22/07/2016
PHẢN BIỆN BÀI VIẾT “CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT
LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT”
Tô Văn Trường
TS Nguyễn Đức Thắng: Trước tiên tôi phải rất cám ơn TS.
Tô Văn Trường viết
bài phản biện đối với bài viết của tôi. Tôi thực sự đã làm anh vất vả. Áy này
và cảm tạ vô cùng. Sau đây, những phần tô hồng là do tôi viết để đỡ “đòn”. Tuy
nhiên khả năng đỡ đòn có hạn và cũng vì đây là Fair Forum nên tôi nhờ PGS. TS
Trần Hồng Côn đỡ đòn hộ những gì mà TS. TVT chưa được thỏa mãn. Tại sao tôi lại
nhờ anh Côn vì tôi còn nhớ một buổi chiều hè chủ nhật, dịp khoảng tháng 7/1970,
thế mà đã 46 năm rồi, anh Côn, tôi và các anh Thích, Thân, Cường, Dũng, Ngọc,
Phố v.v. khoảng gần chục anh xuống sân đá bóng gôn tôm (gôn mini) tại kí túc xá
Albertov thuộc khoa Khoa học tự nhiên, trường Karlova Universita Praha (Cộng
hòa Séc hiện nay). Sinh viên Việt Nam mình ở các trường khác đến chơi với bọn
tôi đều gọi là “chuồng chim Albertov”. Anh Côn đội bên kia, tôi đội bên này.
Anh Côn là tiền đạo, tôi là hậu vệ. Anh Côn thi đấu rất quyết liệt, giầy mới
xịn, có đinh thép ở đế sáng choang. Tôi hôm đó, giầy đá bóng giặt chưa khô,
nhưng vì các anh cứ kéo, do thiếu người, nên đi chân đất, làm hậu vệ. Anh Côn
dẫn bóng lao như điên vào gôn bên tôi, tôi nhìn bóng và xông lên chặn. Thế nào
mà quả bóng không bị anh Côn đá, tự nhiên đầu ngón chân phải của tôi kêu rắc
một cái. Ôi đau quá! Tôi tin là anh Côn không chủ ý, nhỡ, bỏ qua. Ngón cạnh
ngón cái bị vẹo hẳn sang một bên, tập tễnh mấy ngày thấy hết đau. Nhưng để lại
dị tật cho đến tận ngày nay. Nay “bắt đền” anh Côn bằng nhờ trả lời anh TVT
những câu hỏi rất hóc của anh Trường!
TS Tô Văn Trường: Bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về
nguyên nhân cá chết” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng đã được đăng tải rộng rãi
trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước trong mấy ngày qua, gây xôn xao
công luận vì cho rằng kết luận của Chính phủ đã công bố ngày 30/6/2016 dựa trên
cảm tính, suy diễn chủ quan.
Đây là bài báo có hàm lượng khoa học cao, có chính kiến, thể
hiện sự quan tâm nghiêm túc của tác giả đối với nguyên nhân cá chết ở miền
Trung.
1. Về phenol, cyanua là những độc tố mạnh
Tác giả cho rằng nguyên nhân làm cá chết cấp tính hàng loạt chia
làm 2 loại cụ thể sau:
a) Bị tiếp xúc/phơi nhiễm với độc tố, đến đủ nồng độ gây chết
LC50.
b) Bị chết do thiếu oxy.
Hai nguyên nhân này khác nhau cơ bản về bản chất hóa học và cơ
chế gây chết. Kết luận đã công bố thuộc về nguyên nhân a), vì phenol và cyanua
được coi là những độc tố mạnh. Suy diễn này đã bỏ qua điều kiện bắt buộc cần có
là nồng độ của phenol và cyanua trong nước biển khi đó phải lớn hơn hoặc bằng
LC50.