Trà Khánh |
Giới chuyên gia Ấn Độ lo ngại việc mua tên lửa S-400 từ Nga sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc phá hoại hệ thống phòng không của nước này theo cách không ai có thể ngờ tới.
Tờ Topwar của Nga dẫn lời chính trị gia và chuyên gia kinh tế Ấn Độ Subramanian Swamy cho biết, các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà Thủ tướng Narendra Modi đã ký với Moscow không có ý nghĩa đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ, bởi chúng không thể bảo vệ New Delhi trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ông Swamy còn đưa ra nhận xét khá sốc về khả năng Ấn Độ mua các hệ thống phòng không S-400 Triumph từ Nga.
Cụ thể, theo chính trị giá Ấn Độ, hệ thống phòng không S-400 của Nga được chế tạo bằng các linh kiện điện tử có nguồn từ Trung Quốc, và không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không này.
"Hiện tại, Nga là đối tác lớn của Trung Quốc, vì vậy các linh kiện điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc nhiều khả năng được sử dụng trong việc chế tạo S-400, chính phủ của Thủ tướng Modi không nên mua hệ thống phòng không này, nhất là khi một cuộc xung đột với Bắc Kinh có thể diễn ra bất cứ lúc nào", ông Swamy nhận định.
Theo như tuyên bố của ông Swami, việc Quân đội Ấn Độ sở hữu các hệ thống phòng không sử dụng linh kiện điện tử Trung Quốc rõ ràng là mối đe dọa nghiêm trọng.
Cũng theo chính trị gia Swami, New Delhi không cần đến tên lửa S-400 để bảo vệ không phận của nước này trước các mối đe dọa đến từ Pakistan hay Trung Quốc.
"Bản thân S-400 là một vũ khí tuyệt vời nhưng sử dụng chúng để đối phó với Trung Quốc và Pakistan sẽ không hiệu quả", ông Swamy cho biết.
Bên cạnh đó, ông Swamy còn cho rằng nếu New Delhi sẽ vướng vào những rắc rối không đáng có khi mua S-400 từ Nga bởi lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ. Điều này sẽ tác động xấu đến mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ hiện tại. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình.
Việc ông Swamy cáo buộc Nga sử dụng linh kiện Trung Quốc chế tạo hệ thống phòng không S-400 được xem là thông tin khá nhạy cảm, bởi nó có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Ấn. Mặt khác chính trị gia Ấn Độ đưa ra thông tin trên mà không đi kèm bất cứ bằng chứng nào.
Ngay cả truyền thông Ấn Độ cũng tỏ ra hoài nghi những tuyên bố của ông Swamy về sự tham gia của Trung Quốc trong việc chế tạo các hệ thống phòng không S-400.
Theo Topwar, Trung Quốc hiện là một trong những "mắt xích" quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay như các tập đoàn quốc phòng của Mỹ còn thuê công ty công nghệ Trung Quốc gia công một số loại linh kiện điện tử phục vụ dây chuyền sản xuất vũ khí cho Quân đội Mỹ cũng như xuất khẩu.
Thậm chí một số loại vũ khí Mỹ bán cho Ấn Độ gần đây cũng được cho là sử dụng linh kiện của Trung Quốc như máy bay vận tải C-130J Super Hercules, máy tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chưa có bất cứ thông tin nào cho thấy Tập đoàn Almaz-Antey "cha đẻ" của S-400 hợp tác hay sử dụng các linh kiện từ Trung Quốc để chế tạo hệ thống phòng không tầm xa này. Do đó việc cáo buộc S-400 sử dụng linh kiện Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của loại vũ khí này trên thị trường vũ khí.
Topwar cũng nhận định, rõ ràng ông Swami đã quá thiên vị người Mỹ và tìm cách ngăn cản New Delhi xúc tiến các cuộc đàm phán mua S-400.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga trong cuộc tập trận tại Buryatia vào tháng 4 vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét