Phạm Viết Đào.
Xem thêm:
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/khanh-thanh-nha-luu-niem-nha-tho-to-huu-123400.vov
Tố Hữu gặp lại anh trai cả sau 1975...
Tôi ít khi đọc Văn Nghệ, mặc dù được biếu theo tiêu chuẩn hội viên Hội Nhà văn VN. Tôi không đọc vì cảm thấy cái thể tạng tôi có vẻ rất ít khi hấp thu, tiêu hóa được những dưỡng chất tinh thần của tờ báo này, nó được coi là nơi đại diện, phát tiết cho cái gọi là tinh hoa, tinh túy của cái hội số 1 của đất nước có gần ngàn hội viên.
Cầm tờ Văn Nghệ số Tết gộp 3 số 6+7+8, liếc qua một số đề mục, tôi dừng bài “Ngày xuân thăm quê nhà thơ Tố Hữu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê; Tôi để ý tới bài này vì được biết tác giả Nguyễn Khắc Phê là em trai nhà đại trí thứ Nguyễn Khắc Viện, một trí thức hàng đầu luôn có những suy nghĩ, tư tưởng cấp tiến so với thế hệ ông và cái thời mà ông sống…
Tôi dừng lại bài này vì lúc đầu nghĩ là bài khảo cứu, tìm đến ngọn nguồn, mạch thơ của một nhà thơ được coi là tiêu biểu của một thời; Cho đến bây giờ, bản thân tôi vẫn còn thuộc, nhớ nhiều câu thơ của Tố Hữu:
Huế ơi quê mẹ của ta ơi
Nhớ tự ngày xưa tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu chiều lẳng lặng
Mưa nguồn gió biển
Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi
Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương
Mái nhì man mác nước sông Hương
Hà ơi tiếng mẹ run he nhẹ
Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường…
Thế hệ chúng tôi là thế hệ buộc phải học thuộc lòng thơ Tố Hữu, phải thi lên lớp, chuyển cấp, thi học sinh giỏi bằng thơ Tố Hữu. Tâm hồn non trẻ tuổi học trò đã bị ngáo, nhiễm một loại thơ mà bây giờ khi đầu đã bạc, trí óc đã bươn chải qua nhiều khu vực văn hóa, khu vực văn thơ mới ngộ ra không biết xếp thơ Tố Hữu là loại gì?
Đã một đôi lần tôi đã tìm cách tuyển dịch thơ Việt Nam ra tiếng nước ngoài theo yêu cầu của các bạn yêu, quý Việt Nam, đến Tố Hữu quả rất khó chọn bài để dịch giới thiệu để chinh phục các bạn văn về cái gọi là tinh hoa văn học nước mình…Thôi chuyện thơ là chuyện của từng dân tộc, việc dịch thơ thực ra rất khó thành công.
Trở lại bài của Nguyễn Khắc Phê, sau một vài đoạn mào đầu đưa đẩy, cuối cùng lòi ra không phải là một bài khảo cứu mà một bài dạng bút ký với chủ đề, thông điệp: than thở cho cái gia cảnh, cái ngôi nhà sinh ra một nhà thơ được Nguyễn Khắc Phê và nhiều người tôn vinh là “ thủ trưởng”, “ thủ lĩnh”, nói theo ngôn ngữ thời thượng của dân showbiz hiện nay gọi là “ soái thơ”…