Ngày 24/11 năm nay là dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức buổi tọa đàm để kỷ niệm ngày sinh của ông, đến tham dự tọa đàm có 7 Thường ủy Bộ Chính trị. Trong thời gian diễn ra Đại Cách mạng Văn hóa, ông Lưu Thiều Kỳ đã bị ông Mao Trạch Đông chỉnh đốn đến chết. Tuy nhiên, trong phát biều tại buổi tọa đàm, ông Tập Cận Bình lại không hề nhắc đến việc này.
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 23/11, tại Đại lễ đường Bắc Kinh đã diễn ra buổi tọa đàm kỷ niệm ngày sinh ông Lưu Thiếu Kỳ, 7 Ủy viên Thường ủy Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều tới tham dự, ông Lật Chiến Thư chủ trì tọa đàm.
Ông Lưu Thiếu Kỳ sinh ngày 24/11/1898, từng là thân tín của ông Mao Trạch Đông, cũng là đồng hương Hồ Nam với Mao, sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, Lưu cũng từng trở thành “người kế nhiệm” được chỉ định của Mao. Năm 1959, Lưu Thiếu Kỳ trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc, tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã bị Mao chỉnh đốn, năm 1969 bị giam gữ, và qua đời ngày 12/11/1969. Ngày hôm sau, thi thể Lưu được hỏa táng bí mật. Trong danh sách đăng ký “xin phép hỏa thiêu”, tên của Lưu Thiếu Kỳ viết là “Lưu Vệ Hoàng”: nghề nghiệp: “không nghề nghiệp”; nguyên nhân tử vong: “tử vong do bệnh”.
Năm 1980, Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 5 Ban chấp hành ĐCSTQ khóa 11 đã khôi phục lại danh dự cho ômg Lưu Thiếu Kỳ.
Năm 1966, sau khi Trung ương phát động Cách mạng Văn hóa, những người bị đả đảo ngoài nhân vật số 2 trong ĐCSTQ là ông Lưu Thiếu Kỳ, còn có ông Đặng Tiểu Bình, cả 2 người đều bị bãi nhiệm mọi chức vụ trong đảng. Khi đó, chính quyền phê bình Lưu và Tiểu Bình là “phe đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, là phản đồ, là Khrushchyov (Tổng bí thư của Cộng sản Liên Xô) trong ĐCSTQ”.
Lâm Bưu thay thế Lưu Thiếu Kỳ trở thành nhân vật số 2 trong ĐCSTQ, ngày 13/9/1971, Lâm Bưu chạy trốn và tử vong do tai nạn máy bay. Tháng 3/1973, Đặng Tiểu Bình phục chức, nhưng sau đó một lần nữa bị đả đảo. Năm 1977, sau sự kiện lật đổ “Tứ nhân bang“, Đặng Tiểu Bình lại quay lại chính trường, không lâu sau đó thì đoạt được quyền lực từ Hoa Quốc Phong, trở thành lãnh đạo “cốt lõi” thế hệ thứ 2 của ĐCSTQ.
Điều đáng chú ý đó là, trong bài phát biểu dài của ông Tập Cận Bình biểu dương ông Lưu Thiếu Kỳ, ông Tập cho biết cần phải “học tập và kế thừa tinh thần, tác phong của ông Lưu Thiếu Kỳ”, lại đề cập đến việc cần phải kết hợp với chủ trương chính trị “4 nhận thức” và kiên định “4 tự tin”, dám đấu tranh. Tuy nhiên, liên quan đến cảnh ngộ ông Lưu Thiếu Kỳ gặp phải trong thời Cách mạng Văn hóa, lại không hề nhắc đến việc Mao thanh trừng Lưu đến chết, chỉ nói Lưu Thiếu Kỳ bị “tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và ‘Tứ nhân bang'” bức hại tàn bạo đến nỗi hàm oan mà chết.
Trong loạt bài “Văn sử Tinh hoa” kỳ số 10 năm 2013 của tác giả Hạ Cát Nguyên, có nói đến 4 lần chia rẽ và tranh luận lớn giữa Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ từ sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền.
Năm 1966, Mao Trạch Đông đích thân phát động Đại Cách mạng Văn hóa. Mao Trạch Đông cho rằng, Lưu Thiếu Kỳ “đàn áp phong trào sinh viên”, phạm phải “sai lầm mang tính phương hướng”. Ngày 1/8/1966, Mao Trạch Đông chủ trì triệu tập Hội nghị Trung ương 11 khóa 8 của ĐCSTQ. Ngày cuối cùng của hội nghị, theo đề nghị của Mao Trạch Đông, cần tiến hành thay đổi bầu chọn cơ cấu lãnh đạo trung ương, trong danh sách Thường ủy Bộ Chính trị mới được bầu chọn, Mao Trạch Đông đứng đầu, Lâm Bưu đứng thứ 2, Lưu Thiếu Kỳ vốn đứng thứ 2 nhưng đã bị đá xuống đứng thứ 8. Về sau, Mao Trạch Đông viết bài “Pháo nổ Bộ Tư lệnh – Một tờ đại tự báo của tôi” đăng công khai trên toàn Trung Quốc. Trên các hàng chữ, người mắt bình thường nhìn một cái là biết ngay chĩa mũi nhọn vào Lưu Thiếu Kỳ. Bắt đầu từ đó, Lưu Thiếu Kỳ được xác định là sẽ đi đến con đường diệt vong.
Trí Đạt
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét