Hồi ký
Trong văn học, cũng như trong đời sống, có những con người lầm lũi, suốt đời không một lần chói sáng, chẳng được “Thà một phút huy hoàng…”. Họ lặng lẽ đi qua cuộc sống, lẩn khuất đâu đó trong đám đông vô danh, đầu chẳng nhô cao hơn chung quanh dầu chỉ đôi phần, không một lần to tiếng…, và khi đã đi hết con đường của họ trên cõi dương này thì sẽ mãi mãi chìm đi trong lãng quên. Tài năng của họ, nếu họ có ít nhiều tài năng nào đó, chủ yếu được làm bằng sự cặm cụi, kiên trì, dũng cảm một mình, anh hùng một mình, không ai biết, chẳng cần, chẳng để ai biết.
Ấy thế mà đôi khi chính những con người như vậy lại là người bắt đầu, người tạo nên một thay đổi nào đó, về sau sẽ trở nên rất đáng kể trong văn học, thậm chí cả trong tinh thần xã hội. Bắt đầu một cách lặng lẽ, lầm lũi, và khi cái “mới” đã thật sự trở thành mới, ồn ào, vang dội thì không còn ai nhớ đến kẻ đã bắt đầu ấy nữa. Chính kẻ ấy dường như đã bị đẩy lùi, bị gạt ra bên lề của cuộc đi tới rộn ràng.
Thời Văn nghệ Quân đội tôi có một người bạn thân và chung thủy, vâng, chung thủy, nói thế không sai đâu: Nguyễn Trọng Oánh. Oánh là kiểu người như vậy: một người bắt đầu lầm lũi, âm thầm, “vô danh”.
Ngay cái kiểu chúng tôi quen rồi thân với nhau đã khá là “Nguyễn Trọng Oánh”: không ồn ào, vồ vập, đến với nhau rất chậm, nhưng rồi qua năm tháng, hơn nửa thế kỷ rồi đấy – trời ơi thế mà gần trọn đời người rồi – qua thử thách càng hiểu, càng gần, càng thân nhau hơn. Một người “đồng chí” đích thực, theo cái nghĩa rất xưa của từ này, thời Cần Vương hay là thời gì đó, cũng chí hướng không lay chuyển.
Tôi muốn nói rõ điều này: thời Văn nghệ Quân đội, lớp thế hệ chúng tôi, khi bắt đầu chống Mỹ, ngoài Nguyễn Thi và tôi vốn là dân miền Nam nay trở về chiến trường là chuyện đương nhiên, Nguyễn Trọng Oánh là người miền Bắc chính cống đầu tiên duy nhất xung phong vào Nam, và anh đi rất sâu, rất lâu, đằm mình đến cùng, hết mình, hy sinh tất cả – tôi không nói to tiếng quá đâu – trong cuộc chiến đấu tử sinh ấy. (Nam Hà thuộc lớp sau một ít, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân… là lớp sau nữa).
Ngày nay ở Văn nghệ Quân đội hình như không còn ai nhớ ai nhắc đến điều ấy, vô tình hay cố ý. Oánh bắt đầu lầm lũi; chiến đấu, làm việc, viết, sống lầm lũi, cơ cực; kết thúc cũng lầm lũi, cơ cực. Trong khi các bạn bè anh, rất lắm người chẳng chút nào bằng anh, cứ rộn rã lên tá, lên tướng, lên đủ thứ, hơn hớn.
Hồi ấy, thỉnh thoảng, lâu lắm, tôi đang ngồi làm việc, nghe có tiếng gõ cửa khe khẽ. Mở cửa: Oánh. Cái xe đạp tàng tàng, vứt ngay Bờ Hồ không khóa chẳng ma nào thèm lấy. Bộ quân phục tàng tàng. Cái mũ cối tàng tàng, không có sao: Anh thuộc diện đang sắp bị cho về hưu. Oánh dân xứ Nghệ, lại là cái xứ Nghệ Nghi Lộc, giọng nói nặng trịch, hết sức khó nghe, lại chỉ nói thì thào – tính Oánh vẫn thế, bây giờ sức yếu lắm rồi, càng thì thào hơn. Chúng tôi ngồi nói chuyện ở bộ xa-lông tàng tàng của tôi, vợ con tôi trong nhà nghe chẳng hiểu được gì hết. Chính tôi cũng phải chong tai lên căng thẳng lắm may ra mới hiểu được. Con tôi hỏi:
– Bác ấy nói tiếng Miên hả bố, hay là tiếng Tây Nguyên?…
Anh em chúng tôi ai cũng bảo: Thằng Oánh, cái số nó khổ suốt đời. Trông tướng thì biết: bao giờ cũng thiểu não.
Con tôi đùa:
– Bác Oánh là vụ trưởng vụ lễ tang mà!