TAND thành phố Hà Nội dự kiến xét xử vụ án Đồng Tâm vào tháng 8/2020, nhưng luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị can vẫn chưa thể tiếp cận hồ sơ vụ án.
Về vụ án Đồng Tâm, trước đó hôm 5/6, báo chí nhà nước cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã đưa ra kết luận điều tra dài 47 trang gửi VKSND đề nghị truy tố 29 người (họ đều là người thôn Hoành hoặc thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm).
Trong đó, 25 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Giết người” gồm các ông, bà: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
4 người bị đề nghị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” gồm các ông, bà: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng.
Đến hôm 25/6 (chỉ sau 20 ngày), VKSND Hà Nội đã nhanh chóng ra cáo trạng truy tố 29 người này. Chính quyền Hà Nội cho biết đây là án điểm (vụ án trọng điểm) nên phiên tòa xét xử sẽ sớm được mở.
Đến hôm qua (6/7), báo chí nhà nước lại rầm rộ đưa tin, vụ án Đồng Tâm sẽ được TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào tháng 8/2020.
Thế nhưng, điều đáng nói là luật sư bào chữa lại chưa được tiếp cận hồ sơ.
Trong một bài viết trên trang cá nhân hôm 5/7 với tựa đề: “Phiên tòa câm?”, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay:
“Ngay khi kết thúc giai đoạn điều tra và ra bản kết luận điều tra, các luật sư đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội được tiếp cận để đọc, sao chụp hồ sơ nhưng bị khước từ.
Khi hồ sơ vụ án được chuyển qua VKSND thành phố Hà Nội, các luật sư đề nghị cơ quan này để đọc, sao chụp hồ sơ nhưng cũng bị khước từ với nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là KSV được phân công phụ trách vụ án này bận công tác. Đến khi VKSND thành phố Hà Nội ban hành bản cáo trạng, chưa luật sư nào được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Sau khi hồ sơ được chuyển qua TAND thành phố Hà Nội để chuẩn bị đưa ra xét xử, mặc dù các luật sư liên tục liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản để đề nghị được sao chụp hồ sơ vụ án này để có cơ sở pháp lý để bào chữa cho các thân chủ nhưng tất cả đề nghị chính đáng của luật sư, tới thời điểm này đều không được chấp nhận. Cũng trong giai đoạn này, khi một số luật sư vào Trại giam số 2, Công an thành phố Hà Nội để thăm gặp các bị can nhưng cũng bị từ chối nốt. Mọi nỗ lực tiếp cận hồ sơ vụ án cũng như tiếp cận thân chủ của các luật sư trong vụ án này đã bị ngăn chặn.
Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về quyền của luật sư như sau: “Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra”. Như vậy, việc cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, bằng nhiều “thủ thuật” khác nhau để khước từ quyền tiếp cận, sao chép tài liệu có trong hồ sơ vụ án là xâm phạm tới quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và gián tiếp xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của các bị cáo.
Dường như số phận những người dân Đồng Tâm trong vụ án này đã được định đoạt từ trước khi phiên tòa diễn ra khi mà tới thời điểm này, luật sư không có được bất cứ thứ gì từ các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ cho họ, ngoại trừ những cáo buộc một chiều trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Là người từng tham gia nhiều vụ án chính trị được xem là nhạy cảm do Bộ Công an là cơ quan thực hiện việc điều tra nhưng trong nhiều năm qua, chưa cơ bất kỳ vụ án nào mà tôi không sao chụp được hồ sơ vụ án cả! Vụ án này thực sự kinh khủng hay là người ta đang cố tình nâng tầm nó lên để có lý do để tung hô chiến công “lừng lẫy” của mình cũng như che dấu những sai sót (nếu có) trong quá trình trấn áp, xử lý hành vi vi phạm pháp luật…
Tôi đang không hình dung nổi, kịch bản phiên tòa xét xử sơ thẩm sắp tới của TAND thành phố Hà Nội sẽ diễn ra thế nào, lẽ nào tất cả các luật sư do gia đình các bị cáo mời đều câm lặng, nhường lời cho những lời cầu xin tha thứ của các luật sư chỉ định; hay vì tự trọng nghề nghiệp mà các luật sư câm lặng kia sẽ xin với thân chủ để được phép từ chối bào chữa cho họ (do trở ngại khách quan) vì nếu tiếp tục ngồi đó, có khi lại là cách để bản án dành cho họ trở nên hợp pháp hơn mà thôi.
Tôi thấy thật bi quan và bất lực trước thế thời…”.
Luật sư Trần Hồng Phong viết: “Nếu đến ngày xử mà luật sư vẫn chưa được đọc hồ sơ thì có khả năng đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Có thể sẽ đi vào sử sách. Nhưng tôi nghĩ có thể trong vài ngày nữa thư ký sẽ gọi điện mời các luật sư lên sao chụp hồ sơ. Toà án thủ đô là phải văn minh, lịch sự, đúng luật. Chả lẽ gì”.
Tài khoản Trần Văn Tuấn: “Luật sư giỏi mà không xem được hồ sơ vụ án thì làm sao bào chữa?”
Milan Nguyễn: “Hầu hết toàn bộ những vụ án tương tự như thế này, hoặc dạng như là tuyên truyền chống nhà nước.., tôi thấy vai trò của luật sư gần như là bằng không. Tôi theo dõi thấy các phiên tòa thì luật sư nói họ cũng ít khi cho trình bày, có trình bày họ nếu cũng không xem xét. Rồi bản án vẫn quyết theo ý họ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét