Cây si bên Hồ Gươm bật gốc sau trận mưa đêm
TPO - Sau trận mưa đêm 14/5, cây si được trồng sát mép Hồ Gươm bất ngờ bật gốc, nghiêng mình xuống hồ, phần tán lá lớn ngập trong nước.
Sáng nay (15/6), nhiều người dân không khỏi bàng hoàng khi thấy cây bên Hồ Gươm đoạn gần giáp với đường Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bật gốc, lộ nguyên bộ rễ, phần tán lá ngập hẳn xuống mặt hồ nước, một đoạn vỉa hè đã cũng bị hất tung theo hệ thống rễ của cây.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm xác nhận có trường hợp cây đổ bên Hồ Gươm: "Cây đổ sau trận mưa gió lớn và dài hôm qua, đây là cây si lâu năm được trồng ngay sát mép hồ".
"Tháng 6 là bắt đầu tháng mưa bão, mới có mưa thế thôi mà cây đã đổ rồi, không biết mưa giông lớn hơn, bão vào thì sẽ như thế nào. Quanh hồ có rất nhiều cây như thế này, tuy đã dựng lại nhưng nhìn trơ trọi mà lãng phí", một người dân đi tập thể dục cho biết.
Trong sáng nay, lực lượng thuộc đơn vị quản lý cây xanh đô thị đã có mặt, cắt tỉa cành, tán lá. Cây si chỉ còn phần thân gỗ trơ trọi, được dựng lên, giữ bằng những sợi dây.
DUY PHẠM
Gặp ông Đức "rùa" tản mạn về linh thiêng hồ Gươm
0 Thanh Xuân
ANTD.VN - PGS.TS sinh học Hà Đình Đức là người dành 1/4 thế kỷ gắn bó với rùa hồ Gươm và cũng ngần ấy năm, ông lặn lội đi về giữa nhà riêng (phố Thanh Lương) và hồ Hoàn Kiếm. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông là “nhà rùa hồ Gươm học” hay đơn giản chỉ là ông Đức “rùa”.
PGS.TS Hà Đình Đức bên tiêu bản rùa hồ Gươm cuối cùng tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Cơ duyên gắn bó với “cụ” rùa
Gặp PGS.TS Hà Đình Đức mà hỏi ông về rùa hồ Gươm thì ông sẽ nói cả ngày không hết chuyện. Bởi đó là sự nghiệp nghiên cứu của ông và cũng là 25 năm gắn bó với loài rùa đặc biệt này. Thủ thỉ tâm tình, vị Phó Giáo sư này cho biết, ông tuổi Thìn, cầm tinh con rồng, sinh ra bên dòng Lương Giang (nay là sông Chu) ở Thanh Hóa. Tháng 10-1959 rời miền quê xứ Thanh, ông ra Hà Nội học tập rồi sau đó công tác cho đến tận hôm nay.
Tháng 3-1991 trong một lần đi ngang qua hồ Gươm được chứng kiến “cụ” rùa nổi trên mặt hồ và đây là lần đầu tiên ông “gặp” cụ rùa sau hơn 30 năm sống và làm việc tại Hà Nội. Cuối năm đó, Công ty dịch vụ khai thác du lịch thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội mời ông nghiên cứu về loài rùa quý hồ Gươm. Như duyên trời định, ông gắn bó với rùa hồ Gươm từ đó đến nay với biết bao câu chuyện vui - buồn đáng nhớ.
Từ cụ rùa sống trong hồ Gươm, ông đã lần giở lại những trang huyền thoại trong dân gian, để nối lại thần Kim Quy cho An Dương Vương mượn thanh bảo kiếm chém đầu gà tinh trắng (kẻ phá kế xây thành) của nhà vua, đến chuyện trả gươm thần của Vua Lê Thái Tổ trên hồ Lục Thủy, để rút ra bài học về quy luật “vay - trả” ở đời. Đồng thời đây cũng là bài học về lòng khát khao yêu chuộng hòa bình. Việc gác binh khí chấm dứt chiến tranh của Vua Lê Thái Tổ trở thành biểu trưng của dân tộc Việt Nam và cũng là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội “Thành phố vì hòa bình”.
Và qua nghiên cứu, tìm hiểu cũng như liên tưởng theo dòng lịch sử, PGS.TS Hà Đình Đức đã đặt ra giả thuyết rằng rùa hồ Gươm là loài rùa được thả mà không phải là sinh vật bản địa. Bởi ông đã tới Lam Kinh, dưới bia có hình ảnh con rùa đội bia đá có đặc điểm rất giống với rùa hồ Gươm khi mai mềm mà không phải mai cứng như các loài rùa khác. Qua nói chuyện với người dân địa phương, ông đã được nghe nhiều câu chuyện về loài rùa ở Lam Kinh có kích thước rất lớn và được dân gian ví von rằng, có thể lật con rùa đó lên và ngồi trên đó thay cho chiếc thuyền trên sông. Vì thế, ông cho rằng, có thể, vua Lê Lợi đã đưa loài rùa từ quê hương mình (Thanh Hóa) ra Hà Nội để thả và gắn liền với truyền thuyết vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy trên hồ Hoàn Kiếm
Đề xuất nhiều ý tưởng cho Hà Nội
Đặc biệt, khi nói về rùa hồ Gươm, PGS.TS Hà Đình Đức nhắc rất nhiều tới tính linh thiêng. Theo ghi nhận của PGS.TS Hà Đình Đức, mỗi lần rùa hồ Gươm nổi đều nhận được sự quan tâm của nhiều người dân Hà Nội. Vì người ta tin rằng, không phải vô cớ mà “cụ” xuất hiện. Bằng việc ghi chép lại những lần “cụ” rùa nổi, PGS.TS Hà Đình Đức nhận thấy có sự trùng hợp khá lý thú về các lần rùa hồ Gươm “lộ mặt”.
Vào dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, đúng 6h30 sáng, cụ rùa nổi lên khá lâu duới chân cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn ở hồ Gươm (Hà Nội). Hay vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 2007, vào buổi chiều 30-4, rùa hồ Gươm lại nổi trong suốt 1 tiếng về phía đường Lê Thái Tổ gần nhà hàng Thủy Tạ. Hàng trăm người vây quanh trên bờ chiêm ngưỡng và bàn tán sôi nổi. Chưa hết, vào đúng dịp Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động đón chào Hội nghị cấp cao APEC và mừng Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, đúng 11h trưa, cụ bò lên nằm trên chân Tháp Rùa…
Gần cả cuộc đời gắn bó với loài rùa độc đáo này, đến khi cá thể rùa cuối cùng của hồ Gươm không còn, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn chưa hết bận rộn với công việc. Thành phố Hà Nội đã chủ trương bảo quản xác cụ rùa và giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện công việc này. Đương nhiên, với một công việc phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cao không thể thiếu sự tham vấn của ông Đức “rùa”.
Các chuyên gia người Đức và các nhân viên của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành công việc chế tác bằng phương pháp nhựa hóa, phương pháp hiện đại nhất trên thế giới, không những giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật mà còn giữ được cả xương. Với quá trình thực hiện kéo dài qua nhiều năm, PGS.TS Hà Đình Đức đều theo sát các chuyên gia Đức trong việc chế tác tiêu bản rùa Hồ Gươm, từ khâu tạo khung cho tới việc hoàn thiện các chi tiết cuối cùng như mắt, đặc điểm nhận dạng như các vết sẹo. Dù tuổi cao, phải đi lại nhiều lần, nhiều ngày với bao công sức và thời gian nhưng ông không ngần ngại. Các ý kiến góp ý của ông đã giúp cho tạo dáng của “cụ” được thật nhất, sống động nhất.
“Cụ” rùa hiện nay đang được bảo quản và trưng bày tại đền Ngọc Sơn để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng. Thế nhưng, ông Đức “rùa” vẫn chưa được nghỉ ngơi. Bởi ông còn nhiều tâm huyết với cảnh quan xung quanh hồ Gươm và Hà Nội. Mà gần đây nhất, ý tưởng về xây dựng cột mốc số 0 của ông đã được UBND quận Hoàn Kiếm đồng ý và tiến hành tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu. Trước đó, PGS.TS Hà Đình Đức còn đề xuất các ý tưởng tổ chức lễ hội vua Lê đăng quang, hội thảo khởi nghĩa Lam Sơn, đặt tên phố Đào Cam Mộc…
Đương nhiên, không phải đề xuất nào của ông cũng là chí lý nhưng người ta không thể không phủ nhận được tấm lòng của ông quả thực chí tình. Ông yêu hồ Gươm, yêu lịch sử văn hóa Hà Nội đến mức tôn sùng, luôn trăn trở suy nghĩ và đóng góp các ý kiến bằng tất cả khối óc, con tim để bảo vệ vẻ đẹp của hồ Gươm nói riêng và của cảnh quan kiến trúc, lịch sử văn hóa Hà Nội nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét