Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Việt Nam yêu cầu TQ dừng ngay việc xây dựng trái phép tại Đá Bông Bay; Mối lo Trung Quốc xây lò hạt nhân nổi trên Biển Đông

Đất Việt

Chính quyền Bắc Kinh dự tính sẽ phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông và những nơi khác.
Theo SCMP, Trung Quốc vừa công bố kế hoạch nhằm tăng cường năng lực hạt nhân trên biển của nước này thông qua việc thành lập một dự án liên doanh mới.
Cụ thể, ngày 10/8 Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc công bố sẽ thành lập công ty mới với số vốn đăng ký 1 tỉ nhân dân tệ (150 triệu USD).
Đây là công ty liên doanh giữa Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc với Công ty điện lực Zhejiang Zheneng, tập đoàn Shanghai Guosheng, tập đoàn đóng tàu Jiangnan Shipyard và công ty điện lực Shanghai Electric.

Trong thông báo của Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc, cơ quan này cho biết việc thành lập công ty liên doanh mới nhằm mục tiêu tăng cường năng lực điện hạt nhân của Trung Quốc để đáp ứng những tham vọng trở thành ''cường quốc mạnh về biển''.
Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc không nói rõ các công nghệ điện hạt nhân sẽ được sử dụng như thế nào và ở đâu. Thế nhưng giới quan sát cho rằng nhiều khả năng chúng sẽ được triển khai ở những khu vực như Biển Đông.
Mô hình trạm điện hạt nhân nổi của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc
Ngoài ra, tập đoàn điện lực nhà nước của Trung Quốc cũng tiết lộ lằng, công ty liên doanh mới thành lập sẽ hướng tới việc phát triển các loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ông Wang Yiren, phó giám đốc Cục Khoa học Công nghệ và Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), đầu năm nay từng nói việc mở rộng năng lực về năng lượng hạt nhân của Trung Quốc là một phần trọng yếu trong kế hoạch 5 năm của nước này.
Theo đó Trung Quốc tuyên bố sẽ ưu tiên phát triển các nền tảng sản xuất điện hạt nhân nổi để hỗ trợ các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của họ và tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông.
Hồi năm 2016, tờ China Securities Journal từng nhận định, Trung Quốc có thể xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để ''thúc đẩy phát triển thương mại'' ở Biển Đông.
Nguy cơ tiềm ẩn
Từng trao đổi về vấn đề này với Đất Việt, TS. Nguyễn Hữu Huân - Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng sinh thái biển, viện hải dương học Nha Trang cho biết: "Trên đất liền, nhà máy điện hạt nhân được trang bị một hệ thống đặc biệt an toàn để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ trong trường hợp gặp sự cố mà nhiều khi cũng không tránh khỏi.
Đối với các nhà máy nổi lênh đênh trên biển, có nhiều rủi ro ngoài khả năng dự báo của con người như: bão, sóng thần, va chạm…thì xác suất xảy ra sự cố sẽ cao hơn.
Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn cho nhà máy phóng xạ trên biển là rất khó khăn, nhất là trường hợp mất điện. Sự cố FUKUSHIMA cũng do mất điện bơm nước làm mát là ví dụ điển hình.
Và khi sự cố xảy ra, việc khắc phục hiện tượng rò rỉ phóng xạ trên biển là điều vô cùng khó so với trên đất liền vì lúc đó không dễ khoanh vùng và hạn chế lan truyền phóng xạ như trên mặt đất".
Theo ông Huân, đặt nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông sẽ nhiều rủi ro vì đây là khu vực xảy ra nhiều bão, động đất, sóng thần. Bên cạnh đó, Trung Quốc làm các nhà máy điện hạt nhân trên biển cũng không ngoài âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Việt Nam cần chủ động ứng phó
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cũng nhận định rằng, các lò phản ứng hạt nhận đặt trên phao nổi, tàu phá băng, trên tàu ngầm tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường xung quanh.
''Dùng nước làm mát thì phải có những biện pháp kỹ thuật để đề phòng việc thất thoát các chất phóng xạ, có thể sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng ra môi trường. Dự án này chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu Trung Quốc không có những kiểm soát chặt chẽ'', ông Sinh cảnh báo.
Theo vị chuyên gia, nếu Trung Quốc đưa trạm điện hạt nhân ra các khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ thì cơ quan năng lượng quốc tế cũng như các nước xung quanh cần phải giám sát chặt chẽ.
''Nếu như Trung Quốc cứ liều lĩnh đặt gần vùng biển gần Việt Nam thì chúng ta cũng cần phải đặt ra giả thiết về các mức độ ô nhiễm có thể xảy ra và có biện pháp ứng phó.
Từ đó Việt Nam và các nước lên tiếng cảnh báo để phía Trung Quốc phải có các cam kết về đảm bảo môi trường, an toàn xung quanh. Nếu như họ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền của các nước khác thì chúng ta phải theo dõi đồng thời đưa những ý kiến phản đối, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ'', ông Sinh nhấn mạnh.
Hải Phong

Việt Nam yêu cầu TQ dừng ngay việc xây dựng trái phép tại Đá Bông Bay

Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc lắp đặt một số cấu trúc mới trên Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động phi pháp này.

Đó là khẳng định của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc đã lắp đặt một số cấu trúc mới trên Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 22/11.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà.
"Có công bố hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt một số cấu trúc mới trên Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tôi khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Nguyễn Phương Trà, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời phóng viên.
Theo Phó phát ngôn viên, việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”, bà Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh.
Theo Philippines Star hôm 21/11, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) chia sẻ hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã cho xây dựng cấu trúc trái phép trên Đá Bông Bay tại quần Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cấu trúc xây dựng mới, có kích thước 27,5 m x 12 m, lần đầu tiên bị phát hiện trong đợt chụp ảnh vào ngày 7/7. Hình ảnh chụp hồi tháng 4 không ghi nhận cấu trúc này. AMTI cho rằng mái che radar có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Đá Bông Bay nằm ở rìa đông nam của quần đảo Hoàng Sa, sát bên các tuyến hàng hải chính nối Hoàng Sa và Trường Sa.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan. Nguồn: CNA
Trong một diễn biến khác, Taiwan News đưa tin, Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) ngày 21/11 bắt đầu các cuộc diễn tập bắn đạn thật cả ban ngày và ban đêm dự kiến kéo dài tới ngày 23/11 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đơn vị cảnh sát biển Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình tiến hành các bài tập từ 6h đến 21h trong hai ngày đầu tiên tại nhiều vị trí trên đảo và khu vực xung quanh, ngày thứ ba dành cho hoạt động đánh giá tổng kết. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cử các quan chức tới giám sát cuộc diễn tập, tuyên bố hoạt động đã được thông báo trước này là một phần trong "công tác huấn luyện thường xuyên".
Đề cập đến hoạt động này, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.
“Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn đinh, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và gây căng thẳng, phức tạp tình hình ở Biển Đông. Một lần nữa Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Đài Loan và yêu cầu Đài Loan không thực hiện các hành động tương tự”, bà Nguyễn Phương Trà khẳng định trước báo giới.
Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm trái phép hòn đảo và triển khai một đơn vị cảnh sát biển đồn trú ở đây, đồng thời thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập phi pháp.
Tuệ Minh

Không có nhận xét nào: