1. Hồ Gươm có tự bao giờ ?
Trong những ngày bình yên, chân dạo bước lang thang bên Hồ, ngắm mặt nước, ngám Tháp Rùa, ngắm những cánh hoa lộc vừng bay rơi bay đỏ rực…và đôi bạn trẻ đang thả hồn theo mây trời…lòng lại tự hỏi: Hồ Gươm có tự bao giờ ?
Chỉ biết rằng, cách đây chừng 6 thế kỷ, vào năm 1490, dựa theo bản đồ thời Hồng Đức thì khi ấy dường như phần lớn xung quanh kinh thành là nước. Khi ấy Hồ Hoàn Kiếm là một phần lưu sông Hồng chảy qua vị trí của các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối…Nơi rộng nhất phân lưu này hình thành nên hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Xưa hồ có nhiều tên gọi như Hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân. Nhưng cái tên Hồ Gươm, còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 (khoảng năm 1428), gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần, sau khi đánh đuổi giặc nhà Minh ra khỏi bờ cõi đất Việt, được nhắc đến nhiều nhất, trở nên gần gũi, thân thương và trân quý nhất trong lòng người Hà Nội và cả nước.
2. Hồ Gươm – Một lẵng hoa đẹp trong lòng thành phố
Nhiều nghiên cứu cho rằng về hình thái học, đô thị Việt Nam như là một sự chuyển tiếp kéo dài từ làng sang đô thị theo khái niệm phổ biến. Về bản chất chúng là phố thị gồm những dãy phố với những ngôi nhà ở kiểu ống, vừa là nơi sống, vừa là nơi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Các khu phố cổ hoặc cũ ở Hà Nội, Hội An và Huế phản ánh khá đầy đủ những đặc điểm xã hội và hình thái học kiến trúc của cấu trúc đô thị Việt cổ truyền. Cho đến nay trong cấu trúc này vẫn lộ rõ một đặc điểm, sự cùng tồn tại khá bình đẳng thành phần của các thời, sự chuyển hóa mền mại của các không gian. Về cấu trúc, đô thị Việt Nam luôn tồn tại song song giữa truyền thống và hiện đại, giữa mới và cũ, giữa lịch sử và sự phát triển; giữa cấu trúc đô thị truyền thống và cấu trúc đô thị theo lí thuyết qui hoạch mới; giữa văn hóa đô thị cổ truyền và văn hoá đô thị hiện đại (thể hiện rõ ở các đô thị Hà Nội, Huế, Hội An…).
Bởi vây, trải qua thời gian khu vực Hồ Gươm và phụ cận, nơi lưu giữ một nguồn di sản văn hóa lớn, có giá trị, đa dạng và phong phú, luôn được coi là khu trung tâm truyền thống của Hà Nội, là khu vực giao thoa, khu vực chuyển tiếp rất hài hòa giữa khu phố cổ (36 phố phường) và khu phố cũ (khu phố “Tây”), là một điển hình về nghệ thuật tổ chức không gian, là biểu tượng tinh thần vô giá của người Hà Nội và cả nước.
Hồ Gươm đẹp không phải chỉ ở yếu tố cảnh quan (cây xanh, mặt nước), công trình kiến trúc, yếu tố văn hóa – lịch sử…mà còn trở lên linh thiêng với yếu tố tâm linh của một vùng đất “Địa linh, nhân kiệt). Với dáng vẻ yêu kiều, thơ mộng trong cả bốn tiết trời Xuân, Hạ, Thu, Đông…Hồ Gươm đẹp như một lẵng hoa lung linh giữa lòng thành phố.