Chính phủ Lào luôn mong muốn trở thành “bình ắc quy của khu vực Đông Nam Á” vì nếu làm được như vậy, họ có điều kiện để phát triển nền kinh tế của họ.
|
Biểu tình phản đối dự án đập Don Sahon |
Để đạt được mục tiêu này, Lào có kế hoạch xây dựng khoảng 70 đập thủy điện trên cả dòng chính lẫn dòng nhánh của sông Mekong.
Tuy nhiên, có rất ít hoặc gần như không có quy hoạch về môi trường trong kế hoạch phát triển thủy điện của Chính phủ Lào. Điều này đã gây ra tranh cãi về những mâu thuẫn giữa một bên là chính sách phát triển kinh tế của Lào với một bên là việc gìn giữ, bảo vệ môi trường đối với khu vực hạ lưu sông Mekong.
Năm 2011, Chính phủ Lào đã cho xây dựng đập Xayaburi - con đập đầu tiên được xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Trong dự án xây đập Xayaburi này, Chính phủ Lào đã “phớt lờ” các nghĩa vụ quy định trong luật pháp quốc tế, khu vực cũng như của chính quốc gia này về việc phải thực hiện những đánh giá đầy đủ liên quan đến tác động môi trường sinh thái, cũng như tác động đối với các vấn đề kinh tế - xã hội tại khu vực hạ lưu khi mà con đập ở phía thượng lưu sông Mekong được xây dựng.
Cũng giống như đập Xayaburi, đập Don Sahong đang được tiến hành xây dựng mà không có sự đánh giá môi trường thích hợp hoặc biện pháp bảo vệ môi trường và cũng không thực hiện yêu cầu tham vấn khu vực.
Bài viết này nhằm chỉ ra những tác động của Don Sahong, đồng thời chỉ các nghĩa vụ pháp lý mà chính phủ Lào phải thực hiện trước khi cho phép xây dựng các dự án đập Don Sahong, bởi hai lý do: thứ nhất, đây là một đập nằm trên dòng chính của sông Mekong, nên buộc phải thực hiện quá trình tham vấn khu vực theo Hiệp định Mekong năm 1995, thứ hai, các quyền con người phải được tôn trọng trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động của dự án này.
Ảnh hưởng môi trường
Theo kế hoạch xây dựng thủy điện của Chính phủ Lào, vị trí của đập Don Sahong nằm trong khu vực Siphandone của Nam Lào. Con đập sẽ được đặt ở vị trí cách hơn 2 km về phía thượng nguồn biên giới Lào - Campuchia và ở cuối hạ lưu của kênh Hou Sahong. Theo đề xuất của Lào, con đập này sẽ có độ cao 32 mét và sử dụng dòng chảy tự nhiên của thác Khôn để cung cấp nguồn thủy điện có công suất 32 MW.
|
Các công trình trên sông sẽ ảnh hưởng tới môi trường |