TPO - Thâm Quyến trở thành mặt trận chính trong chiến tranh thương mại sau khi Mỹ tấn công Huawei – “đầu rồng” của trung tâm công nghệ cao Trung Quốc.
Trung Quốc hàm ý gì khi ra sách trắng về chiến tranh thương mại?
'Vũ khí' đất hiếm đáng sợ của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ - Trung ra sức lôi kéo châu Âu
Hậu quả lâu dài của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Giữa chiến tranh thương mại, Mỹ đưa tàu chiến vào sát Trường Sa
Người Trung Quốc có câu “Nhất diệp tri thu” – Nhìn một chiếc lá rụng là biết mùa thu tới. Cách nhìn nhận của những người trong cuộc về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Thâm Quyến và phản ứng của thành phố này có thể cung cấp bức tranh rộng lớn hơn về sự đối đầu hiện tại và tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổ ấm công nghệ
Thâm Quyến là tổ ấm của một số công ty công nghệ và nhà xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, trong đó có người khổng lồ truyền thông xã hội Tencent, tập đoàn viễn thông ZTE và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI. Vì vậy, nơi đây dễ dàng “hứng đạn” trả đũa của Mỹ, báo Trung Quốc South China Morning Post đưa tin ngày 10/6.
Không công ty nào ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến quan trọng hơn Huawei và tập đoàn công nghệ này đang bị Mỹ trừng phạt bằng nhiều cách nên việc này có thể gây tác động dây chuyền theo cả diện rộng và chiều sâu.
Trong các nhà hàng và quán café ở nội đô Thâm Quyến, chủ đề chính của các cuộc trò chuyện đã chuyển từ tin tức trong ngành như chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, sáp nhập, đổi mới sáng tạo… sang chiến dịch chống Huawei mà Washington đang thực hiện. Người ta nói đùa rằng, đang có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Thâm Quyến.
Xấp xỉ 40 năm qua, Thâm Quyến đã chuyển mình từ một làng chài ngái ngủ gần Hong Kong thành một thành phố không ngủ với hơn 12 triệu dân, nơi ngành công nghệ cao chiếm hơn 1/3 GDP của địa phương này.
Vì ngành hi-tech có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thâm Quyến, người ta đang lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại đối với tương lai đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.
Anh Lin, nhân viên công ty công nghệ ở Thâm Quyến, nói: “Chiến tranh thương mại sẽ có tác động kéo dài, bao gồm tác động về doanh số và toàn bộ thị trường”. Nhân viên một công ty internet lo ngại chiến lược kinh doanh của hãng sẽ hứng hậu quả.
Bắc Kinh hiện có nhiều kế hoạch đầy tham vọng với Thâm Quyền và coi đặc khu kinh tế này là trọng điểm đổi mới sáng tạo trong dự án Khu vực vịnh lớn – xây dựng một trung tâm kinh tế làm đối trọng với San Francisco (Mỹ) và Vịnh Tokyo (Nhật Bản) bằng cách kết nối các thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông với Hong Kong và Macao.
Đầu năm nay, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ nước này công bố Đề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh lớn - chiến lược cấp quốc gia do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định và thúc đẩy. Theo đó, vai rò của Thâm Quyến với tư cách đặc khu kinh tế và trung tâm công nghệ sẽ được mở rộng. Vai trò trung tâm tài chính, vận tải, và thương mại quốc tế của Hong Kong sẽ được nâng cao, trở thành nền tảng tài chính và đầu tư cho sáng kiến “Vành đai-Con đường” của ông Tập Cận Bình. Macao được hỗ trợ để trở thành trung tâm thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, có thể mở sàn chứng khoán giao dịch bằng nhân dân tệ…
Tại cuộc họp báo với các phóng viên Việt Nam ngày 4/6, bà Doãn Hải Hồng, đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nói rằng, Trung Quốc không sợ cọ xát thương mại với Mỹ kéo dài; nước này đang nỗ lực tự cường, tập trung phát triển ngành công nghệ cao, ưu tiên cho trung tâm công nghệ ở Thâm Quyến, Quảng Đông.
Nhưng nhiều hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang bị áp thuế cao, Huawei bị cấm vận nhiều thứ trong khi Huawei là trọng tâm phát triển mạng 5G ở Trung Quốc và ở nước ngoài, nên các cơ quan chính phủ, đơn vị tư vấn, công ty công nghệ nước này đang đau đầu trước tương lai không chắc chắn của Thâm Quyến.
Đầu rồng bị chém
“Trọng tâm là Huawei. Huawei là công ty quan trọng nhất ở trên cùng của chuỗi giá trị, là đầu đàn và trọng tâm của ngành công nghiệp. Họ là đầu rồng của chúng tôi”, một nhà nghiên cứu chính sách làm việc cho chính quyền Thâm Quyến nhận định.
Theo một báo cáo hiếm hoi được Sở Thống kê Thâm Quyến công bố năm 2016, Huawei là đơn vị đóng góp lớn nhất cho GDP thành phố, chiếm 7% tổng số, cụ thể là đóng góp 20,6 tỷ USD. Số tiền này xấp xỉ tổng mức đóng góp của 20 công ty xếp sau Huawei, bao gồm ZTE, Tencent, nhà sản xuất chip Foxconn và nhà sản xuất xe BYD.
Dù Thâm Quyến sau đó không công bố các con số vì chúng nhạy cảm, nhiều người tin rằng tầm quan trọng của Huawei đối với kinh tế Thâm Quyến đã tăng lên và hiện đóng góp hơn 10% cho GDP.
Huawei và các công ty con hiện tạo ra nhiều việc làm nhất cho thành phố, với 80.000 người làm việc tại tổng hành dinh ở Thâm Quyến và 3.000 làm việc tại một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới thành lập ở thành phố Đông Quản gần đó.
Nhưng giờ đây Mỹ cấm Huawei nhập khẩu linh kiện Mỹ, không cho hãng này triển khai mạng 5G với lý do quan ngại về an ninh quốc gia, thúc giục các đồng minh làm tương tự. “Vấn đề hiện nay nằm ở Washington. Thâm Quyến không thể giúp giải quyết tình trạng chuỗi cung ứng và thị trường nước ngoài của Huawei bị gián đoạn”, nhà nghiên cứu chính sách nói.
Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có thể cũng lọt vào tầm ngắm của Washington vì cạnh tranh Mỹ-Trung đang gia tăng. DJI hiện cung cấp gần 80% máy bay không người lái (drone) được sử dụng ở Mỹ và Trung Quốc.
Hồi năm 2017, Lầu Năm Góc đã có lệnh cấm quân đội nước này sử dụng drone do DJI sản xuất, báo Mỹ The Washington Times đưa tin. Theo trung tướng Joseph Anderson, quân nhân Mỹ được yêu cầu không dùng bất kỳ thống bay không người lái nào của DJI cũng như bất kỳ sản phẩm nào sử dụng linh kiện điện tử hoặc phần mềm của DJI, bao gồm máy tính, camera, radio, pin, thiết bị GPS…
Dù không đề cập trực tiếp cái tên DJI, Bộ An ninh nội địa Mỹ gần đây cảnh báo các công ty Mỹ về rủi ro an ninh mà drone sản xuất tại Trung Quốc gây ra. Người phát ngôn của DJI nói rằng, công ty đang theo sát đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu bị cắt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, DJI phải tự cường, trong một số trường hợp sẽ phải tự phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, Huawei vẫn là ưu tiên số 1 của chính quyền địa phương. “Trong khi chúng tôi để mắt tới các công ty khác, chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực giúp đỡ Huawei”, nhà nghiên cứu chính sách nói.
Một nguồn tin thân cận với Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Đông nói rằng, chính quyền tỉnh đã thành lập một lực lượng chuyên trách làm việc với các cơ quan liên quan ở ba thành phố Thâm Quyến, Quảng Châu và Đông Quản.
Lực lượng chuyên trách này đã gặp các công ty công nghệ đã hoặc sẽ bị tác động bởi chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung nhằm thảo luận về tác động đối với kinh doanh.
Đuôi rồng quẫy mạnh
Đồng bằng Châu Giang quanh Thâm Quyến là khu vực quan trọng đối với chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất hi-tech. Điều này có nghĩa rằng, cả khu vực đều dễ bị tổn thương trước hành động của Mỹ.
Các thành phố lân cận Thâm Quyến đều là thành tố của hệ sinh thái 3.000 tỷ nhân dân tệ (10,2 triệu tỷ đồng) hỗ trợ thị trường xuất khẩu của Thâm Quyến. Thị trường xuất khẩu này đạt giá trị 1.600 tỷ nhân dân tệ (5,4 triệu tỷ đồng) vào năm ngoái.
Allen Zhang, người sáng lập công ty sản xuất tai nghe Crazybaby, miêu tả chuỗi cung ứng là “thứ quan trọng nhất biến Thâm Quyến thành thủ phủ sản xuất”. “Có nhiều thành phố vệ tinh quanh Thâm Quyến như Đông Quản, Huệ Châu, Trung Sơn và chúng có thể tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cung cấp hầu hết mọi thứ từ nguyên liệu thô tới linh kiện máy tính với giá rất rẻ”, ông Zhang nói.
Tác động đối với chuỗi cung ứng sẽ rõ hơn trong vòng 2-4 tháng tới, theo chuyên gia tư vấn cao cấp Qiu Dongmin của Defangxin ở Đông Quản – công ty có nhiều khách hàng là các nhà sản xuất ở đồng bằng Châu Giang.
“Tác động của các biện pháp trừng phạt lĩnh vực điện thoại di động của Huawei sẽ không rõ ngay vì phần lớn đơn hàng điện thoại đã được Huawei và các công ty lớn khác thực hiện trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6”, ông Qiu nói.
“Nhưng từ tháng 8 tới tháng 10, các nhà cung cấp thường sẽ nhận thêm đơn hàng từ Huawei và các nhà sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu đối với các dòng điện thoại bán chạy nhất của họ. Đó sẽ là giai đoạn chính cần theo dõi đối với toàn bộ chuỗi cung ứng ở Thâm Quyến, Đông Quản và Huệ Châu”.
Qiu nói rằng, về mặt thực tế, Huawei không thể kiểm tra với từng nhà cung cấp là họ có sử dụng công nghệ, linh kiện Mỹ hay không (nếu sử dụng, họ không được phép bán cho Huawei). “Các nhà cung cấp cũng không muốn cho Huawei biết tất cả chi tiết kỹ thuật của họ. Tôi tin rằng, các công ty công nghệ có thể cần khoảng một tháng để có bức tranh rõ ràng hơn. Một số đang lo về tương lai của họ, một số khác lo họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ”, ông nói.
Ba công ty trong chuỗi cung ứng của Huawei khẳng định rằng, đại diện của Huawei gaanf đây liên lạc với học để xác nhận xem sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có dùng công nghệ Mỹ hay không.
Năm ngoái, Huawei có ngân sách mua sắm 70 tỷ USD và hãng đặt hàng với hơn 13.000 nhà cung cấp trong và ngoài Trung Quốc. Huawei coi 92 nhà cung cấp có vai trò cốt lõi đối với sản xuất-kinh doanh của hãng, bao gồm 33 nhà cung cấp đến từ Mỹ, 25 đến từ Trung Quốc đại lục, 11 đến từ Nhật Bản và 10 đến từ Đài Loan, và số còn lại đến từ Đức, Hàn Quốc, Hong Kong…
Xuất khẩu méo mặt
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ tác động lên các nhà cung cấp mà còn các nhà xuất khẩu. Do Mỹ tăng thuế, thương mại giữa Thâm Quyến và Mỹ giảm.
Theo số liệu từ hải quan Thâm Quyến, trong quý 1 năm nay, 17% kim ngạch của thành phố đến từ Mỹ, trị giá 57,4 tỷ nhân dân tệ (195 nghìn tỷ đồng), giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Guo Wanda, phó giám đốc điều hành Viện Phát triển Trung Quốc ở Thâm Quyến, nói: “Các công ty có thể phải cắt giảm lao động và một số công ty nhỏ có thể phải đóng cửa. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra”.
Guo cũng cho rằng, các thành phố lân cận Thâm Quyến như Đông Quản, Phật Sơn… sẽ chịu tác động mạnh hơn vì họ có nhiều nhà xuất khẩu hơn.
Dù áp lực của Mỹ gia tăng, các công ty ở khu vực vịnh lớn đang tăng tốc phát triển mạng 5G. “Chúng tôi cần phải tăng tốc vì khu vực này có 2 công ty dẫn đầu về 5G là Huawei và ZTE. Huawei đang sử dụng “lốp dự phòng”, bao gồm linh kiện và hệ điều hành riêng. Điều này sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới để thúc đẩy sự phát triển công nghệ”, ông Guo nói.
Chính quyền giảm thuế
Chính quyền Thâm Quyến đang tiếp tục mở rộng hầu bao rót tiền vào ngành công nghệ. Theo số liệu chính thức, năm ngoái, đặc khu kinh tế này chi 100 tỷ nhân dân tệ (340 nghìn tỷ đồng), tương đương 4,16% GDP của thành phố, cho nghiên cứu và phát triển, tăng 4,13% so với năm 2017.
Thâm Quyến dự định tăng con số này lên 4,25% vào năm tới, cao hơn 4,2% so với mức chi tiêu của các nước có lĩnh vực công nghệ dẫn đầu thế giới như Đức, Hàn Quốc…
Thâm Quyến cũng có kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới… Năm ngoái, những ngành này đóng góp 37% vào GDP, so với mức 40% trong hai năm trước đó. Mức này sẽ đạt 42% vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc sẽ giảm thuế để khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài công nghệ cao.
Tại Diễn đàn Tương lai 2019 diễn ra hồi tháng 5, Wang Lixin, phó thị trưởng Thâm Quyến, phát biểu, chính quyền thành phố sẽ miễn giảm thuế cho các nhân tài trong và ngoài Trung Quốc; cá nhân chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân tối đa là 15%.
“Ví dụ, bạn kiếm được 1 triệu nhân dân tệ (3,4 tỷ đồng) mỗi năm. Theo quy định mới, bạn chỉ phải đóng thuế thu nhập tối đa là 150.000 nhân dân tệ (510 triệu đồng), tiết kiệm được khoảng 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) so với mức hiện nay”, ông Wang nói.
Chính quyền đã có những bước đi cụ thể để giúp các nhà xuất khẩu. Sở Thương mại Thâm Quyến, Phòng Thương mại Hong Kong ở Quảng Đông đã giúp các nhà xuất khẩu hiểu rõ các chính sách thương mại mới nhất của Mỹ, đặc biệt là các quy định liên quan quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc hàm ý gì khi ra sách trắng về chiến tranh thương mại?
Sách trắng về chiến tranh thương mại với Mỹ không phải cách Trung Quốc chơi trò đổ lỗi, mà là sự chuẩn bị cho Bắc Kinh để quay lại bàn đàm phán, các nhà phân tích về Trung Quốc nhận định.
'Vũ khí' đất hiếm đáng sợ của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Năm 2018, Trung Quốc sản xuất hơn nửa đất hiếm được tiêu thụ trên toàn cầu và là nguồn cung ứng 80% đất hiếm cho phía Mỹ.
Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm đáng ngại vì chiến tranh thương mại
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 co lại với mức độ trầm trọng hơn dự đoán của thị trường, gây sức ép lên Bắc Kinh phải có biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế sau khi hứng một đón giáng mạnh từ Mỹ.
Chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ - Trung ra sức lôi kéo châu Âu
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra tình trạng bất định trên toàn cầu, và buộc các nước khác phải chọn một trong hai siêu cường.
Hậu quả lâu dài của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tiếp tục kéo dài và và leo thang sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái vào năm tới, các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Giữa chiến tranh thương mại, Mỹ đưa tàu chiến vào sát Trường Sa
Quân đội Mỹ cho biết một tàu chiến của họ vừa tiến vào gần đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), một cấu trúc mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Hành động diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang căng thẳng.
Nông dân Mỹ lao đao trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Giá đậu tương ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm sau đòn thuế của Trung Quốc khiến các nông dân trở nên lo sợ.
THÁI AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét