"Khi
một nhà văn buộc phải cầm bút thay thế cho nhà viết sử thì đất nước đó đã bắt
đầu điêu linh"!
(Sử gia Yamamoto Tatsuo Nhật Bản )
THUNG LŨNG CỦA NHỮNG LINH HỒN VÀ NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ ( Phần 1)
Ký sự về
trận 12/7/1984, của Đặng Việt Châu
Ngày 8/7/1984
Về đến làng Mè thì tiểu đoàn đã tổ chức hành quân. Tôi trở lại sở chỉ huy
trung đoàn hỏi rõ vị trí tập kết của đơn vị. Rạng sáng ngày 10/7 mới tìm gặp được
anh Kham tham mưu trưởng, anh trực tiếp đưa tôi đến căn hầm cạnh đường xuống cầu
treo Thanh Thủy tại khu vực kilomet 6-vị trí tập kết của tiểu đoàn. Lúc này
Thanh cũng vừa đi kiểm tra đơn vị trở về. Chia tay, anh Kham nắm chặt tay tôi bịn
rịn như không muốn rời.
Hơn 2 tuần căng thẳng lặn lội trinh sát nắm địch, đồng thời tổ chức cho đơn
vị làm các công tác chuẩn bị cũng như hành quân chiến đấu. Trông thể trạng
Thanh rất mệt mỏi. Sau khi trao đổi sơ bộ tình hình đơn vị Thanh xin phép đi ngủ
để lấy sức.
18h ngày 11/7, tiểu đoàn được lệnh hành quân chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Đồng
chí Thanh lại trực tiếp dẫn từng phân đội vào vị trí chiến đấu của mình.
20h Thanh mới trở về sở chỉ huy tiểu đoàn tại hẻm núi đối diện với D3-cách
mục tiêu khoảng 500m. (Hẻm núi này là nơi cất giữ nhiều hũ đựng tro cốt người
quá cố, chắc là của dân bản Nậm Ngặt)
Hai chúng tôi cùng đi kiểm tra đơn vị lần cuối. Suốt cả tuần, trời mưa
không dứt. Đất mềm nên lính ta cũng nhanh chóng moi được mỗi anh một cái hầm
cóc, có anh đã tranh thủ đánh giấc.
Tới Đột kích 1, phân đội đi đầu kể cả đồng chí C trưởng Nguyễn Văn Minh đều
lưng trần chân đất, nai nịt gọn gàng sẵn sàng xung trận. Phải nói rằng tinh thần
chiến đấu của bộ đội ta lúc này rất tốt. Suốt 3 ngày đêm, kể từ lúc hành quân
vượt Cốc Nghè. Mưa lạnh cơm sấy, nước suối mà chẳng hề có tiếng kêu ca phàn
nàn. Khi về tới các phân đội trực thuộc, anh em xin ăn hết khẩu phần cơm sấy và
thịt hộp dự phòng để khi xuất kích cho nó gọn. Thanh không nói gì. Hai chúng
tôi im lặng trở lại sở chỉ huy. Khi chỉ còn tôi và anh, Thanh mới nhỏ nhẹ nói: “Cứ để cho anh em nó ăn, chứ biết ngày mai
có còn nữa không mà ăn.” (Mỗi khi nhớ lại mà cảm thấy xót xa...)
Tác giá, CCB Đặng Việt Châu và Blog P.V.Đ.
21h Thanh lên cơn sốt người nóng rực, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Tôi
gọi đồng chí Ba quân y sĩ cho tiêm thuốc hạ sốt và trợ sức. Nửa giờ sau cơn sốt
hạ, Thanh bảo đói, muốn ăn cái gì đó nong nóng. Tôi cho bộ đội quây kín chăn
dùng ăng-gô lấy một nắm đậu xanh nấu cháo pha với sữa bảo Thanh uống và nói với
anh rằng: “Lúc này mọi công việc coi như đã ổn, tinh thần bộ đội tốt. Thắng bại
là ở ông, gắng mà ăn hết chỗ cháo này.”
Nhưng Thanh cũng chỉ ăn được rất ít. Thanh nói nhỏ với tôi: “Giá được bát canh rau thì hay biết mấy”.
Lúc này tôi mới nhớ ra, trên đường tiền nhập. Khi qua bản Nậm Ngặt tôi có nhặt
được một quả bí non bằng nắm tay và đã nhét vào cóc ba lô của mình. Tôi bảo đồng
chí Khanh liên lạc lấy ra luộc chín, Thanh ăn được nửa quả bí luộc và uống hết
chỗ nước canh, rồi thiêm thiếp ngủ...
BLOG P.V.Đ và chị Lan vợ LS Thanh Tiểu đoàn trưởng D 3, E 876, F 356
hy sinh trong trận 12/7/1984; Ảnh chụp tại Lễ ra mắt CCB F 356 tháng 3/2019
0 h 10 phút ngày 12/7
Đồng chí Hồ Sĩ Hoa C phó C11 trở lại sở chỉ huy. Lúc này Thanh đã trở dậy
ngồi túc trực bên máy bộ đàm. Tôi đang tranh thủ chợp mắt. Sau khi trao đổi với
đồng chí Hoa tình hình phía trước, Thanh gọi tôi dậy và bảo anh sẽ đi lên phía
trước cùng Đột kích 1, còn mọi việc tôi cứ theo phương án tác chiến mà chỉ huy
chiến đấu. Chúng tôi so lại đồng hồ. Tôi bảo đồng chí Khanh liên lạc đi cùng với
anh. Giắt khẩu K54 vào bụng, choàng thêm tấm chăn dù, tay xách khẩu AK, cùng một
số chiến sĩ, anh lẫn vào trong đêm tối.