Rót tiền vào “sân sau”, làm lợi bất chính
Tại hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, có người không những 1 “sân trước” mà còn 4 - 5, thậm chí tới 14-15 “sân sau”. Theo ông, thực trạng “sân sau” gây hệ lụy gì tới nền kinh tế cũng như nguồn vốn của nhà nước?
Nếu khái niệm công ty “bình phong” mới xuất hiện gần đây thì thuật ngữ “sân sau” đã có từ lâu rồi. Thuật ngữ “sân sau” nói lên tất cả, đó chính là “sân nhà mình”, “trong nhà mình”. Vậy họ dựng ra “sân sau” để làm gì? Thực chất đó chính là nơi người ta rót vốn, rót tiền từ chính công ty mình quản lý, hoặc tiền ngân sách vào đó để làm lợi bất chính.
“Sân sau” thực chất là vụ lợi, chứ không phải thuật ngữ “công ty mẹ, công ty con” vốn được coi là trong sáng. Lẽ ra anh phải rót vốn nhà nước vào công ty chính, đằng này lại rót vốn vào các công ty “sân sau”. Thậm chí có những người không chỉ 1, 2, mà có đến 14 - 15 “sân sau” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra. Vậy thì ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đâu còn phục vụ cho những nhiệm vụ chính nữa?
Nhiệm vụ chính của anh là kinh doanh mặt hàng này, sản xuất mặt hàng kia, nhưng anh lại hình thành ra các “sân sau”. Mục tiêu chủ yếu của “sân sau” là kinh doanh tổng hợp, kinh doanh bất động sản, vừa để rửa tiền, vừa làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Các “sân sau” này được hợp thức hóa như các công ty con, nhưng thực chất lại là “sân sau” của nhóm lợi ích.
Cần chỉ rõ 'sân sau' của ai? - ảnh 1 Ông Lê Như Tiến