LĐO |
00:00
02:55
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo không nên có ý nghĩ chủ quan ở thời điểm này vì nguy cơ xâm nhập dịch COVID-19 từ những nước xung quanh vẫn rình rập.
Ngày 16.6, Bắc Kinh (Trung Quốc) cấm những người có nguy cơ cao rời khỏi thủ đô, tạm dừng một số dịch vụ vận chuyển, phong toả 29 cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch COVID-19 sang các thành phố và các tỉnh khác.
Vậy tại Việt Nam, nguy cơ xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 2 như thế nào? Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về vấn đề này.
- Thưa ông, đã 62 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, chúng ta đã nên tính đến phương án công bố hết dịch hay chưa?
- Chúng ta đã có 62 ngày liên tiếp không có dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch từ nước ngoài tràn vào thì chưa đảm bảo 100% ngăn chặn được vì còn có những nguời đi bằng đường không chính thức như từ Trung Quốc hay các nước láng giềng khác vào Việt Nam. Không ai đảm bảo rằng trong những người đó không mang trong mình căn bệnh COVID-19 đi vào cộng đồng. Do đó, tôi nghĩ là chưa nên công bố hết dịch ở Việt Nam.
- Vậy điều kiện công bố hết dịch như thế nào và liệu việc không công bố hết dịch có ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta hay không, nhất là nguồn đầu tư từ nước ngoài, thưa ông?
- Thực ra theo quy định của pháp luật trong phòng chống bệnh truyền nhiễm thì chỉ cần 28 ngày không có dịch có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên trong tình trạng hiện nay, xung quanh đất nước chúng ta còn có nguy cơ lớn chẳng hạn như Bắc Kinh (Trung Quốc) sau 56 ngày không có dịch thì lại bùng phát và rất nguy hiểm. Hàng ngàn người cách ly sơ tán, trường học phải đóng cửa.
Do đó, việc công bố hết dịch ở nước ta có thể tạo ra tâm lý chủ quan trong nhân dân và chính các cơ quan phòng chống dịch. Công bố hết dịch hay không không ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế xã hội vì thực tế chúng ta đã hoạt động trở lại bình thường. Còn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ không dựa vào việc chúng ta có công bố hết dịch hay không mà họ sẽ khảo sát tình hình và có con số thống kê của họ.
- Nhiều nước đang đứng trước việc tái bùng phát dịch, nguy cơ làn sóng thứ 2 tại Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Với tình hình hiện nay, tôi không dám khẳng định việc có hay không việc bùng phát làn sóng thứ 2 nhưng mà chúng ta vẫn có nguy cơ xuất hiện dịch trong cộng đồng nếu không ngăn chặn được người có bệnh đi vào cộng đồng và cách ly kịp thời họ. Tuy nhiên, với cách khống chế dịch của Việt Nam, thì tôi không nghĩ có làn sóng dịch thứ 2 rầm rộ như các nước khác.
- Theo ông, thời điểm nào công bố hết dịch là hợp lý?
- Bây giờ tình hình dịch thế giới vẫn phức tạp, nếu chẳng hạn hôm nay chúng ta công bố hết dịch nhưng ngày mai có một ca dịch mới lại công bố có dịch. Như thế rất bất hợp lý!
Vì thế, thứ nhất, việc công bố hết dịch hay không công bố theo tôi là chờ lúc không có nguy cơ xâm nhập từ quốc tế vào Việt Nam. Các nhà dịch tễ học đánh giá không còn có nguy cơ xâm nhập. Hệ thống phòng thủ Việt Nam đảm bảo không có nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng nữa.
Thứ hai là chờ đến lúc Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế công bố nguy cơ dịch không lớn nữa, hoặc dịch COVID-19 chuyển sang dịch cúm thường.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét