Nhà báo tự do Phạm Cao Phong
Ra khỏi Bắc Kinh khoảng 70 km, du khách sẽ thấy Vạn lý Trường Thành.
Người Trung Hoa hãnh diện với biểu tượng này như người Ai Cập phải hít đầy lồng ngực trước khi nói về Kim Tự Tháp Khéops có con nhân sư Sphinx mũi gẫy canh giữ.
Về quân sự, đây là một thành lũy xây dựng tốn công nhất, ngu xuẩn nhất, vô ích nhất.
Nhà Minh, triều đại Hán tộc cuối cùng xây thêm 8.850 km không cứu nổi Chu Do Kiểm phải thắt cổ tự tử và bộ tộc họ gọi là 'rợ' trào xuống Trung nguyên, lập ra nhà Thanh.
Sự vô dụng đó đã bộc lộ ngay từ thế kỷ 13, khi Thành Cát Tư Hãn xóa nhà Kim, chiếm Yên Kinh.
Ngày nay, ông Tập Cận Bình đang xây dựng một hình ảnh tương tự như xây Trường Thành bằng việc cách ly dân số Hồ Bắc, gần ngang dân số cả nước Pháp.
Tâm lý vây kín, tập trung máy móc, thiếu điều kiện, một lần nữa không giúp cho việc ngăn dịch bệnh.
Ở Nhật, du thuyền Diamond Princess chỉ có 3.000 người, tiêu chuẩn cách ly hơn hẳn Trung tâm Triển lãm Vũ Hán cải tạo vội, hoặc ba bệnh viện xây cấp tốc ở Hoả Thần Sơn làm nơi trú ngụ cho bệnh nhân virus Trung Quốc.
Diamond Princess không chặn nổi lây nhiễm thì các bệnh nhân nằm trong các khu dựng tạm ở Vũ Hán liệu có lối ra?
Cách ly cả triệu người là một biện pháp khả thi, có nhân phẩm?
Phong tỏa, cách ly không đúng cách là cánh tay nối dài cho dịch bệnh.
Cách ly làm tâm lý người dân thiếu hiểu biết giao động, hoảng loạn. Người dân không hiểu, không có lòng tin với các nhân viên y tế, sẽ che giấu các triệu chứng nhiệm bệnh để tránh bị cách ly. Đó là con đường xuất cảnh lậu virus corona ra thế giới.
Singapopre hiện đang giữ và xét xử một cặp vợ chồng Trung quốc khai man về lộ trình di chuyển, mang mầm bệnh vào lãnh thổ nước này. Cả hai có nguy cơ bị tù 6 tháng và 14.000 đô la tiền phạt.
'Chứng kiến một tội ác mới'?
Phải chăng chúng ta đang chứng kiến một tội ác mới của đảng Cộng sản Trung Quốc hy sinh Vũ Hán như một khối ung thư cần cắt bỏ?
Câu chuyện những hạt thóc với các ô bàn cờ không khác cơ chế lây nhiễm dịch bệnh. Người phát minh môn cờ Vua cho một ví dụ về phép tính lũy thừa.
Ô đầu tiên bỏ một hạt, ô thứ hai bỏ vào 2 hạt, ô thứ ba bỏ vào 4 hạt, ô thứ tư bỏ vào 8 hạt, cứ như vậy đến ô thứ 64. Thoạt nghe khiêm tốn, nhưng không một quân vương nào trên thế giới đáp ứng nổi.
Số hạt thóc ô sau sẽ gấp đôi ô trước, cho đến ô thứ 64, sẽ là :
S=2^64−1 = 18,446,744,073,709,551,615 hạt, tương đương 641 tỷ tấn thóc. Ngày nay, toàn thế giới chỉ sản xuất được 2 tỷ tấn/ năm.
Tháng 8/2003, riêng đợt nắng nóng 'Canicule' tại Pháp đã làm 19.490 người chết do không dự phóng điều kiện chăm sóc cho những người già cô đơn, dịch vụ y tế thiếu thốn vào tháng hè. Y tế như Pháp mới đương đầu với nhiệt độ nhẩy lên 40-44°C đã lâm vào khủng hoảng.
Trả lời tổng thống Macron đến thăm bệnh viện Pitié-Salpêtrière dự phóng dịch virus corona, giáo sư bác sĩ Éric Caumes nói:
"Nếu chỉ có 1.000 bệnh nhân, chúng ta có thể gánh nổi. Nhưng nếu là 1 triệu hay 10 triệu ca phải gánh trong cùng một giai đoạn ngắn thì vỡ trận".
Đó là câu trả lời của Y tế Pháp cho một thành phố 5 triệu dân. 5 triệu đã điêu đứng, đã phải lo đến việc phân tán, chia sẻ gánh nặng ra cả nước, khuyến cáo người dân không nên hoảng loạn, tự cứu, nâng cao ý thức cộng đồng.
'Đánh virus đến người Vũ Hán cuối cùng?'
Phải chăng Tập Cận Bình đang đánh virus đến người Vũ Hán cuối cùng?
Ông đọc quyết tâm dập dịch trước các màn hình trong một căn phòng không rõ ở đâu còn đeo mặt nạ. Vũ Hán từ trung tuần tháng 12/2019 đã thiếu nghiêm trọng khẩu trang, vật liệu phòng dịch cho thấy viễn cảnh u ám của con dê tế thần.
Dối trá là bệnh của nhiều chính trị gia
Năm 1986, Bộ trưởng Y tế Michèle Barzach nói các đám mây phóng xạ của vụ nổ Chernobyl ở Liên Xô sẽ không ảnh hưởng tới Pháp. Công luận đã chế nhạo và hỏi ngược lại, phải chăng vì các đám mây không được cấp thị thực, nên phải dừng ở biên giới?
Gần đây, ngày 25/2/2020, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo muốn giữ thể diện nhiệm kỳ cầm quyền, đã chỉ trích phát biểu của cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn, hiện là đối thủ cạnh tranh vào chức Đô trưởng là thiếu khách quan và ác ý khi cho rằng"Paris chưa sẵn sàng và đủ điều kiện nếu dịch corona bùng phát."
Hidaigo sau đó đã hứng chịu nhiều phê phán.
Pháp là nước dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập, còn vướng nhiều trắc ẩn, còn nhiều thủ đoạn chính trị đen tối.
Tập Đại đại thay đổi hiến pháp để nắm quyền lãnh đạo đến hết đời. Cường quốc thứ hai thế giới đưa được phi thuyền lên phần tối của Mặt Trăng, có công nghệ 5G 'vượt Mỹ', giam cầm cả triệu người Uighur mà thế giới nín thinh.
Trung Quốc ép WHO không nhận Đài Loan làm thành viên để được nhận các biện pháp hỗ trợ, 23 triệu dân Đài Loan là rác trong ván bài chính trị của TQ mà chỉ có hai nước lên tiếng phản đối.
Họ áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới, để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để nói mặt mũi TQ hồng hào.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích, còn hoan nghênh "sự minh bạch", "nhanh chóng" của ông Tập
Tất cả, tất cả tạo cho nhà cầm quyền TQ sự hoang tưởng về sức mạnh, tự cho họ quyền thao túng thế giới.
Họ không ngờ lại có con virus corona không nghe lời Đảng.
Điều trớ trêu, Trung Quốc cung cấp 60% các loại nguyên liệu cần thiết cho bào chế thuốc, 35 phân tử cơ bản điều trị ung thư, sản xuất 60% thuốc paracetamol, 90% penicilline, hơn 50% thuốc ibuprofen cho thế giới, mà hôm nay phải quỳ gối trước virus corona.
Họ phải thú nhận đây là dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ khi lập quốc năm 1949.
Câu nịnh thô thiển ở Trung Quốc (giống ở Việt Nam) là "Đảng cho ta sáng mắt, sáng lòng " .
Sự gian dối, đàn áp nhân quyền, tô hồng, lấp liếm là căn bệnh kinh niên của chế độ, đã chọc mù mắt những cơ chế cảnh báo.
'Không dám thổi kèn đám ma'
Thực ra, mạng xã hội Vũ Hán đã báo động từ cuối tháng 12/2019 với những hình ảnh về thực trạng dịch bệnh mà Trần Thu Thực và nhóm 'Công dân làm báo' đưa ra. Trần nói:
"Tôi khiếp sợ khi nhìn thấy những tử thi nằm trên nền đất, nằm trên ghế phòng chờ cùng với người bệnh đang chầu chực đến lượt điều trị. Song cô y tá nói với tôi, đó chưa là cái gì…
Tôi sợ, phía trước tôi là virus corona, đằng sau tôi là quyền lực của nhà cầm quyền. Nhưng tôi sẽ đứng dậy, cho đến khi còn sống được ở thành phố này, tôi sẽ còn tiếp tục làm, kể lại những gì mắt tôi thấy, nói lại những gì tai tôi nghe ".
Các quan chức Vũ Hán dù được cảnh báo, không dám là kẻ thổi kèn đám ma khi năm mới âm lịch đến gần. Họ đợi tín hiệu từ Trung ương. Dịch tả lợn vừa lướt qua đã thổi bay 500 triệu đầu heo tại Trung quốc dẫn đến khan hiếm thịt lợn Tết. Thêm tin này, họ chung nỗi sợ mất mặt, mất điểm như Tập Đa đa.
Chỉ đến 20/1/2020, Tập Cận Bình đưa ra những chỉ thị về dịch, Quốc vụ viện Trung Quốc mới phê chuẩn bệnh viêm phổi virus Corona là 'bệnh truyền nhiễm loại II', song vẫn "có thể phòng ngừa, có thể kiểm soát ".
Đến 22/1, Hồ Bắc kích hoạt báo động khẩn cấp về y tế cộng đồng cấp độ II. Con số lây nhiễm lúc này đã lên tới 570 ca, 17 người thiệt mạng, 5 triệu người thoát khỏi Vũ Hán, so với con số ngày 8/12 là 27 ca, 7 tử vong.
Đến nay tất cả đã quá chậm. Con quỷ corona đã trốn thoát, xuất ngoại, lan ra cả nước và các nước.
Trung Quốc đang đưa ra những con số nhằm chứng minh dịch bệnh đang hạ nhiệt. Song WHO không lạc quan như vậy: "Hãy còn quá sớm để nói rằng bây giờ là nửa chặng đường hay là đoạn cuối của dịch virus corona."
Giáo sư bác sĩ Denis Malvy phụ trách nhóm nghiên cứu bệnh nhiệt đới Bordeaux, nơi điều trị lành bệnh những ca virus corona ở Pháp cho biết: "Chúng ta biết rằng, nhiều căn bệnh lây lan tương tự bùng phát trong những khoảng thời gian dài. Cần phải chờ đợi thêm một thời gian để biết chắc chắn".
Dịch đang lan ra trên 60 nước nhưng Trung Quốc lại chặn luồng thông tin, ra quy định mới về thị thực hành nghề cho các phóng viên nước ngoài. Truyền thông chỉ được cấp visa ba tháng, thậm chí một tháng, ít hơn cả visa du lịch.
Chế độ công an trị vẫn đè lên cuộc sống. Chính trị vẫn cao giá hơn mạng người. Sắp tới, quốc gia này sẽ xuất bản quyển sách ca ngợi Tập Cận Bình bằng sáu thứ tiếng, trong đó tập hợp 13 cuộc điện đàm Tổng Bí thư trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới trong dịp chỉ đạo 'vượt sóng cả' virus corona.
Nhưng con virus lại không biết đọc để thấy lãnh tụ 'vĩ đại' tới mức nào, để mà sợ.
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo và nhiếp ảnh gia tự do sinh sống tại Paris, Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét