Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đăng bức ảnh này trên Twitter, cho biết: "Những gậy gắn đinh do binh sĩ Ấn Độ thu được từ địa điểm đối đầu ở thung lũng Galwan. Sự man rợ này phải bị lên án. Đây là côn đồ, không phải binh lính".
Hình ảnh được chia sẻ hôm 18-6 cùng ngày Ấn Độ tổ chức tang lễ cho các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ chết người đầu tiên tại biên giới hai nước kể từ năm 1975. Hình ảnh được tờ India Today và đài BBC đăng tải đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.
Lữ đoàn trưởng Trung Quốc vẫy cờ trắng trong đụng độ Trung - Ấn? - Ảnh 1.
Hình ảnh thanh gậy gắn đinh được lan truyền trên mạng. Ảnh: Twitter
Đài BBC nói rằng họ nhận được hình ảnh này từ một quan chức cấp cao Ấn Độ phụ trách vấn đề biên giới với Trung Quốc. Quan chức này nói rằng đây là vũ khí mà các binh sĩ Trung Quốc đã dùng trong cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ và Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về bức ảnh này.


Phía Ấn Độ xác nhận 20 quân nhân thiệt mạng sau vụ việc trong khi Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về số thương vong. Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin nói rằng Bắc Kinh có thể đã có 43 người thiệt mạng hoặc bị thương.
Lữ đoàn trưởng Trung Quốc vẫy cờ trắng trong đụng độ Trung - Ấn? - Ảnh 2.
Ấn Độ tổ chức tang lễ cho các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ Trung - Ấn ở biên giới. Ảnh: Reuters
Căng thẳng khu vực tranh chấp bắt đầu từ đầu tháng 5 khi các quan chức Ấn Độ cho biết binh lính Trung Quốc vượt qua ranh giới từ 3 vị trí khác nhau, dựng lều, chốt bảo vệ và phớt lờ cảnh báo rời đi. Vụ việc dẫn đến các cuộc ẩu đả bằng đá và đánh đấm.
Căng thẳng trở nên nghiêm trọng khi các binh sĩ Ấn Độ phá hủy trại của lực lượng Trung Quốc dựng lên phía bên biên giới của Ấn Độ.
Vụ đụng độ biên giới Ấn-Trung khiến một số người bị thương, lực lượng Trung Quốc rút đi nhưng sau đó quay trở lại với số lượng binh sĩ đông hơn cùng "trận mưa" ném đá vào cuối tuần rồi.
Các vụ đụng độ kể trên diễn ra ở độ cao 4.300 m, không sử dụng một viên đạn nào bởi hiệp ước hòa bình cấm nổ súng trong bán kính 2 km từ Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Lữ đoàn trưởng Trung Quốc vẫy cờ trắng trong đụng độ Trung - Ấn? - Ảnh 3.
Lực lượng Ấn Độ tạm nghỉ trên đường trước khi đến Ladakh trong tuần này. Ảnh: Reuters
Nhưng đến hôm 15-6, cuộc đụng độ chuyển thành giao tranh toàn diện ở thung lũng Galwan, nhiều người đã thiệt mạng vì rơi xuống sông băng lạnh lẽo bên dưới.
Trong số binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng có đại tá B. Santosh Babu, chỉ huy trung đoàn 16 Bihar. Ông này tới gặp các chỉ huy phía Trung Quốc để bàn việc xuống thang căng thẳng song bị lực lượng Trung Quốc đánh trọng thương, sau đó tử vong.
Theo báo chí Ấn Độ, sau khi nhóm của đại tá Babu bị tấn công khoảng 40 phút, một nhóm khác cũng của trung đoàn 16 Bihar quay lại và trả đòn ác liệt, làm khoảng 60 binh sĩ Trung Quốc bị thương nặng.
Cuộc đối đầu hôm 15-6 kéo dài từ 3-8 giờ (theo nhiều nguồn tin khác nhau). Phía Ấn Độ cho hay một lữ đoàn trưởng Trung Quốc đã nhiều lần vẫy cờ trắng trong cuộc xung đột.
Lữ đoàn trưởng Trung Quốc vẫy cờ trắng trong đụng độ Trung - Ấn? - Ảnh 4.
Hình ảnh các binh sĩ Ấn Độ bị trói bên bờ sông ở khu vực tranh chấp biên giới. Ảnh: Daily Mail
Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm 19-6 dẫn các hình ảnh vệ tinh của Công ty Planet Labs cho thấy Trung Quốc đã đưa máy móc lên mở đường trên dãy Himalaya và ngăn một con sông.
"Dường như Trung Quốc đang xây dựng các con đường ở thung lũng Galwan và có thể đang ngăn sông Galwan" – ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Chống phổ biến hạt nhân Đông Á thuộc Viện Middlebury (Mỹ), đánh giá.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy sự xuất hiện của 30-40 chiếc xe ở phía Ấn Độ và hơn 100 chiếc ở phía Trung Quốc tại khu vực biên giới.
Xuân Mai (Theo Reuters, Daily Mail)