Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Quảng Bình: Làng kỳ lạ có cả trăm cây thị cổ, hái trái xanh nấu với nhái bà mà ra đặc sản

 Thứ ba, ngày 16/06/2020 07:30 AM (GMT+7)

Nằm ở bờ nam sông Son, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mang trong mình một không gian huyền hoặc như trong cổ tích với cây đa, bến nước, mái đình. Và đặc biệt là xã Mỹ Trạch có hàng trăm cây thị cổ thụ vẫn tỏa bóng mát, cho trái thơm lừng

Huyền tích “làng thị”
 
Xã Mỹ Trạch gồm 2 làng cổ xưa là Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung gộp lại mà thành (còn làng Cao Lao Hạ nay là xã Hạ Trạch).
 
Mảnh làng nằm bên bờ nam sông Son này vốn là một trong những nơi người Chăm khai hoang lập đất trước đó hàng nghìn năm.
Quảng Bình: Làng cổ tích có hàng trăm cây thị cổ thụ, lấy trái xanh nấu với nhái bà mà ra đặc sản - Ảnh 2.
Cây thị cổ thụ có tuổi đời trên 300 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Gái ở xã Mỹ Trạch.
Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến, vùng đất gồm các làng Cao Lao Thượng, Cao Lao Trung, Cao Lao Hạ và vùng đồi núi rộng lớn phía sau làng được gọi là Ba Trại, là nơi đồn trú của quân đội nhà Nguyễn để đối trọng với vùng đất Ba Đồn của chúa Trịnh phía bờ bắc sông Gianh.
Vốn hình thành từ những ngôi làng cổ xưa, xã Mỹ Trạch hôm nay vẫn mang trong mình những dấu tích xưa cũ và có một không gian huyền hoặc như cổ tích với cây đa, bến nước, mái đình…

Đặc biệt hơn, Mỹ Trạch còn có một thứ “đặc sản” mà rất ít ngôi làng Việt có được, đó là hàng trăm cây thị cổ thụ qua hàng trăm tuổi vẫn tỏa bóng mát và đều đặn cho những mùa “quả thị thơm, cô Tấm rất hiền” như trong câu chuyện cổ tích.

Theo các bậc cao niên sống gần trăm tuổi ở xã Mỹ Trạch, cây thị ở đất này có từ khi nào chính họ cũng không biết được, chỉ biết rằng khi chào đời và lớn lên họ đã thấy trước sân nhà hiển hiện những cây thị cao ngút tầm mắt, tỏa bóng sum suê và cho quả vàng ươm, thơm lừng vào khoảng rằm tháng bảy âm lịch hàng năm.
 
Như cây thị của cụ Nguyễn Thị Gái (87 tuổi) ở giữa xã Mỹ Trạch cao hơn 30m, gốc thị sần sùi, 3 người ôm không xuể, cành lá quanh năm xanh tốt, tán cây xòe rộng cả một vùng. Theo lời cụ Gái, cây thị này có từ bao giờ cụ cũng không biết chính xác. Khi lớn lên, cụ Gái đã thấy cây thị sừng sững trước sân nhà.
 
“Ông bà thân sinh tui kể, cây thị ni có từ thời ông bà cố của tui. Tính đến nay, nó phải có hơn 300 tuổi rồi đó”, cụ Gái nói.    
 
Ở xã Mỹ Trạch hiện vẫn lưu truyền một câu chuyện truyền thuyết để giải thích nguồn gốc về cây thị.
 
Chuyện kể rằng, người Chăm từng sinh sống trên mảnh đất này chẳng có gì làm đặc sản dâng các vị vua Chăm. Họ đã kiếm nhiều giống cây quý từ các địa phương khác về trồng, nhưng cây chẳng đơm hoa kết trái.
 
Một hôm, có người nông dân nghèo vào rừng hái củi, bỗng nhiên ông ngửi thấy một hương vị lạ từ sâu trong rừng. Đi mãi đến mỏi chân, ông đứng trước một cây cổ thụ xum xuê trái, trái chín căng mọng, vàng óng, thơm đến lạ.
 
Chưa bao giờ ngửi được mùi thơm như thế, người nông dân vừa bẻ một đôi trái ngửi vừa nếm, thấy ngọt, liền đưa về báo cho vị quan chủ vùng. Vị quan lập tức cho người bứt trái để dâng vua. Nhà vua tiếp nhận quả lạ, thích ngay mùi thơm của quả, hỏi quả gì, người Cao Lao vốn giọng quá “nặng”, đang muốn nói "Thì chưa biết quả gì" nhưng phát âm chữ "thì" thành chữ "thị".
 Vua Chăm nghe vậy liền gọi đó là thị. Từ đó, người làng Cao Lao Thượng và Cao Lao Trung vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo khắp làng để hàng năm lấy quả tiến vua.
 
Không biết truyền thuyết cây thị có thật hay không, nhưng thị có rất nhiều ở xã Mỹ Trạch mà các xã khác quanh vùng không hề có.
 
Lý giải việc này, ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch nói: "Mỹ Trạch là vùng gò đồi cao, là đất thịt có pha lẫn chút cát nên trồng được thị.
 
Giống thị thích nơi cao ráo, nước không cần nhiều nhưng phải thoáng. Rứa nên khắp cả huyện, cả tỉnh chẳng có nơi nào nhiều thị như quê tôi".
 
Đặc sản “thị xanh nấu với nhái bà”
 
Về Mỹ Trạch vào mùa thị chín (tháng 7 âm lịch), được ngửi hương thị thơm lừng, tâm hồn của bạn sẽ đầy cảm xúc và nhẹ nhàng hơn giữa cuộc sống xô bồ thời hiện đại.
 
Những câu chuyện cổ tích ngày xưa của bà, của mẹ cùng ký ức ngày thơ ấu xa xôi chợt hiện về nguyên vẹn qua câu thơ quen thuộc của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền...”.
 
Với người dân Mỹ Trạch, đặc biệt là những người xa quê lâu năm, những cây thị cổ thụ ở làng còn làm họ nhớ da diết về một món ăn quê hương thời khốn khó mà nay đã thành đặc sản, đó là món: “thị xanh nấu với nhái bà”.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân, người hiện đang sở hữu “bí kíp” nấu món “thị xanh nấu với nhái bà” ngon nhất xã Mỹ Trạch cho biết, hiện chị thường nấu món này để “ship” cho những người Mỹ Trạch xa quê ở tận TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
 
Những người lớn tuổi ở xã Mỹ Trạch bùi ngùi nhớ lại rằng, ngày xưa, thời “bao cấp” trở về trước, cuộc sống khốn khó, người dân Mỹ Trạch thường tận dụng tất cả những gì có sẵn trong vườn nhà như các loại rau lang, mồng tơi, rau đay, hoa chuối… hay ra đồng mò cua bắt ốc để “cải thiện”.
 
Mà ở Mỹ Trạch thì thứ nhiều nhất vẫn là thị, đặc biệt trái thị lúc còn xanh có vị hơi chát, người dân nghĩ rằng những thứ chát sẽ rất ngon nếu kết hợp với những con có chất hơi tanh. Cây thị ra quả xanh vào khoảng tháng ba, tháng tư (âm lịch).
 
Lúc này, trời thường xuất hiện những cơn mưa giông, ngoài đồng xuất hiện nhiều nhất là loài nhái nép mình dưới những gốc rạ vừa gặt. Cơn mưa giông vừa dứt cũng là lúc người dân Mỹ Trạch xách giỏ ra đồng tìm bắt những chú “nhái bà” (nhái lớn) đem về nấu với quả thị xanh. Sự kết hợp ngẫu nhiên đó không ngờ đã tạo ra một món ăn ngon, truyền đời qua bao thế hệ và bây giờ nó đã thành một món đặc sản.
 
Theo lời chị Xuân, chế biến món “thị xanh nấu với nhái bà” cũng mất khá nhiều công và cầu kỳ. Con nhái sau khi làm sạch thì bỏ cùng các loại gia vị: củ nén, ớt xanh, hạt tiêu… rồi băm nhỏ, vo lại thành viên và phi cho săn lại.
 
Sau đó bổ quả thị xanh thành từng miếng và bỏ vào kho chung với thịt nhái viên, đun nhỏ lửa cho đến khi sền sệt nước. Lúc này, món ăn sẽ không còn vị tanh của nhái, vị chát của quả thị nữa mà chỉ còn lại là vị ngọt thơm, béo bùi, đậm chất hương đồng, gió nội, ai đã từng một lần được ăn thì nhớ mãi…
 
“Trước đây, nhái còn nhiều, người dân Mỹ Trạch thường chế biến món này để ăn trong bữa cơm hàng ngày. Nhưng bây giờ, con nhái rất hiếm, khó bắt nên “thị xanh nấu với nhái bà” đã trở thành món đặc sản, ai muốn ăn phải đặt trước rất nhiều ngày mới có…”, chị Xuân chia sẻ.
Phan Phương

Không có nhận xét nào: