Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua (Bài 1)

This entry was posted on Tháng Một 18, 2018, in Lịch sử Việt Nam and tagged , , , . Bookmark the permalink. %(count) bình luận

nguyentrai (1).jpg
Lê Tư
A. TIỂU SỬ TÓM TẮT:
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, năm 1400 đậu Thái học sinh. Tương truyền, ông giữ chức Ngự sử đài chính chưởng dưới đời Hồ (1400 – 1407). Tuy nhiên, không hoạt động nào của Nguyễn được sử ký ghi nhận trong giai đoạn này.
Năm 1407, Vĩnh Lạc xâm phạm Đại Việt, Giản Định đế nổi lên kháng cự sau khi quân Hồ tan rã. Nguyễn Trãi bị nhóm Hậu Trần truy sát do gia tộc bên ngoại trước đó hợp tác với họ Hồ, về sau cha và cậu ruột lại đầu hàng giặc Minh. Ông ẩn tránh đến năm 1410 mới ra trình diện chính quyền mới.
Từ 1410 đến 1417, Nguyễn Trãi lưu lạc Trung Hoa. Có lẽ do ông phục vụ Minh triều với chức vụ thấp nên sử Trung Hoa không chép lại hành trạng.
Theo Tổng binh Lý Bân về Giao Chỉ năm 1417, Nguyễn làm việc trong bộ máy thuộc địa đến khi họ Lý qua đời năm 1422.
Năm 1423, Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, được giao vai trò thư ký riêng cho thủ lĩnh khởi nghĩa. Thừa lệnh chủ, Nguyễn viết nhiều thư giao thiệp với người Minh; hoặc mệnh lệnh dạy bảo, úy lạo quân nhân. Các văn bản này về sau được Trần Khắc Kiệm gom thành Quân trung từ mệnh tập (1480).
Năm 1427, khi quân Lam Sơn tiến ra châu thổ sông Hồng, “Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ” Nguyễn Trãi được thăng chức “Triều liệt Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự.” Ông từng đích thân cùng hàng tướng họ Tăng đi chiêu dụ thành Tam Giang.
Tức vị hoàng đế năm 1428, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết Đại Cáo công bố quá trình chiến đấu dẫn đến thành công mỹ mãn của lực lượng kháng chiến. Nguyễn Trãi được phong “Tuyên phụng Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ hữu Gián nghị Đại phu, đồng Trung thư lệnh sự, tứ kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi.”
Cuối năm 1429, Nguyễn Trãi bị tống giam nhưng sau đó được thả ngay. Tuy nhiên, ông mất hết chức tước và bị thẩm vấn kéo dài. Ngoài lý do bị tình nghi liên can mưu phản của Trần Nguyên Hãn, có thể ông gặp rắc rối do các mối quan hệ phức tạp thời cộng tác với người Minh.
Năm 1432, ông chỉ được phục chức “Vinh Lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự.” Năm 1433, Lê Thái tổ băng, Nguyễn Trãi viết Văn bia Vĩnh lăng.
Từ năm 1433 đến năm 1437, theo ghi chép của Toàn Thư, bên cạnh nhiệm vụ Thừa chỉ, Nguyễn Trãi phụ trách mảng văn hóa-giáo dục của triều đình.
Do tranh chấp về “lễ nhạc” với Lương Đăng năm 1437, Nguyễn Trãi bị bãi truất nhưng vẫn còn giữ chức quan nhàn. Năm 1439, Lê Thái tông phục hồi cho ông. Trong biểu tạ ơn, ông xưng là “Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ sảnh tả ty hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ tri Tam Quán sự, Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, Á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi.”
Năm 1442, vua đi tuần miền đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, nhân tiện ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Khi nghỉ lại Lệ Chi viên trên đường về kinh, hoàng đế thức suốt đêm với vợ lẽ Ức Trai là Nguyễn thị Lộ rồi mất. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Năm 1464, Lê Thánh tông cho người con còn sống sót của Nguyễn Trãi tên Anh Vũ làm quan huyện. Năm 1467 lại ra lệnh sưu tập thơ văn của ông.
B. TỰ TRUYỆN QUA NHẬT KÝ THƠ:
1. Thời học sinh trước năm 1400
Nguyễn Trãi xuất hiện lần đầu trong văn học qua bài thơ “Gia viên lạc 家園樂,” Thú vườn quê của Nguyễn Ứng Long. Cha ông tả đứa bé con mình mới lên sáu đã mê đọc sách: “Lục tuế nhi đồng phả ái thư 六歲兒童頗愛書.” Phan Huy Chú tin rằng cháu nhỏ chính là Ức Trai sau này.[1]
Qua tác phẩm dưới đây, Nguyễn Trãi cho biết ông được gửi vào trường lớp chính quy để học tập. Do Ứng Long là quan Đại phu triều Trần, có thể hiểu “trường văn” mà tác giả nhắc đến chính là Quốc tử giám tại kinh đô. Nguyễn đang đối diện rắc rối ảnh hưởng đến việc học và thi.
Mạn thuật XII
Trường văn nằm ngả mấy thu dư,
Uổng tốn công hèn biện lỗ ngư.(1)
Còn miệng tựa bình(2) đà(3) chỉn(4) giữ,
Có lòng bằng trúc(5) mỗ(6) nên hư.
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,(7)
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.(8)
Chỉn sá(9) lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác mặc(10) thi thư.

Tạm hiểu như sau: Mấy năm miệt mài trong nhà trường, Công dùi mài kinh sử đành phí uổng. Mồm miệng đã giữ kín như miệng bình, Lòng trống rỗng giũ sạch mọi việc. Từ khi én lạc đường không bay vào nhà Vương-Tạ, Lòng đối với Tiệp Dư như chiếc quạt xếp lại. Nên thủ phận mà rút lui, Tìm nghề nghiệp khác bỏ mặc thi thư.
Hai câu đề tác giả tự trách nỗ lực học hành phí hoài, có vẻ như thi hỏng. Nhưng nếu chỉ thi hỏng, không nhất thiết phải giữ mồm giữ miệng hay tự kìm nén cảm xúc như trình bày qua cặp trạng. Cặp luận thể hiện gia thế đi xuống do nhà vua lạnh nhạt, đây là lời giải thích lý do tại sao phải cư xử cẩn trọng như đề cập bên trên. Hai câu kết tỏ ý muốn bỏ cuộc đua thi thư để theo nghiệp khác.
Thời điểm nào nho sinh Nguyễn Trãi thi trượt cùng lúc với Ứng Long bị triều đình ghẻ lạnh?
Ức Trai đỗ Thái học sinh năm Thánh Nguyên I (1400), như vậy, bài thơ phải xuất hiện trước đó. Cân nhắc năm sinh 1380 và lời thơ tương đối già dặn của tác giả, chúng ta có thể thu hẹp thời gian tác phẩm ra đời vào quãng 1392 – 1399. Năm 1393, Toàn Thư ghi nhận khoa thi Thái học sinh vào mùa xuân lấy đỗ ba mươi người. Năm 1396, ghi nhận việc cải cách nội dung các bước thi cử nhưng không nhắc đến khoa thi kèm theo; tuy vậy, có thể tin rằng từng có kỳ thi Hương theo qui định mới trong năm 1396 vì triều đình khó thể công bố cải cách mà bỏ qua thể nghiệm.[2] Như vậy, Nguyễn Trãi có thể thi trượt khóa 1393 hoặc khóa 1396.
Ức Trai di tập còn giữ được bài thơ Nguyễn Ứng Long tiễn Lê Dung Trai lên đường sứ Bắc vào cuối năm 1394 hoặc đầu năm 1395. Lời thơ điềm đạm thể hiện tư cách một vị đại quan có địa vị ổn định. Dựa vào đó, có thể loại trừ trường hợp “Mạn thuật XII” được viết ra sau khóa thi 1393.
Năm 1396, Thiếu trung Đại phu Nguyễn Ứng Long cùng Thông phụng Đại phu Đào Toàn Kim đi sứ nhà Minh báo tin Thượng hoàng Nghệ tông qua đời. Vua Minh từ chối phúng điếu. Rủi ro hơn, chánh sứ họ Đào mất trên đường về. Lợi dụng hoàn cảnh bối rối, nhà Minh áp lực đòi đất biên thùy. Trần Thuận tông bãi nhiệm Ứng Long do chuyến đi kết cục thảm hại. Dấu vết trách phạt còn lưu trong hai bài bát cú “Ngẫu tác 偶作”, Ngẫu nhiên làm thơ và “Mộ thu 暮秋”, Cuối thu với các câu “Triển Cầm yên vãng phi tam truất 展禽焉往非三黜,” Triển Cầm đến nơi nào chẳng bị ba lần bãi truất hay “Tao nhân hà tất oán giang ly 騷人何必怨江蘺,” Nhà thơ hà tất phải oán cỏ Giang ly. “Ngẫu tác” nói về Liễu Hạ Huệ, “Mộ thu” nhắc Khuất Nguyên, là các danh sĩ bị biếm truất không thỏa đáng.[3]
Hai luồng thông tin trên hướng chúng ta đến kết luận: tác phẩm ra đời năm 1396. Kết quả thi tiêu cực cộng hưởng tai họa mất chức của cha khiến Nguyễn dao động niềm tin vào hoạn lộ. Cha bị thất sủng, con có khả năng bị cấm thi hoặc thi đỗ vẫn không được bổ nhiệm. So sánh gia đình mình với hai họ Vương-Tạ đại quý tộc đời Tấn, lại so sánh cha với nàng Ban Tiệp Dư từng được Hán Thành đế sủng ái, Nguyễn đã gián tiếp xác nhận Ứng Long có địa vị cao trong triều đình và được vua Trần nể trọng. Thông tin như thế khác hẳn kết quả nghiên cứu truyền thống vốn cho rằng Nguyễn Ứng Long chỉ ra làm quan dưới đời Hồ.
Từ bỏ Nho học chỉ là lời nói lẫy. Nguyễn càng nhận rõ trách nhiệm cá nhân khi cha gánh chịu thua thiệt trên quan trường. Nếu cha chùn bước, con phải dấn thân. Bài thơ dưới đây diễn đạt mạnh mẽ ao ước thành đạt:
Ngôn chí VII
Đã mấy thu nay để(11) lệ nhà,
Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha.
Một thân lẩn quất đường khoa mục,
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.(12)
Tài liệt lạt(13) nhiều nên kém bạn,
Người mòn mỏi hết phúc còn ta.
Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
Tình phụ cơm trời áo cha.
Chao đảo bước tiến thân chỉ tạm thời, Nho đạo là con đường duy nhất Nguyễn lựa chọn và đeo đẳng. “Ngôn chí” cho biết Nguyễn tạm rời Côn Sơn (hoặc Nhị Khê) nhiều năm để theo đuổi học vấn tại kinh thành. Trở ngại nhiều nhưng chưa bao giờ ông bỏ cuộc. Mộng gánh vác việc triều đình, tức mộng làm quan, luôn vấn vít hành trình khoa mục khổ nhọc. Câu 5 một lần nữa nhấn mạnh trầy trật thi cử, câu 6 vui mừng vì còn được tiếp tục trường văn trong khi nhiều đồng khóa kém phúc đành chấp nhận rơi rụng. Phí tổn nuôi con ăn học thời đó hẳn rất đáng kể và chỉ nhà phú quý mới kham nổi. Nhưng thư sinh dòng dõi như Nguyễn có con đường nào khác phù hợp hơn để lập công danh ! Phải thi đỗ mới nắm bắt cơ hội phụng sự hoàng triều đồng thời mang đến vẻ vang cho cha mẹ. Do cặp thực nói về quan hệ vua-tôi, cặp luận tưởng đến quan hệ cha-con nên “hai chữ” được mơ màng phải là hai chữ “quân-thần”. Ức Trai đặt nặng nghĩa vụ trung-hiếu, nhưng chúng ta nên chú ý riêng về lòng trung qua mỗi giai đoạn. Nguyễn Trãi từng thể hiện hồn hậu sự trung thành với vua Trần, vua Hồ, vua Minh và vua Lê. “Quân” trong bài thơ trên chỉ Trần Thuận tông, người trị vì quãng 1388 – 1398.
Rủi cho hoàng gia Trần nhưng may cho nhà họ Nguyễn là Thuận tông bị Hồ Quý Ly ép đi tu vào năm 1398. Hoàng tử An lên ngôi tại Tây đô lúc 3 tuổi, hoàn toàn bị quyền thần khống chế. Đại vương Quý Ly bắt đầu tái tổ chức triều chính chuẩn bị soán đoạt. Thời cuộc thay đổi hóa giải áp lực án phạt lên Ứng Long đồng thời mở sinh lộ mới cho cả gia đình.
Ngôn chí VI
Trường ốc ba thu uổng mỗ(14) danh,
Chẳng tài đâu xứng chức tiên sinh.(15)
Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử,(16)
Thuyền mọn khôn đưa biển lục kinh.(17)
Án sách cây đèn hai bạn cũ,
Song mai hiên trúc một lòng thanh.
Lại mừng nguyên khí vừa thịnh,
Còn cậy vì hay một chữ đinh.(18)
Về già, Nguyễn Trãi có câu thơ nhớ thời đi học: Thiếu niên trường ốc tiếng hư bay. Ông học giỏi có tiếng nhưng không hiểu sao lại trượt khóa thi 1396. Mối hận lòng khiến Nguyễn tự đay nghiến rằng mình kém khả năng, như cuốc cùn xới cánh vườn rộng, như thuyền mọn vượt biển mênh mông. Ý thức năng lực sơ sài đã thôi thúc người thanh niên cố công rèn luyện trong điều kiện sinh hoạt đạm bạc. Ứng Long bị ngồi chơi xơi nước nên bổng lộc hẳn sút giảm nhiều gây ảnh hưởng đến con cái. Trong thất vọng, chàng thư sinh bắt gặp hy vọng le lói từ biến pháp của Hồ Quý Ly. Thực hiện công việc mới phải cần nhân sự mới. Nguyễn tự tin sẽ thành công nhờ vốn văn học của mình.
Kẹt vướng giữa bế tắc, lòng trung với họ Trần nhòa nhạt nhẹ nhàng. Năm 1398, Thái thượng Nguyên quân Hoàng đế Trần Ngung rời ngôi tôn. Vị đạo sĩ tân tòng lo bảo toàn sinh mệnh nên không quan tâm thiên mệnh.
2. Thời Hồ 1400 – 1407
Cả ba bài thơ làm trong tuổi học trò bên trên đều thể hiện sinh hoạt thanh bạch của người chưa sành thú phong lưu. Thiếu niên Nguyễn Trãi lúc đó chưa tơ tưởng tới trà, rượu và đàn bà.
Theo bài tựa Ức Trai thi tập do Trần Khắc Kiệm viết năm Hồng Đức XI (1480), Nguyễn nhậm chức Trung thư Ngự sử đài Chánh chưởng sau khi đỗ Thái học sinh.[4] Tác phẩm dưới đây cho thấy Nguyễn quen thuộc với cách chuẩn bị trà của tầng lớp trí thức có quyền thế. Trong thực tiễn xã hội bất ổn, gu ẩm thực cầu kỳ vẫn được duy trì.
Tự thán XXXVII
Nẻo từ(19) nước có đao binh,
Nấn ná am quê cảnh cực thanh.
Đình Thấu Ngọc(20) tiên(21) xanh(22) tuyết nhũ,(23)
Song mai hoa điểm quyển Hy kinh.(24)
Hẹn này nỡ phụ ba đường cúc,(25)
Tiếc ấy vì hay một chữ đinh.(26)
Mọi sự đã chăng còn ước nữa,
Nguyện xin thấy một thuở thăng bình.
Tạm hiểu như sau: Từ khi nước có chiến tranh. Nấn ná quê nhà nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Trong đình Thấu Ngọc, đun chảo nước thạch nhũ tinh khiết. Bên cửa sổ trồng hoa mai, đọc quyển Hy kinh. Có hẹn với ba luống cúc nhưng lỡ dở rồi! Thật tiếc chỉ vì ta là người trí thức có trách nhiệm. Bây giờ chẳng cầu ước điều gì. Chỉ mong thấy cảnh thanh bình.
Để định tuổi bài thơ, chúng ta căn cứ vào năm điểm: a. nơi tác giả sống là một “nước”, b. chiến tranh xảy ra ngay trong lãnh thổ Việt, c. phức hợp động Thanh Hư sang trọng với đình Thấu Ngọc chưa xuống cấp, d. Nguyễn Trãi đang làm quan, e. Trãi đỗ Thái học sinh chưa lâu lắm, còn kiểu hãnh diện trẻ trung là mình biết chữ.
Dựa vào điểm đầu tiên, ta loại trừ thời gian An Nam mang danh Giao Chỉ Thừa tuyên Bố chính sứ ty, tức từ 1407 đến 1428. Dựa vào điểm thứ hai, có thể khép thời gian vào quãng đời Hồ, tức từ 1400 đến 1407; vì dưới đời Lê Thái tổ, Lê Thái tông, chiến tranh chỉ xảy ra nơi phên dậu hoặc ngoài biên giới. Điểm thứ ba, thứ tư và thứ năm củng cố nhận xét dựa vào điểm thứ hai.
Cuộc “đao binh” xảy ra trong nước có thể là trận tấn công của Hàn Quan và Hoàng Trung vào Đại Ngu mùa hè năm 1406 để đưa Trần Thiêm Bình về nước thay thế họ Hồ. Nhằm nghênh địch, vua Hồ đã áp dụng chiến thuật vườn không nhà trống tại các xứ Lạng châu, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Tam Đái. Dời dân qui mô dĩ nhiên gây xáo trộn lớn đời sống tại trung châu. Có lẽ Nguyễn thăm nhà trong giai đoạn hỗn loạn này. Không loại trừ chính vùng quê ngoại cũng nhận lệnh chuẩn bị di tản nếu cần thiết. Hai chữ “nấn ná” giúp chúng ta biết Nguyễn chỉ được phép về nhà để thu xếp điều gì đó thật nhanh chóng rồi phải trở lại nhiệm sở. Ức Trai dùng Hy kinh để dự đoán những gì sắp xảy ra. Cầu nguyện bình an chứng tỏ bói toán bằng Dịch chưa mang đến sự tin tưởng, hoặc ông đã linh tính hậu quả từ mối loạn là cực lớn. Lòng luyến thương hoa cúc nổi lên như điềm gở báo trước cuộc chia ly dằng dặc mười năm.
Điều Nguyễn Trãi lo sợ rồi cũng ập đến.
Tự thán XXX
Vận trị cùng loàn chỉn(27) đếm thì,(28)
Bằng(29) ta sinh uổng có làm chi.
Ơn vua luống nhiều phần đội,
Việc nước nào ích mỗ(30) bề.(31)
Rắp(32) tới, đã chăng hay chốn tới,
Hầu(33) đi, lại chửa biết đường đi.
Tôi ngươi(34) hết tấc lòng trung hiếu,
Ai há liệu nơi thịnh suy.
Tạm hiểu như sau: Thời vận trị rồi đến loạn là quy luật. Ta sống uổng phí vì không làm gì được (để cưỡng lại). Từng chịu ơn vua rất nặng. Mà chẳng giúp chút gì cho nước. Muốn tiếp tục đi nhưng không biết tới đâu. Định tìm ngõ khác lại chưa biết đằng nào. Phận tôi con luôn hết lòng trung hiếu. Bất kể triều đại thịnh hay suy.
“Tự thán XXX” được viết ra lúc chế độ sụp đổ. Nguyễn từng kinh qua hai lần trạng huống như thế, một lần cuối đời Trần và lần thứ hai cuối đời Hồ. Cuối Trần, Nguyễn không hoang mang vì quốc gia được xếp đặt lại bởi năng lượng từ luồng nguyên khí mới. Cuối Hồ, Nguyễn dở dang vĩnh viễn sự nghiệp do hoàng gia bị người Minh áp giải về phương bắc. Giữ lòng trung rất khó vì chẳng ai mưu sự khôi phục nhân danh họ Hồ để ông có thể tham gia. Tình trạng tuyệt đại đa số sĩ nhân bỏ rơi Đại Ngu quay sang hợp tác với giặc có lẽ khiến Nguyễn bàng hoàng. Ông nhắc nhở đám đông phù thịnh bằng tấm gương bản thân lẻ loi. Nhưng muốn bảo toàn trung-hiếu phải có kế hoạch chống trời nào đó, kế hoạch mà Nguyễn không sao nghĩ ra được.
Ức Trai không có nhiều thời giờ ngẫm ngợi về lòng cô trung. Đống tro tàn Đại Ngu đã tái sinh mầm sống khác, vừa mới mẻ vừa cổ kính. Tựa vào bộ rễ đâm sâu ruột đất hàng thế kỷ, sinh thể đó phục hồi tuổi trưởng thành trong chớp mắt và chua chát đặt vấn đề với tất cả những ai từng coi rẻ phẩm giá của nó.
3. Ba năm chạy trốn 1407 – 1410
Khác với cha mình, Nguyễn Trãi không nghĩ ngay đến việc đầu hàng hay hợp tác với quân chiếm đóng. Ban đầu, có lẽ ông cùng một số đồng chí dù tản mát vẫn duy trì liên lạc để đồng tâm ứng phó với tình hình, đặc biệt với chính sách chiêu hiền của vua Minh. Bài thơ dưới đây cho thấy Nguyễn cùng một số cựu đồng liêu trao đổi về việc có nên ra làm quan với chính quyền thuộc địa hay không.
和鄉先生韻柬諸同志
愁來咄咄漫書空 
天地無窮嘆轉蓬 
世事灰心頭向白 
衰顏借酒暈生紅 
覽輝擬學鳴陽鳳 
遠害終為避弋鴻 
淪落天涯俱是客 
年來出處略相同
Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí
Sầu lai đốt đốt(35) mạn thư không 
Thiên địa vô cùng thán chuyển bồng(36) 
Thế sự khôi tâm đầu hướng bạch  
Suy nhan tá tửu vựng sinh hồng 
Lãm huy(37) nghĩ học minh dương phụng(38) 
Viễn hại chung vi tỵ dặc hồng 
Luân lạc thiên nhai câu thị khách 
Niên lai xuất xử(39) lược tương đồng
Họa vận vị tiên sinh đồng hương gửi các đồng chí
Buồn đến, viết loạn hai chữ “cha chả” lên không,
Than mình như cỏ bồng trôi dạt trong trời đất vô cùng.
Lòng nguội lạnh việc đời, tóc sắp bạc,
Vẻ mặt tiều tụy, nhờ rượu mà đỏ hồng.
Ngắm ánh sáng, định học chim phượng hót đón mặt trời,
Lẩn xa tai vạ, rốt cuộc lại như chim hồng tránh tên.
Đều là khách luân lạc bên trời,
Cho đến nay, chúng ta đều có kế sách xuất xử như nhau.
Câu 1 mượn tâm tình của Ân Hạo khi mất hết chức tước, rơi xuống hàng thứ dân, bị lưu đày, để bày tỏ sự bàng hoàng trước biến động. Câu 6 khẳng định ý muốn học theo Ngự sử Lý Thiện Cẩm đời Đường, người được đương thời mệnh danh “minh dương phụng 鳴陽鳳”, chim phượng hót đón mặt trời. Như vậy, có phần chắc bài thơ ra đời ngay sau khi quân Minh thắng trận khiến tác giả đột ngột gián đoạn công việc yêu thích ở đài Ngự sử đồng thời phải tránh nạn nơi xa.
Giống như “chuyển bồng 轉蓬”, cỏ bồng trôi dạt là tự gẫm thân phận của Đỗ Phủ khi rời Thành Đô đến Từ châu tránh cuộc nổi dậy của Từ Tri Đạo (762). Cụ Đỗ từng chạy loạn An Lộc Sơn tới Thành Đô, lại gặp loạn, buộc đi tiếp sang Từ châu. Như vậy, Nguyễn có thể đã chạy giặc Minh, sau đó lại tiếp tục chạy những đám giặc phái sinh nổ ra khi chính quyền Hồ sụp đổ.
Hai chữ “lãm huy” nhắc về thời đại xã hội đảo lộn mà nhà thơ Khuất Nguyên nước Sở phải chịu đựng. Giả Nghị, qua phú “Điếu Khuất Nguyên”, cho rằng thuở đó mọi sự đều trái khoáy : bọn trộm cắp tự xem mình thanh cao, quân đội dùng lừa để kéo binh xa, trái bầu xốp được quý hơn vạc nhà Chu… Với Nguyễn, thời điên đảo quá mức tương ứng buổi mạt Trần. Ông ví mình như chim phượng đã thấy vầng sáng Hồ Quý Ly và đã lựa chọn.
Ngoài Giả Nghị, Lưu Khắc Trang (1187 – 1269) cũng lưu lại dấu ấn trên sáng tác của Nguyễn. Lưu thuộc phái thơ “giang hồ”. Thành viên phái này chuộng lời lẽ bình dị, hướng về chủ đề cuộc sống thường nhật. Khắc Trang có câu thơ rất nổi tiếng “Minh dương phụng hóa tác hàn thiền 鳴陽鳳化作寒蟬,” Chim phượng hót đón mặt trời hóa làm con ve mọn. Sự lệch lạc giá trị xã hội hẳn tái xuất hiện gay gắt sau thời Hồ khi tập hợp người ủng hộ quân Minh bật lên ở châu thổ, đồng thời tập hợp phục quốc-phục thù Hậu Trần hoạt động sôi sục từ Thanh Nghệ vào Nam.
Câu 7 đặc tả tình trạng nhà thơ đang trải nghiệm. Bạn bè dù luân lạc nhưng không đối diện nguy hiểm, riêng Nguyễn phải tìm nơi lẩn tránh bọn người chỉ muốn trao đổi với Ông bằng cung tên.
Ức Trai lẩn tránh ai ? Theo Minh Thực lục, Thành tổ chủ trương dùng “lễ” để mời quan lại cũ và những người có kỹ năng chuyên môn ra cộng tác. Thực tế, số hưởng ứng rất đông, nhiều vị chưa làm quan chính thức cũng hăng hái góp mặt. Trương Phụ duyệt xét, tiếp nhận 9.000 nhân tài lần lượt đưa về kinh. Số từ chối loe hoe dăm người, trong đó có hai nho sĩ Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Cấu. Vài vị nữa không được nêu tên là hạ trai học sinh, chức phận chỉ ở mức “thư lại”. Hai cụ Bùi, Lý ương ngạnh chẳng bị bắt bớ gì. Như thế, chủ thể muốn hành xử bạo lực không là quân Minh(40), họ là người quen nên ông biết phải lánh nơi nào.
Bài thơ dưới đây thuật lại cuộc sống ẩn nấp của tác giả:
秋夜客感其一
旅舍蕭蕭席作門 
微吟袖手過黃昏 
秋風落葉羈情思 
夜雨青燈客夢魂 
亂後逢人非夙昔 
愁中送目寓乾坤 
到頭萬事皆虛幻 
休論凡亡與楚存
Thu dạ khách cảm kỳ I
Lữ xá tiêu tiêu tịch tác môn 
Vi ngâm tụ thủ quá hoàng hôn 
Thu phong lạc diệp cơ tình tứ 
Dạ vũ thanh đăng khách mộng hồn 
Loạn hậu phùng nhân phi túc tích 
Sầu trung tống mục ngụ càn khôn 
Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn 
Hưu luận phàm vong dữ sở tồn
Cảm xúc đêm thu nơi đất khách – kỳ I
Nhà trọ vắng vẻ, lấy chiếu làm cửa,
Rút tay vào tay áo, ngâm khẽ qua buổi hoàng hôn.
Lá cuốn gió thu, chạnh tình lữ thứ,
Đèn biếc đêm mưa, mộng hồn tha phương.
Sau loạn, không gặp ai là người cũ,
Giữa nỗi buồn, trơ mắt nhìn đất trời.
Vạn sự cuối cùng đều huyễn ảo,
Thôi đừng bàn chuyện Phàm mất với Sở còn.
Chữ “khách” của Nguyễn Trãi và Phi Khanh mang nội hàm giống nhau. Bất kỳ nơi nào không phải Nhị Khê hay Côn Sơn đều là đất khách. Đông Triều, Đông Quan hoặc Trung Hoa đều vậy. Thời cuộc biến chuyển chóng mặt tạo nên hiệu ứng như nhau trên tâm lý hai thế hệ, hai cha con đều nhìn nhận tính hư huyễn của trần thế mỗi khi triều đại thay đổi. Đó là cảm giác của nhà nho khi họ thiếu vua.
Câu 5 so với “Loạn hậu giao du phi phục tích 亂後交遊非復昔,” Sau loạn bằng hữu chẳng còn như trước [5] của Phi Khanh chỉ sai biệt ba chữ, cấu trúc giống hệt. Hai người tuy vậy khác nhau nhiều. Phi Khanh muốn gặp người quen nhưng khó gặp. Nguyễn Trãi phải tìm đến nơi không ai biết mình.
Sống hiu quạnh, Nguyễn có dịp nghiền ngẫm sự kiện nhà Hồ sụp đổ. Triều đại tiêu vong mang theo tuổi trẻ cùng niềm hi vọng vào tương lai. Hội chứng Đại Ngu đeo đẳng lâu dài gần như suốt cuộc đời. Về sau, mỗi dịp qua nơi nào có di tích triều cũ ông đều chìm trong suy tư pha lẫn thương cảm.
Câu 8 khá đặc sắc. “Phàm vong dữ Sở tồn,” Phàm mất với Sở còn là ý trích từ câu chuyện giữa vua hai nước Phàm-Sở chép trong Nam Hoa Kinh.[6] Cổ nhân chủ yếu biện luận tính tương đối của hiện tượng “tồn tại” và “không tồn tại”. Tuy nhiên, qua đó chúng ta thấy khái niệm “quốc 國”, nước được hiểu bằng hai cách. Nước là vua-triều đình hoặc là đất đai-sông núi thuộc chủ quyền vị vua đó. Vua có thể mất, triều đình có thể tan rã nhưng giang sơn vẫn thế; hoặc ngược lại.
Phàm với Sở là những ai ? “Mất” là Hồ. “Còn” là Minh hay Hậu Trần ? Chúng tôi thiên về “Hậu Trần” vì thời điểm này Giản Định vụt sáng sau trận Bô Cô. Người An Nam họ Nguyễn so sánh hai yếu tố Việt hơn là so sánh Việt với kẻ lạ là Minh.
Nguyễn Trãi tin rằng mình đang “ưu quốc 憂國”, lo âu việc nước. Câu hỏi thoáng qua trong bài thơ trên là: “quốc” nào?
亂後感作
神州一自起干戈 
萬姓嗷嗷可奈何 
子美孤忠唐日月 
伯仁雙淚晉山河 
年來變故侵人老 
秋越他鄉感客多 
卅載虛名安用處 
回頭萬事付南柯
Loạn hậu cảm tác
Thần châu nhất tự khởi can qua 
Vạn tính ngao ngao khả nại hà  
Tử Mỹ(41) cô trung Đường nhật nguyệt 
Bá Nhân(42) song lệ Tấn sơn hà 
Niên lai biến cố xâm nhân lão  
Thu việt tha hương cảm khách đa 
Tạp tải hư danh an dụng xứ  
Hồi đầu vạn sự phó Nam kha(43)
Sau loạn, xúc cảm thành thơ
Từ khi chiến tranh dậy trên đất thần thiêng,
Muôn họ kêu thương, biết làm sao được!
Tử Mỹ ôm lòng cô trung với triều Đường,
Bá Nhân tuôn hai dòng lệ khóc nước Tấn.
Lâu nay biến cố dồn dập khiến người sớm già,
Trải mùa thu đất khách dâng tràn cảm xúc.
Ba mươi năm, chỉ còn hư danh thì dùng được gì?
Quay đầu lại, gửi muôn việc vào giấc Nam Kha.
Cùng bài thơ “Đề chùa Đông Sơn” với câu “Tam thập niên dư trần cảnh mộng 三十餘年塵境夢,” Hơn ba mươi năm mộng giữa cõi trần, tác phẩm này cho thấy khoảng năm 1409/1410 Nguyễn Trãi vẫn chưa ra đầu Minh. Nơi ẩn trốn nhiều khả năng là vùng núi Đông Triều, địa danh ông cách điệu thành “Liêu Đông”.
“Vạn tính ngao ngao 萬姓嗷嗷”(44) từng khiến Ứng Long vô cùng xúc động dưới đời Trần nhưng lại không cản được Phi Khanh sớm hàng giặc đời Hồ. Ngược lại, muôn họ xao xác tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Trãi vào đỉnh điểm gian nguy. Ông khẳng định lòng trung thành với vua Hồ đồng thời khóc thương vương quốc Đại Ngu non trẻ. Phản ứng ban đầu mang tính bản năng báo hiệu ngã rẽ về sau, hướng rẽ hẳn vượt ngoài tưởng tượng của chính Nguyễn.
Ba năm lẫn trốn đủ để Nguyễn cảm thấy mọi việc đã an bài. Học vị tiến sĩ chẳng mang lại thuận lợi hay sức thu hút trong mưu đồ tái lập triều cũ, cũng không giúp kẻ vô hình từ bỏ ý định gây hại. Trang sử nhà Hồ khép lại vĩnh viễn, các nhóm nổi dậy đều hướng về Hậu Trần. Nguyễn hoàn toàn lạc lõng trước tình hình biến đổi.
Từ cảm nhận cuộc đời huyễn ảo đến khẳng định gửi muôn sự cũ vào giấc Nam Kha thể hiện chuyển dịch tế vi về nhận thức. Quá khứ nửa thực nửa mơ rốt cục thiếu hẳn phần thực. Nước “Đường”, nước “Tấn” đã ngừng tồn tại trong không gian lẫn thời gian. Gác việc xưa lên cành Hòe có nghĩa Nguyễn bắt đầu nghĩ về những gì phải làm trong tương lai.
Bài thơ dưới đây đề cập sự việc thân thích ly tán, kẻ mất người còn. Có lẽ Nguyễn không có nhiều tin tức về thân quyến khi trốn tránh tận “Liêu Đông”, khi tiếp xúc lại với người cậu ông mới rõ sự tình. Ông nhắc đi nhắc lại cảnh gia tộc tan tác nhiều lần trong những sáng tác của mình.
寄舅易齋陳公
兵餘親戚半離零 
萬死殘軀偶一生 
往事空成槐國夢 
別懷誰寫渭陽情 
不來自擬同王式 
避亂終當學管寧 
欲問相思愁別處 
孤齋風雨夜三更
Ký cữu Dịch Trai Trần công
Binh dư thân thích bán ly linh 
Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh 
Vãng sự không thành Hòe quốc mộng(45) 
Biệt hoài thùy tả Vị dương tình(46) 
Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức 
Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh 
Dục vấn tương tư sầu biệt xứ  
Cô trai phong vũ dạ tam canh
Gửi ông cậu họ Trần hiệu Dịch Trai
Sau binh lửa, phân nửa quyến thuộc chia lìa, rơi rụng.
Trải vạn lần tưởng chết, thân tàn ngẫu nhiên được sống.
Việc xưa đã trở thành giấc mộng nước Hòe,
Nhớ nhung khi ly biệt sao tả được tình Vị dương!
Tự bắt chước Vương Thức nên không đến,
Rốt cuộc, để tránh loạn đành theo Quản Ninh.
Muốn hỏi chốn tương tư sầu biệt?
(Đó là) gian phòng vắng mưa gió suốt ba canh.
Vương Thức: nho sĩ đời Tây Hán. Được dân chúng ngưỡng mộ, suy tiến chức Bác sĩ. Thức bị Giang Công do đố kỵ mà làm nhục. Ông nói với mọi người rằng : “Ta không định đến, các người cố khuyên ta đến nên mới bị nhục như vầy.” Sau đó về nhà, không ra làm quan nữa.
Quản Ninh: người nước Ngụy đời Hậu Hán. Ông sang Liêu Đông chạy giặc Hoàng cân, nhiều người đi theo sống thành làng ấp. Ông dạy Thi Thư cho họ, triều đình gọi không về.
Qua hai câu 5 và 6, Nguyễn Trãi nói khá rõ tình huống hiện tại. Bắt chước Vương Thức, ông từ khước trình diện nhà cầm quyền mới do sợ người ganh ghét xúc phạm. Học Quản Ninh, ông dời đến núi rừng để tránh loạn, chính quyền Minh mời cũng không về. Thoát chết vạn lần chứng tỏ có người quyết liệt loại trừ ông.
Nên chú tâm nguyên nhân từ chối trình diện chính quyền thuộc địa là do tác giả nêu ra. Ông ngại miệng đời, chứ chẳng phải chăm chăm nuôi lòng trung với triều đại cũ. Ông từng ví mình với Tử Mỹ nhà Đường, Bá Nhân nhà Tấn, ở đây lại nói chệch đi. Ngoài quan điểm xem việc xưa đã thành mộng nước Hòe, áp lực nào khác khiến Nguyễn chuyển ý? Muốn thấu hiểu cần biết “Quản Ninh An Nam” phải tránh giặc “Hoàng Cân An Nam” nào.
Lực lượng thực sự nằm sau ngụ ý “giặc Hoàng cân” vào giai đoạn đó chỉ có thể là nhóm kháng chiến đứng đầu bởi vua Giản Định. Anh ruột Giản Định là Trang Định vương Trần Ngạc vốn mâu thuẫn với Trần Nguyên Đán từ thời Đế Hiện còn sống. Ngạc từng làm thơ cả Hán lẫn Nôm châm chọc quan Tư Đồ. Hiềm thù bùng phát khi cậu ruột Nguyễn Trãi tên Trần Thúc Dao, người quy thuận Minh rất sớm nên được giao giữ đất Diễn châu, bị Giản Định giết cả nhà vào cuối năm 1407 (Toàn Thư II, 238). Thân thích cụ Nguyễn hao hụt đến phân nửa nhiều khả năng do phe nổi dậy tàn sát vì trước đó chi họ Nguyên Đán bỏ rơi dòng vua Trần, xoay qua cộng tác với họ Hồ, rồi về sau nhiều người trong gia tộc lại theo giặc Minh.
Để trả lời câu hỏi “cháu đang ở đâu?” Nguyễn cho địa điểm thật chính xác về mặt tâm trạng: nơi vắng vẻ mưa gió suốt đêm. Ông tránh cho cậu ruột biết nơi tạm trú chứng tỏ cuộc chạy trốn là một bi kịch.
Ẩn lánh kéo dài đưa Nguyễn tới tình trạng ngày càng nan giải. Ngoài khó khăn vật chất chắc chắn sẽ đến, người liên lạc bí mật giữa ông và thế giới bên ngoài có vẻ đã biến mất.
寄友
Ký hữu
Loạn hậu thân bằng lạc diệp không 
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng 
Cố viên quy mộng tam canh vũ 
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng 
Đỗ Lão(47) hà tằng vong vị bắc 
Quản Ninh do tự khách liêu đông 
Thành trung cố cựu như tương vấn 
Vị đạo thiên nhai nhậm chuyển bồng
Gửi bạn
Sau loạn, bà con bạn hữu như lá rụng sạch,
Ven trời, chim hồng mùa thu ngừng bặt việc đưa thư.
Mưa suốt ba canh, da diết mộng nhớ vườn xưa,
Dế rộn bốn vách, áo não hồn thơ quán trọ.
Lão Đỗ chưa từng quên Vị Bắc,
Quản Ninh còn tự làm khách Liêu Đông.
Nếu người quen cũ trong thành có hỏi thăm,
Xin nói giúp: tôi như ngọn cỏ bồng quay cuồng nơi góc trời.
Bà con bạn hữu rơi rụng để lại gánh nặng tâm lý lớn lao. Chính sự hung bạo quá mức của người có lúc làm chủ gần nửa Đại Việt khiến Nguyễn dần thay đổi để ngả sang quyết định khác. Hơn nữa, “thu hồng” vắng bóng hẳn. Dựa vào câu “Nhân tự thu hồng lai hữu tín 人似秋鴻來有信,” Người tựa chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức của Tô Đông Pha, ta hiểu rằng chỉ dăm người biết Nguyễn ở đâu và họ dần dần không lui tới nữa. Mơ hồ tình hình bên ngoài sẽ dẫn tới việc bất lực trong dự đoán nguy hiểm luôn chờ chực.
Thực tại nặng nề khiến “ngày xưa” đẹp đẽ. Côn trùng rả rích dưới mưa lạnh phảng phất tiếng “hàn thiền”. Giấc mơ chim phượng ê chề hơn bao giờ hết.
Câu 5, ngoài ý nhớ bạn văn, còn cho thấy Nguyễn đã theo triều đình Hồ chạy khỏi Tây Đô cùng đồng liêu. Ông chia sẻ với bạn kỷ niệm đau xót đồng thời thông báo rằng vẫn phải di chuyển liên tục trong khu vực rộng lớn được ký hiệu là Liêu Đông. Ông chưa định hướng tương lai rõ rệt.
Năm 1409, quân Hậu Trần tiến đến bến La, Hạ Hồng, khá gần nơi Nguyễn ẩn nấp. Một bộ phận ủng hộ Giản Định do Nguyễn Sư Cối chỉ huy hoạt động ngay tại Đông Triều. Phải chăng nguy hiểm đe dọa buộc ông đầu thú?
Phan Huy Chú cho rằng Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư khuyên Nguyễn ra hàng.[8] Thông tin này thiếu cơ sở vì quan Đại lý tự khanh tự nguyện đầu giặc rất sớm (1407) trong khi Nguyễn chỉ ra trình diện 2 hoặc 3 năm sau. Quyết định của ông dựa trên thực tiễn nhiều hơn tuân theo lời dạy của cha, nếu quả thật có thư khuyến dụ đó.
Bài dưới đây có lẽ được sáng tác khi Nguyễn nằm trong tay người Minh, chờ sang Trung quốc.
寄友
Ký hữu
Bán sinh thế lộ thán truân chiên 
Vạn sự duy ưng phó lão thiên 
Thốn thiệt đãn tồn(48) không tự tín 
Nhất hàn như cố(49) diệc kham liên 
Quang âm thúc hốt thời nan tái 
Khách xá thê lương dạ tự niên 
Thập tải độc thư bần đáo cốt 
Bàn vô mục túc(50) tọa vô chiên
Gửi bạn
Nửa đời người, sao đường trần quá khổ nhọc!
Mọi sự đành phó mặc trời già.
Hễ tấc lưỡi còn thì vẫn tự tin,
Chỉ đáng thương tội vẫn nghèo như cũ.
Tháng ngày trôi chớp nhoáng, thời không quay lại,
Nhà khách lạnh buồn, đêm đằng đẳng như năm.
Đọc sách mười năm, nghèo đến tận xương.
Chỗ ngồi không tấm lót, mâm cơm không rau mục túc.
Ông khó làm Quản Ninh mãi với nghề đọc sách vì sẽ rơi vào bế tắc khi tiền bạc dự trữ cạn kiệt. Không có phương tiện sinh nhai, bị phe Giản Định tìm diệt, cứu tinh duy nhất của Nguyễn chính là người Minh. Hãy để ý hai chữ “khách xá ” ở câu 6. Khác với “lữ xá ” là quán trọ, khách xá thuộc diện triều đình quản lý. Cũng như Ứng Long ngày trước phải lưu lại “thành nam khách xá” chờ quyết định tổ chức từ Đế Hiện, Nguyễn Trãi ở nhà khách phía Nam Đông Quan chờ sắp xếp của Ty Bố chính. Xét tình trạng sinh hoạt hết sức đạm bạc, có thể đoán bài “Thủ vĩ ngâm” chữ Nôm nổi tiếng cũng ra đời vào thời điểm này. Đây là lúc Nguyễn chưa làm việc chính thức cho Minh, nhưng mất danh xử sĩ. Ông chưa nhận lương bổng trong khi tiền dành dụm được từ thời gian làm quan cho nhà Hồ đã hết.
Nửa đời người Nguyễn Trãi tức vào khoảng các năm 1409, 1410. Lối thoát mịt mờ khiến nhà thơ phó mặc số phận. Thoáng buông xuôi cho thấy Nguyễn đã nản cuộc sống lẩn trốn vô vọng. Nhưng noi dấu Trương Nghi hay Phạm Thư, Ông nuôi ước ao tồn tại trong môi trường mới bằng tài năng biện luận của chính mình. Nhắc trường hợp Trương-Phạm kèm ý niệm “thời nan tái ”, thời không quay lại báo hiệu biến chuyển tinh thần thầm kín. Nguyễn ngẫm ngợi nhiều về “thời” trên căn bản Chu Dịch, ông luôn ứng xử theo “thời”. Nhiều “đêm đằng đẳng như năm” đã đưa Nguyễn đến bến bờ chính trị khác.
Trương Nghi (? – 309TCN),[9] chính khách sáng giá thời Chiến quốc, vốn người nước Ngụy. Thuở hàn vi tìm công danh ở Sở, do ngoại hình nghèo khó, bị thuộc hạ quan Lệnh Doãn Chiêu Dương nghi lấy cắp ngọc họ Hòa trong một buổi tiệc và nọc ra đánh đòn. Người vợ xót xa trách móc. Trương hỏi vợ: “Đầu lưỡi ta còn không?”. Bà đáp: “Còn”. Ông bảo: “Thế thì được.”
Về sau, Tần Huệ Văn Vương dùng Trương làm thừa tướng để thi hành chính sách liên hoành. Phục vụ vua Tần, Nghi gây nhiều thiệt hại cho chính nước Ngụy, quê hương ông.
Phạm Thư (? – 255TCN),[10] tự Thúc, người nước Ngụy. Ông nhà nghèo, làm môn khách của đại phu Tu Giả. Khi Giả được cử đi sứ Tề, Thư theo hầu. Tề Tương Vương thấy Thư ứng đối trôi chảy nên ban thưởng hậu, muốn giữ lại làm khách khanh. Thư từ tạ xin về. Tu Giả ganh giận Thư, báo tướng quốc Ngụy Tề rằng Thư tiết lộ tin mật cho vua Tề biết. Phạm Thư bị đánh đập đến gần chết. Về sau, Thư làm tướng quốc nước Tần, xui Tần Chiêu Tương Vương đánh phá Ngụy. Lúc Tu Giả đại diện Ngụy đến cầu hòa, Thư giả ăn mặc rách rưới yết kiến sứ thần. Giả thương xót hỏi: “Phạm Thúc vẫn nghèo như cũ ư ?”
Nhân tiệc chia tay Tu Giả, Thư yêu cầu Ngụy phải nộp tướng quốc Ngụy Tề cho Tần. Biết tin, Ngụy Tề sợ hãi chạy sang Triệu. Sau cùng, vua Tần buộc được Triệu nộp đầu Ngụy Tề.
Trương Nghi và Phạm Thư, hai người nhờ làm tướng nước Tần mà rửa được hận riêng, không nệ gây hại quê hương Ngụy. Nhắc đến họ, phải chăng Nguyễn Trãi bộc lộ oán thù với nhóm Hậu Trần, thủ phạm khiến Ông luôn tháo chạy trong tình trạng “vạn tử nhất sinh 萬死一生”, mười nghìn cửa chết một cửa sống, phải chịu cảnh “thân bằng lạc diệp không ”, thân bằng như lá rụng sạch? Qua bài thơ, Nguyễn Trãi ngầm tin cho bạn biết ông sẽ dựa vào Minh để cởi giận, điểm khởi đầu là hai bàn tay trắng. Sức chịu đựng của Nguyễn đã tới hạn, ông biết “quyền mưu” mới phù hợp lối sống thời loạn. Đây là lựa chọn lớn, Trương-Phạm thuộc dòng chảy “Tung hoành gia”, một trong chín trường phái học thuật Trung Quốc cổ. “Quốc” trong quan niệm của các nhà du thuyết là phần hợp thành của “thiên hạ”, việc từ bỏ “quốc” này để phục vụ “quốc” khác không liên quan đến đạo đức. Vua Hậu Trần đối xử với ông và thân tộc bằng bạo ngược, vua Minh dùng lễ đối xử với trí thức An Nam. Việc Nguyễn chọn thờ vua Minh không mâu thuẫn giáo huấn Khổng Mạnh nếu xem Đại Việt là thành viên của thế giới Hoa Hạ.(51) Đó cũng là lựa chọn chung của hầu hết nho sĩ đương thời.
Ức Trai rất hăm hở thực hiện dự định của mình.
4. Chuyến đi Trung quốc: 1410 – 1417
舟中偶成
佩劍攜書膽氣粗
海山萬里片帆孤
途中日月三冬過
客裡親朋一字無
異境每驚新歲月
扁舟重憶舊江湖
四方壯志平生有
此去寧辭我僕痡
Chu trung ngẫu thành
Bội kiếm huề thư đảm khí thô
Hải sơn vạn lý phiến phàm cô
Ðồ trung nhật nguyệt tam đông(52) quá
Khách lý thân bằng nhất tự vô
Dị cảnh mỗi kinh tân tuế nguyệt
Biển chu trùng ức cựu giang hồ
Tứ phương tráng chí bình sinh hữu
Thử khứ ninh từ ngã bộc phô
Ngẫu nhiên thành thơ khi ở trong thuyền
Thật táo tợn dám cắp sách đeo gươm!
(Theo) cánh buồm côi vượt muôn dặm biển núi.
Gần hết mùa đông hãy còn trên đường,
Thân bằng không một chữ gửi đến đất khách.
Chỉ e phải đón năm mới nơi cảnh lạ,
Trong thuyền con chợt nhớ thuở giang hồ xưa.
Bình sinh nuôi tráng chí đi khắp bốn phương,
Không lẽ từ chối chuyến này vì gã đày tớ mệt mỏi?
Qua câu 8, Nguyễn so sánh chuyến viễn du đầu tiên trong đời mình với chuyến đi Trường châu của cha hơn ba mươi năm trước. Ứng Long từng nói “Vạn lý ninh từ ngã bộc phô 萬里寧辭我僕痡,” Không lẽ từ chối chuyến đi muôn dặm vì gã đày tớ mệt mỏi? Nguyễn bạo gan hơn cha nhiều. Ứng Long khóc sướt mướt vì đi xa đến 100 km cách quê nhà, Nguyễn chỉ liên tưởng thói giang hồ thời trẻ khi lênh đênh thực sự ngoài vạn dặm.
Cánh buồm cô đơn nhưng thuyền phải chở nhiều người. Thái độ ung dung của Nguyễn chứng tỏ nhóm nhân sự sang Trung quốc hợp pháp, tức dưới chuẩn y của chính quyền Giao Chỉ. Lộ trình công vụ chắc chắn phải theo tuyến trạm dịch đương thời cũng là đường di chuyển của công văn thư tín. Ngày 5/5/1410, bộ Lễ trình vua Minh đề xuất của Hoàng Phúc về việc thiết lập lộ trình thủy bộ mới từ bắc sông Lô (sông Hồng nay) qua Tân An (Quảng Ninh nay) đến Khâm châu (Quảng Đông thời Minh, Quảng Tây nay) rồi Hoành châu (Quảng Tây nay) gồm 10 trạm thủy và 3 trạm bộ (Minh Thực lục II, 336). Hoành châu là điểm nối tuyến mới vào tuyến nội địa đang hoạt động. Có thể Nguyễn sang Nam Kinh theo tuyến này. Nhóm người An Nam ngừng tại trạm nào đó thời gian khá lâu nên Nguyễn mới mong thư nhà.
Nguyễn nghĩ mình đủ khả năng du thuyết, như Phạm Thư hay Trương Nghi từ dân Ngụy sang làm tướng Tần, nên có phần hào hứng. Tuy nhiên, tầm nhìn từ đáy giếng Thăng Long khiến chú ếch Ức Trai ngộ nhận. Tần là nước ngoại vi, quân đội mạnh trên nền tảng văn hóa thô phác nên phải dùng nhân tài trung nguyên phủ dụ các nước trung nguyên. Giao Chỉ ngoài cả ngoại vi, trình độ Nho gia địa phương theo nhận xét của Tham chính Lưu Bân: “…Dùng các giáo quan như Lê Cảnh Tuân người bản xứ, thực ra bọn này chỉ chuộng hư văn, chưa thấy (cái hay của) sự thực học. Nay xin tuyển các lão thành có học, theo khuôn khổ sư phạm, dạy các sĩ tử biết lễ nghĩa của Trung Quốc…..(53) (Minh Thực lục I, 348). Cách dụng chữ Nho ở Giao Chỉ cũng khác với mẫu quốc khiến vua Minh đọc tờ tâu của một thổ quan phải buông ra nhận xét: “Lời lẽ bỉ lậu, đáng ghét…..”(54) (Minh Thực lục II, 122). Về chế tạo quân khí hay xây dựng công trình, người Giao như Lê Trừng, Nguyễn An thành công trước người Hán; nhưng về văn hóa thuần Hán, so mức sắc sảo giữa học giả vùng xôi đậu như Đông Quan với học giả chính gốc Hoa Hạ chẳng khác nào so sự sắc bén giữa dao bếp và bảo kiếm. Nguyễn nhận thức điểm này chỉ sau một thời gian ngắn đặt chân lên đất Trung Hoa.
潯州
潯州城下鼓鼙聲
客路還淹數月程
溪洞有氓山八萬
成樓吹角月三更
岸篁瑟瑟悲風起
江水悠悠旅夢清
老我世途艱險熟
中宵不寐獨傷情
Tầm châu
Tầm châu thành hạ cổ bề thanh
Khách lộ hoàn yêm sổ nguyệt trình
Khê động hữu manh sơn bát vạn
Thú lâu xuy giốc nguyệt tam canh
Ngạn hoàng sắt sắt bi phong khởi
Giang thuỷ du du lữ mộng thanh
Lão ngã thế đồ gian hiểm thục
Trung tiêu bất mị độc thương tình(55).
Tầm châu
Ngoài thành Tầm Châu trống trận vang vang,
Lộ trình xứ khách phải trì hoãn thêm vài tháng.
Núi chập chùng, dân sống trong khe động,
Trăng thâu đêm, chòi gác trổi tù và.
Gió buồn nổi lên, tre bên bờ xào xạc,
Dòng nước trôi êm, mộng lữ khách nhẹ nhàng.
Ta lão luyện đường đời, gian hiểm quen thuộc cả,
Nửa đêm chưa ngủ, thương xót riêng mình !
Tầm châu nay là thành phố cấp huyện Quế Bình, trực thuộc thành phố Quế Cảng thuộc khu tự trị Quảng Tây, nơi sông Kiềm (Qianjiang) và sông Úc (Yujiang) gặp nhau tạo nên sông Tầm (Tengxian). Như thế, Nguyễn đi thuyền trên sông Úc rời Hoành châu (Hoành huyện nay) theo hướng đông bắc đến Tầm châu. Từ đó, Nguyễn xuôi sông Tầm về đông qua Bình Nam tới Ngô châu.
hanh trinh 1
Lộ trình từ Hoành châu (Hengxian) đến Ngô châu (Wuzhou) (bản đồ Google)
Năm 1410, Minh Thành tổ bận rộn chinh chiến với Mông Cổ. Trở về vào cuối năm, vua Minh huy động ngay từ sáu ty Đô Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu và mười bốn vệ gồm 24.000 quân giao Trương Phụ sang chinh phạt Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng (Minh Thực lục I, 343). Chuyến đi của Nguyễn ngắc ngứ có thể do nguồn lực nội địa bị điều động ra thảo nguyên hay xuống An Nam nên thiếu phương tiện vận chuyển cho các trạm dịch. Hơn nữa, gần đến năm mới, cường độ hoạt động của bộ máy chắc chắn bị giảm thiểu do một số nhân sự phải quay lại quê nhà.
Nguyễn thị Kiều Trang, lần theo thơ đi sứ của Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613), đã dựng lại lộ trình dành cho đại diện An Nam Đô thống sứ ty từ Trấn Nam quan đến Bắc Kinh[11]. Kết hợp tuyến dịch trạm do Hoàng Phúc xác lập với lộ trình Phùng Khắc Khoan năm 1597, chúng ta thấy Nguyễn rời Giao Chỉ bằng thuyền, theo lộ trình 13 trạm đến Hoành Châu. Các địa điểm tiếp theo như Tầm Châu, Bình Nam, Ngô Châu, Thiều Châu, Giang Tây đều là tên các trạm hoặc thành phố thuộc tuyến đường từ Quảng Tây qua Quảng Đông – Giang Tây – Chiết Giang đến Giang Tô (thủ phủ là Kim Lăng) mà hơn 100 năm sau họ Phùng vẫn sử dụng. Lộ trình này không qua Hồ Nam, khác tuyến đi của các sứ đoàn cống Thanh vào thế kỷ XVIII, XIX.
Chưa vượt Ngũ Lĩnh, Nguyễn đã mất phấn chấn ban đầu. Thời gian chờ đợi kéo dài lộ rõ thân phận dân thuộc địa bèo bọt. Ông dạn dày hơn, ít bồng bột hơn, nhưng cũng bớt tin tưởng vào tương lai hơn. Thực ra, nhiều người Giao Chỉ được bổ quan nội địa như : Nguyễn Quân chức Tả Thị lang bộ Hình Bắc Kinh, Đồng Ngạn Dực và Lê Tư Khải chức Hữu Thị lang (Minh Thực lục I, 293), Vương Nhữ Tướng chức Tả Tham chính ty Bố chính Sơn Đông, Vương A Lỗ chức Tả Tham nghị ty Bố chính Sơn Tây (Minh Thực lục I, 295)….. Các vị nêu trên cùng Mạc Thúy, Nguyễn Huân, Đỗ Duy Trung, Lương Nhữ Hốt là những nhà cai trị sành sỏi việc quân. Nguyễn Trãi chỉ là nho gia thuần túy, thiếu kỹ năng quản lý chính quyền và điều khiển quân đội. Khả năng “hiến phú 獻賦”, dâng hiến văn chương của ông không thể sánh với nhà Nho gốc Hán, như vậy, thế mạnh ở Giao Chỉ trở thành vô nghĩa tại Trung Hoa.
平南夜泊
片帆高颭晚風輕 
暮宿平南古縣城 
燈影照人和月影 
樹聲敲夢併灘聲 
湖山有約違初志 
歲月如流漫此生 
夜半戍樓吹畫角 
客中悽愴不勝情
Bình nam(56) dạ bạc
Phiến phàm cao chiếm vãn phong khinh 
Mộ túc bình nam cổ huyện thành 
Đăng ảnh chiếu nhân hòa nguyệt ảnh  
Thụ thanh xao mộng tính than thanh 
Hồ sơn hữu ước vi sơ chí  
Tuế nguyệt như lưu mạn thử sinh 
Dạ bán thú lâu xuy họa giốc 
Khách trung thê sảng bất thăng tình
Đêm đậu thuyền ở Bình Nam
Gió chiều hây hẩy phập phồng cánh buồm cao,
Nghỉ lại thành cổ huyện Bình Nam lúc gần tối.
Người đắm trong ánh trăng lẫn ánh đèn,
Mộng vờn giữa tiếng lá hòa tiếng sóng.
Ước hẹn núi hồ : lỡ rồi chí cũ!
Vèo trôi năm tháng : sống uổng kiếp này.
Nửa đêm, tù và rúc lên từ tháp canh,
Nơi đất khách, lòng buồn thương khôn xiết….
Câu 8 “Bình Nam dạ bạc” và “Tầm châu” truyền tải chung một tâm tư cho thấy hai bài được viết vào thời điểm gần nhau, cùng thuộc quãng thời gian hành trình chậm chạp. Nếu ở Tầm châu, Nguyễn còn thoáng nghĩ tích cực như tự hào sự già dặn đường đời thì ở Bình Nam ông bỗng ngập chìm oán phẫn. Nhìn nhận rõ hơn vị trí dân Man trên đất Hán, hy vọng nặng nề khi chờ đợi kéo dài, còn nguyên nhân nào khác đẩy Nguyễn đến tâm trạng bi quan thái quá? Căn cứ bài “Thiều châu tức sự” diễn tả mùa tảo mộ “Thiên khí thanh minh tam nguyệt tam 天氣清明三月三,” Mồng ba tháng ba, trời vào tiết Thanh Minh để tính ngược lại ta thấy Nguyễn đã đón năm mới tại Bình Nam. Ăn Tết xứ người hẳn là trải nghiệm khôn kham, càng thảm hơn nếu kẻ tha phương vừa mất tất cả. Nguyễn nắm trong tay nhiều cái không: không sự nghiệp, không thân bằng quyến thuộc, không xác định ngày đến, không trông ngày về. Nửa đêm đất khách, chúng ta hiểu tiếng còi sừng thê lương dày vò kiếp người trống rỗng đến mức nào.
Nỗi bi thiết cuộn qua theo năm cũ, Nguyễn đến Thương Ngô với đầu óc tỉnh táo và minh mẫn.
梧州
路入青梧景更嘉
岸邊陽柳簇人家
九疑積翠峰如玉
二廣分流水若叉
琳館空聞飛白鶴
仙人不見袖青蛇
火山冰井真奇事
舊俗相傳恐亦差
Ngô Châu
Lộ nhập thanh ngô cảnh cánh gia
Ngạn biên dương liễu thốc nhân gia
Cửu nghi tích thuý phong như ngọc
Nhị quảng phân lưu thuỷ nhược xoa
Lâm quán(57) không văn phi bạch hạc(58)
Tiên nhân bất kiến tụ thanh xà(59)
Hỏa sơn(60) băng tỉnh(61) chân kỳ sự
Cựu tục tương truyền khủng diệc soa.
Ngô Châu
Đường vào Thanh Ngô cảnh càng đẹp,
Nhà dân ẩn khuất dưới dương liễu bên bờ.
Núi Cửu Nghi đọng sắc biếc trông như ngọc,
Sông (nối liền) Nhị Quảng chia dòng nhìn tựa cái xiên.
Nghe nói đền Ngọc có hạc trắng bay,
Không thấy tiên dấu rắn xanh trong tay áo.
Núi lửa, giếng băng việc thực kỳ quái,
Sợ rằng lời truyền xưa là sai.
Cửu Nghi là rặng núi trải dài qua các huyện Ninh Viễn, Lam Sơn thuộc Vĩnh châu, tỉnh Hồ Nam, giáp giới Quảng Tây. Theo truyền thuyết, vua Thuấn được an táng nơi đây. Đào Duy Anh và Mai Quốc Liên đều cho rằng Nguyễn Trãi nhầm núi ở Thương Ngô (Ngô châu) với núi Cửu Nghi Hồ Nam do Cửu Nghi còn mang tên khác là Thương Ngô. Tuy nhiên, khoảng 400 năm sau, khi Nguyễn Du đi trên Tầm giang qua thành Ngô vẫn nhắc núi Cửu Nghi.[12] Không rõ Cửu Nghi được nhìn thấy từ Ngô châu là mặt nam dãy núi ngăn cách Hồ Nam-Quảng Tây hay là cụm núi trùng tên tại địa phương.
Nguyễn đi từ Bình Nam sang Ngô châu, tức từ tây sang đông. Nhị Quảng phân lưu, không phải hợp lưu, chỉ có thể là miêu tả về địa điểm dòng Tầm giang phân thành hai nhánh trước khi vào thành Ngô. Như vậy cũng phù hợp với ý “Lộ nhập Thanh Ngô 路入青梧”, Đường vào Thanh Ngô.
image_thumb3
Thành phố Ngô châu bên các dòng nước (bản đồ Google)
Theo bản đồ, sau khi rẽ đôi, Tầm giang (Xunjiang) hợp lại tại phía nam Ngô châu. Gần sát nơi đây, Quế giang (Guijiang) chảy vào sông Tầm tạo thành Tây giang (Xijiang) hướng xuống Quảng châu đổ ra biển. Ngô châu (Wuzhou) như thế nằm ngay vị trí bốn nhánh sông hội tụ.
Thoát khỏi thời gian trì trệ, Nguyễn thay cái nhìn vào nội tâm lúc đợi chờ bằng cái nhìn tò mò ra thế giới bên ngoài. Những điều thu thập được gồm các chuyện truyền khẩu trong dân gian. Thay vì nhận xét cách tổ chức chính quyền, quân đội hay sinh hoạt tầng lớp cao, ông chỉ nói đến văn hóa, kiến thức bình dân. Điều đó tiết lộ thân phận bé mọn trên đường tìm cơ may mới. Nguồn thông tin thực tế đến từ hạng thần dân thấp thỏi của mẫu quốc. Xưa kia, Ứng Long từng trải nghiệm lần đi sứ khổ sở, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy thấp thoáng ao đài ngập ánh trăng, thấy dinh thự có tượng hổ canh gác và cuộc rượu thâu đêm. Chuyến sang Minh của Nguyễn nhiều trầm tư nhưng thiếu phù hoa.
Như trên đã nói, sông Quế và sông Tầm hợp lưu tại Ngô châu tạo thành Tây giang. Rời Ngô châu, Nguyễn xuôi Tây giang về đông đến khu vực Tam Thủy (thuộc Phật Sơn nay) thì rẽ trái vào Bắc giang (Beijiang) để ngược lên bắc hướng tới Thiều châu (nay là thành phố Thiều Quan). Chùa Nam Hoa, cách trung tâm thành phố khoảng 22km về phía đông nam, là nơi Lục tổ Huệ Năng (638 – 713) đại hưng Phật giáo.[13]
遊南華寺
神錫飛來幾百春
寶林香火契前因
降龍伏虎機何妙
無樹非臺語若新
殿側起樓藏佛缽
龕中遺跡脫真身
門前一派漕溪水
洗盡人間劫劫塵
Du Nam Hoa tự
Thần tích(62) phi lai kỷ bách xuân
Bảo lâm hương hoả khế tiền nhân
Hàng long phục hổ cơ hà diệu
Vô thụ phi đài ngữ nhược tân
Ðiện trắc khởi lâu tàng phật bát
Kham(63) trung di tích thoát(64) chân thân(65)
Môn tiền nhất phái tào khê(66) thuỷ
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần
Viếng chùa Nam Hoa
Gậy tầm xích linh thiêng bay đến từ mấy trăm năm,
(Việc thừa kế) đèn nhang chùa Bảo Lâm hợp với nhân duyên trước.
Hàng rồng phục hổ, căn cơ thật thần diệu,
Không cây chẳng đài, lời nói vẫn tinh khôi.
Cạnh điện, dựng lầu để giữ gìn bát phật,
Trong khám, còn dấu tích thoát bỏ chân thân.
Trước cổng, dòng Tào khê tuôn chảy,
Rửa sạch bụi bặm nhiều kiếp nhân gian.
lo trinh 2
Lộ trình từ Ngô châu (Wuzhou) đến Thiều châu (bản đồ Google)
Chùa Nam Hoa do sư Trí Nhạc Tam Tạng người Ấn Độ thành lập năm 502 với tên ban đầu là Bảo Lâm. Năm 968 đời Tống Thái tông, Bảo Lâm được đổi thành Nam Hoa. Chùa hiện nay thuộc thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang, thành phố Thiều Quan. Tu viện nổi tiếng khắp Đông Á vì là nơi phát sinh pháp tu đốn ngộ mới mẻ.
Bài thơ tựa đề “Viếng chùa Nam Hoa” nhưng thực ra chỉ đề cập các chi tiết liên quan đến vị tổ thứ sáu. Khi khai sơn, thầy Trí Nhạc đã tiên đoán một trăm bảy mươi năm sau sẽ có bậc thượng sư đến giảng pháp tại chùa. Câu 2 trình bày kết quả lời tiên đoán đó.
Huệ Năng (638 – 713) nhà nghèo, tự giác ngộ sớm khi còn bán củi để sinh nhai. Không hài lòng mức “ngộ” của mình, Ngài tìm đến thầy Hoằng Nhẫn chùa Đông Sơn (huyện Hoàng Mai, Kỳ châu, Hồ Bắc) để học đạo. Huệ Năng được truyền y bát sau khi “triệt ngộ”. Vâng lời Ngũ tổ, ngài về phương Nam ẩn thân gần 16 năm, sau đó tạm dừng chân tại chùa Pháp Tính (Quảng châu) theo lời mời của sư trụ trì Ấn Tông, rồi chuyển sang chùa Bảo Lâm. Nơi đây, ngài thành lập phái Thiền Nam tông.
Tương truyền, Lục Tổ hàng phục được rồng cọp. Người bình dân thú vị về pháp thuật phi phàm, tuy nhiên, tu sĩ hiểu “rồng cọp” như sự “vọng động” của tâm. Xin nhắc lại công án nổi tiếng về lá phướn bay để hiểu phần nào cái “động” này: Hai vị sư nhìn lá phướn bay, tranh cãi nhau. Một vị nói lá phướn động, vị kia nói gió động. Lục tổ đi ngang nói “chẳng phải phướn, chẳng phải gió, tâm đang động.
Câu 4 đề cập bài kệ mà nhờ nó Huệ Năng được Ngũ tổ chọn làm truyền nhân. Vì bài kệ là đối ứng của một bài kệ khác do đại đệ tử Thần Tú viết, cũng là ứng viên kế thừa y bát, nên chúng tôi chép cả hai ra đây.
Nguyên văn kệ Thần Tú như sau:
身佀菩提樹
心如明鏡臺
峕时勤拂拭
莫使惹塵埃
Thân tự bồ đề thụ
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Mạc sử nhạ trần ai
Thân tựa cội bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn chăm quét dọn,
Chớ để bụi trần bám vào.
Nguyên văn kệ Huệ Năng như sau:
菩提本無樹
明鏡亦非臺
本來無一物
何處惹塵埃
Bồ đề bản vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
Bồ đề vốn không phải cây,
Gương sáng cũng chẳng phải đài.
Xưa nay vốn không phải vật,
Bụi bặm bám vào đâu!
image_thumb5
Cổng chùa Ngũ tổ (Đông Sơn) với bài kệ Thần Tú bên trái, bài kệ Huệ Năng bên phải
Trong cảm nhận của Thần Tú, thân và tâm tồn tại dưới dạng tinh khiết trong suốt. Trong cảm nhận của Huệ Năng, thân và tâm đều là “không”. Sư phụ Hoằng Nhẫn chọn Huệ Năng vì biết đệ tử đã đạt mức khai ngộ cực cao.
Huệ Năng bãi việc truyền y bát nên khi Ngài qua đời chúng tăng đưa bát khất thực và nhục thân(67) của Ngài dưới dạng một bức tượng vào tháp Linh Chiểu靈炤 trong khuôn viên chùa Nam Hoa để thờ cúng. Tháp Linh Chiểu 5 tầng nguyên thủy làm bằng gỗ được xây dựng dành riêng cho di tích Huệ Năng. Do hỏa hoạn, tháp được làm lại bằng đá và gạch vào đời Tống (960 – 1279). Thời điểm viếng Nam Hoa tự, Nguyễn thấy bức tượng mà Ông gọi là “chân thân” trong tầng thấp nhất của ngôi tháp này.(68)
Nguyễn nhẹ nhõm khi viếng chùa, nhưng phải phiêu bồng tiếp vì ông đến Trung nguyên không để tìm thầy mà để tìm công danh.
Nguyễn sẽ đi thuyền đến thị trấn Nam Hùng, điểm cuối cùng chuỗi dịch trạm đường thủy. Từ đây, hành khách lên bộ vượt Ngũ Lĩnh đến Nam An, Giang Tây. Từ Nam An, lại dùng thuyền theo sông Cám đến Hồng Đô, thủ phủ Giang Tây.
Trên đèo Đại Dữu, Nguyễn Trãi có dịp viếng miếu thờ nhà Nho lừng danh Trương Cửu Linh (678 – 740).
韶州文憲
反狀當年辨羯兒 
至明先見若蓍龜 
濟時儒術生平有 
諫主忠言死後知 
萬古不磨金鑑錄 
千年猶享曲江祠 
高風追想渾如昨 
手拂青苔認古碑
Thiều châu văn hiến miếu(69)
Phản trạng đương niên biện yết nhi(70) 
Chí minh tiên kiến nhược thi qui 
Tế thì nho thuật sinh bình hữu 
Gián chúa trung ngôn tử hậu tri 
Vạn cổ bất ma kim giám lục(71) 
Thiên niên do hưởng khúc giang từ(72) 
Cao phong truy tưởng hồn như tạc 
Thủ phất thanh đài nhận cổ bi
Miếu thờ ông Văn Hiến người Thiều châu
Xưa kia, cáo trạng tố phản chỉ rõ tên rợ Yết,
Trí sáng suốt tiên đoán mọi việc y như bói cỏ thi, mai rùa.
Lúc sinh thời, sở đắc nho thuật để giúp đời,
Sau khi mất, lời gián chúa của tôi trung mới được hiểu.
Muôn thuở, “kim giám lục” vẫn không mai một,
Nghìn năm, đền Khúc giang sẽ mãi khói hương.
Nhớ lại phong độ cao nhã, tưởng việc mới hôm qua,
Lấy tay phất rêu xanh săm soi bia cổ.
Văn Hiến là tên thụy của Trương Cửu Linh (678 – 740), chính khách kiêm nhà thơ đời Đường. Ông tự Tử Thọ, người Khúc giang, Thiều châu (thành phố Thiều Quan nay). Trương Cửu Linh hay chữ từ bé, nổi tiếng thần đồng. Ông đỗ Tiến sĩ năm 702, trải nhiều chức quan tại trung ương lẫn địa phương. Năm 732, thăng Trung Thư thị lang đồng Trung Thư Môn hạ Bình chương sự. Năm sau, thăng Trung Thư lệnh tức Tể tướng. Năm 735, gia phong Kim Tử Quang Lộc Đại phu, Thủy Hưng huyện bá.
Trương hiền minh, chính trực, hoài bão vì dân. Văn chương và nhân cách của ông nức tiếng đương thời. Từ lê thứ, đồng liêu đến hoàng đế đều ca ngợi “phong độ Cửu Linh”.
Về nhân sự, Trương chủ trương tuyển quan trên căn bản năng lực, đạo đức. Ông từng đề cử nhiều người về sau làm quan được tiếng thơm như Nghiêm Đình Chi, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên……Ông phản bác việc dùng Lý Lâm Phủ hoặc Trương Thủ Khuê làm Tể tướng, dâng sớ cảnh báo Đường Huyền tông về khả năng tạo phản của An Lộc Sơn. Cửu Linh thiếu thiện cảm với người kém nho học và giới quân nhân chuyên nghiệp.
Về quản trị xã hội, ông lập Thái Phỏng sứ ở 10 đạo chuyên giám sát hoạt động quan lại cấp châu huyện nhằm khuyến thiện, trừng ác, tạo điều kiện cho dân đen nói lên oan khuất. Hơn nữa, ông đề xuất ít dùng hình phạt, giảm thống khổ cho phạm nhân. Mặt nông nghiệp được chú trọng. Cửu Linh soạn “Chế độ tịch điền” khuyến khích vua quan chủ động lễ cày mùa xuân làm gương khuyến nông cho cả nước. Ông trực tiếp chịu trách nhiệm trồng thử nghiệm lúa gạo ở bắc Ngũ lĩnh. Dù Trương trọng nghề nông hơn, nhưng chính ông mở rộng đèo Đại Dữu để tăng cường lưu thông hàng hóa từ Quảng châu đến Hoa Bắc và ngược lại. Quảng châu đương thời là trung tâm ngoại thương nhộn nhịp với thành phần cư dân gồm cả các thương nhân đến từ Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á. Đại Dữu là chướng ngại cuối cùng của đường tơ lụa trên biển hướng đến Trường An. Thời ông làm tướng, dân chúng đầy đủ cơm ăn áo mặc.
Ngày 14/9/736, nhân sinh nhật Huyền tông, vương công đại thần dâng những tấm gương quý lên hoàng đế. Đây là loại bảo vật thịnh hành thời đó,[14] gương báu thâm nhập vào cả bài kệ Thần Tú trích dẫn bên trên. Khác mọi người, Trương Cửu Linh tiến vua quyển “Thiên thu(73) kim giám lục千秋金鏡錄”, Ghi chép về gương vàng nghìn năm. Quần thần, hoàng gia mong Huyền tông nhìn thấy dung mạo tôn quý của mình, Khúc giang nguyện vua nhìn thấy tâm mình. Hoàng đế ban chiếu thư cảm ơn và ngợi khen.
Sự giàu mạnh của đế quốc khiến Đường Huyền tông tự mãn. Nhà vua có xu hướng ngả sang hưởng thụ, xao lãng chính sự. Năm 737, do Lý Lâm Phủ sàm tấu, Trương Cửu Linh bị giáng làm Kinh châu Đại đô đốc phủ Trưởng sử. Năm 740, ông qua đời khi về quê Thiều châu trẩy mộ cha mẹ được vua truy tặng chức Kinh châu Đại đô đốc, thụy Văn Hiến. Năm 756, lúc chạy loạn An Lộc Sơn vào đạo Kiếm Nam (Tứ Xuyên, Trùng Khánh nay) rồi nhường ngôi cho thái tử, Huyền tông nhớ lại lời can gián xưa của Cửu Linh nên ban thư truy thưởng đồng thời cử người đến Thiều châu cúng viếng mộ ông.
Ngoài vai trò chính khách, Cửu Linh còn là một văn nhân thực sự tài hoa. Văn ông tải đạo, trình bày ý thức rõ ràng về trách nhiệm của nhà cầm quyền. Trong một bài thơ ứng đối với hoàng đế, ông viết:
每勞蒼生念
不以黃屋尊
Mỗi lao thương sinh niệm
Bất dĩ hoàng ốc tôn
Mỗi lần để dân lo lắng
Không xem ở nhà vàng là tôn quý
Theo ông, nếu dân không được ấm no hạnh phúc, thì người quản trị xã hội bất xứng với chức vụ và quyền lợi của mình.
Trong một bài chiếu viết nhân danh vua, ông khẳng định:
言念苍生必必遍于天下Ngôn niệm thương sinh tất tất biến vu thiên hạLời nói, ý nghĩ đều hướng về dân đen và phải phổ biến khắp thiên hạ
Hoặc:
以誠告示其或知歸何必用威然後致理?Dĩ thành cáo thị kỳ hoặc tri quy hà tất dụng uy nhiên hậu trí lý?Lấy lòng thành cáo thị dân sẽ hiểu mà theo về, hà tất dùng oai lực rồi sau đó lại dùng án?
Quan niệm thân dân của ông khiến nhiều chính trị gia “hiện đại” phải đỏ mặt.
Văn ông còn tải tình, loại tình vừa chân phương theo phong cách Hán Ngụy, vừa diễm lệ kiểu Lục triều. Dưới đây xin ghi lại bài “Vọng nguyệt hoài viễn 望月懷遠”, Ngắm trăng nhớ người xa bất hủ của ông, một thủ lĩnh thi phái Lĩnh Nam:
望月懷遠[15]
海上生明月
天涯共此時
情人怨遙夜
竟夕起相思
滅燭憐光滿
披衣覺露滋
不堪盈手贈
還寢夢佳期
Vọng nguyệt hoài viễn
Hải thượng sinh minh nguyệt
Thiên nhai cộng thử thì
Tình nhân oán dao dạ
Cánh tịch khởi tương tư
Diệt chúc liên quang mãn
Phi y giác lộ ty
Bất kham doanh thủ tặng
Hoàn tẩm mộng giai kỳ
Ngắm trăng nhớ người xa
Trăng nhô rạng trên mặt biển
Khách chân trời cùng ngắm như ta
Tình nhân oán hận đêm xa cách
Mối tương tư tuôn trào suốt canh khuya
Tắt đèn vì thương ánh sáng tròn đầy
Choàng áo bởi biết sương ngấm ướt
Không thể vốc trăng tặng người
Quay về buồng ngủ để gặp nhau trong mộng
Lướt qua sự nghiệp Văn Hiến công, chúng ta phát hiện ngay cụ Trương chính là hình tượng nhà nho mẫu mực trong suy nghĩ của Nguyễn Trãi.[16]
過嶺
前崗日落馬虺隤
行盡梅關不見梅
夾道千松撐漢立
緣雲一路擘山開
長安日近聊舒目
故國天遙重感懷
唐相一從通此道
不知今幾百年來
Quá lĩnh
Tiền cương(74) nhật lạc mã hôi đồi
Hành tận mai quan(75) bất kiến mai
Giáp đạo thiên tùng xanh hán lập
Duyên vân nhất lộ phách sơn khai
Trường an(76) nhật cận liêu thư mục
Cố quốc thiên dao trọng cảm hoài
Đường tướng(77) nhất tòng thông thử đạo
Bất tri kim kỷ bách niên lai
Qua đèo
Mặt trời lặn nơi đồn canh phía trước, ngựa đã mỏi mệt,
Đến tận ải Mai lại chẳng thấy mai!
Ven lộ, nghìn cội tùng chống thẳng Ngân hà,
Nương mây, một lối đi chẻ xuyên qua núi.
Mặt trời Trường An gần gũi, tạm thư trông ngóng,
Quê cũ tít tắp chân mây, trĩu nặng cảm hoài.
Từ lúc tướng nhà Đường khai mở đường này,
Tới nay không biết mấy trăm năm rồi!
image_thumb6
Mai quan nhìn từ phía Giang Tây- By Zhangzhugang – Own work, CC BY-SA 3.0
Nguyễn sáng tác bài này khi đứng ngay đỉnh đèo, nơi có cửa ải, chứ chưa xuống dốc vì tùng mọc ở nửa phía nam. Nửa phía bắc trồng mai đến nay hãy còn. Từ vị trí cao nhất, Nguyễn mường tượng thấy cả Trường An lẫn quê nhà.
Thời cổ, ải trên đèo mang tên Hoành Phố quan. Đèo được mở rộng vào năm Khai Nguyên IV (716) khi Cửu Linh còn giữ chức quan khiêm tốn thuộc sảnh Trung Thư chứ chưa đảm trách vị trí Tể tướng. Bề rộng đường khoảng 5 đến 6 mét, đến đời Tống mới lát đá. Trước đó, đèo nhỏ hẹp hơn nhưng không phải “dấu thỏ đường dê” như ta thường hình dung. Tống Chi Vấn (khoảng 660 – 712), khi vượt Mai Lĩnh năm 705 để đến nơi lưu đày từng viết “Độ lĩnh phương từ quốc, Đình diêu nhất vọng gia 度嶺方辭國停軺一望家,”[17] Qua đèo xem như cách lìa bản quán, Ngừng xe ngóng mãi quê nhà. Cụ Tống du hành bằng “diêu 軺”, xe ngựa cỡ nhỏ, loại xe mà tùy tùng có thể khiêng qua những đoạn gập ghềnh.
Năm 1790, sứ giả Tây Sơn Phan Huy Ích (1751 – 1822) qua Đại Dữu đã sáng tác bài “Du Mai lĩnh 踰梅嶺” với cặp kết tình cờ gần giống hệt hai câu kết của Ức Trai trong bài “Thiều châu Văn Hiến miếu”. Để nổi rõ tâm tình Nguyễn Trãi, chúng tôi chép lại nguyên văn bài “Du Mai lĩnh” của Phan Huy Ích dưới đây để so sánh.
踰梅嶺[18]
舆志傳聞大庾梅
迂途今擁使旌來
痼根蔥蔚漫林長
寒磴岧嶢截嶺開
泉石生涼猿叫晚
海天渺望鴈飛迴
曲江風度高千古
Du mai lĩnh
Dư chí truyền văn đại dữu mai
Vu đồ kim ủng sứ tinh lai
Cố căn thông uất mạn lâm trưởng
Hàn đặng thiều nghiêu tiệt lĩnh khai
Tuyền thạch sinh lương viên khiếu vãn
Hải thiên diểu vọng nhạn phi hồi
Khúc giang phong độ cao thiên cổ
Tư dịch bi minh tỏa lục đài
Vượt Đèo Mai
Từng nghe sách địa dư nói về mai Đại Dữu,
Nay cầm cờ sứ vượt đường xa đến đây.
Cây lưu niên sinh trưởng tươi tốt khắp rừng,
Bậc đá lạnh vươn cao cắt xuyên qua núi.
Đá suối tỏa hơi mát, vượn kêu trong chiều,
Trời biển mênh mang, nhạn bay trở lại.
Phong độ Khúc giang nêu cao thiên cổ,
Lần dò đọc bài minh trên bia đá rêu phong.
Cụ Phan bình thản vượt đèo, có phần hãnh diện vì đến cửa ải nổi tiếng dưới cờ sứ giả. Ông chỉ hiếu kỳ tìm dấu vết vị tể tướng nhà thơ chứ không nghĩ ngợi nhiều. Tống Chi Vấn buộc phải qua đèo, cảm thấy vào cảnh khổ nên tâm tư chuyên chú ngày về. Nguyễn Trãi nửa mừng vì gần đến Kim Lăng, nửa hoài nhớ quê cũ nhưng chẳng tơ tưởng chuyện quay lui, có lẽ vì cuộc khởi nghĩa Hậu Trần đang nóng bỏng vào lúc đó. Phan Huy Ích thuộc về Đại Việt, ông miêu tả cảnh sắc bằng con mắt du lãm. Tống Chi Vấn thuộc Trung Nguyên, ông òa khóc khi thấy loài hoa mọc rẽ về phương Bắc : “Lệ tận bắc chi hoa 淚盡北枝花”.[19] Nguyễn Trãi không thuộc đâu cả, ông nhớ An Nam nhưng mong tới Trường An. Lờ mờ nhận ra kiếp người uổng phí nhưng phải trôi theo thời cuộc, như một cánh bèo.
Động lực nào giúp Nguyễn kiên trì đi tới? Hai lần nhắc Trương Cửu Linh, Ức Trai tiết lộ giấc mơ Đại Minh của nhà du thuyết. Về già, cụ Nguyễn nhắc lại khát vọng xưa : “Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng, Đương niên thác tỷ bắc minh bằng 九萬摶風記昔曾當年錯比北溟鵬,” Nhớ xưa từng cưỡi gió bay cao chín vạn dặm, Bấy giờ nhầm so mình với chim bằng biển bắc.
Bên kia đèo Mai không xa lắm là thành phố Giang Tây danh tiếng.
江西
自古鴻都稱勝地
今朝客裡暫相過
煙收南浦晴光好
日落西山暮景佳
告訐成風憐俗薄
詞章有學中科多
旌揚鐵柱今猶在
碑刻千年蘚已花
Giang Tây
Tự cổ hồng đô(78) xưng thắng địa
Kim triêu khách lý tạm tương qua
Yên thu nam phố(79) tình quang hảo
Nhật lạc tây sơn(80) mộ cảnh gia
Cáo kiết thành phong liên tục bạc
Từ chương hữu học trúng khoa đa
Tinh dương(81) thiết trụ(82) kim do tại
Bi khắc thiên niên tiển dĩ hoa
Giang Tây
Từ xưa, Hồng đô nổi tiếng là xứ của danh thắng,
Sáng nay, trên đường đi tạm ghé qua.
Khói ngừng trên Nam Phố, phong quang trong trẻo,
Mặt trời xuống Tây Sơn, đẹp cảnh hoàng hôn.
Kiện cáo thành thói quen, thương phong tục bạc!
Nghiệp từ chương theo đuổi, nhiều người khoa cử thành danh.
Nay hãy còn trụ sắt Tinh Dương,
Bia khắc nghìn năm rêu lốm đốm.
Danh thắng bậc nhất của Hồng đô đối với văn nhân như Nguyễn Trãi là gác Đằng vương. Tiếng tăm tòa lầu truyền xa nhờ kiệt tác “Đằng vương các tự 滕王閣序” của Vương Bột (650 – 676), trong đó có hai câu “Họa đống triêu phi nam phố vân, Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ 畫棟朝飛南浦雲珠簾暮捲西山雨,”[20] Sáng sớm, mây từ bến nam bay vờn mái lầu chạm trổ; Chiều tối, cuốn rèm châu ngắm mưa núi tây. Lầu xưa chỉ còn phế tích vào thời điểm tác giả ghé Nam Xương. “Giang Tây” vắng bóng cả Vương Bột lẫn tòa lầu, riêng “tây sơn – nam phố” vẫn như cũ. Nguyễn miêu tả sức thời gian công phá theo cách rất đặc thù.
Tương tự Nguyễn Trãi, dân Trung Hoa hiện đại vẫn chê người Giang Tây hay cãi cọ. Thói quen kỳ khôi có thể là hậu quả dai dẳng của mâu thuẫn giữa những nhóm dân di cư về phương nam qua từng giai đoạn khác nhau. Ham cãi vã nhưng lại dựa vào luật pháp bởi dân chúng Giang Tây thấm đẫm truyền thống văn hóa đáng nể. Đây là quê quán, nơi quy ẩn hay làm việc của nhiều danh sĩ như Đào Tiềm (365-427), Lý Bột (? – 831), Âu Dương Tu (1007 – 1072), Vương An Thạch (1021 – 1086), Chu Hy (1130 – 1200), Văn Thiên Tường (1236 – 1283)… Lý Bột là người khai sinh Bạch Lộc động, một trường học địa phương thuộc khu vực Lư Sơn, huyện Cửu Giang. Đời Nam Đường (937 – 975), tại địa điểm này, triều đình thành lập Bạch Lộc quốc tường, tức Lư Sơn quốc học. Sang thời Bắc Tống (960 – 1127), Thái tông (976 – 997) nâng cấp Bạch Lộc quốc tường thành Bạch Lộc động thư viện, một trong 6 trung tâm giáo dục lớn nhất Trung Hoa thời bấy giờ. Tuy nhiên, khi Bắc Tống suy yếu, thư viện bị bỏ bê. Đời Nam Tống, nhân dịp nhậm chức tại Nam Xương giai đoạn 1179 – 1181, Chu Hy cho tu sửa Bạch Lộc động thư viện. Thư viện không chỉ tàng trữ thư tịch mà còn là nơi tế lễ, nghiên cứu giáo dục, và là điểm giảng thuyết của nhiều tên tuổi lớn như Lục Cửu Uyên (1139 – 1192), Lữ Tổ Khiêm (1137 – 1181)…. Nhờ nền móng đặt bởi thầy Chu, Tống nho hùng cứ Giang Tây suốt tám thế kỷ. Nhiều thư sinh thành công khoa cử là hoa trái sản sinh từ vùng đất của danh sư, danh tường.
Ngoài Nho học, Đạo giáo cũng rất xương thịnh tại Hồng châu. Hứa Tinh Dương là tổ sư chi phái Đạo giáo khởi thủy mang tên Hiếu Đạo. Tương truyền, ông thành tiên rồi bay lên trời cùng toàn bộ gia đình, nhiều đệ tử và cả gia súc trong nhà. Một người cháu dựng ngôi đền tên Du Duy dưới chân Tây sơn, trên nền nhà cũ, để tưởng niệm ông. Hiếu Đạo được nhiều đời vua Đường-Tống bảo trợ. Năm 1010, Tống Chân tông đổi tên “Du Duy quán” thành “Ngọc Long cung”. Năm 1116, Tống Huy tông, ban thêm mỹ tự Vạn Thọ nên ngôi đền trở thành “Ngọc Long Vạn Thọ cung”. Về sau, giáo lý Hiếu đạo được bổ sung thêm khái niệm “trung” để hình thành Tịnh Minh Trung Hiếu đạo.[21] Thời điểm Nguyễn Trãi du hành Giang Tây, Ninh vương Chu Quyền (1378 – 1448), em trai Minh Thành tổ Chu Đệ, người góp công sức đáng kể giúp Yên vương tranh đoạt ngôi vua của Kiến Văn đế, đã nhận Nam Xương làm thực ấp. Ninh vương mến mộ Đạo giáo từ trẻ, về cuối đời, ông trở thành tín đồ của Tịnh Minh đạo và dành nhiều thời gian tu luyện tại Thiên Bảo động thuộc khu vực Tây sơn. [22]
Chúng ta đã cùng Nguyễn Trãi ghé thuyền vào 5 dịch trạm trên đất Trung Hoa. Thông thường vào thời điểm bắt đầu mỗi chuyến phiêu lưu, tâm trạng con người rất phấn khích. Như vậy, khi vượt mười ba trạm dịch từ Đông quan đến Hoành châu trước đó ít lâu, Nguyễn Trãi có phóng bút tác phẩm nào không? Xét kỹ tập hợp thơ chữ Hán Ức Trai, chúng tôi thấy có. Các bài “Quan hải 關海”, “Bạch Đằng hải khẩu 白藤海口”, “Vân Đồn 雲屯” đều được viết ra nhân chuyến hành trình này. Chúng rất quan trọng vì lúc rời An Nam, Nguyễn tổng kết những gì vừa trải nghiệm để dứt áo hướng về chọn lựa mới.
關海
樁木重重海浪前
沉江鐵鎖亦徒然
覆舟始信民猶水
恃險難憑命在天
禍福有媒非一日
英雄遺恨幾千年
乾坤今古無窮意
卻在滄浪遠樹煙
Quan hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền
Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên
Phúc chu thủy tín dân do thủy(83)
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại thương lang viễn thụ yên
Đóng cửa biển
Trước sóng biển, đóng cọc gỗ hết lớp này đến lớp khác,
Lại đặt ngầm xích sắt dưới sông, đều uổng công thôi!
Bị lật thuyền mới biết dân như nước,
Đã cậy thế hiểm thì khó tựa mệnh trời.
Họa phúc có duyên đâu phải chợt đến trong ngày,
Anh hùng đành lưu hận mấy nghìn năm.
Ý vô cùng của thiên địa xưa nay,
Hiện ra nơi sương khói trên hàng cây xa bên dòng nước.
Theo lộ trình đề xuất bởi Hoàng Phúc, có thể suy đoán Nguyễn Trãi đã ra biển theo tuyến sông Hồng – sông Đuống – sông Kinh Thầy – sông Giá (hoặc Đá Bạc) – sông Bạch Đằng.(84) Chuyến đi được thực hiện chưa lâu sau trận chiến năm 1407 lúc dấu tích công trình phòng thủ còn rõ nét. Bốn câu đầu, Nguyễn khẳng định “địa lợi” chỉ là một yếu tố để tiến hành chiến tranh, nhà Hồ thiếu quan tâm “nhân hòa” và “thiên thời” nên thất bại. Trước kia, qua Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu từng khẳng định tương tự khi cho rằng quân Trần đại thắng không chỉ do “quan hà chi hiểm 關河之險” tức địa thế hiểm trở, mà còn do “ý đức chi mạc kinh 懿德之莫京” tức đức độ lớn lao của lãnh đạo. Trong kết luận, ngoài “quan hà” Trương nhắc “ý đức” thay vì nhắc “trời” hay “người”; có lẽ theo ông, đức lớn khiến hai vua Trần thuận lòng trời, được lòng người. Ý tứ và ngôn từ bài Quan hải cho thấy Nguyễn Trãi liên tưởng bài phú Thăng Phủ, nhưng ông nhấn mạnh trục thiên-địa-nhân hơn. Vì sao? Vì Nguyễn muốn biện minh hành động của mình. Ông phải tìm lối đi khác bởi nhà Hồ thờ ơ với dân mà đánh mất “thiên mệnh”. Ai cấm nhà nho từ bỏ một triều đại như thế?
Trình diện người Minh, Nguyễn Trãi hội nhập trở lại với cộng đồng ưu tú tại Đông Quan. Có lẽ nhờ tận mắt chứng kiến cảnh gần như toàn bộ nho sĩ An Nam hợp tác với chính quyền mới, Nguyễn đã nhận thức lại hoạt động của họ Hồ. Cải cách cấp tốc thiếu cơ sở ủng hộ từ các tầng lớp xã hội, đặc biệt từ địa chủ hào trưởng và trí thức, khiến Đại Ngu đổ vỡ nhanh chóng dưới áp lực bên ngoài lẫn bên trong. Sau chiến bại, dân trại chỉ nhớ nhà Trần, dân kinh lộ ngả theo Hoàng Phúc. Lòng trung từng giữ với họ Hồ dần biến thành hoài niệm. Chính Phi Khanh đã quay lưng với chủ trong giờ phút nguy cấp nhất, hành động của phụ thân ít nhiều tác động đến tinh thần người con hiếu thảo. Dùng danh hiệu “anh hùng” tôn vinh Hồ Quý Ly, trong thực chất Nguyễn xác định chúa cũ chưa xứng bậc vương giả. Nhà nho giữ lòng trung với một hoàng đế thụ mệnh trời, ai lại trung với vị anh hùng trơ vơ trên đầu dân chúng? Phê phán họ Hồ tích họa, Nguyễn hành động như nhân vật chịu báng trong “Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra!”. Nhưng thay đổi nhận thức có gì sai? Trời đất ngụ ý vô cùng trong làn khói. Không-có-hợp-tan, biến chuyển thiên hình vạn trạng chỉ là vận động bình thường của vũ trụ, gồm cả tâm lý con người.
白藤海口
朔風吹海氣凌凌
輕起吟帆過白藤
鱷斷鯨刳山曲曲
戈沉戟折岸層層
關河百二由天設
豪傑功名此地曾
往事回頭嗟已矣
臨流撫景意難勝
Bạch Đằng hải khẩu
Sóc phong xung hải khí lăng lăng(85)
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà bách nhị(86) do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng.
Cửa biển Bạch Đằng
Gió bấc dậy biển, khí thế lồng lộng,
Nhẹ dương buồm thơ lướt qua Bạch Đằng.
Núi khúc khuỷu như sấu bị chặt, kình bị mổ,
Bờ lau trùng điệp tựa kích gãy, giáo chìm.
Trời đặt chỗ hiểm, hai người chống được trăm người,
(Nên) Đất này từng là chỗ hào kiệt lập công danh.
Quay đầu lại, than ôi, việc cũ qua rồi!
Đến dòng nước viếng cảnh, ý khôn tả xiết……
Bài này có thể ví như “Bạch Đằng giang phú” thu nhỏ. Để rõ hơn nguồn hứng của Nguyễn, xin ghi lại nguyên văn các đoạn tương quan dưới đây. Trương Hán Siêu tả cảnh hai bên bờ : “Chử địch ngạn lô sắt sắt sưu sưu, chiết kích trầm giang khô cốt doanh khâu 渚获岸蘆瑟瑟颼颼折戟沉江枯骨盈邱,”[24] bãi lách bờ lau rì rào xào xạc, giáo gãy chìm xuống sông, xương khô đầy gò. Nguyễn hình dung đồi núi như đống xác giặc hay xác thuyền, bờ lau lách tiêu điều như đống thương chìm giáo gãy chồng chất. So sánh như thế hoàn toàn giống ý Hán Siêu. Về nguyên nhân chiến thắng của Hưng Đạo vương, Trương cho rằng : “Tín thiên tiệm(87) chi thiết hiểm, Lại nhân kiệt dĩ điện an 信天塹之設險 賴人傑以奠安,”[25] thật là: hào trời tạo hiểm, lại nhờ: người tài định an. Hai câu 5, 6 tương ứng của Nguyễn Trãi dẫn đến câu hỏi lớn: Trần thành công nhờ khai thác thế hiểm tự nhiên, tại sao Hồ thất bại?
Với Hán Siêu, dĩ vãng chiến thắng còn mãi : “Anh phong khả tưởng, khẩu bi bất san. Hoài cổ nhân hề vẫn thế, lâm giang lưu hề hậu nhan 英風可想口碑不刊懷古人兮隕涕臨江流兮厚顏,”[26] Anh hùng đáng tưởng, bia miệng chăng mòn. Nhớ người xưa mà lệ rơi, nhìn dòng sông mà ủ mặt. Với Ức Trai thì ngược lại, vãng sự thành-bại vĩnh viễn trôi qua. Muốn hiểu hai chữ “dĩ hĩ 已矣” trọng lượng đến mức nào hãy đọc Nguyễn Du : “Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy, Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti 覆盆已矣難收水斷藕傷哉未絕絲,”[27] Nước đổ rồi, vét làm sao? Ngó sen dù đứt tơ nào còn vương! Nhóm Hậu Trần ở Thanh Nghệ làm được gì? Họ chưa giết hết người Minh đã quay sang giết người Việt. Nhóm tinh hoa đồng bằng làm được gì? Họ lũ lượt kéo sang Kim Lăng khiến cả nước hầu như trống rỗng. Bản thân Nguyễn làm được gì? Lặng lẽ lên thuyền đến Trung Hoa như nhiều trí thức khác! Người Nam còn cơ may nào khẳng định vận mệnh riêng của mình? Nguyễn không diễn tả bằng lời, nhưng hành động phát đi tín hiệu rằng: theo ông, lịch sử đã sang trang.
雲屯
路入雲屯山復山
天恢地設付奇觀
一盤藍碧澄明鏡
萬斛鴉青鬌翠鬟
宇宙頓清塵海岳
風波不動鐵心肝
望中岸草萋萋綠
道是藩人駐舶灣
Vân đồn
Lộ nhập vân đồn san phục san 
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan 
Nhất bàn lam bích trừng minh kính 
Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn 
Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc 
Phong ba bất động thiết tâm can 
Vọng trung ngạn thảo thê thê lục 
Đạo thị phiên nhân trú bạc loan
Vân Đồn
Đường vào Vân Đồn núi lại tiếp núi,
Đất trời mênh mông ban tặng cảnh quan diệu kỳ.
(Mặt biển) tựa cái mâm màu biếc trong vắt như gương,
(Hòn đảo) xanh đen to vạn hộc trông giống búi tóc màu thúy.
Vũ trụ hốt nhiên quét sạch biển núi bụi bặm,
Sóng gió không lay động tâm can kiên cường.
Nhìn vào bờ thấy cỏ xanh tươi tốt,
Nghe nói đó là vụng đỗ thuyền của người Phiên.
Văn khí “Quan hải”, “Bạch Đằng hải khẩu” và “Vân Đồn” là như nhau. Ngôn từ rắn rỏi, nhẹ nhõm, ngẫm nghĩ quá khứ nhưng hướng đến ngày mai cho thấy tác giả đương tuổi cường tráng. Dựa vào thông tin nghèo nàn lưu lại, có thể suy đoán Nguyễn theo dòng Bạch Đằng ra biển vào các dịp : lẩn tránh Hậu Trần ở Đông Triều (1407 – 1410), sang Kim Lăng trình diện (khoảng 1410 – 1411), vua Thái tông phục chức (1439 – 1442). Tâm thức bình an, tận hưởng thú vị du hành cho phép loại trừ thời điểm sáng tác trong ray rứt sợ sệt quãng 1407 – 1410. Ngoài khí văn cứng cỏi, các yếu tố như cọc gỗ cản đường thủy quân Minh còn trùng điệp ngay cửa biển, ký ức xốn xang về nhà Hồ hãy tươi rói, kiến thức non nớt về vị trí đậu thuyền nước ngoài ở Vân Đồn… cho phép bỏ qua thời điểm sáng tác trong quãng 1439 – 1442. Tự nhủ sóng gió không lay động được tim gan bằng sắt thể hiện chí cương quyết tìm cơ hội từ triều đình nhà Minh của Nguyễn. Lựa chọn như thế vì lộ trình trước mặt nhà thơ không có ngã ba.
Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi được rất nhiều người thu thập từ rất sớm như: Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), Trần Khắc Kiệm (thế kỷ XV), Dương Đức Nhan (thế kỷ XV), Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII), Dương Bá Cung (thế kỷ XIX)…. Qua lời dẫn Ức Trai thi tập, Dương Bá Cung cho biết ông tham khảo Tinh tuyển (Dương Đức Nhan), Việt âm (Phan Phu Tiên) và Toàn Việt thi tập (Lê Quý Đôn) để làm sách. Sang thế kỷ XX, nhiều người hay nhóm đã dịch hoặc biên tập các bản dịch thơ Ức Trai, tiêu biểu nhất có nhóm Phan Võ-Lê Thước-Đào Phương Bình (1962), Đào Duy Anh (1969), Hoàng Khôi (1972), Bùi Văn Nguyên (1994), nhóm Mai Quốc Liên (1998)… Trong đó, hai nhóm Phan-Lê-Đào và Mai Quốc Liên xếp các bài thơ có yếu tố liên quan đến Trung Quốc vào diện tồn nghi vì sử liệu chính thức hay dân gian, thậm chí gia phả, đều không đề cập sự kiện Nguyễn Trãi sứ Hoa. Cụ Đào Duy Anh dù tin Nguyễn xuất ngoại nhưng dè dặt xếp các bài tồn nghi vào mục riêng, đoán là sáng tác khi sang Trung quốc.
Hoàng Khôi biên dịch Ức Trai thi tập theo thứ tự sắp đặt của Dương Bá Cung, Bùi Văn Nguyên sau khi bổ sung các bài mới do ông phát hiện vẫn xếp theo thể loại. Hai vị không ngờ vực gì về các bài thơ sáng tác trên đất Trung Hoa. Thao tác như Hoàng Khôi hay Bùi Văn Nguyên tuy đơn giản nhưng ít cảm tính hơn vì nếu chỉ đặt niềm tin vào sử liệu sẵn có mà xem nhẹ bản thân thi phẩm thì việc xếp đơn vị thơ nào vào diện tồn nghi thiếu căn cơ vững chắc. Phân loại thơ sáng tác theo từng thời kỳ như cụ Đào càng mông lung bởi chưa xác lập tương đối chuẩn xác tiểu sử tác giả. Oliver William Wolters (1915 – 2000) từng có ý kiến sáng suốt khi xem thơ Việt thế kỷ XIII, XIV như nguồn sử liệu chớ nên bỏ qua,[28] nhưng chỉ vì tin vào phân kỳ của Đào Duy Anh mà bình giải mười một bài thơ chữ Hán Nguyễn Trãi trong lầm lạc.[29] Chúng ta đã biết, thư tịch Đại Việt hoàn toàn không ghi nhận sự kiện Ứng Long làm quan nhà Trần và từng được vua Trần cử đi sứ Minh; thơ văn Nhị Khê lưu truyền cũng đủ mơ hồ trên hai việc này. Cho đến nay, tất cả bài viết về thân phụ Nguyễn Trãi đều cho rằng cụ chỉ ra làm quan dưới đời Hồ. Tuy nhiên, Minh Thực lục lại chép Ứng Long đến Nam Kinh với tư cách phó sứ năm 1396, triều vua Trần Thuận tông, khi đang nhiệm chức Thiếu Trung Đại phu.
Có bài lấn cấn nổi cộm như “Đồ trung ký hữu 途中寄友”, hay “Quá hải 過海”. “Đồ trung ký hữu” còn được chép trong thi tập khác với chút dị biệt và được cho là của Hồ Xuân Hương; ngoài ngôn từ khuôn sáo nghèo nội dung, hoàn cảnh tác giả nếu xét chi li, không tương hợp cuộc đời Ức Trai. “Quá hải” có lẫn một câu lấy từ bài thơ Lê Lợi cho khắc trên vách núi Hào Tráng (Hòa Bình nay) vào năm 1432. Hành động đưa thơ vua vào thơ mình khó thể xảy ra trong sinh thời Nguyễn Trãi. Hoặc ngược lại, nếu thơ Hào Tráng do Nguyễn Trãi soạn theo mệnh, Ông không thể mang câu thơ đã dâng vua gắn vào thơ riêng. Cụ Đào có lý khi cho rằng “Đề Lư thị gia phả 題盧氏家譜”, “Lam quan hoài cổ 藍關懷古” là thơ người khác lẫn vào vì ý tứ, ngôn ngữ lạ lẫm so với phong cách nghệ thuật Ức Trai. Nhưng “Tặng Khổng Nhan Mạnh tam thị tử tôn Giáo thụ Thái Bình 贈孔顏孟三氏子孫教授太平”, “Thiều châu tức sự 韶州即事” hay “Đề Nam Hoa thiền phòng 題南花禪房” lại không nằm ngoài luồng thơ chung. Nhiều yếu tố cấu thành ba đơn vị thơ này cũng xuất hiện trong các bài thơ khác. Chúng tôi tránh dùng “Đồ trung ký hữu”, Quá hải”, “Đề Lư thị gia phả”, “Lam quan hoài cổ” làm cơ sở để phân tích tâm lý Ức Trai vì thận trọng, cũng vì sợ lạc đường. Tuy nhiên, vô số việc phải làm để kết luận những bài này không do Nguyễn Trãi sáng tác. Cần thêm nhiều chứng cứ, nhiều thao tác chứng minh trên nhiều phương diện mới đạt kết quả thuyết phục. Theo thiển ý, nên dựa vào thơ văn Ức Trai để tái dựng tiểu truyện của ông thay vì dựa vào tư liệu lịch sử thiếu thốn để hoài nghi nguồn gốc số tác phẩm nào đó. Không có cơ sở để khẳng định chính sử hay dã sử đáng tin cậy hơn các tác phẩm từ lâu được cho là do Ức Trai viết, nếu không muốn nói ngược lại. (88) Từ tiểu truyện gần đúng, việc thẩm định, luận giải gia tài Nguyễn Trãi sẽ thuận lợi hơn.
Chúng tôi cân nhắc nhiều mới tuyển lựa, dịch xuôi dăm bài thơ được viết trong chuyến du hành Trung Hoa. Cách dùng từ, nguồn cảm hứng, lối ẩn dụ, cấu trúc …, nói rộng hơn là thi pháp, cho thấy chuỗi sáng tác nằm trong một mạch nghĩ, một mạch thơ và cụ thể hơn là một mạch đường. Nghi thức trang trọng đón tiếp khách An Nam vắng mặt trong các ghi chép, thay vào đó là hình ảnh sầu tư của chòi canh, hoặc âm thanh dễ gây xúc động của trống trận, tù và. Vài điểm nhấn tuy nhỏ nhưng đủ thể hiện Nguyễn không mang thân phận sứ thần, cũng không đi lại quá tự do tới mức chệch khỏi các dịch trạm do dân binh địa phương quản lý. Cách di chuyển phù hợp hoàn cảnh thổ quan An Nam cầm giấy khám hợp sang trình diện bộ Lại ở Kim Lăng. Thế kỷ XX khó tưởng tượng các chuyến đi như thế vì chúng chỉ xảy ra trong thời đoạn rất ngắn so với lịch sử ngàn năm tự chủ của người Nam. Chúng tôi chẳng đắn đo khi xem các bài thơ bên trên là của Ức Trai vì thiếu hẳn cơ sở để nói ngược lại, chỉ thắc mắc vì sao thơ làm bên chính quốc sót lại ít đến vậy. Theo thông tin từ các văn bản do chính ông viết, như một dạng nhật ký, Nguyễn rời Giao Chỉ khoảng năm 1410 và hồi hương năm 1417. Trừ thời gian đi, về nhiều nhất hai năm, ông còn đến năm năm sống, làm việc trong lòng mẫu quốc. Với bút lực dồi dào, trái tim nhạy cảm và kỹ năng ngôn ngữ tuyệt vời, chắc chắn suốt thời kỳ lưu lạc Nguyễn từng viết số lượng thơ gấp nhiều lần số lượng cảm tác trên đường đi. Trong bài “Thanh Minh”, sáng tác dọc hành trình về An Nam, Ức Trai bắt chước Thiếu Lăng gượng uống rượu để vơi nỗi nhớ nhà. Điều đó cho thấy dù chức phận chưa cao nên không được sử Minh phản ánh việc bổ nhiệm hay điều chuyển, Nguyễn vẫn có cuộc sống an toàn, trên mức nghèo kiết. Văn nhân họ Nguyễn bình yên với sách vở tùy thân, duyên do gì chỉ còn sót mươi đơn vị thơ trong đó chẳng bài nào thể hiện công việc thực tế của tác giả? Theo thiển ý, đa phần thơ Ức Trai sáng tác tại Trung nguyên đã bị tiêu hủy có chủ định. Ai thực hiện việc đó, vì mục đích gì xin được bàn sau.
Có lẽ không phải tình cờ, ba nhân vật xuất hiện trong nhật ký hành trình lại đại diện cho ba dòng tư tưởng hình thành phẩm chất người trí thức Nguyễn Trãi. Đại sư Huệ Năng thuộc dòng Phật, Tể tướng Trương Cửu Linh dòng Nho, mờ nhạt hơn có Chân quân Hứa Tốn dòng Đạo.
Giữa Huệ Năng, Văn Hiến và Ức Trai có điểm nào chung? Xin thưa có. Cả ba đều người Lĩnh Nam, Huệ Năng gần Nguyễn hơn vì ông có ngoại hình và tiếng nói khác với đồng đạo. Văn Hiến quê ở Thiều châu là vùng hẻo lánh đời Đường, thời điểm đa số đại quan triều đình gốc từ Hoa Bắc. Cả hai đều thành công vượt bậc, được dân Hoa Hạ kính thờ. Nhắc đến hai vị, Nguyễn củng cố lòng tự tín kèm kỳ vọng trước tương lai. Đặc biệt, “gã mọi rợ” Huệ Năng đủ sức tế độ dân Hán, người Giao áo mũ như Nguyễn lẽ nào lại không!
Giữa Huệ Năng, Tinh Dương và Ức Trai có điểm nào chung? Xin thưa có. Hai vị giáo chủ đều thủ đắc tài nghệ hàng phục quái vật sống dưới nước. Truyền thuyết “hàng long” hình tượng hóa đại công khắc chế tình trạng lụt lội thường xuyên tại đại vực nam Trường giang. Từ khía cạnh tôn giáo, đó là khả năng điều hướng cái tâm để tiếp cận bất diệt. Với một nhà Nho như Nguyễn, câu chuyện mang thông điệp gì ? Phải chăng là biểu trưng của nỗ lực phi thường để phụng sự, với cứu cánh đưa bách tính đến đài xuân? Nó phù hợp lý tưởng “bảo dân nhi vương 保民而王,”[30] che chở dân để làm vua của Mạnh tử mà Nguyễn tâm đắc.
Xét vị thế ở triều đình và năng lực hoạt động bao quát, Nguyễn Trãi không bằng Trương Cửu Linh. Chức danh cao nhất của Nguyễn là Đồng Trung Thư lệnh, vị trí thứ hai trong Trung Thư sảnh. Nếu quan Bình Chương từng hoạt động kinh tế hay quân sự, thì Nguyễn chỉ chuyên chú vào soạn thảo văn thư hay các việc liên quan đến văn hóa-giáo dục. Tuy vậy, phong cách hai vị chẳng khác gì nhau. Cả hai đều thúc giục hoàng đế thi hành nhân chính, đều quan niệm nhà cầm quyền phải đảm bảo cuộc sống ấm no cho mọi người, và đều đặt niềm tin không điều kiện vào bản chất thiện lương của dân chúng.



Ghi chú :
A. Phần chữ Hán thơ Ức Trai lấy từ Nguyễn Trãi toàn tập tân biên quyển I, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nhà xuất bản Văn Học (2010). Chủ biên : Mai Quốc Liên. Phần dịch sang tiếng Việt tham chiếu các bản dịch của: Nguyễn Trãi toàn tập (1976), Viện Sử học; Ức Trai di tập bổ sung – phần văn chương (1994), Bùi Văn Nguyên; Nguyễn Trãi toàn tập tân biên quyển I (2010), Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
B. Phần thơ Nôm Ức Trai lấy từ Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nhà xuất bản Văn Học (2014). Chủ biên: Mai Quốc Liên. Phần chú giải và tìm hiểu ý nghĩa tham chiếu các phiên bản của: Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập (1957), Trần Văn Giáp/Phạm Trọng Điềm (bản điện tử của Lê Văn Đặng http://www.han-nom.org); Nguyễn Trãi toàn tập (1976), Viện Sử học; Thơ quốc âm Nguyễn Trãi (1994), Bùi Văn Nguyên; Tổng tập Văn học Nôm Việt Nam tập I (2008), Viện nghiên cứu Hán Nôm; Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập (2012), Phạm Luận; Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (2014), Trần Trọng Dương; Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập (2014), Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
C. Các chi tiết lịch sử đều trích từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tái bản 2004). Dịch giả: Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long. Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Toàn Thư – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
D. Các ghi chép của người Minh đều trích từ bộ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010). Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Minh Thực lục – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
E. Ngày tháng đi kèm niên hiệu là ngày âm lịch.
Chú thích:
(1) Biện lỗ ngư: phân biệt chữ “lỗ 魯”và chữ “ngư 魚”, chỉ sự học hành.
(2) Miệng tựa bình: do tục ngữ “thủ khẩu như bình 守口如瓶”, giữ mồm mép như miệng bình (bưng kín). Chỉ sự im lặng chấp nhận, hoặc rộng hơn là nói năng thận trọng.
(3) Đà: nếu là phó từ thời gian, “đã” đối không chỉnh từ “mỗ” câu dưới. Có thể ngày xưa còn mang nghĩa khác, như vật gì đó để dằn, bịt kín nắp bình.
(4) Chỉn: vẫn còn, chỉ có.
(5) Lòng bằng trúc: lòng trống rỗng như ruột cây trúc.
(6) Mỗ: số lượng nhỏ. Mỗ nên hư : dù vướng bận chút gì cũng nên xả bỏ.
(7) Vương Tạ: Họ Vương, họ Tạ. Vương Đạo (276 – 339), Tạ An (320 – 385) đều là đại thần Đông Tấn. Con em hai nhà vọng tộc thường mặc áo đen nên ngõ vào khu họ ở mang tên “Ô y hạng 烏衣巷”, Ngõ áo đen. Câu 5 lấy cảm hứng từ bài “Ô y hạng” của Lưu Vũ Tích (772 – 842): “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia 舊時王謝堂前燕 飛入尋常百姓家,” Chim én ngày xưa đậu trước dinh thự Vương Tạ, Nay bay vào nhà trăm họ tầm thường. Cả câu hàm ý thời cuộc thay đổi, vị thế gia đình đi xuống.
(8) Tiệp Dư: một cấp bậc cung phi. Ở đây chỉ Ban Tiệp Dư đời Hán Thành đế (trị vì 33TCN – 7 TCN), người ví mình như chiếc quạt trong mùa thu mát, tức bị bỏ rơi.
(9) Chỉn sá: Hãy nên.
(10) Mặc: bỏ mặc, không quan tâm đến.
(11) Để: bỏ, gác lại.
(12) Việc quốc gia: việc phục vụ triều đại, không hàm nghĩa “quốc gia” như ta hiểu bây giờ.
(13) Liệt lạt: kém cỏi.
(14) Mỗ: của tôi
(15) Tiên sinh: thầy. Có thể thời đó ai đỗ Thái học sinh đều được xưng tụng là “Thầy”.
(16) Vườn chư tử: sách vở của các trường phái học thuật thời Chu-Tần. Các tác gia thường được gọi với chữ “tử” kèm theo như Trang tử, Hàn Phi tử, Mặc tử, Quản tử…….
(17) Lục kinh: gồm các kinh Xuân Thu, Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc. Chỉ chung trước tác của Nho gia.
(18) Cả câu ý nói hãy còn tự tin vì biết chút ít chữ nghĩa.
(19) Nẻo từ: từ khi.
(20) Đình Thấu Ngọc: tên một đơn vị kiến trúc trong biệt phủ Côn Sơn của Trần Nguyên Đán.
(21) Tiên: đun, nấu.
(22) Xanh: một loại dụng cụ chứa đồ ăn thức uống để nấu nướng. Miền Nam dùng gần nghĩa với “chảo”.
(23) Tuyết nhũ: hiểu theo nghĩa chữ là thanh tuyết (bám trên cây cối hoặc mái nhà) rũ xuống, nhưng không chắc tuyết từng rơi ở Côn Sơn dù Toàn thư có ghi nhận nước đột ngột đóng băng vào tháng 11 ta năm Thiệu Bình I (1434). Có thể Nguyễn dùng từ văn vẻ để chỉ nước trong suốt tươm ra từ thạch nhũ.
(24) Hy kinh: Kinh Dịch, do Phục Hy soạn.
(25) Ba đường cúc: thơ Đào Tiềm “Tam kính tựu hoang tùng cúc do tồn 三徑就荒松菊猶存,” Ba lối mòn dù hoang, tùng cúc hãy còn.
(26) Hay một chữ “đinh丁”: khiêm xưng của người có học vấn, chữ đinh có cấu tạo đơn giản dễ nhận ra.
(27) Chỉn: quả thật, đúng là.
(28) Đếm thì: có thể biết được hết thời này thì sang thời khác.
(29) Bằng: như. Cả câu than mình “sinh bất phùng thời” nên không làm được gì.
(30) Mỗ: một chút, ít ỏi.
(31) Bề: phần, việc. Không đối xứng với động từ “đội” ở câu trên. Cặp thực có lẽ mất nguyên gốc.
(32) Rắp: toan.
(33) Hầu: sắp.
(34) Tôi ngươi: người bầy tôi.
(35) Đốt đốt, chà chà: Ân Hạo (? – 356), tướng đời Tấn Mục đế, giữ chức Đô đốc 5 châu Dương, Dự, Từ, Duyện, Thanh. Hạo mang quân Bắc phạt nhiều lần thất bại, bị Hoàn Ôn dèm pha, nên vua truất làm thứ dân, đày đến Tín An (nay là Cù châu, Chiết Giang). Ông không than thở gì, chỉ suốt ngày dùng tay viết lên không bốn chữ “đốt đốt quái sự 咄咄怪事”, chà chà chuyện lạ !
(36) Chuyển bồng, cỏ bồng trôi dạt: thơ Đỗ Phủ “Phiêu linh nhậm chuyển bồng 飄零任轉蓬,” phó mặc (cuộc đời tàn) phiêu linh như cỏ bồng trôi dạt.
(37) Lãm huy, nhắm ánh sáng: chữ dùng trong bài phú “Điếu Khuất Nguyên” của Giả Nghị (201 – 169 TCN). “Phượng hoàng tường ư thiên nhận hề, lãm đức huy nhi hạ chi 鳯皇翔於千仞兮覽德輝而下之,” Phượng hoàng lượn trên cao ngàn nhận (mỗi nhận bằng 6.48 mét), nhắm vầng sáng của đức mà bay xuống.
(38) Minh dương phụng, chim phượng hót đón mặt trời: chỉ người dám dùng ngôn luận để bảo vệ lẽ phải.
(39) Xuất xử: ra làm quan và lui về nhà.
(40) Bên cạnh tác động tích cực là đưa thông tin xưa đến độc giả chỉ am tường quốc ngữ, hai bản dịch Toàn Thư cũng góp phần nhất định trong việc cung cấp nhận thức sai lệch về lịch sử vốn đã bị điều chỉnh sai lệch theo chủ kiến từng triều đại. Dưới đây xét riêng cách dịch đoạn nói về Trần Ngỗi tránh người Minh để đi đến Mô Độ.
Tiên thị trương phụ bảng thu trần thị tông thất cập cựu thần đầu mục dĩ quy đế thoán thân tiềm hành chí mô độ 先是張輔榜收陳氏宗室及舊臣頭目 以歸帝竄身潜行至謨渡.
Bản dịch Cao Huy Giu, Đào Duy Anh hiệu đính: “Trước là Trương Phụ yết bảng bắt những người tôn thất nhà Trần và cựu thần đầu mục đem về. Vua trốn đến Mô Độ.”
Bản dịch Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn hiệu đính: “Trước đó, Trương Phụ yết bảng bắt các tôn thất họ Trần và đầu mục quan lại cũ để đưa về. Vua trốn chạy đến Mô Độ.”
Lời dịch gán sự hà khắc thô thiển cho người Minh, mâu thuẫn với chính sách thu phục mềm dẻo Trương Phụ đang tiến hành. Không khí bức bối vào tháng 10 năm Khai Đại V (1407) trong câu văn đi ngược lại tình hình Toàn Thư ghi nhận vào tháng 7 cùng năm : “Người Minh lùng tìm những người ẩn dật ở rừng núi, người có tài có đức………lục tục đưa dần bản thân họ về Kim Lăng, trao cho quan chức, rồi cho về nước làm quan phủ, châu, huyện. Những người có tiếng tăm một chút đều hưởng ứng.”
Chữ “thu 收” tuy cũng có nghĩa “bắt”, nhưng nghĩa “chiêu tập” phù hợp với những gì đang xảy ra hơn. Trương Phụ chưa phát lệnh bắt người không chống cự vũ trang thì đã có đến 9.000 nhân sự tự nguyện trình diện, vượt 300% so với 3.000 giấy khám hợp phía Minh dự trù. Toàn Thư chỉ biết vỏn vẹn hai nho sĩ từ chối làm quan với nhà Minh, trong đó không có Nguyễn Trãi.
Chữ “thoán 竄” có nghĩa “chạy trốn”, nhưng “thoán thân 竄身” lại có nghĩa “ẩn thân” hay “giấu tông tích”. Vì “thoán thân” nên mới nảy việc “tiềm hành 潜行”, ngầm đi. Hiểu “thoán thân” là chạy trốn thì thừa mất hai chữ “tiềm hành”.
Để hiểu rõ hơn cách viết tế nhị của Toàn Thư, ở đây xét thêm câu văn Minh sử nói về sự kiện Phan Liêu thua trận, trốn đi xa (1419).
“Liêu thoán lão qua bân khiển đô chỉ huy sư hựu soái sư vãng 僚竄老撾彬遣都指揮師祐帥師往,” Liêu trốn sang Lão Qua, Bân sai Đô chỉ huy Sư Hựu mang quân đuổi theo.
Như vậy, nếu căn cứ vào hai bản quốc ngữ để dịch ngược lại “Vua trốn (chạy) đến Mô Độ”, câu chữ Hán sẽ là “帝竄謨渡”, đế thoán mô độ hay “帝竄謨身渡”, đế thoán thân mô độ.
Nếu tham chiếu Minh Thực lục sẽ có thêm thông tin Giản Định từng ra hàng quân Minh và được đưa về Bắc. Nửa chừng, Giản Định bỏ trốn cùng Trần Hy Cát. “Thoán thân” có thể chỉ hành động này.
Sử gia nhà Lê viết văn lủng củng hay dịch giả đời nay không nắm hết tâm ý ẩn trong bút pháp thuở xưa ? Chúng tôi chọn lý do thứ hai. Tác giả Toàn Thư thấu hiểu người Ngô thâm hiểm nên đánh giá cao trực giác bén nhạy của Giản Định. Dịch giả bỏ quá cả chữ lẫn ý.
(41) Tử Mỹ: Đỗ Phủ (712 – 770), nhà thơ. Khi An Lộc Sơn dấy loạn (755), Đường Minh Hoàng phải chạy đến Kiếm Nam (756). Thái tử Lý Hanh xưng đế tức Đường Túc tông. Đỗ Phủ tìm đến triều đình mới để phục vụ. Đỗ luôn trung thành với nhà Đường dù vua không biết sử dụng ông.
(42) Bá Nhân: Nhà Tấn mất toàn bộ miền bắc vào tay quân Hán Triệu năm 316. Trước đó hoàng thân Tư Mã Duệ đã chạy về Kiến Khang, sĩ tộc miền Bắc theo rất đông. Khi Tấn Huệ đế bị bắt, Duệ xưng vương. Chu Bá Nhân là đại quan của Tấn vương Duệ, các danh sĩ thường hội ở phủ đệ của ông than khóc cảnh mất nước.
(43) Nam kha: Sự tích lấy từ “Chuyện Thái thú Nam Kha” của Lý Công Tá đời Đường. Chuyện kể : Thuần Vu Phần quá chén nằm ngủ dưới cội hòe trước nhà, bỗng thấy người mời vào bọng cây chơi. Trong cây, tồn tại thế giới riêng gọi là nước Đại Hòe. Nhân có kỳ thi, Phần tham dự và đỗ Trạng Nguyên, được vua gả công chúa. Sau đó, Phần nhậm chức Thái thú quận Nam Kha. Hai vợ chồng sống hạnh phúc, sinh được 7 người con. Chợt lân bang Thiện La đến cướp phá, vua sai Phần làm tướng chống trả. Ông không sành việc quân nên thua nặng, bị truất làm thường dân và đuổi về quê. Thuần tức tối vì thân bại danh liệt, kêu to một tiếng rồi tỉnh giấc. Lần theo giấc mơ, Phần chỉ thấy trong cây có tổ kiến lớn.
(44) “Vạn tính ngao ngao đãi bộ cầu萬姓嗷嗷待哺裘,” Muôn họ xao xác chờ cơm áo: câu 1 trong bài thơ Nguyễn Ứng Long họa vận với người em cọc chèo Nguyễn Hán Anh.[7]
(45) Hòe quốc mộng: còn gọi là mộng Nam Kha. Xem chú thích (43) “Loạn hậu cảm tác”.
(46) Vị dương tình: Kinh Thi, Tần Phong, bài “Vị dương” có câu : “Ngã tống cữu thị, viết chí vị dương. Hà dĩ tặng chi, lộ xa thặng hoàng 我送舅氏,曰至渭陽.何以贈之,路車乘黃,” Ta đưa cậu ta đến phía bắc sông Vị. Biết lấy quà chi để tặng, tặng cỗ xe thắng bốn ngựa vàng. Ở đây tả tình cảm nồng hậu của tác giả với cậu mình.
(47) Đỗ lão: Đỗ Phủ từng chạy loạn An Lộc Sơn đến Hàm Dương, bờ bắc sông Vị. Tại đây, cụ sáng tác bài “Xuân nhật ức Lý Bạch 春日憶李白”, Ngày xuân nhớ Lý Bạch có câu “Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Đông nhật mộ vân 渭北春天樹江東日暮雲,” Cây dưới trời xuân Vị Bắc, Mây trong buổi chiều Giang Đông.
(48) Thốn thiệt đãn tồn: tấc lưỡi hãy còn, nhắc chuyện Trương Nghi (? – 309 TCN), nhân vật lịch sử thời Chiến quốc.
(49) Nhất hàn như cố: vẫn nghèo như cũ, nhắc chuyện Phạm Thư (? – 255TCN), nhân vật lịch sử thời Chiến quốc.
(50) Mục túc: một loại rau rẻ tiền dùng làm thức ăn cho người nghèo và gia súc.
(51) Thế giới Hoa Hạ: nên hiểu tương tự như “Christendom” hoặc “Islamic Ummah”.
(52) Tam đông: ở đây chỉ tháng thứ 3 mùa đông, tức tháng chạp. Mùa đông sắp hết nên tác giả sợ cảnh đón Tết xứ người trong câu 5.
(53) Nguyên văn: 除授教官黎景恂等緣是土人誠恐徒上虛文未見實效乞選老成有學堪為師範者典教俾其子弟習知中國禮義 (Minh Thực lục I, 882)
(54) Nguyên văn: 其詞鄙俚可憎 (Minh Thực lục II, 572)
(55) Thơ Nguyễn Tịch (210 – 263): “Dạ trung bất năng mị…Ưu tư độc thương tâm 夜中不能寐….憂思獨傷心,” Giữa đêm không ngủ được… Lo nghĩ thương tâm riêng mình.
(56) Bình Nam: nay là huyện Bình Nam, trực thuộc thành phố Quế Cảng, Khu tự trị Quảng Tây.
(57) Quán có lẽ dùng chữ “quán 觀” thì chuẩn hơn.
(58) Ngô châu, nay là thành phố trực thuộc Khu tự trị Quảng Tây, có núi tên Bạch Hạc gần cửa sông Quế đổ vào sông Tầm. Bạch Hạc sơn và Bạch Hạc quán tựa lưng vào núi giờ đã thành địa điểm du lịch. Lâm quán có thể chính là Bạch Hạc quán xưa.
(59) Câu chuyện dường như thất truyền. Ngô châu hiện có trại nuôi rắn rất lớn, âm vang của vùng đất từng sinh sôi nhiều rắn, kèm theo nhiều huyền thoại về rắn.
(60) Hỏa sơn: núi Tây Nham, ở phía nam Ngô châu, hiện vẫn là thắng cảnh thu hút du khách. Tương truyền, hoàng đệ vua Nam Việt Triệu Đà chôn kiếm trên núi, thỉnh thoảng gươm báu tỏa hào quang về đêm nên người địa phương gọi Tây Nham là núi lửa.
(61) Băng tỉnh: còn gọi là “băng tuyền”. Nay là công viên sinh thái cách trung tâm Ngô châu khoảng 120km.
(62) Tích: gậy bằng thiếc tra vòng kim loại dùng để đi khất thực.
(63) Kham: tầng thấp nhất của tháp Phật, hoặc trang thờ Phật.
(64) “Thoát 脫” không phù hợp thực tế bằng chữ “thuế 蛻”, thoát xác.
(65) Chân thân: thân xác thế gian của bậc giác ngộ.
(66) Tào Khê: tên dòng suối chảy trước cổng chùa.
(67) Huệ Năng sở đắc nhục thân “kim cương bất hoại”. Sau thị tịch, thân thể Ngài chỉ khô dần chứ không phân hủy. Ở chùa Đậu (Hà Nội), có hai tượng nhục thân tương tự của hai vị sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (thế kỷ XVII). Ở Buryatia (Nga), cũng có tượng nhục thân của Lạt Ma Dashi-Dorzho Itigilov (thế kỷ XX).
(68) Hiện nay, tượng Huệ Năng được dời sang kiến trúc mới, chưa xuất hiện lúc Nguyễn du hành, gọi là điện Lục tổ. Điện dành chỗ thờ thêm tượng chân thân của hai vị trụ trì thời Minh là Đan Điền Đại Sư (1535 – 1614) và Hàm Sơn Đức Thanh (1546 – 1623).
(69) Miếu Văn hiến: tưởng niệm Trương Cửu Linh, tể tướng nhà Đường, tước hiệu Thủy Hưng Văn Hiến bá. Miếu được dựng trên Mai Lĩnh để ghi công ông mở rộng đường đèo.
(70) Yết nhi: chỉ An Lộc Sơn (703 – 757), có mẹ người Đột Quyết, gây nên loạn An Sử dưới đời Đường Minh hoàng.
(71) Kim giám lục: tức Thiên thu kim giám lục, quyển sách Cửu Linh viết làm quà tặng sinh nhật Đường Huyền tông năm 736. Sách bàn luận thịnh suy đời xưa, lấy xưa làm gương soi đời nay.
(72) Khúc giang từ: khu vực đền thờ họ Trương, gồm cả mộ phần của ông cùng nhiều người thân thích. Đền nằm ở chân núi La Nguyên Động, huyện Trinh Giang, thành phố Thiều Quan.
(73) Thiên thu là tên lễ hội mừng sinh nhật hoàng đế tổ chức theo sáng kiến của Tể tướng Trương Thuyết (663 – 730) và triều thần . Hội Thiên thu đầu tiên khai mạc vào ngày 5 tháng 8 năm Khai Nguyên XVII (729).
(74) Cương: đồn canh. Nguyễn Trãi nhận xét ngựa kiệt sức vừa lúc tới đỉnh đèo.
(75) Mai quan: Trương Cửu Linh (678 – 740) khi mở rộng đèo đã trồng nhiều mai bên đường nên dân gian lấy tên hoa làm tên cửa ải. Người đời Tống thay mai bằng tùng ở sườn phía nam.
(76) Trường An: chỉ Kim Lăng, kinh đô nhà Minh đương thời.
(77) Đường tướng: chỉ Trương Cửu Linh.
(78) Hồng đô: nay là thành phố Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây.
(79)(80) Nam phố, tây sơn: hai địa điểm được Vương Bột đề cập trong “Đằng vương các tự”. Nam phố có lẽ là bến thuyền chính của thành phố, tây sơn có thể là cụm núi ngày nay mang tên Mai lĩnh, nằm về phía tây trung tâm Nam Xương khoảng 15km. Ở đây, Nguyễn Trãi gián tiếp nhắc đến danh thắng Gác Đằng vương và câu chuyện chàng thanh niên họ Vương làm kinh động quan khách dự lễ khánh thành tòa lầu mới tu sửa.
(81) Tinh dương: tức Hứa Tốn (239 – 336), tự Kính Chi, người đời Đông Tấn (317 – 420). Ông sáng lập Tịnh Minh đạo, một dạng Đạo giáo tiếp thu nhiều yếu tố từ Nho giáo và tín ngưỡng dân gian. Tinh Dương là tên huyện (nay thuộc Tứ Xuyên) nơi Hứa Tốn làm quan cai trị rất thành công. Ông được đời sau tôn mỹ hiệu “Hứa chân quân” hoặc “Hứa Tinh Dương chân nhân thiên sư”.
(82) Thiết trụ: trụ sắt do Hứa chân quân dựng lên để trấn yểm thủy quái. Đạo quán nơi Hứa Tốn trú ngụ nay có tên Ngọc Long Vạn Thọ cung (tức Thiết Trụ cung), nằm ở chân núi cùng tên Tây sơn, là tổ sơn của Tịnh Minh đạo.
(83) Khổng tử gia ngữ: “Phù quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thủy dã. Thủy sở dĩ tải chu, diệc sở dĩ phúc chu 夫君者、舟也;庶人者、水也。水所以載舟,亦所以覆舟,” Vua là thuyền, dân là nước. Nước để chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền (dẫn theo Trần Trọng Dương). Thiên “Vương chế”, sách Tuân tử có câu tương tự : “Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu 君者、舟也,庶人者、水也;水則載舟,水則覆舟,” Vua là thuyền, thứ nhân như nước; nước chở thuyền, cũng làm lật thuyền. Tuân tử (313 TCN – 238 TCN) không nhận lời này của ông mà nói rằng trích xuất từ “truyện 傳”, tác phẩm giải nghĩa kinh có trước đó.
(84) Theo Đào Duy Anh, sông Bạch Đằng là sông Chanh hiện nay.[23]
(85) Gió bấc nổi khi thủy triều bắt đầu lên. Ca dao địa phương còn truyền: “Nước lên, gió bấc chớ qua sông Rừng.”. Như vậy, Nguyễn xuôi con nước đến cửa biển vừa lúc dòng chảy đảo chiều.
(86) Quan hà bách nhị: vị trí hiểm yếu về mặt quân sự, nơi hai người (nhị) có thể địch trăm (bách) người. Xưa chỉ ải Hàm Cốc của nước Tần.
(87) Thiên tiệm: hào trời, ví sông Bạch Đằng như hào nước giữ thành. “Thiên tiệm”, chứ không phải “thiên” đóng vai chủ ngữ trong câu, đi song song với “nhân kiệt” ở vế sau. “Thiên” ở đây có nghĩa “tự nhiên” hay “thiên nhiên”, không phải “ông trời”.
(88) Theo thời gian, việc thêm bớt, sửa đổi văn bản viết tay là điều khó tránh. Tuy nhiên, điều chỉnh văn thơ xuất phát từ động cơ mang tính văn học hay ngữ học; điều chỉnh sử liệu lại xuất phát từ động cơ chính trị. Do vậy, sử liệu bị sửa đổi sẽ khiến người đọc lệch hẳn khỏi dữ kiện ban đầu. Ngược lại, văn thơ thường bị hiện đại hóa ngôn từ nhưng không thoát khỏi chủ đề nguyên thủy, hoặc tệ hơn là bị giả mạo nhưng hàng giả dĩ nhiên phải trông giống hàng thật.
Tài liệu tham khảo :
[1] Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 5, Văn tịch chí, bản dịch hiệu đính bởi Đào Duy Anh, Nxb Trẻ (tái bản 2014), trang 195.
[2] Quế Đường cho rằng khoa thi 1396 chưa kịp yết tên người đỗ thì họ Hồ soán ngôi. Xem Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục quyển một, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb Trẻ/Hồng Bàng (tái bản 2013), trang 109.
[3] Xem Lê Tư, Nguyễn Phi Khanh : nhà nho khoáng dật, sầu muộn và lỡ thời, phần 3, Tạp chí Da Màu (Hoa Kỳ), http://damau.org/archives/45775.
[4] Xem Hoàng Khôi, Nguyễn Trãi toàn tập, tập hạ, quyển 5, Nxb Văn hóa Thông tin (tái bản 2001), trang 587. Nhận xét : chữ Trung thư đứng trước Ngự sử đài Chánh chưởng rất kỳ quặc vì Trung thư sảnh phụ trách hành chánh, Ngự sử đài chịu trách nhiệm giám sát, đàn hặc. Bài tựa được in 388 năm sau khi ra đời nên nội dung khó còn nguyên thủy.
[5] Xem Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần tập III, Nxb Khoa học Xã hội (1978), trang 438-439
[6] Xem Trang Tử, Nam Hoa Kinh, bản dịch Nhượng Tống, Nxb Văn Học (tái bản 2017), trang 213-214.
[7] Xem Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần, Nxb Khoa học Xã hội (1978), trang 402-403.
[8] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Nhân vật chí, bản dịch Nguyễn Mạnh Duân-Trương Văn ChinhNxb Trẻ TPHCM (2014), trang 96-97.
[9] Xem Tư Mã Thiên, Sử Ký, Trương Nghi liệt truyện, bản dịch Phạm HồngNxb Văn Học (2016), trang 521-549.
[10] Xem Tư Mã Thiên, Sử Ký, Phạm Thư, Thái Trạch liệt truyện, bản dịch Phạm HồngNxb Văn Học (2016), trang 619-636.
[11] Xem Nguyễn thị Kiều Trang, Về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, trang 355-359.
[12] Xem Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Du toàn tập 2, Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán dịch nghĩa và chú thích, Nxb Văn Học (2015), trang 424-425.
[13] Thông tin liên quan đến Huệ Năng chủ yếu trích từ quyển Lục tổ Đại sư, con người & huyền thoại, Nguyễn Minh Tiến, Nxb Tôn Giáo.
[14] Về ý nghĩa của gương đồng, xem Eugene Y. Wang, Mirror, Moon, and Memory in Eighth-Century China : From Dragon Pond to Lunar Palace. Bản điện tử : https://eaa.fas.harvard.edu/files/eaah/files/tan gmirror.pdf.
[15] Trương Cửu Linh, Toàn Đường thi quyển 48, Vọng nguyệt hoài viễn, bản điện tử : http://ctext.org/quantangshi/48.
[16] Thông tin về Trương Cửu Linh lấy từ bài viết của Vũ Tường 宇祥, tiếng Việt http://vn.minghui.org/ news/80695-moi-lan-de-dan-lo-o-nha-vang-chang-xung.html, tiếng Trung http://www.minghui.org/mh/ar ticles/2017/6/6/349230.html và mục Zhang Jiuling thuộc New World Encyclopedia. (http://www.newworldency clopedia.org).
[17] Tống Chi Vấn, Toàn Đường thi quyển 52, Độ Đại Dữu lĩnh, bản điện tử : http://ctext.org/quantangshi/52.
[18] Phan Huy Ích, Dụ Am ngâm lục tập III, Du Mai lĩnh, bản dịch Ban Hán Nôm UBKHXHNxb Khoa học Xã hội, trang 89-91.
[19] Tống Chi Vấn, Toàn Đường thi quyển 52, Độ Đại Dữu lĩnh, bản điện tử : http://ctext.org/quantangshi/52.
[20] Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch tập I, Đằng vương các, Nxb Thuận Hóa (2007), trang 175-176.
[21] Xem Kwang-Ching Liu & Richard Shek, Heterodoxy in late Imperial China, Daoism and Orthodoxy – The Loyal and Filial Sect (Richard Shek), University of Hawaii Press 2004, Trang 139 – 171.
[22] Xem Richard G. Wang, The Ming Prince and Daoism : Institutional Patronage of an Elite, Oxford University Press 2012, Phần mở đầu (Prologue).
[23] Xem Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Hồng Đức (tái bản 2015), trang 541 – 554.
[24], [25], [26] Xem Viện Văn Học, Thơ văn Lý-Trần tập 2, Bạch Đằng giang phú, Nxb Khoa học Xã hội (1988), trang 737-745.
[27] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Du toàn tập 2, Ngộ gia đệ cựu ca cơ, Nxb Văn Học 2015, trang 366-369.
[28] O. W. Wolters, Monologue, Dialogue and Tran Vietnam, trang 3, bản điện tử : https://ecommons. cornell.edu /bitstream/handle/1813/13117/Wolters_TranVietnam.pdf;sequence=1
[29] O. W. Wolters, Một khách lạ trên chính đất nước mình, bản dịch Ngô Bắc, Tạp chí Gió O (Hoa Kỳ), bản điện tử : http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacWoltersNguyenTraiTho.htm.
[30] Xem Đoàn Trung Còn (biên dịch), Tứ thư, Mạnh tử quyển nhất, Lương Huệ vương chương cú thượng, Nxb Thuận Hóa (2013), trang 22-23.

Không có nhận xét nào: