Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Sao sống phè phỡn khi người dân vật vã mưu sinh; Quan chức Việt sống xa hoa bằng tiền của ai?

Diễm Thi, RFA

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 28 tháng 1 năm 2016.
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 28 tháng 1 năm 2016.
 REUTERS
















Chuyện các quan chức Việt Nam đương chức hay đã về hưu có cuộc  sống xa hoa, giàu có; trong khi đa phần người dân còn nghèo khổ và nợ công cao ngất ngưởng là vấn đề mà công luận quan tâm lâu nay.
Từ trang phục đến tư dinh
Dư luận xã hội mấy hôm nay nóng lên với thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đến gần 300 bộ áo dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung may riêng cho bà. Võ Việt Chung là một nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, bắt đầu thiết kế áo dài cho bà Ngân từ năm 2016, khi bà trở thành Chủ tịch Quốc hội.

RFA gửi tin nhắn qua facebook của Nhà thiết kế Võ Việt Chung để xác nhận con số 300 áo dài nhưng không nhận được phản hồi.
Một nhà thiết kế khác là Đỗ Trịnh Hoài Nam, người thiết kế trang phục cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân từ năm 2006 đến năm 2016 chia sẻ với Soha.vn hôm 26/1/2017 rằng, anh thật sự là không thể đếm hết bao nhiêu áo dài và những bộ vest anh thiết kế cho bà Ngân trong suốt 10 năm.
Doanh nhân Lê Hoài Anh, người sở hữu khoảng 200 bộ áo dài chia sẻ trên facebook cá nhân của bà rằng áo dài của những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam có giá từ giá từ 40 triệu đồng tới hơn 100 triệu đồng một bộ.
Với mức lương công khai của Chủ tịch Quốc hội từ ngày 1/7/2018 là 17.375.000 đồng/tháng thì tiền đâu mà bà Ngân may hàng trăm bộ áo dài trong một năm như thế, ông Đường Văn Thái, người từng có 10 năm làm việc tại cơ quan công quyền và cũng là một nhà báo, cho RFA biết:
Tính cách vua quan của những người cộng sản Việt Nam hiện nay đã lộ rõ ngay từ năm 1945-1946 kia chứ không phải đến bây giờ nhưng vì lúc ấy chưa cầm quyền, chưa giàu sang, dân cũng chưa có của ăn của để cho nên nó không bộc lộ. - Ông Nguyễn Khắc Mai
“Trước đây tôi từng làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên tôi biết tất cả những trang phục của những chính khách cấp cao, từ cỡ bộ trưởng trở lên đều từ ngân sách nhà nước chứ không phải tiền của cá nhân chính khách đó. Ngân sách thì có hạn nên các chính khách như bà Ngân sẽ có cách khác: Thư ký của bà sẽ gọi cho nhà thiết kế bảo cứ may đi, rồi cũng chính những thư ký này sẽ gọi cho một vài doanh nghiệp nào đấy yêu cầu tài trợ tiền trang phục cho sếp Ngân. Doanh nghiệp lại phải đứng ra để thanh toán.”
Chuyện áo dài của bà Ngân khiến người dân nhớ lại vào đúng mùng một Tết năm 2015, tấm ảnh được báo Tiền Phong đăng nơi trang nhất cho thấy nội thất tư gia của nguyên TBT Nông Đức Mạnh có cách bài trí xa hoa với chiếc ghế ông ngồi không khác gì chiếc ngai vàng thời phong kiến.
Chỉ trước đó vài tuần, tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân…
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh Triết nhận xét về cách bài trí nhà như cung đình của ông Nông Đức Mạnh:
Tính cách vua quan của những người cộng sản Việt Nam hiện nay đã lộ rõ ngay từ năm 1945-1946 kia chứ không phải đến bây giờ nhưng vì lúc ấy chưa cầm quyền, chưa giàu sangdân cũng chưa có của ăn của để cho nên nó không bộc lộ.
Hình ảnh quan lại vua chúa nó ngập trong máu của họ bởi vì họ không có cái gì để thay thế hết cả. Đấy là cái cay đắng của văn hóa Việt Nam của xã hội Việt Nam.
Tiền ở đâu ra?
Chuyện quan chức ở nhà biệt thự to, đi xe sang, đeo đồng hồ đắt tiền, cho con cái đi học nước ngoài, mua nhà ở Mỹ…đặt người dân trước những nghi vấn về nguồn gốc tài sản mà quan chức đó có được.
Một trong các vụ thể hiện sự xa hoa, giàu có của quan chức nhà nước là biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, bị báo chí phanh phui vào năm 2017.
Ông Đường Văn Thái cho rằng chuyện các quan chức sống xa hoa, giàu có không phải bây giờ mới có, mà là bây giờ người dân mới biết rõ:
Năm 2010 trở về trước thì hệ thống thông tin qua mạng internet ở Việt Nam chưa được phổ biến, cho nên việc tiếp cận thông tin đa chiều của người dân Việt Nam chủ yếu là người dân chỉ được nghe thông tin một chiều. Họ mị dân rất tốt nên người dân không phát hiện được ra cuộc sống xa hoa của quan chức cũng như sự tham ô, tham nhũng rất hạn chế.
Sau năm 2011 thì truyền thông đa chiều phát triển mạnh và người dân tiếp cận góc nhìn đa chiều, và đa số người không còn niềm tin vào truyền thông một chiều, báo lề đảng nữa. Truyền thông nhà nước không còn bưng bít thông tin được nữa.”
Một người dân với tiệm sửa xe ven đường tại Hà Nội hôm 30 tháng 5 năm 2019.
Một người dân với tiệm sửa xe ven đường tại Hà Nội hôm 30 tháng 5 năm 2019. AFP
Ông nói thêm rằng các quan chức kiếm tiền quá dễ. Ông nêu ví dụ: Khi một dự án được ký thì bên tư vấn họ sẵn sàng đẩy giá lên và người có quyền quyết định phê duyệt dự án sẽ được hưởng phần trăm của dự án. Đó là tham nhũng bằng tiền mặt. Bây giờ các dự án bất động sản phát triển ồ ạt thì họ không tham nhũng bằng tiền mặt nữa mà họ tham những bằng những mét vuông đất. Rồi các nhóm lợi ích lại vẽ ra một viễn cảnh cho dự án đó (ví dụ như khu đô thị mới Thủ Thiêm hoặc sân bay Long Thành…) để những người đầu cơ về bất động sản nhào vào mua. Đây lại là tham nhũng về chính sách.
Chuyện quan chức và gia đình sống xa hoa, phô trương xảy ra ngày càng nhiều đến mức tại hội nghị toàn quốc học tập, quá triệt Nghị quyết Trung ương 8 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 23/11/2018, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phải lên tiếng yêu cầu các đảng viên cao cấp “phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật”.
Cuối tháng 5/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biển toàn quốc lần thứ XIII, trong đó ông Trọng chỉ ra những nhiệm vụ và yêu cầu không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền, làm việc kém hiệu quả… và đặc biệt là bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu đạo đức, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Có những quan chức xây biệt phủ lộng lẫy, chi xài xa hoa, con cái đi học nước ngoài, vợ thì không có việc làm hoặc cũng chỉ là công chức trong bộ máy. Những trường hợp như vậy thì dân không bức xúc, không hoài nghi mới là lạ. - Ông Lê Thanh Vân
Báo chí trong nước trích lời ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội rằng:
“Có những quan chức xây biệt phủ lộng lẫy, chi xài xa hoa, con cái đi học nước ngoài, vợ thì không có việc làm hoặc cũng chỉ là công chức trong bộ máy. Những trường hợp như vậy thì dân không bức xúc, không hoài nghi mới là lạ.”
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công cũng lên tiếng với báo chí trong nước:
“Trong một xã hội bình thường và một hệ thống nhà nước minh bạch, khi đất nước phát triển, nền kinh tế đi lên, chuyện quan chức có đời sống khá giả, có nhà cửa, xe cộ là điều đáng mừng. Nhưng ở Việt Nam, khi nguồn gốc tài sản của quan chức không được công khai, chuyện quan chức ở nhà to, đi xe sang trở thành sự phản cảm. Nói cách khác, thu nhập chính thức từ hoạt động công vụ không thể giúp quan chức có đủ tiền để xây nhà to, mua xe đẹp được.”
Năm 2016, “Hồ sơ Panama” với lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ. Dữ liệu do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 10/5/2016 có 189 tên cá nhân, tổ chức và 19 công ty vỏ bọc có liên quan đến Việt Nam.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) thì từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng.
Người cộng sản khi kêu gọi người dân cùng họ vùng lên đánh đổ chế độ Phong Kiến và Người Pháp đô hộ đã sử dụng khẩu hiệu ‘cơm no, áo ấm’ cho giai cấp bần cùng trong xã hội.
Đến nay tại Việt Nam vẫn còn có nhiều thành phần như nông dân, người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, và thậm chí những công nhân ở đô thị vẫn phải sống trong thiếu thốn, chạy ăn từng bữa.
Những cảnh đời khốn khổ vẫn xuất hiện trên truyền thông; trong khi đó những vị lãnh đạo khai có gốc gác là thành phần nông dân, công nhân bị áp bức, bóc lột bởi Phong Kiến, Thực Dân, Tư Bản nay sống không khác gì những thành phần mà chính họ lên án.
Những người quan tâm trước thực trạng vừa nêu nhắc lại câu nói của Karl Marx, ông tổ cộng sản, rằng ‘Chỉ có loài thú mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình!’

Sao sống phè phỡn khi người dân vật vã mưu sinh

 - Cuộc sống sang chảnh, cách biệt với cách mưu sinh của đa số người dân đã khiến một số quan chức bị Đảng chê, dân ghét.

Tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao sang của một số quan chức không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho chính bản thân họ và xã hội.
Cuộc sống sang chảnh, cách biệt với cách mưu sinh vất vả của người dân đã khiến một số lãnh đạo bị Đảng chê, dân ghét.
LTS: Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, sau khi điểm lại những thành tựu, kết quả nổi bật của đất nước trong năm qua và nêu ra những việc cần làm trong năm tới, khi nói về sự nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trăn trở và cũng là điều cảnh báo: “Những “ông quan” nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”.
Bị tước quyền lãnh đạo vì đặc quyền, đặc lợi
Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta nhắc đến vấn đề này.
Cách đây 7 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tổ chức vào tháng 2/2012 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đã nêu câu hỏi: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. Trước khi đưa ra câu hỏi đầy nỗi niềm này, Tổng Bí thư đã đặt vấn đề: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”.
Thực ra để trả lời cho câu hỏi trên không quá khó. Bởi trong số những người giàu lên một cách bất thường, có không ít cán bộ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền các cấp. Cái sự giàu ấy không phải là chủ yếu do tài năng, trí tuệ, mồ hôi, công sức họ bỏ ra, mà phần lớn là do lợi dụng vị trí công tác để vun vén lợi ích cá nhân, tìm mọi kẽ hở của cơ chế, chính sách, lôi bè cánh hẩu theo “lợi ích nhóm” để làm ăn thiếu đàng hoàng, khuất tất với mục đích vinh thân, phì gia.
Tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao sang của một số quan chức không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho chính bản thân họ và xã hội. Chính cuộc sống sang sảnh, cách biệt với sự vất vả mưu sinh của số đông người dân đã khiến những tên quan biến chất bị Đảng chê, dân ghét.
Hệ lụy đáng nói nhất mà họ gây ra là làm đảo lộn các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, làm cho lòng người hoài nghi và ly tán, lòng tin của dân vào Đảng và chế độ bị xói mòn và làm cho tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng từng bước bị một ruỗng từ bên trong và lung lay từ gốc rễ.
Còn nhớ khi Liên Xô trong những năm tháng bên bờ sụp đổ hoàn toàn, có một số liệu điều tra xã hội học của một học giả rất đáng suy ngẫm. Trả lời câu hỏi “Đảng cộng sản Liên Xô đại diện cho ai”?, thì có tới 85% ý kiến cho là đại diện của giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu, còn 11% cho là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động(1).
Một đảng cộng sản cầm quyền mà giới chức quan liêu, xa rời quần chúng nghiêm trọng như vậy, cho nên khi gặp “sóng gió” không được nhân dân ủng hộ và bị các thế lực khác tước quyền lãnh đạo cũng không có gì khó hiểu.
Bài học này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong bài phát biểu hồi tháng 2/1012 như thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo: “Sự tan rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì đảng cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi”!
Phè phỡn khi người dân vật vã mưu sinh
Mỗi người giữ vị trí lãnh đạo và quản lý, dù to hay nhỏ, nhưng đều là đối tượng “Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”. Do vậy, mọi cử chỉ, việc làm, hành vi của họ khó lọt qua được hàng triệu tai mắt của nhân dân ở khắp nơi, mọi chốn.
Một quan chức mà có tới dăm ba biệt thự, mấy “lô đất vàng”, vài khu trang trại; hay nay đi nhà hàng sang trọng này, mai đi khách sạn cao cấp khác, trong khi vợ con làm ít, thậm chí không làm mà ngày ngày chỉ xài hàng hiệu, đi xe siêu sang, tiêu tiền như nước… thì đến một người dân thật thà, chất phác nhất cũng có quyền nghi vấn về “cái sự giàu” của họ thực chất là do tham nhũng và làm ăn bất chính mà thôi.
Không ai muốn cán bộ phải sống trong điều kiện khó khăn, vất vả. Vì cán bộ là người được đào tạo cơ bản, có trình độ, trí tuệ, hiểu biết hơn người dân, được nhân dân và Đảng, Nhà nước tin tưởng gửi gắm, bầu chọn, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý nên họ có quyền được hưởng những quyền lợi vật chất, tinh thần tương xứng với cương vị, quyền hành được giao. Cán bộ có một cuộc sống ổn định, sung túc, đó là mong muốn chung của nhân dân và cũng là khát vọng của đất nước.
Nhưng sự sung túc đó chủ yếu phải do trí tuệ, tài năng, công lao, thành tích và mức độ cống hiến của cán bộ, công chức thông qua cơ chế, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước và bằng những thu nhập chính đáng, hợp pháp mới thuận lòng người, đúng đạo lý. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức giàu lên một cách bất thường chứng tỏ họ cũng đã có những biểu hiện “không bình thường” về phẩm chất đạo đức, tư cách, mà nói thẳng ra là đang đi vào con đường thoái hóa, biến chất. 
“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai”? Nếu đảng chỉ thuộc về một số người giàu có, sống cách biệt với dân, không đồng cam cộng khổ với dân, không kề vai sát cánh cùng nhân dân, không thấm nhuần và thực hiện mục tiêu lý tưởng cao cả là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”, thì Đảng đã đứng trên, đứng ngoài lợi ích của dân và nguy cơ Đảng bị mọt ruỗng từ bên trong rồi sụp đổ là khó có thể tránh khỏi.
Ngược lại, nếu Đảng thuộc về đại đa số nhân dân lao động, sống gần dân, gắn bó máu thịt với dân, biết chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, chung sức đồng lòng với dân ở mọi lúc, mọi nơi, làm cho mọi nhà, mọi người đều có điều kiện được tiếp cận và hưởng thụ một cuộc sống no ấm, bình yên, hạnh phúc, thì Đảng đã và đang làm tròn bổn phận, sứ mệnh cao cả của mình. Từ đó lòng dân với Đảng mãi mãi gắn bó thủy chung, keo sơn bền chặt.
Hướng tới một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc là ước mơ, khát vọng cao đẹp của mọi người. Trong khi phần đông nhân dân lao động vẫn đang phải chắt chiu, tiết kiệm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, nhiều gia đình nghèo phải bươn chải mưu sinh rất vất vả, nhọc nhằn để lo từng đồng tiền, bát gạo cho con em mình có miếng cơm, manh áo đến trường, thì một bộ phận cán bộ do tham nhũng đã hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, phè phỡn là một điều vừa trái với tư cách của người cộng sản chân chính, vừa không phù hợp với truyền thống đạo đức cần kiệm của ông cha ta.
Đừng bao giờ quên lời tiền nhân đã dạy: Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chính nhân dân là người làm nên lịch sử và quyết định mọi thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vậy nên, sống giản dị, mực thước, thanh liêm, đề cao sự ân tình, thủy chung, thường xuyên gần gũi và chân thành gắn bó mật thiết với nhân dân, sẻ chia với cuộc sống cần lao của bà con vừa là yêu cầu phẩm chất đạo đức nhân cách của cán bộ, đảng viên; vừa góp phần làm cho hình ảnh của cán bộ, đảng viên lan tỏa, lấp lánh trong lòng dân.
Thiện Văn
---------
 (1)- Theo Ngô Minh Giang: “Nhận mặt suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” (Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, 6-9-2012, mục “Diễn đàn”)

Không có nhận xét nào: