Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

‘Không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật’

RFA

Ảnh minh họa: Hình bìa sách ‘Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với học sinh THPT hiện nay’ của hai cô giáo Đào Thị Dần và Ngô Thị Hương Thơm, ở Hưng Yên.
Ảnh minh họa: Hình bìa sách ‘Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với học sinh THPT hiện nay’ của hai cô giáo Đào Thị Dần và Ngô Thị Hương Thơm, ở Hưng Yên.
 Nguồn: Tác giả














‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ của Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nộị bị phát hiện mắc những lỗi sai chính tả nghiêm trọng. Phát hiện như thế gây ‘sốc’ công chúng tuần qua. Dù đã được thu hồi vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng qua sự việc này, Việt Nam cần xây dựng ‘Luật tiếng Việt’.

Nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, nên ban hành ‘Luật tiếng Việt’ cũng như có quy định chặt chẽ hơn trong Luật xuất bản để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam khi trả lời truyền thông quốc nội cũng cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Theo ông, Việt Nam sẽ có luật tiếng Việt trong thời gian tới. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận, quy trình để có luật không hề đơn giản. Ngoài ra, nếu không có một bộ luật tiếng Việt đủ trọng lượng, thì những vướng mắc thời gian qua cũng không thể giải quyết được.

Hiện tượng ngôn ngữ không thể giải quyết bằng luật

Không bao giờ những hiện tượng ngôn ngữ mà có thể giải quyết bằng một bộ luật cả. Cái đó là thực tiễn trên toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, cho biết ý kiến của mình:
“Vấn đề là luật đó nói cái gì? Không bao giờ những hiện tượng ngôn ngữ mà có thể giải quyết bằng một bộ luật cả. Cái đó là thực tiễn trên toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam. Luật là chỉ giải quyết một số vấn đề thôi, ví dụ hiến pháp đã quy định tiếng chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, đúng... cái đó phải đưa vào luật. Cái đó rất quan trọng, nếu tôi làm cái đơn tôi gởi nhà nước, thì tôi dùng tiếng Việt, chứ tôi dùng tiếng Anh thì không được, ví dụ như thế...
Tuy nhiên ông cho rằng, có những chuyện luật chưa đề cập, chẳng hạn như chữ viết như thế nào, địa vị chữ quốc ngữ như thế nào, thì họ chưa đưa vào luật... Ông nói tiếp:
“Nhiều vấn đề khác liên quan đến ngôn ngữ, có thể có tranh chấp, chia rẽ, chẳng hạn như tiếng của các dân tộc ít người ở Việt Nam, thì địa vị như thế nào, thì tất cả những cái đó đáng đưa vào luật cả. Cũng có một số có luật rồi, tuy nhiên những luật đó không ở cấp cao. Tuy nhiên không hy vọng có thể giải quyết được toàn bộ. Tôi nghĩ các nhà ngôn ngữ học khi họ nói cần một bộ luật cho tiếng Việt, họ cũng ý thức được chuyện đó, họ cũng ý thức luật chỉ giải quyết được một số trường hợp.”
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, ngay cả khi có luật tiếng Việt cũng không thể quy định từng trường hợp sử dụng cụ thể của tiếng Việt, mà chỉ có thể nêu ra những quy định chung, trong đó có những quy định chung về chuẩn chính tả. Theo ông, trong tiếng nói và chữ viết, bên cạnh cái chung bắt buộc phải theo cũng có những cái mang tính cá nhân.
Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên lạc, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tuy nhiên ông từ chối trả lời:
“Phỏng vấn cái gì... chứ cái đó bây giờ mình đang ở trong tình thế... mình... mình không trả lời được đâu nhé... Xin thông cảm cho mình nhé... cảm ơn.”
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017.
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. RFA Edited
‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. Nhưng sau 3 năm xuất bản đã bị thu hồi vì bị dư luận phản ứng khi là một quyển từ điển về chính tả nhưng lại bị sai chính tả.
Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó Đại học An Giang, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Đúng là bây giờ tình trạng mỗi người tiếp nhận vấn đề mỗi cách khác nhau, nhưng đúng là rối. Nền giáo dục rối. Nó chắp nối những vấn đề không liên quan đến nhau mà thành ra chuyện. Chẳng hạn như chuyện cải cách chữ tiếng Việt như ông Bùi Hiền ráp nối cách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại.”
Trước đó, nhiều vấn đề liên quan đến tiếng Việt cũng gây nhiều tranh cãi, mỗi nơi mỗi kiểu như đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền đưa ra gần đây gây nên tranh cãi trong công chúng.
Theo ông Bùi Hiền, một trong những lý do cho đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 chữ cái xuống còn 31 chữ, là để “tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính”...
Hay như trướng hợp Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khiến dư luận hoang mang khi tài liệu Sách tiếng Việt lớp 1 có giới thiệu các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng, được đem ra phân tích cho rằng gây nhiều nhầm lẫn.
Ngôn ngữ là vấn đề của giới nghiên cứu, vấn đề thuyết phục công chúng, vì ngôn ngữ nó có cái riêng của nó, không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật được.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Qua những trường hợp vừa nêu, tuy không thể áp dụng vào luật, nhưng liệu có cần xây dựng một hướng dẫn tiêu chuẩn cho tiếng Việt? Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định:
“Chuyện này phải tách ra làm hai vấn đề. Chuyện tròn vuông, rồi dạy theo kiểu thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, là một câu chuyện học thuật, không bao giờ nhà nước xen vào chuyện ấy, chuyện học thuật thì nhà nước không liên quan, đó là giới học thuật nói chuyện với nhau...”
Còn về việc xây dựng một tiêu chuẩn cho chính tả thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhiều nước đã làm, nhưng Việt Nam chỉ có một số văn bản, giới hạn trong một Bộ nào đó của chính phủ. Ví dụ như Bộ Nội Vụ họ có một văn bản về chính tả, để phục vụ cho các công văn giấy tờ. Ông nói tiếp:
“Họ có quy định đó, nhưng trong những quy định đó, họ không giải quyết được tất cả các trường hợp chính tả. Vì họ chỉ quy định viết hoa đối với địa danh, nhân danh... thì viết như thế nào, họ chỉ quy định chính tả liên quan những cái như thế. Chứ không phải tất cả các từ ngữ mà có vấn đề chính tả thì Bộ Nội Vụ quy định, mà có lẽ cũng không nên quy định. Cái đó là chuyện của giới tự điển họ làm. Gần đây xảy ra những việc liên quan chính tả, chẳng qua do họ làm ẩu thôi, chứ còn không có bao nhiêu vấn đề học thuật ở đây.”
Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây, cho rằng:
“Bản thân tôi có ý của tôi, tôi có phương châm của tôi, tôi tồn tại mấy chục năm rồi, tôi độc lập với họ… Tôi không biết, cái đấy là việc của nhà nước, nhà nước phải xử lý. Đó là một vấn đề về xã hội, tôi không quyết định được. Trong xã hội này nó có nhiều xu hướng, nhiều nhu cầu, nhiều lợi ích, cái đó thì tôi không can thiệp. Mỗi người sống có lý tưởng và mục đích của mình, tuỳ họ chọn lựa.”
Trở lại với việc xây dựng ‘Luật tiếng Việt’, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, ngôn ngữ là vấn đề của giới nghiên cứu, vấn đề thuyết phục công chúng, mà theo ông việc thuyết phục là quan trọng hơn, vì ngôn ngữ nó có cái riêng của nó, không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật được.

Không có nhận xét nào: