Ngồi bên ông Tập Cận Bình, TT Putin 7 lần "vỗ mặt" Mỹ không nể nang: Không hổ danh là "người bạn tốt nhất"!
Hồng Anh |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra khá nhiều lời bình luận, chỉ trích Mỹ và các chính sách của Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày hôm qua (7/6).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra khá nhiều bình luận về Mỹ và các chính sách của Mỹ khi ngồi kế bên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, hãng tin RT (Nga) đưa tin.
Trước đó, vào ngày 5/6, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ông coi Tổng thống Putin là "người bạn thân thiết nhất".
"Đây là chuyến thăm lần thứ 8 của tôi tới nước Nga kể từ năm 2013. Tôi và Tổng thống Vladimir Putin đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và cả tình bạn sâu sắc giữa hai cá nhân.
Trong vòng 6 năm qua, chúng tôi đã gặp nhau gần 30 lần. Đối với tôi, nước Nga là quốc gia đáng tới thăm nhất, và Tổng thống Vladimir Putin và người bạn thân thiết nhất và là đồng nghiệp tốt nhất của tôi", ông Tập cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập tuyên bố rằng ông Putin là "người bạn tốt nhất" của ông, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Và ông Putin cũng không hề làm bạn mình thất vọng khi nhiều lần chỉ trích chính sách của nước Mỹ trong bài phát biểu ngày hôm qua.
Theo RT, Mặc dù ông Putin không phải lúc nào cũng nêu đích danh nước Mỹ hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng ông đã có những lời phát biểu trực diện và không hề nể nang về những chính sách kinh tế hung hăng của chính quyền ông Trump.
Sau đây là 7 điểm đáng chú ý nhất về chính sách kinh tế gây tranh cãi của Mỹ được ông Putin nêu ra trong diễn đàn, từ việc Washington có thể biến kinh tế toàn cầu thành trận tử chiến, cho đến lời khuyên rằng vai trò của đồng USD cần được xem xét lại.
1. Quyền bá chủ của Mỹ mâu thuẫn với các mục tiêu trong tương lai của nhân loại
Những nỗ lực liều lĩnh của Washington nhằm duy trì quyền bá chủ trên trường quốc tế khiến cho mô hình toàn cầu của thế giới hiện nay đang có nguy cơ "trở thành một trò lừa gạt, nhại lại chính nó", ông Putin nói.
Cụ thể, khi các quy tắc quốc tế phổ thông được thay thế bằng luật pháp và các cơ chế hành chính - tư pháp của một quốc gia đơn lẻ hoặc một nhóm các quốc gia có ảnh hưởng - như việc Mỹ đang làm hiện nay thông qua cách mở rộng quyền tài phán trên toàn thế giới - thì mô hình đó không chỉ mâu thuẫn với logic truyền thông quốc tế và hiện thực của thế giới ngày càng rõ nét đa cực; mà điều quan trọng hơn cả, là điều đó không phù hợp với những nhiệm vụ của nhân loại trong tương lại.
2. Mỹ sử dụng đồng USD như một công cụ gây áp lực
"Những thay đổi sâu sắc đòi hỏi sự thích nghi của các tổ chức tài chính quốc tế, và xét lại vai trò của đồng USD. Sau khi đồng USD trở thành loại tiền tệ dự trữ quốc tế, nó đã được [Mỹ] sử dụng làm công cụ gây áp lực lên phần còn lại của thế giới ngày nay", ông Putin bình luận.
Chính quyền Mỹ "đang tự tay phá hủy những lợi thế của mình, vốn được tạo ra bởi hệ thống Bretton Woods. Mức tín nhiệm đối với đồng USD đang giảm dần", vị Tổng thống Nga khẳng định.
3. Mỹ biến nền kinh tế toàn cầu thành trận tử chiến
Chính sách trừng phạt và gây áp lực mà Mỹ đang theo đuổi rất có thể sẽ khiến "không gian kinh tế toàn cầu bị chia rẽ, tạo ra sự ích kỷ không đáy trong lĩnh vực kinh tế, và hành động nỗ lực thúc đẩy lợi ích của chính mình bằng con đường vũ lực."
Đây chính là con đường dẫn tới các cuộc xung đột vô tận, dẫn tới các cuộc chiến tranh thương mại và thậm chí là hơn thế nữa. Nói một cách hình tượng, thì đó chính là cuộc chiến không có luật lệ - tử chiến.
4. Chính sách dọa dẫm
Nước Mỹ và các đồng minh của họ đã quen với việc có các đặc quyền, đặc lợi, nhưng khi "hệ thống tiện lợi này bắt đầu rung chuyển, khi những đối thủ cạnh tranh của họ trở nên mạnh mẽ hơn một chút", thì phương Tây lại "bùng lên tham vọng và khao khát duy trì thế thống trị của mình bằng mọi giá", ông Putin nhận định.
"Các quốc gia trước đây từng ủng hộ các nguyên tắc tự do thương mại, cạnh tranh công bằng và cởi mở, giờ đây bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng của các cuộc thương chiến và các đòn trừng phạt, các hành động tấn công kinh tế trắng trợn, vặn vẹo, đe dọa và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh bằng những cái gọi là phương pháp phi thị trường", ông nói.
5. Khai mào cuộc chiến công nghệ đầu tiên của kỷ nguyên số
Ông Putin đã không quên nhắc tới "tình hình hiện nay của tập đoàn viễn thông Huawei" - đứa "con cưng" công nghệ của Trung Quốc bị vướng vào cuộc thương chiến vì những cáo buộc hoạt động gián điệp mà phía Trung Quốc khẳng định là "vô căn cứ". Công ty này vừa bị chính quyền ông Trump liệt vào danh sách đen cách đây không lâu.
Cụ thể, vị Tổng thống Nga đã nói thẳng rằng: Có những hành động được [Mỹ] thực hiện không chỉ để gây áp lực [với Huawei]. mà còn để ép tập đoàn này ra khỏi thị trường toàn cầu. Thậm chí ta có thể coi đây là cuộc chiến công nghệ đầu tiên của kỷ nguyên số, ông nhấn mạnh.
Sự thay đổi nhanh chóng trong mảng kỹ thuật số dường như nhằm "mở ra những chân trời mới cho mọi người, những người đã sẵn sàng cho sự thay đổi", nhưng những động thái của Washington cho thấy "những rào cản cũng được dựng lên" và đó là một trong những lý do khiến điều này cần được đặc biệt lưu ý.
6. Không chịu trả các hóa đơn của mình
Đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) đang được Nga thực hiện cũng bị Mỹ phản đối gay gắt, mặc dù dự án này phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga và tất cả các quốc gia châu Âu tham gia.
"Nhưng điều này không phù hợp với logic và lợi ích của những người tin rằng mình là duy nhất, là có quyền ra lệnh cho người khác, những người đã quen với việc để người khác chi trả cho những hóa đơn của mình", ông Putin nói.
7. Một hệ thống bất công sẽ không bao giờ ổn định
Theo lời Tổng thống Putin, việc Mỹ thúc đẩy thế độc quyền đã đưa vấn đề bất bình đẳng lên"một cấp độ mới" - cả ở cấp độ nhà nước và cá nhân.
"Trong khi một thế giới được quyền tiếp cận các hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe hiện đại, cũng như các công nghệ hiện đại, thì một thế giới khác không có triển vọng, càng không có cơ hội để thoát khỏi nghèo đói, và thậm chí là phải chiến đấu để sinh tồn", vị Tổng thống Nga phân tích.
Bất kỳ hệ thống nào được xây dựng dựa trên sự bất công sẽ không bao giờ có được sự ổn định và cân bằng, ông Putin kết luận.
theo Trí Thức Trẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: SASHA MORDOVETS/GETTY IMAGES)
TQ oằn mình dưới đòn thương mại liên hoàn, Nga tức tốc vung 3 "tấm khiên" yểm hộ Bắc Kinh
Văn Xá |
Nhiều dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài và lôi cuốn tầm ảnh hưởng. Những động thái quan trọng của Nga gần đây liệu có trở thành thách thức lớn đối với Mỹ?
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo đồng minh Mỹ khi sử dụng các sản phẩm của Huawei, cũng như ban hành lệnh cấm vận đối với hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, ngoài những phản ứng cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ từ giới chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc, giới quan sát cũng có quan điểm nghi vấn rằng liệu chiến dịch của Mỹ có thực sự là vì an ninh quốc gia, hay mục đích thật sự là ngăn chặn Trung Quốc giành lợi thế cạnh tranh?
"Ẩn số" quan trọng hàng đầu mà ông Trump phải lường trước là xu thế ngày càng thân thiết của hai đối thủ hàng đầu của Mỹ: Trung Quốc và Nga. Sau sau đòn trừng phạt mạnh nhắm vào Huawei Trung Quốc, dường như thực tế này đang ngày càng rõ ràng, và chắc chắn là bất lợi rất lớn đối với Mỹ.
Tài khoản Wechat của tờ Nhật báo Bắc Kinh nêu, ngay sau lệnh trừng phạt Huawei của Trump, giới chức của Nga đã có những hành động cụ thể đẩy mạnh hỗ trợ Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như trang thiết bị 5G của Huawei, hệ thống định vị vệ tinh, và Nông sản.
Quảng bá cho Huawei
Dường như Nga đã có hành động “vào cuộc” ngay sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố nước Mỹ vào tình trạng khẩn cấp (ngày 16/5), trao cho Bộ Thương mại Mỹ quyền hạn lớn hơn để cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị Huawei vì lý do “đe dọa an ninh quốc gia”.
Tối cùng ngày, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê Huawei Trung Quốc vào danh sách thực thể đe dọa an ninh Mỹ.
Ngày 19/5, hãng tin Sputnik của Nga cho biết, hãng viễn thông lớn VimpelCom của Nga lập tức phản ứng bằng thái độ ủng hộ Trung Quốc khi lên tiếng rằng thiết bị của Huawei không có rủi ro bảo mật, đã chuẩn bị sử dụng 5G, mạng viễn thông tại Moscow đang chuyển hoàn toàn sang dùng thiết bị Huawei.
Theo công ty này, hiện nay thiết bị Huawei trong thiết bị mạng viễn thông Moscow của Nga là 85%, nhưng đến trước tháng 9 sẽ dùng hoàn toàn 100% thiết bị Huawei.
Không chỉ vậy, mạng viễn thông tại thành phố Saint Petersburg (Nga) của công ty cũng đang thực hiện chuyển đổi tương tự [dùng hoàn toàn 100% thiết bị Huawei].VimpelCom không chỉ hỗ trợ Huawei bằng những hành động thiết thực mà còn đứng ra giới thiệu Huawei với thế giới.
Tổng giám đốc Alexander Izosimov của VimpelCom cho biết: “Chúng tôi không biết chi tiết về tình hình ở Mỹ, chúng tôi [chỉ] biết tình hình của mình tại đây.”
Izosimov chỉ ra, thứ nhất là thiết bị mà công ty sử dụng được toàn cầu hóa và quy chuẩn hóa, nhiều nước khác đều chú trọng vấn đề an ninh quốc gia nhưng vẫn đang sử dụng thiết bị [của Huawei]; thứ hai, thiết bị phải thông qua chứng nhận cần thiết tại địa phương, thông qua kiểm tra của cơ quan chức năng liên quan.
Ông này cho biết, các thiết bị Huawei đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra có thể, và không chỉ tuân thủ các yêu cầu an toàn của Nga mà còn tuân thủ các yêu cầu an toàn toàn cầu.
Hợp tác lớn về công nghệ và nông sản
Sina dẫn nguồn tin cho biết, ngay sau khi ông Trump ban hành lệnh cấm vận Huawei, Văn phòng Thông tin Chính phủ Nga đã đưa ra thông điệp, theo đó vào cuộc họp ngày 17/5 Chính phủ Nga đã thông qua phê chuẩn Dự thảo “Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Beidou và GLONASS giữa hai nước Nga -Trung”.
Hiệp định này được khởi động tại Bắc Kinh vào ngày 07/11/2018 nhằm đảm bảo về mặt pháp lý và tổ chức cho sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực vệ tinh định vị toàn cầu. Hiệp định quy định về mặt hợp tác phát triển và sản xuất thiết bị định vị dân dụng thuộc hệ thống GLONASS và Beidou, hợp tác chế định tiêu chuẩn ứng dụng Nga-Trung sử dụng công nghệ định vị của hai hệ thống này, bao gồm tiêu chuẩn giám sát lưu lượng giao thông xuyên biên giới giữa hai nước.
Trong vấn đề này, truyền thông Nga nhấn mạnh, hiệp định còn bao gồm các điều lệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngài ra, Nga cũng đang chuẩn bị hợp tác lớn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại nông sản.
Sputnik ngày 15/5 chia sẻ phát biểu của ông Sergei Lujanin, Viện trưởng Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết trong môi trường quốc tế hiện nay, ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho Trung Quốc thì Nga hoàn toàn có thể cung cấp hầu hết hoặc một số sản phẩm nhất định.
Nga có cơ hội khách quan, và đặc biệt lớn để lấp đầy một phần khoảng trống về nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc, phát triển hợp tác sản xuất nông nghiệp Trung-Nga.
Tại Bắc Kinh tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev đã thảo luận về việc xuất khẩu đậu nành, sản phẩm sữa và thịt của Nga, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng hóa phục vụ cho mục đích này.
Trong một tuyên bố, Bộ Phát triển Viễn Đông Nga cho biết, Trung Quốc đã phê chuẩn cho 90 doanh nghiệp Nga chuẩn bị cung cấp sữa và gia cầm.
Theo Tuyên bố, hai nước thông qua kế hoạch phát triển nông nghiệp ở Viễn Đông và Đông Bắc Trung Quốc, giới đầu tư Trung Quốc đã tham gia vào các dự án nông nghiệp ở Viễn Đông Nga.
Hợp tác đa phương
Thực tế, như dự tính trước căng thẳng thương mại Trung - Mỹ kéo dài, ngay từ ngày 13/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã tổ chức hội đàm để thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc chia sẻ quan điểm của ông Lavrov tại hội đàm rằng Trung Quốc là đối tác quan trọng của Nga trên trường quốc tế. Trong nhiều lĩnh vực, hợp tác song phương đã đạt đến tầm cao chưa từng có. Năm 2018, quy mô thương mại Nga-Trung đã lập kỷ lục lịch sử. Ông tiết lộ, hai nước hiện đang xây dựng các dự án đầu tư trị giá 120 tỷ USD.
Ông Lujanin trả lời họp báo ở Moscow hôm 15, cho biết các chuyên gia của Viện Viễn Đông dự đoán vào năm 2019 khối lượng thương mại Nga-Trung Quốc sẽ tăng từ 27% đến 30%, sẽ đạt 135 đến 137 tỷ USD, đây là ước tính mức dè dặt nhất.
Ông Lujanin chỉ ra, tăng trưởng thương mại Nga-Trung sẽ thúc đẩy hợp tác tích cực giữa hai nước trong các lĩnh vực khác nhau. Một mặt Nga có thể hợp tác với Trung Quốc để phát triển công nghiệp nông nghiệp; mặt khác là hợp tác đầu tư Nga-Trung, như thành lập các công ty liên doanh ở Siberia, Viễn Đông và các vùng khác của Nga; ngoài ra còn có một hướng khác là tích cực tận dụng các cơ hội từ trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Có phân tích cho rằng, với xu thế phạm vi hợp tác Trung-Nga ngày càng rộng lớn hơn, biện pháp trừng phạt của Huawei có thể gây hiệu ứng ngược đối với doanh nghiệp Mỹ, chắc chắn sẽ gây tổn hại lợi ích đối với các nhà cung cấp Mỹ; đồng thời thực tế hiển nhiên là cũng thúc đẩy Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ độc lập về công nghệ.
Khi công nghệ Trung Quốc trỗi dậy được trong nghịch cảnh, Nga sẽ một lần nữa chứng minh thế nào là mô hình hợp tác giữa các cường quốc, qua đó có tác dụng hiệu ứng lôi kéo thêm liên minh đi theo.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét