Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Paweł Łepkowski - Những ngày cuối cùng của Joseph Stalin

Cuộc sống thiếu lành mạnh, nghiện rượu và kết quả là một cú đột quỵ hay là một vụ giết người được che đậy một cách khéo léo? Vẫn còn nhiều câu hỏi.


Nhân kỷ niệm 60 năm ngày bạo chúa ra đi, người ta đã cho công bố một số văn kiện khẳng định một cách rõ ràng rằng nguyên nhân làm ông ta chết là sức khỏe quá kém và lối sống thiếu lành mạnh. Sau khi khám nghiệm tử thi - được thực hiện vài giờ sau khi Stalin qua đời ngày 5 tháng 3 năm 1953 – đã xuất hiện tài liệu dài 11 trang mô tả nguyên nhân dẫn tới cái chết của “bệnh nhân số một” của Liên Xô.

Báo cáo trông như một tài liệu đáng tin cậy. Có cảm giác rằng các sự kiện hoàn toàn không bị che dấu và các thông tin quan trọng về cách sống của nhà độc tài để xác định nguyên nhân làm ông ta chết cũng không bị làm cho lu mờ đi. Ở tuổi 75, Joseph Dzhugashvili (Stalin) bị xơ gan và xơ vữa động mạch trên diện rộng. Tài liệu khám nghiệm tử thi cho thấy, nguyên nhân trực tiếp là nhà độc tài bị bị đột quỵ do uống nhiều rượu.

Những buổi nhậu nhẹt do nhà độc tài làm chủ xị

Ngày hôm đó Stalin uống rượu vang Gruzia. Trong những lúc rỗi việc, nhà độc tài này thường uống rất nhiều và thích pha nhiều loại rượu với nhau: ông thường pha rượu vang với rượu vodka Nga. Món nhắm của ông khá tinh tế, nhưng thường có nhiều mỡ… (bỏ một đoạn nói về tiểu sử đang ngờ của Stalin)

Những buổi tiệc tùng của Stalin thường bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối và kết thúc vào lúc 3 hoặc 4 giờ sáng, khi giới ăn trên ngồi trốc của nhân dân Liên Xô đã say khướt và nằm ngay trên những thứ mà mình vừa nôn ra bên dưới gầm bàn trong phòng ăn của lãnh tụ. Nhưng chính Stalin thì lại không bao giờ say đến mức mất kiểm soát cả bản thân mình lẫn môi trường xung quanh. Sau khi các bạn nhậu đã gục vì rượu, Stalin mới loạng choạng đi vào phòng ngủ hay nằm trên chiếc ghế dài trong phòng làm việc của ông. Sau này, Nikita Khrushchev nói rằng, mục đích của những bữa ăn tối như thế là chuốc cho khách uống saý và khiêu khích để họ nói ra những nhận xét ngu ngốc hay thiếu suy nghĩ. Stalin, Khrushchev nói, đơn giản là làm cho mọi người say bét nhè, và người ta càng uống thì ông ta càng khoái. Mọi người lần lượt nâng cốc chúc mừng. Sức khỏe hay người nào đó không uống được rượu không phải là vấn đề. Người không uống rượu là kẻ đáng ngờ: rượu làm cho ngay cả những người thận trọng nhất cũng nói thật.

Những miếng thịt nhiều mỡ, các loại rượu khác nhau và hàng chục bao thuốc lá mỗi ngày đã giáng một đòn nặng vào sức khỏe của Stalin, hơn cả những đơn vị quân Đức khi họ tấn công Liên Xô năm 1941. Cái giá mà ông ta phải trả cho cách sống như thế là vụ đột quỵ, xảy ra sau buổi tiếp khách hoàng tráng cuối cùng, sáng ngày 01 tháng 3 năm 1953, làm cho nhà lãnh đạo này rơi vào tình trạng tê liệt. Dữ liệu chính thức của vụ khám nghiệm tử thi không nói như đinh đóng cột rằng Stalin chết là do đột quỵ. Các tài liệu đó khẳng định rằng Stalin chết là do thiếu ô xy, nhưng không nói rõ rằng đấy là quá trình tự nhiên hay một vụ giết người.

Hoang tưởng thời hậu chiến

Giai đoạn rối loạn tâm thần thời hậu chiến của Stalin bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 năm 1945, đấy là khi người ta báo cáo với ông rằng một quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hirosima. Đây là lần đầu tiên người ta nghe thấy những lời cảm thông về dân tộc khác hay nhà nước khác: “Chiến tranh là dã man, nhưng sử dụng bom nguyên tử thì quá dãn man! Hơn nữa, không cần làm thế. Nhật Bản đã thất bại rồi”. Ông ta coi số phận của Hiroshima như một lời cảnh cáo dành cho cá nhân mình. Kể từ đó, ông ta coi các chính sách của Mỹ, đối thủ của ông ta, chỉ còn là đe dọa bằng hạt nhân mà thôi.

Mối đe dọa bên ngoài làm gia tăng sự sợ hãi từng ám ảnh Stalin về những kẻ phản bội, đang lập kế hoạch đảo chính ở Liên Xô. Ngày 7 Tháng 8 năm 1945, ông ra lệnh cho Beria tập hợp các nhà khoa học đang nghiên cứu vật lý hạt nhân và đưa họ tới họp ở Kuntsevo. Ở đây ông ta hăng hái nhấn mạnh vấn đề ưu tiên là bằng mọi cách phải chế tạo được bom hạt nhân. Ông ta đe dọa các nhà khoa học, nhưng đồng thời cũng hứa cho họ hàng núi vàng. “Tất nhiên, có thể tạo điều kiện để mấy ngàn người sống tốt và thậm chí tốt hơn là tốt, - ông nói và sau đó còn vừa nói thêm vừa đăm đăm nhìn vào mặt của các viện sỹ: “Con không khóc thì mẹ không biết nó muốn gì. Hãy nói các vị muốn gì. Không bao giờ các vị bị từ chối”. Trên thực tế, từ đó cộng đồng khoa học đã trở thành đối tượng nghi ngờ mang tính bệnh hoạn của Stalin. Bạo chúa coi những nhà khoa học gốc Do Thái là đáng ngờ nhất, ông ta coi họ là không kiên định về tư tưởng. Người đứng đầu NKVD (Bộ Nội Vụ - ND) Lavrentiy Beriya tự nắm quyền chỉ huy chương trình hạt nhân, dưới quyền lãnh đạo của ông này là 460.000 nhân viên, trong đó có 10.000 kỹ thuật viên.

Tin tức từ Nagasaki và Hiroshima làm Stalin thất vọng đến mức ngày 9 tháng 11, Molotov và Malenkov gần như buộc ông phải đi Biển Đen nghỉ vài ngày. Khi chuyến tàu đặc biệt chở nhà độc tài đã đi theo hướng Sochi, Stalin cảm thấy đau nhói ở ngực. Vài ngày sau, ông bị một cơn đau tim nặng ngay tại nhà nghỉ mùa hè. Ở Moskva có tin đồn rằng Beria, Mikoyan và Malenkov đã giành quyền lực vào tay mình và có thể, trong khi tìm cách chia nhau quyền lực, họ đã che dấu, không để mọi người biết rằng Stalin đã chết. Stalin phục hồi khá chậm. Ông ngủ nhiều và thường đi bách bộ. Cảnh giác chỉ bừng tỉnh sau khi ông đọc bài viết trên trang nhất của tờ báo địa phương ra ngày 10 tháng 10, trong đó có thông báo của hãng tin TASS nói rằng “Đồng chí Stalin đi nghỉ mát”. Lửa được đổ thêm dầu khi tờ Chicago Tribune tung ra báo cáo với tiêu đề rõ ràng “Những tin đồn trên báo chí nước ngoài về tình trạng sức khỏe của đồng chí Stalin”. Tác giả bài báo cho rằng Stalin đã bị mất khả năng làm việc và quyền lực được chuyển cho các nguyên soái Liên Xô. Quyết định cuối cùng để lãnh tụ cắt đứt kì nghỉ là bài phỏng vấn Zhukov trên tờ báo của Mỹ, trong đó vị nguyên soái này đã gán cho mình tất công lao trong cuộc chiến chống Đế chế thứ ba và gần như lờ đi vai trò của Stalin.

Lòng tin của Stalin vào Molotov cũng ngày càng giảm đi, uy tín trên trường quốc tế của ông này làm Stalin ghen tức. Lãnh tụ nắm được bản sao bức thư Molotov viết cho vợ, trong đó có đoạn: “Ở đây, anh nằm ở tâm điểm chú ý của bọn tư sản. Trong khi chẳng ai để ý đến các bộ trưởng khác. Anh rất nhớ em và con gái của chúng ta. Đôi khi anh rất muốn được gần gũi và được em âu yếm”. Đối với Stalin, những câu chữ như thế có thể có nghĩa là muốn chạy sang phương Tây. Molotov cho người ta hiểu rằng nếu có cuộc thanh trừng mới trong Bộ Chính trị thì ông ta sẽ có người giúp, sẽ có chỗ ở và đưa gia đình sang. Người ta cho rằng lúc đó Stalin đã cố tình cho Molotov nhiều tự do hơn trong lĩnh vực đối ngoại của Liên Xô. Molotov là một người thực tế và thực dụng, sớm muộn gì cũng sẽ xung đột với lãnh tụ.

Stalin đã làm Molotov mất cảnh giác, ông này đã xây dựng được những mối quan hệ thân thiện với một số chính trị gia phương Tây, và thế là, Stalin bất ngờ tấn công Molotov ngay trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 8 tháng 11 năm 1945. Stalin sử dụng đại từ “вы” (ông – ND) với người mà ông ta vẫn gọi là “ты” (anh, cậu – ND), đã tung ra một bài diễn văn gay gắt, cáo buộc Molotov là tìm cách xa lánh chính phủ và thể hiện bản thân như là người theo phái tự do. Những người chứng kiến sau đó nói rằng Molotov bệch ra như phấn, ông ta từ từ đứng dậy, lưng gập lại, và theo đúng nghi lễ trong Điện Kremlin, ông ta vừa nhìn chằm chằm xuống sàn nhà vừa tự phê bình, bắt đầu bằng những từ ngữ như sau: “Tôi thừa nhận rằng tôi đã để xảy ra sai lầm nghiêm trọng”. Molotov, trong nhiều năm vốn được hưởng đặc quyền là được gọi Stalin là “Koba”, đã trở thành thành phần bị nghi ngờ là phản quốc và bù nhìn của chủ nghĩa tư bản. Đối với những những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước có mặt trong phòng - đó là tín hiệu rõ ràng rằng bệnh hoang tưởng của Stalin đã bắt đầu diễn ra dưới hình thức mới và cực kì nguy hiểm.

Có lẽ, ngay lúc đó một số ủy viên Bộ Chính trị đã nghĩ rằng cần phải loại bỏ kẻ tâm thần này, nhưng phải chờ vài năm mới thực hiện được kế hoạch, để tất cả các yếu tố đều cho thấy rằng ông ta chết một cách tự nhiên.

Nhân chứng quá trình hấp hối

Không ai chứng minh được rằng các chính trị gia quan trọng nhất trong Điện Kremlin đã âm mưu chống lại vị tổng tư lệnh của mình. Tuy nhiên, có những manh mối chỉ ra rằng sự kiện ngày 5 tháng 3 năm 1953 có những dấu hiệu của một vụ ám sát chính trị. Giấy chứng tử chính thức của Joseph Vissarionovich Dzhugashvili viết rằng trái tim của “Lãnh tụ Kính yêu” và “vầng thái dương của nhân loại tiến bộ” đã ngừng đập vào lúc 21 giờ 50 phút. Nhưng, 48 giờ trước đó trong cuộc đời nhà lãnh đạo thì được giữ kín. Phiên bản chính thức nói rằng trước đó Stalin uống loại rượu Gruzia mà ông vẫn thích, sau đó ngã gục xuống sàn nhà và rơi vào tình trạng hôn mê. Chúng ta không biết, tối hôm đó giới chóp bu Liên Xô có kế hoạch tới Kuntsevo ăn nhậu hay không. Chỉ biết rằng lúc Stalin chết, ở đó có mấy chục người, trong đó có cô con gái, tên là Svetlana, con trai tên là Vasily, cũng như những người khách thường xuyên có mặt trong những buổi ăn nhậu, đứng đầu là Molotov, Beria và Khrushchev. Trong nhà và xung quanh nhà là đội bảo vệ và nhân viên y tế chuyên chăm sóc sức khỏe cho nhà độc tài.

Cô con gái Svetlana Alliluyeva, 27 tuổi, lúc đó còn mang họ Stalin, là người duy nhất khóc khi nhà độc tài này qua đời. Nhưng, nhiều năm sau bà này viết: “Năm 27 tuổi, tôi đã chứng kiến quá trình suy sụp về mặt đạo đức của cha mình, ngày nào tôi cũng nhìn thấy ông đang đánh mất hết nhân tính con người và trở thành tượng đài ảm đạm cho chính mình”. Bà không bao giờ tha thứ cho những việc mà cha đã làm với mẹ mình, nên sau khi nhà độc tài chết, bà đã đổi sang họ mẹ. “Tôi cho rằng cái chết của mẹ, mà ông coi là sự phản bội, đã tước đi của ông những tàn tích còn lại của tình người”, - cô cáo buộc ông như thế. Nhưng, cái chết của Stalin không mang lại cho bà niềm vui và không làm cho bà cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bà vẫn là con tin của cha mình.

Mô tả về cái chết của Stalin có vẻ khá thực tế, rất khó nghi ngờ rằng đây là trò bịp bợm: “Mặt tối dần và thay đổi, nét mặt ông dần dần trở thành không thể nhận ra được nữa (...) Đau đớn thật là khủng khiếp. Nó bóp nghẹt ông ngay trước mắt mọi người. Có một lúc - tôi không biết có thực sự xảy như như thế không, nhưng dường như – ông đột nhiên mở mắt ra, và nhìn tất cả những người đang đứng xung quanh. Đó là một cái nhìn khủng khiếp, có thể là mất trí hay tức giận và đầy sợ hãi trước cái chết. (...) Rồi ông giơ tay trái của mình lên và dường như chỉ vào cài gì đó ở bên trên hay là đe dọa tất cả chúng tôi. Sau đó, linh hồn, làm một nỗ lực cuối cùng và thoát ra khỏi cơ thể ... (...) Mặt nhợt nhạt dần và trở lại hình dạng quen thuộc. Vài giây sau, khuôn mặt trở thành bình lặng, yên tĩnh và đẹp. Tất cả những người đứng xung quanh đều như trời trồng, họ cứ đứng im như thế mấy phút, tôi không biết bao lâu – dường như khá lâu”.

Đoạn mô tả bên trên chỉ ra rằng nguyên nhân là đột quỵ, lúc đó gọi là nhồi máu, đồng thời cũng cho thấy rằng Stalin đã không được những người có chuyên môn giúp đỡ. Thậm chí người ta còn không đưa ông tới bệnh viện. Ông chết trong phòng đầy khói thuốc lá trong nhà nghỉ của mình ở Kuntsevo. Những người mà trước đó vài ngày chỉ cần ông ra hiệu bằng ngón tay là đã sẵn sàng chết, im lặng chứng kiến cơn hấp hối của ông. Nhưng có thực sự là họ không làm gì hay không?

Cái chai bí ẩn

Năm 2008, nhà văn kiêm nhà sử học Nga, Nikolai Dobryuha, được quyền tiếp cận với các biên bản mật của của Cục An Ninh (FSB), liên quan đến cái chết của Stalin. Kết luận sau khi đọc các tài liệu này được ông công bố trong tác phẩm Người ta đã giết Stalin như thế nào (Как убивали Сталина). Dobryuha, cũng như nhiều người viết tiểu sử Stalin nổi tiếng khác (đặc biệt là nhà sử học người Anh Simon Sebag Montefiore), khẳng định rằng Lavrenti Beria giành được quyền lực của chính phủ trong ngày 3 tháng 3 năm 1953, vì lãnh tụ đã ở trong tình trạng hôn mê. Dobryuha đã phát hiệu tài liệu chứng minh rằng ngày 3 tháng 3 Beria đã chuẩn bị xong bài báo đầy cảm hứng về cái chết của vầng thái dương của nhân loại. Đêm 2 tháng 3, Stalin, vẫn ở trong căn hộ của mình ở Moskva, đã bị xuất huyết não do huyết áp cao và xơ vữa động mạch, Dobryuha nhấn mạnh như thế. Điều này có nghĩa là toàn bộ câu chuyện về các sự kiện ở Kuntsevo có thể là trò bịp bợm, và tất cả các nhân chứng thực ra là đồng phạm của âm mưu lớn nhất trong lịch sử nước Nga.

Dobryuha cũng chỉ ra các biên bản thẩm vấn lực lượng bảo vệ của Stalin về tình hình của bệnh tật của ông, được lập ngày 3 tháng 3. Từ lời khai của họ, thấy rằng nhà độc tài được tìm thấy đang nằm bên cạnh một cái bàn vào ngày 1 tháng 3. Trên bàn có một cái chai đã uống hết một nửa. Cái chai biến mất mà không để lại dấu vết này sau đó đã trở thành đối tượng chính của mối nghi ngờ của những người đi tìm dấu vết của tội ác dẫn tới cái chết của Stalin. Dobryuha nhấn mạnh rằng trong phòng còn hai cái chai nữa, nhưng chỉ có cái này biến mất mà thôi, mặc dù, theo lệnh của Gregory Mayranovskiy, trưởng phòng độc dược của NKVD, phải mang nó tới Lubyanka (trụ sở Bộ nội vụ - ND). Đáng chú ý là Mayranovskiy, người đòi phải phân tích thành phần chai nước, đã bị bắt ngay trong ngày hôm đó - theo lệnh của Beria.

Ngoài ra còn có phiên bản thứ ba, kết hợp chính sử với những phát hiện của các nhà sử học, như Dobryuha. Có lẽ, người ta đã đưa Stalin, lúc đó đã sắp chết tới nhà nghỉ và bịa ra câu chuyện về rượu vang Gruzia và vụ đột quỵ.

Dù sao cũng là Beria

Chả lẽ tất cả những sự kiện ngày 5 tháng 3 năm 1953 được mô tả trong tất cả các sách giáo khoa lịch sử – chỉ là chuyện bịa đặt của một nhóm người sợ hãi bệnh hoang tưởng lão suy của Stalin? Những tài liệu mới xuất hiện chỉ ra rằng những sự kiện xảy ra ở Kuntsevo chỉ có thể là đoạn kết hoàn hảo của một âm mưu chống lại con người quyền lực nhất thế giới. Nhiều năm sau, con trai của Lavrentiy Beriya kể lại: “Năm 1952, cha tôi nhận ra rằng ông không còn gì để mất ... Ông ấy không phải là một người hèn nhát và cũng không phải là một con cừu, ngoan ngoãn đi đến lò mổ. Tôi không loại trừ khả năng là ông đã dự định làm một cái gì đó. Trong các cơ quan của ông bao giờ cũng có những người sẵn sàng làm việc này. Ngoài ra, ông có cơ quan tình báo của riêng mình, không phụ thuộc vào cơ cấu hiện có”. Ký ức của ông này xác nhận những sự kiện mà Svetlana Alliluyeva mô tả.

Ngày 22 tháng 12 năm 1952, Stalin mời tới Kuntsevo bộ ba không thể tách rời trong những cuộc nhậu nhẹt ban đêm: Beria, Khrushchev và Malenkov. Trong khi ăn, ông bất ngờ quay sang Khrushchev: “Các ông nghĩ rằng tôi không biết tất cả các ông đều báo cáo cho Molotov và Mikoyan hay sao? Tôi không thể chấp nhận chuyện này”. Hai người bạn lâu năm của Stalin, Vyacheslav Molotov và Anastas Mikoyan, đã bị nhà độc tài không thích từ lâu rồi. Nhưng, bây giờ, họ, cùng với tất cả bộ máy chính trị có nguy cơ bị tiêu diệt.

Khởi đầu cho vụ thanh trừng đã được lên kế hoạch và được chuẩn bị trong vòng năm năm làn sóng bài xích người Do Thái, bắt đầu vào ngày 13 tháng 1 năm 1953, là bài báo của Stalin trên tờ “Pravda” về việc bắt giữ các bác sĩ Do Thái, mà ông ta gọi là “những kẻ giết người và gián điệp ghê tởm khoác mặt nạ giáo sư-bác sĩ”. Lời tuyên bố nói rằng các cơ quan an ninh đã mất cảnh giác cũng là lời kết án Beria. Nhưng Beria không muốn có số phận giống như những người tiền nhiệm của mình là Yezhov và Yagoda. Chỉ có một cách có thể chặn đứng bàn tay của kẻ điên rồ này: tổ chức vụ ám sát được suy nghĩ tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Những kẻ âm mưu đã lợi dụng cơn cuồng loạn chống lại các “bác sĩ sát thủ” mà nhà độc tài đã gây ra. Ngày 2 tháng 3, đáng lẽ phải cứu Stalin thì họ lại đưa vị bác sĩ riêng của Stalin vào ngục tối ở Lubyanka vì sơ suất trong khi thi hành nhiệm vụ.

Rõ ràng, những kẻ âm mưu đã phân phối vai diễn một cách rất cẩn thận. Beriya phải cho vào rượu chất ngừa đông máu, trong vài ngày sẽ gây ra đột quỵ, còn Khrushchev và những khác – thì hạn chế đến mức tối thiểu việc chăm sóc y tế. Bằng chứng hỗ trợ cho luận điểm này là lời của Beria, tại cuộc họp đầu tiên của Bộ Chính trị sau đám tang. Ông ta đã phá vỡ sự im lặng đầy tang tóc, và đã làm mọi người ngạc nhiên, khi nói thẳng ra rằng: “Một tên vô lại, một tên khốn kiếp! Cảm ơn Chúa, chúng ta đã thoát được hắn. Hắn chẳng thắng cuộc chiến nào hết, chúng ta đã giành chiến tranh. Không chỉ có thế - có thể tránh được cuộc chiến”.

Paweł Łepkowski

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời người dịch: Xin xem xét các nhân vật được nhắc tới trong bài báo này:

Nikita Sergeyevich Khrushchyov (1894-1971) là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông là người kế nhiệm Stalin, sau khi Stalin chết vào năm 1953. Năm 1964 bị đàn em đảo chính và bị giam lỏng tại gia cho đển chết.

Vyacheslav Mikhailovich Molotov (1890-1986) là chính trị gia và nhà ngoại giao, nhân vật nổi bật từ thập niên 1920, khi ông nổi lên trở thành nhân vật quyền lực trong Đảng Cộng sản LX. Năm 1957, ông ta bị Nikita Khrushchep loại khỏi Đoàn chủ tịch (Bộ chính trị) Uỷ ban Trung ương.

Georgy Maksimilianovich Malenkov (1902-1988) là Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Năm 1957, Malenkov bị buộc tội tham gia Nhóm chống Đảng và bị loại khỏi Bộ Chính trị. Năm 1961, ông bị khai trừ khỏi Đảng.

Lavrentiy Pavlovich Beria (1899 –1953) là chính trị gia, nguyên soái, phụ trách an ninh quốc gia, lãnh đạo bộ máy an ninh và và cảnh sát mật Liên Xô (NKVD) và là Phó Thủ tướng trong những năm thời hậu chiến (1946–1953). Bị bắt giữ với tội phản quốc ngày 26 tháng 6 1953. Bị bắn ngay sau phiên tòa.

Светлана Аллилуева,con gái Stalin, (1926 – 2011), năm 1966 lợi dụng việc đưa thi hài chồng về Ấn Độ, đã chạy sang Mỹ, cuối năm 1984 mới trở về Liên Xô. Sống và chết trong cô đơn.

Василий Сталин (1921-1962) trung tướng, chỉ huy lực lượng không quân quân khu Moskva. Sau khi bố chết bị điều ra khỏi Moskva để chỉ huy quân khu khác, không tuân lệnh, chạy vào đại sứ quán Trung Quốc, và tuyên bố rằng Stalin bị đầu độc. Ngày 28 tháng 4 năm 1953 bị bắt, và bị tù đầy cho đến chết.

Genrikh Grigoryevich Yagoda, tên khai sinh Yenokh Gershevich Iyeguda là một quan chức cảnh sát mật Liên Xô, người từng là giám đốc NKVD, cơ quan an ninh và tình báo của Liên Xô từ năm 1934 đến năm 1936, bị giết năm 1938.

Yezhov cũng là giám đốc NKVD, bị giết năm 1940.

Đáng chú ý là Mayranovskiy, người đòi phải phân tích thành phần chai nước, đã bị bắt ngay trong ngày hôm đó - theo lệnh của Beria

Ngày 2 tháng 3, đáng lẽ phải cứu Stalin thì họ lại đưa vị bác sĩ riêng của Stalin vào ngục tối ở Lubyanka vì sơ suất trong khi thi hành nhiệm vụ.

Điện Kremlin thời đó là vương quốc của tình yêu hay vương quốc của bầy quỷ dữ?

(Hết lời người dịch)

* Bản gốc trên Rzeczpospolita, dịch từ bản tiếng Nga tại http://inosmi.ru/history/20161009/237994318.html

(Blog Phạm Nguyên Trường)

Không có nhận xét nào: