầu với Hoa Kỳ.
Để giành thế thượng phong trong cuộc đối đầu thì Hoa Kỳ buộc phải leo thang và mở rộng cuộc chiến.
Tác giả: Lạc Á, Trương Đốn, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Biên dịch: Thanh Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét