Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Trung Quốc công bố báo cáo ‘hơn 300 tàu cá Việt Nam xâm nhập lãnh hải’

Báo cáo của SCSPI đưa ra dữ liệu về hành động "xâm nhập lãnh hải Trung Quốc" của tàu cá Việt Nam.
Sự kiện Trung Quốc công bố báo cáo về hành động “xâm nhập lãnh hải” của tàu cá Việt Nam vào đúng lúc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng là “có tính toán” và “có chủ ý”, theo nhận định của một chuyên gia với VOA.
Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Peking, Trung Quốc, được truyền thông nước này đồng loạt đăng lên vào ngày 5/3 nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.
“Trong số đó, có 212 tàu đi vào vùng biển phía đông nam của đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu và vùng biển gần Quảng Đông, và khoảng 90 tàu cá đã đi vào lãnh hải của Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ”, báo cáo của Trung Quốc nói.

Theo báo cáo này, hầu hết các tàu cá của Việt Nam tập trung hoạt động tại những khu vực gần các thủy lộ chính dành cho lực lượng hải quân và không quân của nước này tại hai tỉnh trên. “Thậm chí, một số tàu cá Việt Nam còn lọt vào tầm ngắm của các căn cứ quân sự Trung Quốc”, báo cáo nói thêm.
“Hoạt động của các tàu này chỉ nhằm hai mục đích: Một là mục đích kinh tế, tức đánh bắt cá bất hợp pháp. Hai là mục đích an ninh quân sự, tức thực hiện hoạt động trinh sát, gián điệp”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, phủ nhận lập luận của báo cáo trên. Ông nói với VOA:
“Phân giới ở trong Vịnh Bắc bộ, hiệp định này đã ký từ trước và hai bên cùng tuân thủ, tức là họ đã vạch ra một cái vạch ở trên biển, bên này là của Trung Quốc và bên kia là của Việt Nam, vì có thềm lục địa nối với nhau, và đảo Hải Nam cũng có thềm lục địa. Thế thì việc thỉnh thoảng có tàu cá Việt Nam đi vào khu vực ấy là chuyện bình thường, không có chủ định gì cả. Ngược lại, phía Trung Quốc có rất nhiều tàu cá đi vào lãnh hải của Việt Nam đánh cá hoặc buôn lậu thì Việt Nam không bao giờ thèm thống kê. Người ta không cần. Người ta chỉ đuổi về thôi”.
“Nhưng chuyện khó hơn là ở khu vực quanh đảo Hoàng Sa. Hoàng Sa là của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm năm 1974, và bây giờ Trung Quốc bảo một khu vực bao nhiêu hải lý xung quanh Hoàng Sa đó, mà Việt Nam cứ đưa tàu đánh cá vào khu vực đấy là họ bảo đi vào lãnh hải của họ. Chuyện này là chuyện vô lý mà không ai chấp nhận được”.
Báo cáo của Trung Quốc nói hoạt động của các tàu cá Việt Nam trong những năm gần đây “ngày càng tràn lan và gia tăng về số lượng”. Cụ thể, số lượng tàu cá Việt Nam có hoạt động xâm nhập như trên vào tháng 2 vừa qua đã tăng ít nhất là gấp đôi so với tháng trước đó.
“So với các hoạt động của Việt Nam tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tính chất của các hoạt động này thậm chí còn tồi tệ hơn. Nó hoàn toàn vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật biển và các luật quốc tế khác liên quan”, báo cáo của Trung Quốc kết luận.
“Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Và từ đó đến giờ, tàu cá của Việt Nam vẫn đi vào khu vực đó đánh cá. Trung Quốc thì đuổi rất nhiều lần nhưng tàu cá Việt Nam cũng được các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển bảo vệ”, TS. Hà Hoàng Hợp dẫn chứng thực tế tranh chấp giữa hai nước trong nhiều năm qua.
Theo ông, ngoài kết luận phi lý về hành động “xâm nhập lãnh hải” của tàu cá Việt Nam, sự kiện Trung Quốc công bố báo cáo vào đúng thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đến Đà Nẵng cho thấy có một sự tính toán “đầy ý đồ” để “khớp các việc vào với nhau” của người Trung Quốc.
Ông phân tích:
“Một tuần trước, người Trung Quốc đã đưa hơn 140 tàu đến quây đảo Thị Tứ mà hiện nay người Philippines đang quản lý. Và bây giờ, Trung Quốc đang có mấy trăm tàu quây đảo Hoàng Sa lại, chủ yếu là tàu hải quân, tàu hải cảnh, và họ hiện nay xua hết tất cả tàu cá của Việt Nam ra khỏi chỗ đó. Họ làm như thế tức là họ chuẩn bị trên biển. Động tác như thế là để đáp lại việc tàu của Mỹ đến thăm cảng Tiên Sa”.
Theo nhà nghiên cứu này, không loại trừ khả năng sau khi tàu sân bay của Mỹ rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc lại sẽ gây ra chuyện gì đó “tương tự như ở Bãi Tư Chính”. Nhưng TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng Hà Nội “đã chuẩn bị cho tất cả các khả năng ấy”, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn, hướng tới mức độ cao hơn mức “đối tác toàn diện”, lên mức độ “đối tác chiến lược”.

Không có nhận xét nào: