Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

ĐÁM CƯỚI PHÙNG QUÁN TRONG KÍ ỨC NGƯỜI RÓT RƯỢU; Phùng Quán- Bội Trâm, tình yêu bất chấp tai ương


Xuân Đài Chủ nhật ngày 25 tháng 11 năm 2018 9:18 AM

Trời Hà Nội lạnh buốt. Gió từ Hồ Tây thổi thốc từng cơn mang atheo mưa phùn. Bạn bè đến dự đám cưới của Phùng Quán – Bội Trâm vẻn vẹn có bốn người: Xuân Trung, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều và tôi. Không có đại diện đòan thể bên họ nhà trai đã đành (Phùng Quán có công tác ở cơ quan nào đâu). Phía cô dâu cũng không có đại diện của trường Trưng Vương, nơi Bội Trâm đang dạy học. Chắc chị không muốn hệ lụy đến trường nên không mời. Mời sẽ có các thầy cô giáo tới, họ vốn thủy chung và rất thương Quán – Trâm. Thấy tôi ngơ ngác, Quán bảo: Chỉ mời có bốn người này, thế là đã đến đông đủ. Phùng Quán cười cười, nói đùa: “Nếu nói về đại diện ban ngành đòan thể thì đâu có thiếu, cậu là phóng viên báo Đảng coi như đại diện cho Đảng, Xuân Trung tức Tỏan con, biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, coi như đại diện cho ngành xuất bản, Tạ Vũ – Hội viên Hội Nhà văn coi như đại diện cho Hội. Tạ Vũ lại từng là thợ kích kéo cầu đường, bây giờ là thợ quét vôi, coi như đại diện luôn cho giai cấp công nhân”. Vẫn cười cười tếu táo, Quán nói tiếp: “Đừng tưởng ngành giáo dục của cô giáo Trâm không có đại diện nha”. Quán chỉ vào Nguyễn Thị Điều: “Đây là cô giáo vỡ lòng dạy tại gia, đại diện cho ngành giáo dục…”
Tôi biết Phùng Quán cố giấu nỗi buồn sâu thẳm trong lòng để đùa cợt cho anh em bạn bè vui.

Mấy thằng con trai chúng tôi, đứa giữ chân, giữ cánh, để chú rể Phùng Quán cắt tiết gà. Không có gì làm thì giữ chân, giữ cánh con gà cho có việc, chứ thực ra, một mình “xử con gà” với Quán là việc vặt. Con gà mái mơ này một mình Phùng Quán thừa sức làm gọn. Cạnh đó một con gà chết, mồng tái xám, nằm lăn lóc ở góc thềm. Bội Trâm cho biết: Hôm qua mua được hai con gà, nhốt chung vào cái lồng quá chật, chết mất một con. Xong việc cắt tiết, vặt lông, Quán bảo tôi cầm chai đi mua rượu, dặn:
- Tớ biết hôm nay cậu có tiền nhưng là ngày cưới của tớ thì để tớ chiêu đãi, cậu cứ sang bà Hai Hanh, gạch một gạch.
Bà Hai Hanh bán rượu lậu ở làng Nghi Tàm. Dân Hà Nội thời đó gọi là “Cuốc lủi” để phân biệt với rượu Nhà nước là quốc doanh. Bà Hai Hanh đều quen mặt lũ chúng tôi, những đứa bạn từ thuở thiếu thời của Phùng Quán nên mua trả tiền ngay hoặc ghi sổ cũng được. Bà Hai Hanh không biết chữ nên “sổ nợ” của bà là cái cột nhà. Mua một lít gạch một cái, gạch ô vuông bốn cái, thêm một cái chéo ở giữa, vị chi là năm lít. Bà Hai Hanh bán rượu chịu cho người trong làng Nghi Tàm, chịu hôm trước vài hôm sau họ trả, không được dây dưa kéo dài. Còn Phùng Quán là đặc cách, có thể nợ lâu dài, trả từ từ bằng chút tiền nhuận bút “văn chui” và tiền bán cá… câu trộm. Đến nhà bà Hai, nhìn lên cột nợ của Phùng Quán, tôi thấy hơn hai cái ô vuông gạch chéo, nghĩa là đã mười hai lít, tôi bảo bà Hai Hanh hôm nay cháu sẽ trả tất cả nợ nần của Phùng Quán ghi trên cột.
Bà Hai Hanh ngước mắt lên “Sổ nợ” tính rất nhanh, cả lít hôm nay nữa là mười ba, mỗi lít bốn đồng, vị chi là năm mươi hai đồng. Hôm nay, cậu chơi sang quá nhỉ, vừa trúng quả gì phải không?

- Cháu có buôn bán gì đâu mà trúng quả hả bà, đầu tháng vừa lãnh lương... Đám cưới anh Quán, coi như đây là tiền mừng của cháu với bạn, bà ạ. Cháu nói bà nghe, anh Quán đã từng chia cho cháu nửa gia tài khi cuộc sống của cháu quá bức bách. Hôm nay cháu chỉ chi ngần này đã ăn thua gì so với tấm lòng của anh Quán đối với cháu.
- Thế hả? Chia cho nửa gia tài cơ ạ, chắc bộn tiền.
Không cần nghe tôi nói nửa gia tài là bao nhiêu, bà đã trách cứ:
- Đám cưới mà không nghe bà Trưởng Giơi (1) và anh Quán mời mọc xóm làng gì cả.
Tôi đưa đẩy:
- Đám cưới giản đơn, anh chị ấy chỉ mời mấy mgười bạn tới dự, coi như có mâm rượu trình với tổ tiên ông bà.
Bà Hai Hanh năm đó cũng đã ngòai sáu mươi, (1962)bạn hàng của bà Trưởng Giơi, mùa nào buôn bán thứ đó, hết chợ Bắc Qua, Châu Long, lại chạy về chợ Yên Phụ… rượu lậu mà giấu giấu giếm giếm bán tại nhà. Bỗng bà bảo tôi ngồi lại rồi tất tả chạy vào buồng. Lóang một cái, bà mang một gói quà bọc trong giấy báo (thời đó Hà Nội chưa có bịch nilông). Giọng bà buồn buồn:
- Tội nghiệp anh Quán, mặt mũi khôi ngô hiền lành. Sống với bà con láng giềng, đối xử có trên có dưới. Bà già, trẻ con ai cũng yêu mến anh. Thế mà số phận lận đận quá. Cậu cầm lấy gói lạc rang này về bảo với bà Trưởng Giơi cùng vợ chồng anh Quán là quà mừng đám cưới của tôi.
Tôi đặt chai rượu lên bàn, đưa hai tay nhận gói quà, giơ cao lên như nhận một tấm huân chương. Phía sau gói lạc rang lọt thỏm giữa hai bàn tay tôi, là tấm lòng của một bà mẹ Việt Nam đôn hậu.
Khi tôi xách rượu về, Phùng Quán – Bội Trâm và các bạn đã làm xong mâm cỗ cưới. Trong số các bạn tôi, Phùng Quán là người chế biến món ăn tài tình bậc nhất. Chỉ một con gà mái tơ và một con cá chép trên dưới một cân mà Quán chế biến được rất nhiều món như: Gà luộc, gà rán, gà xé phay trộn gỏi, cá luộc, cá rán và nồi cháo gia vị thơm lừng, dậy mùi thì là… Sáu người chúng tôi kể cả cô dâu, chú rể trải chiếu ra đất ngồi nhâm nhi trò chuyện với nhau. Phùng Quán kể chuyện, đọc thơ. Quán là người kể chyện có duyên. Cũng câu chuyện ấy, nếu tôi kể thì nhạt thếch. Vậy mà vào tay Quán nó ra môn ra khoai, hấp dẫn từ đầu đến cuối, mọi người phải há hốc mồm ra nghe. Đọc thơ, Quán cũng có biệt tài. Người nghe bị cuốn hút là do anh truyền được cái thần của thơ mình trong giọng đọc vừa bi tráng, vừa lãng mạn. Tôi là thính giả trung thành với thơ Quán. Theo cách nói bây giờ của các báo, tôi là “fan” của anh. Nếu đọc thơ của anh ở trên báo, trên sách có thể bạn thấy hay hay được được thôi, không xao động bạn lắm. Song nếu nghe chính Phùng Quán đọc thơ mình thì bài thơ làm cho bạn xao xuyến rất nhiều lần, nếu không nói là trăm lần…
Đám cưới Quán – Trâm vào đầu xuân 1962, nếu như tôi không nhớ nhầm. Ấn tượng để lại trong tôi là sự đạm bạc của một nhà thơ sống đạm bạc, nhân ái, đau khổ nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Hình ảnh đám cưới chỉ đủ tiền mua hai con gà, lại chết mất một con, và một con cá, tất nhiên là cá của Phùng Quán câu trộm ở Hồ Tây, cứ đeo đuổi tôi suốt mấy chục năm nay. Hôm đó, Quán kể rất nhiều chuyện, đọc rất nhiều thơ. Tôi nhớ rất nhiều thơ anh, nhưng đọng lại trong tôi sâu sắc nhất là câu:
Thượng đế ơi!
Tôi đã làm gì?
Mà ly rượu đời Người ban cho tôi đắng thế?
Tôi không phải là người cả nghĩ, không phải là người sâu sắc, lại không có tài thẩm định thơ ca, văn chương, nhưng câu thơ ấy cứ như chì đun sôi rót vào cổ họng tôi. Đám cưới vui trong đượm buồn. Buồn cho thân phận một nhà thơ. Nó là một giọt đắng trong ly rượu đời đắng ngắt mà Thượng đế ban cho anh. Phùng Quán ơi, anh đã về với đất, với tổ tiên ông bà đã trên 30 năm. Tôi vẫn chưa quên bài thơ “Huyệt” mà anh hay đọc cho bạn bè nghe những năm cuối đời:
“Tết không vào nhà tôi
Tết đi qua trước ngõ
Tim tôi tan nát rồi
Không còn lành được nữa!…
Thi sĩ tôi cô đơn
Giữa đời tôi lạc lõng
Giữa chông gai cuộc sống
Trần trụi không hành trang…
Bạc đầu vẫn trẻ con
Dại khờ cho đến chết
Giữa nghiệt ngã trần gian
Trái tim thơ thấm mệt…
Tôi sẽ đào nắm huyệt
Cạnh mộ mẹ cha tôi
Tôi sẽ lăn xuống đó
Thế là xong một đời!…
Đàn mối của quê hương
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ dăm ngày vùi hết!…
Căn hộ mới đáy huyệt
Rượu đất tôi uống tràn
Cụng ly cùng dòi bọ
Mừng trắng nợ trần gian!”
Lời di chúc “Huyệt” của Phùng Quán, anh nói về sự kết thúc giản dị của đời mình. Anh vốn là người giản dị. Còn di chúc trách nhiệm nhà thơ, anh cũng chỉ dặn với lòng mình. Phùng Quán ơi, anh cho phép tôi coi đó là thông điệp của anh gửi đến các bạn thơ cả nước. Thông điệp đó là:
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ tuôn trào
Thơ chết áo đắp mặt
Anh về với đất, thóat nợ, để lại thương nhớ cho mọi người. Chúng tôi ở lại, không phải tiếp tục uống ly rượu đời thượng đế ban cho đắng ngắt mà uống ly rượu ngọt của nhân dân ban tặng, từ khi đất nước đổi mới đến nay. Chúng tôi vẫn đi với nhân dân, chứ không bao giờ cam tâm làm con hát (Ca nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang khởi xướng hận đình hoa).
Hôm nay, ly rượu ngọt Thượng-Đế-Nhân-Dân đã rót ra mời anh, anh lại nhường hết cho chúng tôi, những đứa bạn một thời…
Thôi nâng ly, cạn ly rượu ngọt với bè bạn đi, Phùng Quán!

Nguồn FB Xuân Đài



Phùng Quán- Bội Trâm, tình yêu bất chấp tai ương
ĐS&PL 20/07/11 07:58 GMT+7Gốc
Kết quả hình ảnh cho Phùng Quán Bội TRâm

(Phunutoday) - Tình yêu Phùng Quán - Bội Trâm là mối tình lớn gắn liền với thăng trầm thời cuộc. Tôi quen thân gia đình anh Phùng Quán - chị Bội Trâm đến nay độ 30 năm rồi. Anh chị coi tôi như đứa em trong nhà, có chuyện gì cũng kể, kể cả chuyện yêu nhau thời trẻ, chuyện các cô mê thơ Phùng Quán. Từ ngày anh Phùng Quán qua đời, bao nhiêu bài viết của anh Quán hay những bài các nhà văn nhà báo viết về anh Phùng Quán, chị Bội Trâm đều gửi vào Huế cho tôi cất giữ. Đối với tôi, Phùng Quán - Bội Trâm một tình yêu bất chấp tai ương dâu bể để tạo dựng hạnh phúc của riêng mình.

1. Chị Bội Trâm kể: anh chị bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1932. Năm 1955, khi 23 tuổi, chị gặp anh Quán ở Hà Nội là do trời định. Năm 1954, Phùng Quán đang là chân kéo phông màn của Đoàn Văn công Liên khu 4 do nhà thơ Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn. Sau khi tham gia phục vụ bộ đội chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn về tới cây đa Tân Trào. Ở đây, Phùng Quán được về tổ “phóng viên” đi phục vụ việc trao trả tù binh ở Sầm Sơn, Thanh Hóa do anh Nguyễn Trần Thiết phụ trách. Phùng Quán lúc đó chưa viết được bài báo nào cả, nên được anh Thiết phân công mang một cái máy ảnh cũ to kềnh càng “như tráp thợ cạo” để chen lấn che ống kính của các phóng viên phương Tây, cản trở họ quay cảnh tù binh Pháp được trả. Sau đợt đi “làm phóng viên” ở Sầm Sơn ấy, Phùng Quán viết được bản thảo cuốn Vượt Côn Đảo. Sau đó anh tìm về Văn nghệ Quân đội, được nhà văn Vũ Tú Nam giúp đỡ, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo được in và được đánh giá cao, được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó Phùng Quán được giữ lại Văn nghệ Quân đội. Bà Bội Trâm Ở Văn nghệ Quân đội, Phùng Quán quen với em trai chị Vũ Bội Trâm, nhạc sĩ Vũ Hướng. Phùng Quán lúc đầu đóng quân ở Cửa Đông rồi sau chuyển về số 4-Lý Nam Đế, hay qua lại số 3-Hàng Cân để chơi với anh Vũ Hướng và được cha mẹ chị thương như con trong nhà. Gặp Phùng Quán, chị Bội Trâm bị “tiếng sét ái tình”. Các con anh chị là Phùng Đỗ Quyên, Phùng Quân sau này thường hỏi: “Mẹ yêu cha vì cha đẹp trai hay vì cha làm thơ hay?”. Phùng Quán thời trẻ cao lớn, đẹp trai thật, nhưng chị lại trả lời con: “Có lẽ mẹ yêu bố vì yêu thơ. Thơ bố hợp với cái tạng của mẹ: Yêu ai cứ bảo rằng yêu/ Ghét ai cứ bảo rằng ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu…” Chị Bội Trâm yêu anh lúc mà cuộc đời anh Quán cơ cực đau khổ nhất. Anh là “phần tử Nhân văn Giai phẩm”, dù có tác phẩm Vượt Côn Đảo tiếng tăm lừng lẫy, có lúc được Ban Thống nhất Trung ương mời đến ký đến 3000 cuốn để chuyển vào tặng đồng bào miền Nam, vẫn vị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Giữa Hà Nội phố phường xa lạ, anh không người thân, kể cả những người chú ruột, người cậu là những quan chức đầy quyền lực cũng xa lánh anh. Bạn bè thì sợ liên lụy nên không ai dám gần. Chữ “Nhân văn” sang trọng thế phút chốc trở thành một chữ mang nghĩa xấu làm mọi người sợ như sợ hủi. Không nhà cửa, không có nghề ngỗng gì để sinh sống ngoài viết văn làm thơ ra. Bị đuổi khỏi quân đội, anh không còn lương, chỉ được Hội Nhà văn trợ cấp mỗi tháng 27 đồng chỉ đủ để ăn cơm “đầu ghế”, bây giờ gọi là cơm bụi. Có lúc anh muốn về Quảng Bình sống bằng nghề câu cá trên sông Nhật Lệ để tìm cách về Huế. May có chị Bội Trâm... 2. Chị Bội Trâm lúc đó là cô gái Hà Thành xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình gia giáo, lại là giáo viên dạy văn của một trường danh giá: Trường Chu Văn An. Chị yêu nhà thơ “Nhân văn” Phùng Quán, gia đình không đồng ý. Mẹ bảo: “Lấy chồng như thế thì thà nhảy xuống giếng cho xong”. Chị kể, chị đã nói với bố mẹ rằng: “Con đã yêu anh Quán nên con không thể yêu người khác nữa. Nếu bố mẹ không cho con lấy, con xin vâng lời, nhưng con sẽ không lấy người đàn ông nào khác nữa”… Chị đã khóc bao đêm ròng vì người ta không hiểu mình, không hiểu người mình yêu. Khóc đến cạn nước mắt để đi đến quyết định gan góc: lấy Phùng Quán làm chồng! Chị đã quyết đến với anh, chị muốn lấy tình yêu của mình để che chở cho trái tim đau khổ cô đơn của anh. Cả đời chị chỉ có một người yêu duy nhất: đó là Phùng Quán! Chị kể với tôi: “Nhiều lúc chị sợ anh tự vẫn. Chị nghĩ mình cần phải gắn bó với anh để ràng buộc anh với cuộc đời!”, nên chị đã khảng khái trước mọi người: “Người mà tôi lấy làm chồng chỉ có thể là người tốt. Thời gian sẽ chứng minh điều đó!”. Và chị đã đúng. 30 năm sau, Phùng Quán đã được phục hồi hội viên Hội Nhà văn, được in sách, được viết và được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là hạnh phúc mà chị phải đổi bằng nước mắt và khổ đau, đổi bằng tuổi thanh xuân mơ mộng... Hồi đó, anh chị không thể tổ chức đám cưới đàng hoàng như mọi đám cưới bình thường khác. Vì không thể đứng tên chú rể Phùng Quán trên thiếp mời, chị Vũ Bội Trâm có lẽ là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa, không có đưa dâu, không có phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim, không có bà con hai họ và bạn bè dự tiệc cưới đông vui… Còn Phùng Quán là một chàng trai cô độc, được bà mẹ Tưởng Dơi bên Nghi Tàm nhận làm con nuôi. Mẹ Dơi là mẹ liệt sĩ, sống độc thân, nên rất thương Phùng Quán. Còn mẹ Phùng Quán là một phụ nữ Hoàng tộc tên Công Tằng Tôn Nữ Thị Tứ (theo đế hệ triều Nguyễn: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh... thì bà thuộc hệ Bửu). Bà là một phụ nữ có nhan sắc và chữ nghĩa. Mới lấy chồng sinh con chưa được 1 năm, thì chồng bị Pháp giết, bà ở vậy nuôi con ở làng Thanh Thủy Thượng cho đến khi con đi theo Vệ quốc đoàn, rồi thờ chồng, lúc đó đang mòn mỏi đợi con cho đến lúc chết ở cố đô Huế năm 1970. Mẹ mong sau hai năm hai miền thống nhất theo Hiệp định Geneve để gặp con, nhưng không được. Những ngày ấy bà không thể liên lạc được với con trai, nên Phùng Quán cũng không có cha mẹ bà con bên nội làm lễ bỏ sêu, lễ hỏi, lễ thành hôn như bao chàng trai khác. Để thông báo với bà con lối phố, chị Bội Trâm bàn với gia đình chỉ làm ít trầu cau mang đến từng nhà bảo là “trầu cau chạm ngõ của cô Trâm”. Bà mẹ buồn lắm, nhưng phải làm theo ý con gái lớn. Thế là xong một việc. Dù đau xót, thở dài, nhưng chị đã vững lòng hơn. Đối với những người thân thiết, anh Phùng Quán làm một tấm thiếp báo tin, mặt trước là hai bông hoa do bạn thân, họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, mặt sau có đôi chim bồ câu và mấy chữ của Phùng Quán viết tay. Còn nhớ tấm thiếp báo tin gửi cho cô giáo Mai Thị Từ của Phùng Quán - Bội Trâm có nội dung: “Chúng em đã ra ở riêng ngày 12/1/1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô. Mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em”. Cái chữ “ra ở riêng” ấy mới chính xác và hoàn cảnh làm sao. Gia đình hạnh phúc của Phùng Quán – Bội Trâm “Tiệc cưới” của Phùng Quán – Bội Trâm cũng lạ lùng như tình yêu của hai người. Gọi là “tiệc cưới” cho oai, thực chất là một bữa cơm tươi tại nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi. Bữa cơm chỉ có bốn người khách là vợ chồng nhà thơ Tạ Vũ - Nguyễn Thị Điều, hai người bạn thân anh Quán là nhà văn Xuân Đài và nhà báo Xuân Trung. Phùng Quán ra chợ mua hai con gà về để làm tiệc thì một con chết. Câu trộm được ít cá Hà Tây, ký nợ lít rượu bà Hai Hạnh đầu phố nữa là có tiệc. Trong bữa tiệc, Phùng Quán đĩnh đạc tuyên bố: “Hôm nay là tiệc cưới của hai chúng tôi Phùng Quán - Bội Trâm. Vợ chồng tôi rất cảm kích trước sự có mặt của các vị đại diện cho giai cấp công nhân là anh Tạ Vũ, đại diện cho tầng lớp trí thức là anh Xuân Đài, đại diện cho lực lượng vũ trang có anh Vũ Trung, đại diện cho tầng lớp lao động có chị Nguyễn Thị Điều và mẹ Tưởng Dơi. Thế là đủ công – nông - binh nhé!”. Tiệc xong, Tạ Vũ say rượu nên vợ chồng phải ngủ lại. Nhà bà Tưởng Dơi có một cái giường đơn, nhà thơ Phan Vũ ở xưởng phim truyện cho mượn thêm cái giường cá nhân của anh nữa. Hai cái giường kê sát nhau, chỉ lọt bàn chân. “Đêm tân hôn” ấy vợ chồng Phùng Quán – Bội Trâm ngủ trên cái gường đơn ấy cạnh vợ chồng Tạ Vũ. Thật là một tiệc cưới và đêm tân hôn chưa từng có trên đời. 3. Lấy nhau 20 năm, đã có hai đứa con là Phùng Đỗ Quyên (1963) và Phùng Quân (1965) mà mẹ con chị Bội Trâm vẫn ở nhà mẹ ở Hàng Cân, còn Phùng Quán thì trú ở nhà bà Tưởng Dơi. Một tuần chị Trâm mới đến thăm chồng một lần. Những năm tháng ấy, Phùng Quán thường xuyên đi cải tạo lao động ở các công trường, nông trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì, rồi đi tăng gia một mình ở rừng núi Thái Nguyên suốt ba năm liền… Vì phải “phấn đấu cải tạo tốt”, nên có khi nửa năm không về gặp vợ cơn. Gay go nhất là tiền mua sữa, mua sắm tã lót cho con. Tất cả trông nhờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chị Trâm và mấy đồng tiền câu trộm cá của Phùng Quán. Những ngày ấy, bạn bè chí cốt như nhà văn Tuân Nguyễn (đã mất), Xuân Đài… phải san sẻ chút tiền lương ít ỏi để cho chị Trâm mua sữa nuôi con. Bao nhiêu cơ cực dồn lên đôi vai gầy nhỏ của chị. Thương chồng, chị Bội Trâm chỉ biết nuốt đau thương để nuôi con. Năm 1981, Trường Chu Văn An thương tình mới cho vợ chồng Quán -Trâm một góc nhỏ khoảng chục mét vuông phía sau trường vốn là nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của trường. Dù khổ, vợ chồng cũng đã được sống bên nhau để cùng nuôi con. Phùng Quán đêm ngày “cá trộm, vui chui, rượu chịu”. Rồi nhờ anh bạn Phùng Xuân Bính ở Nhà văn hóa lao động Hà Nội giúp ít gỗ thải loại, họa sĩ Hương Quân (một người yêu sâu sắc nữa của Phùng Quán) ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho tiền mua lá gồi, Phùng Quán cặm cụi đục đẽo làm được cái “chòi ngắm sóng”. Vợ chồng Quán - Trâm sống ở cái “chòi ngắm sóng” ấy đến khi anh qua đời. Rồi gian nhà sau Trường Chu Văn An ấy bị giải tỏa. Nhờ tiền đền bù, chị Bội Trâm tậu được ngôi nhà đàng hoàng ở tầng hai khu chung cư Vĩnh Phú, thì anh Quán không còn nữa. Chị Bội Trâm dành hẳn một phòng căn nhà mới ấy để thờ chồng và để trưng bày các kỷ vật của anh chuyển từ “chòi ngắm sóng” về. Khi Phùng Quán vừa được niềm vui được phục hồi hội viên Hội Nhà văn, được in sách với cái tên của mình, thì chị Bội Trâm bị căn bệnh hiểm nghèo: ung thư vú. Đó là năm 1987. Chị Trâm lúc đó vừa được mổ, được điều trị bằng tia phóng xạ, nhưng cái tay phải vẫn to phình lên. Đêm ngủ phải buộc cái dây để treo tay lên không lủng lẳng. Bệnh tật như thế nhưng chị vẫn hàng ngày cơm nước chăm chồng con, lo đồ nhậu mỗi khi bạn bè văn chương tới. Nhà thơ Phùng Quán Những ngày đó, buổi sáng nào thức dậy trên “chòi ngắm sóng”, sau khi làm chén rượu “diệt sâu bọ”, Phùng Quán đều đọc bài thơ “Kinh cầu nguyện buổi sáng” tặng vợ: “Tôi sẽ đi với em / Cho đến tận mút chót con đường / Cho đến lúc tôi nằm dài dưới đáy huyệt ! / Có thể em chết trước tôi / Cũng có thể tôi chết trước em / Nhưng không sao cả em ơi / Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền / Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường / Tôi sẽ bị trời tru đất diệt !…”. Nhưng nhà thơ Phùng Quán đã ra đi trước vợ đến 15 năm. Anh mất tháng 1/1995 vì bệnh xơ gan cổ trướng. 15 năm anh Phùng Quán xa cõi tạm, chị Vũ Bội Trâm đã lao động hết sức mình để tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm của chồng. Chị dành những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để sắp xếp, chăm chút những trang bản thảo của chồng. Đằng sau những trang di cảo là tấm lòng của người vợ muốn tìm và chia sẻ, cảm thông với tâm sự của chồng. Chị đọc và chọn tuyển tập Thơ Phùng Quán cho Nhà xuất bản Văn học 2003, chị cùng với tôi làm nhiều tập sách về Phùng Quán như “Nhớ Phùng Quán”, “Phùng Quán còn đây”, “Phùng Quán - ba phút sự thật”. Chị còn cắm cúi đọc lại từng chồng di cảo đã ố vàng mà chồng để lại và đã phát hiện ra tập bản thảo “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”, đưa đến bạn đọc một tập hồi ký chân thực và hấp dẫn. Hôm ra mắt cuốn sách “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” ở Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Hoa Lư, tháng 10/2007, chị Bội Trâm nói với mọi người: “Hơn 30 năm sống với chồng nhưng giờ đây, qua tác phẩm này, tôi mới hiểu hết anh ấy!”. 4. Tình yêu Phùng Quán - Bội Trâm đã bất chấp tai ương để đơm hoa kết trái. Phùng Quán hay đi đây đi đó suốt ngày đọc thơ “phục vụ nhân dân”.Vì thế mà anh có rất nhiều người “trộm yêu thầm nhớ”. Là nhà thơ đa tình, Phùng Quán cũng đã không ít lần bị “tiếng sét ái tình” đánh gục. Chị Vũ Bội Trâm biết tất cả điều đó, nhưng tình yêu Phùng Quán - Bội Trâm là tình yêu lớn, nên chị Bội Trâm rất yêu tin chồng, chị bao giờ cũng cho rằng, những người đó chỉ là “nàng thơ”, tức là cái cớ để anh Quán làm thơ mà thôi! Mùa hè 1984, sau 30 năm “Nhân văn”, và sau gần 40 năm trốn mẹ đi theo Vệ Quốc Đoàn, Phùng Quán mới trở về Huế quê hương. Những ngày đó anh bị người đẹp Nguyễn Khoa Như Ý (Hà Khánh Linh) hớp hồn. Phùng Quán đã bị vẻ đẹp đài các, dịu dàng của người phụ nữ Huế mê hoặc, không cưỡng lại được. Nhà thơ sống lơ ngơ như lần đầu được yêu. Bồn chồn. Thắc thỏm mong chờ. Sớm gặp. Chiều lại gặp. “Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?.../ Một vùng tóc như một vùng biển tối / Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn / Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại / Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương...” Thơ tặng “nàng thơ” say đắm thế, nhưng chị Bội Trâm vẫn không tỏ ra ghen tức. Nhà văn Hà Khánh Linh ra Hà Nội đến thăm Phùng Quán, chị vẫn làm cơm thết đãi đàng hoàng, vẫn chị chị, em em đi chợ ríu rít. Sau khi anh Phùng Quán mất, chị tập hợp bản thảo của chồng để Nhà xuất bản Văn học in tập Thơ Phùng Quán dày hơn 300 trang. Chị gửi một cuốn tặng Hà Khánh Linh với lời đề tặng rất đẹp: “Yêu quý tặng Hà Khánh Linh và cảm ơn em đã có những ngày cho anh Quán hồi sinh với thơ ở Huế”. Một lần đọc lai cảo để lại của chồng, chị Trâm phát hiện ra bản thảo “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?”. Lần này lại một mối tình nữa, mà hình như là mối tình đầu ly kỳ hơn đã được Phùng Quán tự kể. Phùng Quán là một nhà văn lạ lùng, luôn luôn làm mọi người bất ngờ hết chuyện này đến chuyện khác. Riêng chuyện tình năm 22 tuổi này thì ngay cả vợ con và bạn bè thân quen anh cũng bị bất ngờ. Trong bài viết “Tôi soạn Di cảo của Anh” in ở cuối sách “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”, chị Vũ Thị Bội Trâm viết: “… vô tình tôi phát hiện ra một cuốn sổ đã cũ trong số bộn bề những sổ tay ghi chép của anh, giở ra đọc thì thấy đó là những trang anh viết về khúc quanh của cuộc đời. Càng đọc tôi càng bị thu hút bởi những chuyện mà sau bao nhiêu năm chung sống nay tôi mới được tỏ tường…”. Đó là chuyện Phùng Quán kể lại việc mình về Sầm Sơn làm “phóng viên” trao trả tù binh giữa ta và Pháp. Anh ở trọ ở thôn Hải Như, ở trong nhà có cô gái 16 tuổi tên là Như. Anh viết bản thảo cuốn Vượt Côn Đảo rồi đưa cho Như đọc. Rồi những trang bản thảo đã dắt họ đến gần nhau. Một lần… “Tôi ngồi xuống cạnh em, bất chợt ngoảnh sang nhìn em. Lồng ngực tôi đánh đến nỗi làm mắt tôi mờ đi. Tôi chưa bao giờ thấy em đẹp như thế... Hai má màu hoa lựu và cặp môi đỏ ướt một cách khác thường. Đầu óc tôi quay cuồng... Em sắp lấy chồng, là chàng trai biển, con một nhà giàu có ở xóm trên... Như đang mê sảng, tôi đưa tay vòng vào cổ mảnh dẻ của em, vòng qua mái tóc xõa vai, kéo mặt em sát mặt tôi. Tôi cúi xuống hôn vụng về lên môi em. Cả người tôi như tan ra trong hoan lạc… ”. Sau cái hôn đầu tiên đó Phùng Quán run lên vì lo lắng và xấu hổ. Những ngày mới hòa bình, kỷ luật quân đội vô cùng nghiêm khắc. Quan hệ với phụ nữ nơi đóng quân là quan hệ bất chính. Đó là một tội lỗi xấu xa và ghê tởm nhất. Nếu cấp trên phát hiện ra Phùng Quán sẽ bị kỷ luật rất nặng, có thể đuổi khỏi quân đội ngay lập tức. Sợ quá, hai ngày sau, Phùng Quán xin Tổ phóng viên chuyển về đơn vị cũ, rồi khoác ba lô chuồn khỏi Hải Thôn Sầm Sơn. Đi như một người chạy trốn. Khi Phùng Quán rời Sầm Sơn được bốn năm cây số thì cô Như chạy đuổi theo, hét lên: “Anh Quán, anh Quán ơi! ”. Rồi Như úp gương mặt đầm đìa mồ hôi vào ngực Phùng Quán, nức nở: “Em thương anh! Em thương anh ! Anh không biết gì cả ?”... Rồi Như đã nói thẳng ý định của mình: “Em định nói với bố mẹ trả lại lễ vật cho nhà trai, rồi em đợi anh... ”. Đọc hồi ức về tình yêu đầu đời của chồng, chị Bội Trâm không những không ghen mà còn điện báo cho Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ biết, và Bình đã cho người đến cùng chị Bội Trâm tu chỉnh bản thảo rồi đem in thành sách (2007). Điều lạ lùng là Thu Dịu, người mà Nhà xuất bản nhờ đến giúp chị Bội Trâm ấy, còn phát hiện ra là cô Như ở thôn Hải Như, Sầm Sơn ấy còn sống, tên là Nhủ chứ không phải Như như Phùng Quán nhớ. Nghe thế, chị Bội Trâm vội gói cuốn Vượt Côn Đảo và tấm ảnh anh Quán mặc đồ bộ đội chụp năm 1954 gửi tặng người yêu cũ của chồng mình với lời đề tặng rất chân thành và lời biết ơn “người đã động viên anh Quán có cuốn Vượt Côn Đảo”. Sau chuyến đi Sầm Sơn ra lại Hà Nội, Thu Dịu trân trọng chuyển chị Bội Trâm món quà của “Như Phùng Quán”. Đó là năm con mực to dài, phơi chưa khô lắm, nhưng thơm nức với lời nhắn rằng, “gia đình làm nghề biển, gửi bà vợ nhà văn Phùng Quán để bày tỏ tấm lòng của người cũ và xin mời bà có dịp về thăm Sầm Sơn, để chị em hàn huyên”. Câu chuyện tình giống y như tiểu thuyết hư cấu! Chị Bội Trâm là người biết yêu tha thiết, biết tin ở người yêu của mình, tin ở lẽ công bằng, tin ở thời gian, nên tình yêu Phùng Quán - Bội Trâm đã thắng tai ương cuộc đời. Mỗi lần ra Hà Nội đến thăm chị ở khu chung cư Vĩnh Phú, tôi thực sự cảm phục sức làm việc của chị. Bị nhiều thứ bệnh nan y thế mà chị vẫn đọc những trang di cảo đã nhòe mực vàng nát của anh, để chia sẻ với anh những câu thơ, những ghi chép về cuộc đời. Khi ra Hà Nội, tôi thấy ngày nào chị cũng thắp nhang, rót rượu lên bàn thờ anh Quán rồi khấn: “Anh Quán ơi, anh đã cho em được sống, được làm người như em muốn!”...

Ngô Minh

Không có nhận xét nào: